Ngành xi măng dự kiến sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn trong năm nay. |
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng vừa lên tiếng về những khó khăn của ngành từ đầu năm đến nay do thị trường ế ẩm.
Tồn kho tăng cao
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan mới đây, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nói riêng.
Đặc biệt, do chủ trương cắt giảm đầu tư công, các dự án bất động sản tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng không có vốn để triển khai,… đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng 5 tháng đầu năm 2012 giảm đáng kể.
Cùng với đó, những khó khăn hiện hữu như giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20 - 30%, vốn lưu động thiếu đã làm cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ; nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản.
Cụ thể, ngành xi măng trong 5 tháng đầu năm 2012, sản xuất chỉ đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2011 (22,2 triệu tấn), tiêu thụ xi măng đạt khoảng 18,495 triệu tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2011 (20,681 triệu tấn), cộng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011, lượng clinker, xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn (trên 3.000 tỷ đồng).
Theo Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Trần Văn Huynh, dù sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành (công suất thiết kế) lại tăng khoảng 10% so với năm 2011, do cao trào đầu tư xi măng đã khởi động từ những năm gần đây.
Năm 2012 toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, năng lực khai thác dự kiến đạt từ 62 - 64 triệu tấn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến khoảng 46 - 47 triệu tấn, phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn. Tổng cộng là 53 - 54 triệu tấn, sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn công suất.
Đối với ngành gốm sứ xây dựng, tồn kho đầu năm 2012 đã tăng lên, nếu tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và cả tồn kho từ các đại lý chưa bán hàng tới người tiêu dùng thì lượng tồn đã tăng lên tới 20% (Hiện tại hàng hóa tồn kho khoảng trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng)
Sản xuất vật liệu xây không nung cũng không nằm ngoài xu thế đó khi những tháng đầu năm 2012, việc tiêu thụ vật liệu này, đặc biệt là loại vật liệu xây không nung nhẹ vẫn gặp nhiều khó khăn. Các dây chuyền sản xuất gạch bê tông nhẹ mới chỉ được khai thác với một tỷ lệ rất thấp, hầu hết sản lượng sản xuất chỉ đạt 20 - 30% công suất. Việc tiêu thụ vật liệu xây không nung nhẹ còn rất hạn chế, chỉ tiêu thụ được 50 - 60% sản lượng. Một số doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm đã phải dừng sản xuất.
Riêng ngành sản xuất thủy tinh xây dựng, đá ốp lát phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, hàng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
Xin giảm thuế, hạ lãi suất
Trước thực tế đó, Hội Vật liệu Xây dựng đã thống nhất và kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan một số biện pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, cũng như thực hiện mục tiêu kinh doanh năm 2012.
Cụ thể, Hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ và các giải pháp kích cầu, tạo đầu ra cho các sản phẩm vật liệu xây dựng.
Cùng với đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (tất cả các loại đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, sân bãi các khu công nghiệp) bằng bê tông xi măng; như vậy vừa kích cầu tiêu thụ xi măng vừa giảm nhập siêu do giảm nhập khẩu nhựa đường làm bê tông atsphan, vừa bảo đảm công trình bền vững.
Hội cũng kiến nghị Quốc hội cho áp dụng thuế suất thuế VAT các sản phẩm vật liệu xây dựng là 5% trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành để kích thích người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.
Ngoài ra, Hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm tái cấu trúc ngành công nghiệp xi măng, soát xét điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng để phù hợp với thực tế tiêu thụ xi măng hiện.
Đặc biệt, Hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ (giãn nợ, khoanh lãi các khoản vay đầu tư trước đây) cho các doanh nghiệp để không lâm vào tình trạng nợ xấu, hạ lãi suất cho vay dưới 12% và nới rộng các quy định về điều kiện vay vốn lưu động để các doanh nghiệp khát vốn thực sự vay được vốn với lãi suất thấp để phục vụ sản xuất.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com