Sản xuất xi măng có chỉ số tồn kho khá cao ở mức 240,5% |
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho (tính tới thời điểm 1/8) cao so với cùng kỳ năm 2009 gồm: sản xuất đồ uống không cồn: 663,8%; sản xuất xi măng: 240,5%; sản xuất các sản phẩm bơ, sữa: 215,4%; sản xuất bia: 206,7%...
Đây là con số được Tổng cục Thống kê đưa ra trong Hội thảo “Động thái doanh nghiệp Việt Nam quý II, III/2010” do VCCI, Tổng Cục Thống kế, Viện Cạnh tranh Châu Á phối hợp tổ chức vào sáng 20/9.
Trong báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, những ngành có chỉ số tiêu thụ cao nhất 7 tháng đầu năm gồm: sản xuất gạch, gốm, sứ, ngói… (145,4%); sản xuất đồ uống không cồn (142,9%); sản xuất sản phẩm bơ, sữa là (134,8%); sản xuất bia là (120,9%); sản xuất xi măng (119,8%); sản xuất ô tô, xe máy (118,9%); sản xuất thức ăn gia súc là (115,1%). Ngược lại, những ngành có chỉ số tiêu thụ 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ thấp nhất gồm: sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (59,8%); sản xuất đường (79,4%); sản xuất các thiết bị gia đình (91,1%), sản xuất mỹ phẩm, xà phòng …(97,2%); sản xuất phân bón (97,2%).
Trong khi chỉ số tiêu thụ 7 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm trước là 112%, thì tính đến thời điểm 1/8/2010, chỉ số tồn kho các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo là khá cao 137,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn đang trong thời kỳ khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, thiếu cân bằng giữa sản xuất - tiêu thụ và tồn kho.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tồn kho (tính tới thời điểm 1/8) cao so với cùng kỳ năm 2009 gồm: sản xuất đồ uống không cồn: 663,8%; sản xuất xi măng: 240,5%; sản xuất các sản phẩm bơ, sữa: 215,4%; sản xuất bia: 206,7%...Sở dĩ ngành sản xuất xi măng có lượng hàng tồn kho lớn như vậy là do ngành này hiện đang được cấp phép thành lập mới quá nhiều doanh nghiệp dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm.
Trong báo cáo của mình, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra những nhận định về tình hình sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2010. Theo đó, sản xuất công nghiệp đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng, xu hướng ổn định và tăng trưởng trở lại. Đây là ngành quan trọng góp phần đảm bảo cho tăng trưởng GDP 2010 so 2009 đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
'Đói' điện, dầu than dần cạn kiệt
Mặc dù ngành công nghiệp đang có xu hướng phát triển tốt, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: công nghiệp khai thác (dầu, than) ngày càng phát triển chậm lại hoặc tăng trưởng âm do ngày càng khó khăn hơn về nguồn tài nguyên, điều kiện khai thác; ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện chưa được phát triển ổn định, tình trạng thiếu điện trong năm 2010 cho thấy ngành phải được đầu tư, quy hoạch phát triển cả về năng lực sản xuất lẫn cơ chế, chính sách tiêu thụ sản phẩm hợp lý.
Ngành công nghiệp chế biến là ngành có tỷ trọng giá trị sản xuất cao nhất đang có sự phát triển khá tốt hiện nay. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn khó khăn và nhiều rủi ro cần được tháo gỡ: tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu khó khăn, thiếu ổn định, dẫn đến tồn kho lớn ở nhiều sản phẩm, chất lượng tăng trưởng thấp (tỷ lệ giá trị gia tăng thấp và ngày càng giảm) do chủ yếu phụ thuộc vào nhiều ngành công nghiệp gia công, lắp ráp cho bên ngoài.
Nhưng, nhìn chung, sản xuất công nghiệp năm 2010 có xu hướng phục hồi nhanh và tăng trưởng khá cao, ổn định ngay từ quý I, cụ thể tốc độ tăng sản xuất công nghiệp quý I, II và 8 tháng năm 2010 lần lượt tăng 8,0%; 8,9% và 8,8%.
(Theo Nam Phương // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com