Năm 2010, dự kiến sản lượng xi măng dư thừa lên tới 4- 5 triệu tấn. Con số dư thừa sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo khi các dự án mới đi vào hoạt động hết công suất. Giải pháp xuất khẩu xi măng được nhắm tới nhưng ít khả thi.
Bởi ngay việc chuyển clinker từ phía Bắc vào Nam, nhiều doanh nghiệp đã kêu lỗ thì việc xuất khẩu làm sao có lợi nhuận khi phí vận chuyển quá cao. Các doanh nghiệp ngành xi măng đang chịu nhiều áp lực về thị trường tiêu thụ… Đây là hậu quả tất yếu của việc đua nhau cấp phép cho các dự án xi măng thời gian qua ở các tỉnh phía Bắc.
Năm 2011 thừa khoảng 4,5- 5 triệu tấn xi măng
Xi măng là một ngành công nghiệp đặc thù bởi nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu đá vôi, mỏ sét. Lẽ ra, việc phát triển ngành xi măng phải có quy hoạch vùng cụ thể, căn cứ trên nhu cầu tiêu thụ cũng như điều kiện thực tế của từng địa phương. Nhưng vài năm gần đây, như để lấy thành tích phát triển công nghiệp, các địa phương thi nhau cấp phép cho các dự án nhà máy xi măng. Tình trạng “trăm hoa đua nở” đang dẫn tới hậu quả khủng hoảng thừa xi măng.
Hiện cả nước có tới 108 dây chuyền xi măng đã được đầu tư khai thác với công suất thiết kế là 65 triệu tấn. Dự kiến trong năm 2011 có thêm 12 dây chuyền với công suất 9,35 triệu tấn; năm 2012 thêm 7 dây chuyền, công suất 6,72 triệu tấn và năm 2015 thêm 7 dây chuyền nữa được hoàn thành, nâng tổng công suất lên gần 100 triệu tấn/năm… Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Kế hoạch năm 2010 các doanh nghiệp sản xuất ở mức 53- 54 triệu tấn, trong khi đó mức tiêu thụ chỉ ở con số 50 triệu tấn. Như vậy sản lượng xi măng dư thừa trong năm sẽ lên tới 3- 4 triệu tấn. Nếu tình hình không được cải thiện, sang năm 2011, lượng xi măng dư thừa dự tính sẽ ở khoảng 4,5- 5 triệu tấn, năm 2012 sẽ là 8 triệu tấn…
Khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, việc cung vượt quá cầu sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc cạnh tranh. Bản thân doanh nghiệp phải năng động hơn, sáng tạo hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh để sản phẩm làm ra có chỗ đứng… Tuy nhiên, để ngành xi măng phát triển quá nóng như hiện nay hoàn toàn không phải là cách làm khoa học. Trong khi tư duy “thừa hơn thiếu” đã ăn sâu bám rễ trong đầu một số nhà quản lý dẫn đến việc bạo tay cấp phép tràn lan các dự án xi măng mới. Điều suy nghĩ là chính các nhà đầu tư vào làm xi măng lại khá mơ hồ với con số dự án đang được cấp phép. Việc dư thừa sản lượng xi măng hiện nay là hậu quả tất yếu của cách làm ngẫu hứng, không tuân thủ quy luật cung cầu.
Những thập kỷ trước, ngành xi măng Việt Nam trong tình trạng cung không đủ cầu, phải nhập klinker từ các nước như: Thái Lan, Trung Quốc… Trước bối cảnh đó, việc đưa ra một quy hoạch tổng thể nhằm phát triển ngành công nghiệp xi măng xứng tầm là chiến lược đúng đã được triển khai. Thực tế, những con số dự báo về nhu cầu theo quy hoạch của ngành xi măng khá chính xác. Nếu việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất xi măng tuân thủ đúng theo quy hoạch sẽ tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, bền vững. Nhưng, tiếc rằng vài năm trở lại đây, do quản lý lỏng lẻo và không theo quy hoạch nên các dự án xi măng được cấp phép tràn lan, vượt quá xa so với dự kiến. Ngành nào cũng ôm mộng làm xi măng. Tỉnh nào có núi đá cũng tấp tểnh mở nhà máy. Cứ ngỡ bốc đá, sét đưa vào nung là ra tiền, chả cần biết đến để có một dây chuyền làm xi măng thì vốn đầu tư đâu có nhỏ, từ 3000- 4000 tỷ đồng.
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam do Bộ Xây dựng thiết kế cho thấy tổng công suất các nhà máy sản xuất xi măng đã, đang và sẽ hoạt động trong cả nước đến năm 2010 ở mức 61 triệu tấn/năm. Trong khi đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong giai đoạn này chỉ là 40- 45 triệu tấn/năm. Nhưng đến nay những tính toán của quy hoạch này đã bị phá vỡ. Hiện tổng công suất các dự án xi măng đã phê duyệt trong cả nước lên đến 115 triệu tấn/năm, chưa kể hàng chục dự án vẫn đang nằm chờ cấp phép…
Lời giải nào cho bài toán thị trường
Trước nguy cơ sản lượng xi măng dư thừa ngày càng lớn, Bộ Xây dựng đã có một loạt động thái nhằm giải quyết khó khăn cho ngành xi măng. Bên cạnh việc đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương ngưng cấp phép các dự án mới, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty liên doanh như xi măng Nghi Sơn, xi măng Chinfon Hải Phòng, xi măng Phúc Sơn… nhanh chóng xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2010, mỗi công ty phải xuất khẩu từ 100.000- 150.000 tấn xi măng. Nhưng xuất khẩu xi măng đâu có hiệu quả nên nhiều doanh nghiệp làm xi măng không mấy mặn mà là điều dễ hiểu.
Việc tìm đầu ra cho xi măng bằng con đường xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế. Xuất đi đâu với giá thế nào vẫn là bài toán chưa có lời giải. Xuất khẩu xi măng chỉ có lỗ bởi phí vận chuyển sao gánh nổi? Theo phân tích của các chuyên gia, một nhà máy xi măng chỉ có thể sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong bán kính tiêu thụ khoảng 300 km. Nhưng tại các thị trường gần như Lào, Campuchia, nhu cầu tiêu thu xi măng không đáng kể. Nếu có nhu cầu, họ cũng sẽ mua xi măng nhập khẩu của Thái Lan và Trung Quốc với giá rẻ hơn xi măng VIệt Nam. Còn các thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ từ lâu đã là đất cứ địa truyền thống của Thái Lan, nên xi măng Việt Nam rất khó chen chân vào. Nếu muốn xuất khẩu, Việt Nam chỉ còn cách chọn các thị trường xa hơn như Châu Phi, Brazil… Tuy nhiên, để xuất khẩu được sang các khu vực này, chi phí vận chuyển sẽ rất tốn kém và khả năng thu lỗ của các doanh nghiệp là không tránh khỏi.
Giám đốc các công ty làm xi măng như Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn… đều khẳng định: xi măng xuất khẩu đi không mang lại hiệu quả bởi đây là ngành sản xuất tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu của quốc gia như đá, than, dầu, điện… Mặt hàng này nếu không bảo quản tốt, chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm sẽ bị đông rắn, biến chất. Đó là chưa kể, giá thành sản xuất đang bị đội lên cao do giá điện, than… không ngừng tăng. Nếu xuất khẩu, chi phí vận chuyển lớn, sẽ không chiụ được cầm chắc lỗ chứ không thể có lãi.
Áp lực dư thừa xi măng đang dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp làm xi măng. Do nguồn cung dư thừa, lượng hàng tồn kho ngày một lớn nên một số doanh nghiệp đã hạ giá bán thấp hơn giá thị trường. Họ chấp nhận hòa hoặc lỗ để thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng. Thế mới hay, làm xi măng đâu phải dễ hốt bạc mà sao quá nhiều dây chuyền lớn nhỏ cứ tới tấp mọc lên, để rồi sản phẩm làm ra giằng kéo chân nhau. Cũng bởi vậy giá xi măng bán ra của một số đơn vị thấp hơn mặt bằng giá trên thị trường, khiến người tiêu dùng nghi ngại về chất lượng.
Giải quyết bài toán cung cầu đang trở thành mối lo đối với đa số các doanh nghiệp làm xi măng trong thời điểm hiện tại. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ các cấp quản lý thì vấn đề này sẽ vẫn là trăn trở các ngành xi măng Việt Nam.
(vccinews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com