Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng tại Công văn 1271/BXD-VLXD (ngày 7/7/2010), mỗi đơn vị trong số ba DN có vốn ĐTNN trong lĩnh vực sản xuất xi măng là (Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng và Công ty Xi măng Phúc Sơn) sẽ phải xuất khẩu từ 100.000 tấn đến 150.000 tấn xi măng trong 6 tháng cuối năm 2010. Còn từ năm 2011, các công ty này phải xuất khẩu 50% sản lượng xi măng theo tỷ lệ quy định tại giấy phép đầu tư đã cấp. Từ năm 2012 trở đi, phấn đấu xuất khẩu 100% sản lượng xi măng.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, sở dĩ Bộ yêu cầu 3 DN có vốn ĐTNN phải xuất khẩu xi măng vì trong giấy phép đầu tư, cả ba DN này đều cam kết sẽ xuất khẩu từ 30 đến 40% sản lượng, nhưng thời gian vừa qua, thị trường tiêu thụ của các DN này mới chỉ dừng lại trong nước.
Ông Hoàng Văn Lược, Phó tổng giám đốc Công ty Xi măng Nghi Sơn thừa nhận, việc xuất khẩu là bài toán quá khó đối với Công ty, vì lâu nay, sản phẩm của Nghi Sơn chỉ tiêu thụ trong nước. Mỗi năm, Công ty vận chuyển 2 triệu tấn xi măng vào phục vụ thị trường phía Nam. Ông Lược cho rằng, nếu xuất khẩu 2 triệu tấn xi măng đó, DN phải đầu tư rất lớn, cũng như phải bắt đầu xúc tiến tìm thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là, giá bán một tấn xi măng tại thị trường nội địa của DN này đang cao hơn từ 10 đến 15 USD so với giá xuất khẩu.
Cùng chung cảnh với các công ty liên doanh, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cũng đặt chỉ tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng trong năm nay, nhưng đã gần hết 8 tháng, mà vẫn chưa đạt được 50% chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc Vicem thừa nhận, mặc dù Vicem đã xuất khẩu xi măng sang Lào, Campuchia cả chục năm nay qua đường bộ, song vẫn không xem đó là giải pháp tối ưu, vì chi phí xuất khẩu khá cao. Đặc biệt, nhu cầu xi măng của thị trường Campuchia và Lào có hạn, nên dù muốn, DN cũng khó gia tăng xuất khẩu vào hai thị trường này.
Theo Vicem, đơn vị đang nắm giữ 40% thị phần xi măng trong nước, việc xúc tiến tìm thị trường xuất khẩu xi măng là gánh nặng với các DN thuộc Vicem nói riêng và nhiều DN trong ngành nói chung. Nguyên do là, giá xuất khẩu của xi măng Việt Nam vẫn cao hơn của Trung Quốc, Thái Lan… Ngoài ra, muốn xuất khẩu sang các thị trường mới, thì DN bắt buộc phải qua khâu trung gian, nhưng các DN của Việt Nam mới chỉ chú ý sản xuất để tiêu thụ trong nước, nên ít có các quan hệ, liên kết với các đơn vị trung gian ở một số thị trường dự kiến sẽ tiêu thụ xi măng xuất khẩu.
Ngay Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả đã tự tìm được đầu mối xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi, nhưng cả hai lần xuất khẩu trong 2 năm qua (2009 và 2010) cũng chỉ mới đạt 27.500 tấn.
Lo lắng trước thực trạng dư thừa xi măng mà xuất khẩu không phải là đầu ra tối ưu, ông Anh cũng cho rằng, Bộ Xây dựng nên xem xét dừng hoặc giãn tiến độ đối với các dự án xi măng. Cũng để giảm bớt khó khăn trong tiêu thụ, ngành xi măng đã đề xuất các giải pháp khuyến khích sử dụng gạch, ngói không nung sản xuất từ xi măng thay cho các sản phẩm truyền thống; ưu tiên, khuyến khích các dự án sử dụng xi măng để làm đường giao thông...
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng của cả nước năm 2010 ước đạt 50-51,5 triệu tấn, trong khi đó, năng lực sản xuất của các nhà máy xi măng hiện có và sẽ hoạt động trong năm nay vào khoảng 54 triệu tấn. Trong năm 2011, khi có thêm hàng chục dây chuyền mới được đưa vào hoạt động, sẽ nâng xi măng thừa lên 8 triệu tấn và từ năm 2012, dự kiến sẽ thừa 15 triệu tấn.
Cũng để giải quyết lượng xi măng dư thừa, từ đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã có nhiều động thái như đề nghị các địa phương ngừng phê duyệt các dự án xi măng đến năm 2020, khuyến khích các DN tìm thị trường xuất khẩu, ban hành văn bản về hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu xi măng... Tuy nhiên, vẫn chưa có được lời giải tối ưu cho tình trạng ế thừa xi măng trong tương lai gần.
(Theo Thế Hải // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com