Với tổng công suất 50 triệu tấn xi măng mỗi năm ngành xi măng sẽ mất thêm 450 tỷ do cách thức vận chuyển của TKV hiện nay |
Trong khi ngành điện phản ứng mạnh với phương án tăng giá bán than của Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) thì ngành xi măng “đành” chấp nhận cơ chế điều hành giá than theo thị trường, chấp nhận tăng giá. Tuy nhiên, xi măng lại kêu cứu vì theo phương thức vận chuyển than mà TKV đang áp dụng thì ngành xi măng mỗi năm có thể mất thêm 450 tỷ đồng.
Không ít DN sản xuất xi măng kêu rằng TKV đã áp giá vận chuyển than một cách không... thị trường trong khi Thủ tướng cho phép bán than cho ngành xi măng căn cứ theo giá thị trường. Hiệp hội Xi măng VN cho rằng cách làm của TKV hiện chỉ là thị trường một cách nửa vời.
Trước đây xi măng là một trong những ngành được mua than với giá ưu đãi. Tuy nhiên phương thức tính giá ưu đãi dần dần được dỡ bỏ và hiện nay, xi măng, phân bón, giấy và cả điện đều phải mua than theo giá thị trường. Chính vì có sự ưu đãi về giá nên TKV cho rằng việc TKV vận chuyển than tới tận nhà máy bên mua để chống thất thoát trên đường vận chuyển là điều cần thiết. Về phía các DN có nhu cầu tiêu thụ than, do được ưu đãi nên "chấp nhận" việc chỉ có TKV được vận chuyển than là điều không thể có phương án khác.
Đại diện Hiệp hội Xi măng VN cho biết, việc TKV soạn sẵn hợp đồng và bên mua chỉ ký mà không có quyền thương thảo gì là điều phổ biến đối với không ít DN sản xuất xi măng từ trước tới nay. Hiện nay theo quy định của Chính phủ, than tăng giá là điều các DN phải chấp nhận song về phương thức vận chuyển mà TKV đang áp dụng thì không thể chấp nhận vì giá bán than hiện nay đã hết ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng VN cho biết: Đơn cử trường hợp của một DN sản xuất xi măng phải vận chuyển than qua cảng Việt Trì, lấy than cám 4a làm ví dụ: Từ ngày 1/12/2009, giá than cám 4a đã lên tới 1.170.000 đồng/tấn. Đây là giá than giao tại cảng Quảng Ninh, chưa bao gồm thuế GTGT và phí vận chuyển. Nếu lấy mức giá vận chuyển trung bình là 50.000 đồng/tấn (từ Quảng Ninh đến Việt Trì) cộng với 20.000 đồng (vận chuyển, bốc xúc đến nhà máy) và thuế GTGT (5%) là 58.500 đồng thì mỗi tấn than tới nhà máy bên mua mới có 1.298.500 đồng. Tuy nhiên TKV lại buộc DN phải trả tới 1.400.000 đồng/1 tấn than, đắt hơn chi phí thực tế hơn 100.000 đồng. Hiện nay toàn bộ các nhà máy xi măng trên cả nước có tổng công suất 50 triệu tấn/năm. Với công suất trên, lượng than tiêu thụ lên tới gần 3,5 triệu tấn than thì số chi phí tăng thêm có thể lên tới 350 tỷ đồng.
Đại diện Cty CP Xi măng X18 - Bộ Quốc phòng (X18) còn cho biết một nguyên nhân khiến các DN phải gánh thiệt hại không nhỏ hơn đó là độ ẩm của than. Tại cảng của TKV ở Quảng Ninh, than thường có độ ẩm 7,5% song TKV lại quy định độ ẩm than giao cho khách hàng tới 10,5%. X18 đã kiểm tra nhiều tàu vận chuyển và thấy rằng phần than ở bề mặt tàu độ ẩm cao hơn nhiều so với phần đáy. Tàu chở than thì phủ bạt, vậy không thể do nước mưa làm tăng độ ẩm, liệu có chuyện đổ nước vào than hay không và tại sao lại phải đẩy độ ẩm lên 10,5% ? Việc quy định độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho gian dối, tiêu cực... gây thiệt cho khách hàng. Cũng theo ông Kiên, mới đây do sắp xếp lại nhà cung ứng nên X18 phải thay đổi nhà cung ứng than. Hơn 1 tháng sau, DN cung ứng cũ đến đòi X18 phải thanh toán tiền gần 300 tấn than còn nợ. Nguyên do của việc đã thanh toán xong rồi lại nảy ra nợ cũng là do độ ẩm. Tức là họ nhận ở Quảng Ninh thì ít nhưng đến khi giao cho X18 thì số lượng tăng lên. Cũng là dễ hiểu bởi nếu độ ẩm tăng lên 3% trên đường vận chuyển thì cứ 10.000 tấn than sẽ chênh thêm lên 300 tấn. Ông Kiên bức xúc: 300 tấn này là nước chứ không phải than nhưng DN vẫn phải trả tiền.
Nếu làm một phép tính đơn giản, lấy 3,5 triệu tấn than nhân với 3,5% và nhân với giá 1 triệu đồng thì ngành xi măng mỗi năm lại mất thêm khoảng 100 tỷ đồng nữa. Cùng với con số 350 tỷ đồng đã nêu ở trên, chỉ tính riêng những khúc mắc trong vấn đề TKV "độc quyền" vận chuyển than đã khiến ngành xi măng mất xấp xỉ 450 tỷ đồng mỗi năm.
(Theo Minh Giác // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com