Có lẽ ít ai biết rằng, chủ DN Linh Dương Nguyễn Thị Thanh Tâm đã ấp ủ hoài bão lập nhà máy chè từ khi còn rất nhỏ. Chị kể rằng, trồng chè là nghề nhưng cũng là cái duyên, tính cách và cũng là định mệnh của mình. Sinh ra từ vùng chè Phú Thọ, đã nhiều lần chị đặt câu hỏi, bao nhiêu con người sinh ra ở đó sao họ không làm chè rồi tự trả lời: có lẽ cái nghề đã chọn chị.
Gửi niềm tin vào đất
Cây chè gắn bó với chị từ thuở ấu thơ. 5-10 tuổi nhà chị ở gần những cách đồng chè, vùng đồi chè của tỉnh Phú Thọ. Mẹ chị là một kiện tướng hái chè trong đội sản xuất. Năm ấy khi mới 10 tuổi, hàng ngày đi học về, chị chứng kiến và ngửi mùi lá chè mốc, bởi vì hồi đó quê chị cách nhà máy chè 30-40 cây số. Trời nắng, một tuần xe vào chở chè khoảng 2 lần. Có những ngày trời mưa hay trục trặc xe hỏng, 1-2 tuần họ không vào thu gom, chè bị ôi ngốt chất đống. Có vài người làm nhà rộng, bà con thu hái về để nhờ, cứ phải có người đảo liên tục cho không ngốt chè, 3 ngày sau mới có công nông đầu kéo vào tới nơi bốc đi. Mùi chè ôi ngốt ngấm vào trong máu chị, trong tiềm thức và trong tuổi thơ chị. Chị cảm thấy xót xa cho tài sản, cho mồ hôi bà con nông dân.
Có lần về thăm nhà, bố chị nhìn thấy đống chè ngốt cao quá, xót xa, kêu trời. Khi đó, chị nói với bố: “Bố cứ yên tâm, lớn lên con sẽ xây nhà máy chè”. Câu nói rất vô tư ngây thơ, hồn nhiên không biết từ đâu nhưng nó gắn luôn vào định mệnh của chị từ năm 10 tuổi...
Mùa xuân năm 1994, khi đó chị mới 24 tuổi, rời quê hương, bế theo đứa con 2 tuổi lên Lào Cai theo chồng. Từ đây, chị bắt đầu thực hiện hoài bão mình đã ấp ủ bao lâu. Trước tiên, chị nghiên cứu về cây chè, thổ nhưỡng, khí hậu của Lào Cai. Và chị nhận ra, cây chè phù hợp với độ cao. Càng cao, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn, cây chè càng cho ra những loại sản phẩm độc đáo có giá trị kinh tế bền vững. Đầu tiên, chị chỉ nghĩ làm nhà máy sản xuất chè, nhưng khi nghiên cứu và hiểu rằng nhà máy không đơn giản nếu không có nguyên liệu. Từ đó, chị tính toán trồng nguyên liệu. Khi đó, trong tay chị chỉ có vẻn vẹn 11 triệu đồng tích cóp từ việc dạy học và bán trâu bò từ quê. Sự nghiệp của chị gắn với cây chè bắt đầu từ đây...
Đến năm 1999, khi đã có tương đối vốn, khoảng 4-5 tỉ đồng, chị có ý định thành lập Cty, xây dựng nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu. Khi xây nhà máy, vừa ký hợp đồng xong thì xảy ra lạm phát. Đã có lúc chị nghĩ hay dừng lại, bởi số vốn dự tính xây dựng nhà máy chỉ gần 20 tỉ đồng, nhưng thời điểm lạm phát, giá cả tăng, con số này lên tới 38-40 tỉ đồng. Tưởng như không thể vượt qua, nhưng cuối cùng chị cũng xây xong nhà máy. Đến khi làm được vùng nguyên liệu rồi, chị lại phải gồng mình “chiến đấu” với sản phẩm mới. Sản phẩm ô long là cái gì, bán ở đâu… rồi tất cả các loại sản phẩm khác thế nào, dây chuyền lấy từ đâu, công nghệ thế nào, thị trường đầu ra cho sản phẩm thế nào…
Đến năm 2001, được tỉnh giao thử nghiệm 22 ha ở Bát Xát - nơi chưa có tiền lệ trồng chè, nhưng đất nơi này tốt và rộng, chị đi chọn giống, chính tay ươm từng cái bầu.
Những năm đầu tiên vườn ươm của chị đóng cửa hoàn toàn. Chị họp ở Bát Xát cùng mấy trăm hộ dân, lãnh đạo vùng. Chị đã phải nói: một là Linh Dương tồn tại trên mảnh đất này, hai là gia súc, bà con xác định đi. Nếu Linh Dương tồn tại thì đem lại một cái nghề và coi như sẽ đem lại màu xanh cho mảnh đất trơ trọi này. Còn nếu như gia súc tồn tại thì bà con sẽ nghèo đi, bà con sẽ không có nghề. Chị làm công tác dân vận cho bà con hiểu. Ngày trồng chè, đêm thuê diễn văn nghệ cho bà con xem. Nhưng được một thời gian ngắn, chè lại bị hàng vài trăm con trâu, bò giẫm nát, ăn hết. “Vạn sự khởi đầu nan”, trải qua bao nhiêu đắng cay, nhưng với tâm niệm, gửi niềm tin vào đất, đất sẽ cho của… chị đã thành công sau bao thăng trầm. Năm 2001, chị thành lập Cty TNHH và đến 2008 khi đã vững mạnh, chị chuyển đổi lên TCty.
Chọn một lối đi riêng
Với phương châm “Từ Tâm mà nâng tầm sản phẩm”, những năm qua, Linh Dương đã tung ra thị trường hệ thống sản phẩm cao cấp và an toàn mang tên “Tâm trà”. Nhờ chất lượng thơm ngon, vị ngọt chát đậm đà, bảo quản được lâu nên những nhãn hiệu như Tâm trà Bát Tiên, Tâm trà Tuyết Shan, Tâm trà xanh, Tâm trà Ô Long... đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chữ Tâm trà gắn liền với Linh Dương có ý nghĩa đặc biệt với chị. Bởi vì trà nở từ đất lên, thực tế là đi từ đất, tức là Tâm trà phải có rễ.
Cty là đơn vị đầu tiên của tỉnh mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chè công nghệ cao với công suất chế biến 12 tấn chè búp tươi/ngày, sử dụng 2 dây chuyền chế biến chè xanh Shan Tuyết công nghệ Trung Quốc và chè Ô Long công nghệ Đài Loan trị giá 19 tỉ đồng. Để đáp ứng công suất của nhà máy (4 tấn chè thành phẩm/ngày), Cty đã mở rộng vùng nguyên liệu chè Shan Tuyết và Ô Long tại một số xã, phường của thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát. Hầu hết diện tích chè nguyên liệu của Linh Dương được trồng ở độ cao 1.500 – 1.800 m so với mực nước biển, lại được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hoà, mát mẻ, mỏ quặng apatít nằm dưới lòng đất cũng góp phần làm tăng dinh dưỡng cho đất nên những đồi chè nơi đây quanh năm xanh tốt, lượng búp thu hái được nhiều hơn hẳn so với các địa phương khác.
Có lẽ “phong ba bão táp” cũng không thể quật ngã được ý chí, nhiệt huyết của bà chủ TCty cổ phần Linh Dương. Chị ví von, bước vào con đường làm chè như một cuộc cách mạng và chị đang làm cách mạng cải cách kinh tế cho mình nói riêng và cho cả ngành chè của tỉnh Lào Cai nói chung.
Định hướng phát triển Linh Dương là đẩy mạnh kênh phân phối song song với văn hóa nghệ thuật thưởng thức trà. |
Để hiểu được nét thanh tao, thưởng ngoạn chè của khách, chị lại tính đến thị trường. Chị tiếp xúc hội chợ trong nước, nước ngoài. Nhiều lúc chị lang thang ở Hà Nội giữa cái nắng, bụi bặm, la cà vào các quán trà để tìm ra một cái riêng cho sản phẩm của mình. Chị phân khúc thị trường, mỗi thị trường chị đều có sản phẩm phù hợp. Mục tiêu chiến lược của sản phẩm Linh Dương là 5 năm sau nữa người ta mong muốn cái gì ở trà. Chị tính toán để đưa ra 3 cấp độ sản phẩm: dạng trà cánh, trà túi lọc, sau đó là nước đóng chai, đồng thời khai thác triệt để kết hợp với các dược liệu quý ở SaPa, dẫy Hoàng Liên để cho ra sản phẩm trà tắm, trà uống, trà chữa bệnh, trà cho bóng đá, loại trà cho chùa chiền, cho học sinh, … ở nhiều lứa tuổi. Đồng thời, chị xây dựng kênh phân phối. Đến nay, sản phẩm chè Linh Dương đã phân phối trên hơn 1.000 điểm trong nước và xuất ra nước ngoài. Chị muốn xuất khẩu không chỉ là sự mua bán đơn thuần mà còn muốn mang văn hóa bản sắc tâm hồn của người VN ra với thế giới qua sản phẩm của mình. Định hướng phát triển của Linh Dương là đẩy mạnh kênh phân phối song song với nó là văn hóa nghệ thuật thưởng thức trà, văn hóa trà, du lịch trà sẽ đi cùng để kích cầu cho mạng lưới phân phối.
Khi được hỏi: nhìn chị mảnh mai như một diễn viên múa, sao không chọn một công việc nhàn hạ mà lại chọn con đường đầy chông gai, rủi ro? Chị Tâm cười vui vẻ, tính cách chị là thích đối mặt thử thách, thích làm điều say mê của riêng mình, thích chọn một lối đi riêng trong muôn vàn lối đi khác. Khi chị chấp nhận thì đấy là lối đi chị thấy hài lòng.
Người ta thường nói, đằng sau sự thành công của người đàn ông thường có bóng dáng của người phụ nữ, nhưng với chị thì rất đơn giản, bởi đằng sau sự thành công của chị là sản phẩm của riêng mình, là tạo được công ăn việc làm cho người dân. Với chị, trồng chè là để lại cho đời sau, cho thế hệ sau. Chị cho rằng, chị tham danh chứ không phải là tiền, mà cuộc sống người doanh nhân cũng kết thúc theo quy luật. Nhưng đời doanh nhân không bao giờ kết thúc nếu họ biết tạo ra những sản phẩm có thương hiệu từ sự đam mê sáng tạo mang tính kế thừa được mội người công nhận.
Chia tay chị, chúng tôi mới hiểu, có lẽ cái tên Linh Dương gắn bó với chị cũng chính như cuộc đời của chị vậy. Chị từng giải thích, Linh Dương tượng trưng cho sức mạnh, tính tập thể, tính bầy đàn cao. Nó mang ý nghĩa gần gũi với thiên nhiên, chống chịu được với mọi khắc nghiệt nhất... cũng giống như con người chị trải qua biết bao thăng trầm mà vẫn mạnh mẽ, kiên cường trên mảnh đất đầy sỏi đá như vậy.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com