Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện một người Việt ở Jacksonville

Một chiều cuối tháng 10, gặp anh trong văn phòng khang trang của Công ty TTV Architects ở Jacksonville, Florida, tôi đã được nghe anh kể về cuộc đời thăng trầm của một người rời Việt Nam ở độ tuổi đôi mươi và thành danh trên đất Mỹ. Ở tuổi ngoài 50, Vũ Thiện Trí – hay như người Mỹ gọi là Tri Vu - giờ đã là một doanh nhân nổi tiếng tại Jacksonville với hàng loạt công trình và ý tưởng kiến trúc đặc sắc.

Hơn 33 năm trước, Vũ Thiện Trí lúc đó là chàng trai 19 tuổi, cái tuổi của những hoài bão, khát khao và bao dự định ấp ủ, cái tuổi của tình yêu lứa đôi, của những giấc mơ màu hồng. Thế rồi khi đất nước bước vào một giai đoạn lịch sử đặc biệt, Thiện Trí đã phải gác lại tất cả mọi dự định để bước vào một hành trình mà anh không hề biết trước đích đến.



Sau bao thăng trầm, giờ đây, Vũ Thiện Trí vẫn không thể quên được ngày 28.4.1975, khi anh cùng gia đình vội vã ra phi trường Tân Sơn Nhất, chia tay Sài Gòn dấu yêu với bao kỷ niệm tuổi thơ. “Mọi chuyện xảy ra thật chóng vánh. Tôi bước lên máy bay mà không hề đoán định được những gì đang ở phía trước, không hề nghĩ sẽ có ngày trở về”, Vũ Thiện Trí tâm sự. “Ngày đó, tôi không kịp nói lời chia tay bạn bè, xóm giềng, không kịp chia tay con phố với những hàng cây, không kịp chia tay quán nước đầu đường, không kịp nói lời chia tay với thành phố thân yêu”. Khép lại cơn mộng mơ màu hồng của tuổi trẻ, Vũ Thiện Trí đối mặt với thử thách khắc nghiệt của ngày đầu trên đất Mỹ xa xôi, trong khu tị nạn. Anh không nguôi nhớ về quê hương ở bên kia đại dương. Nhưng rồi Vũ Thiện Trí sớm nhận ra rằng người ta không thể sống mãi với những tiếc nuối, hoài niệm và nỗi buồn. Thế là anh bắt đầu những dự định mới.

Khi đang còn ở trong khu tị nạn, thông qua người quen, anh đã nộp đơn vào học ngành kiến trúc tại Đại học Arkansas. Việc chọn học kiến trúc cũng là thử thách rất lớn lúc bấy giờ đối với Vũ Thiện Trí, bởi cha anh muốn con trở thành một kỹ sư hóa học. Bên cạnh việc học kiến trúc, anh còn học quản trị kinh doanh tại trường Kinh doanh Tuck ở New Hampshire. Sau khi tốt nghiệp cử nhân kiến trúc ở Arkansas vào năm 1980, Vũ Thiện Trí tới Florida, một tiểu bang ở vùng đông nam nước Mỹ, có khí hậu khá ấm áp. Qua các cuộc phỏng vấn, anh được mời đi làm ở cả ba thành phố Jacksonville, Orlando và West Palm Beach. Cuối cùng anh chọn Jacksonville, một thành phố yên bình nằm bên dòng sông St.Johns thơ mộng, ngoài kia là Đại Tây Dương bao la sóng vỗ. Sau nhiều năm làm việc cho các công ty kiến trúc nổi tiếng ở địa phương, Vũ Thiện Trí mở doanh nghiệp riêng vào năm 1994, đó chính là Công ty kiến trúc TTV Architects Inc. nổi tiếng ở Florida ngày nay.

Vượt qua nhiều thử thách, TTV Architects Inc. nhanh chóng tạo được chỗ đứng tại Jacksonville và cả tiểu bang Florida. TTV là tác giả của hàng loạt công trình kiến trúc độc đáo và những ý tưởng lớn về quy hoạch đô thị, xây dựng đặc trưng văn hóa cho các khu đô thị địa phương. Được biết đến nhiều nhất trong các công trình của TTV là ý tưởng thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng cho các cây cầu bắc qua sông St.Johns. Đến nay, hệ thống chiếu sáng trên cầu chính bắc qua sông St.Johns đã được coi là một trong những biểu tượng của Jacksonville. “Với ý tưởng thiết kế này, tôi nhận được 0 đô la còn bên thi công nhận được một số tiền không nhỏ”, Vũ Thiện Trí kể. Và anh giải thích rằng những ý tưởng thiết kế đó là một phần trong các nỗ lực đóng góp cho cộng đồng nơi anh sinh sống. Vị chủ tịch của TTV nói rằng bên cạnh công việc kinh doanh, bên cạnh những tính toán lời lỗ, doanh nhân còn phải có trách nhiệm cộng đồng, phải đóng góp trước hết cho cộng đồng nơi mình sống, sau đó là cho thế giới này. 

Năm 2006, Vũ Thiện Trí đề xuất một ý tưởng táo bạo về thiết kế tổng thể cho khu vực trung tâm thành phố Jacksonville. Dự án mang tên Downtown Connections (Những kết nối ở khu trung tâm)  nhằm tạo ra một hành lang kết nối các địa chỉ văn hóa ở trung tâm Jacksonville bằng hệ thống đèn, biển hiệu, lối đi bộ... kiểu như Quảng trường Times ở New York. Ý tưởng thiết kế đồ sộ này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí, giới chuyên môn và chính quyền địa phương.
Hôm chúng tôi đến Jacksonville trong chương trình khách mời của Bộ Ngoại giao Mỹ, Vũ Thiện Trí đã tổ chức tiệc tối tại nhà riêng để đón đoàn. Anh xắn tay vào bếp, cùng người vợ Mỹ đồng thời là cộng sự của anh tại TTV, chuẩn bị các món ăn Việt Nam. Gỏi cuốn, thịt nướng, chả cá..., tất cả đều đậm phong vị quê nhà, giúp chúng tôi, những người mới xa Việt Nam chừng một tuần, tìm lại được hương vị thân quen sau những ngày phải gồng mình với thức ăn nhanh của Mỹ. Cuộc đón tiếp này cũng là một trong những hoạt động mang tính cộng đồng của Vũ Thiện Trí. Anh nói rằng bất kỳ khi nào có cơ hội, anh đều tham gia vào các hoạt động ở cộng đồng. Ý thức cộng đồng của anh còn thể hiện qua quyết định bỏ phiếu. Vũ Thiện Trí giải thích: “Tôi là một người Cộng hòa. Lý ra tôi phải ủng hộ ông John McCain. Nhưng tôi đã bỏ phiếu cho Barack Obama vì tôi thấy những kế hoạch của ông này rất thuyết phục. Ông Obama lên, có thể những người như tôi phải nộp thuế nhiều hơn, nhưng bù lại là lợi ích cộng đồng, chính sách y tế... sẽ được cải thiện”.

 

Buổi chiều Jacksonville, nắng nhạt, gió se, chúng tôi đến văn phòng của TTV ở khu trung tâm thành phố. Khác với ngoài kia, với nắng, gió và cảnh vật đều đậm chất Mỹ, ở trong này, chúng tôi bắt gặp những góc Việt Nam trong lòng một văn phòng hiện đại. Đón chúng tôi, Vũ Thiện Trí cười: “Tôi là công dân Mỹ. Nhưng tôi là người Việt Nam. Một góc trong trái tim này là Việt Nam”. Anh nói tiếng Việt, nhưng do trong đoàn có cả người Mỹ nên chúng tôi thống nhất cùng nói tiếng Anh. Vợ anh, chị Lori, cũng học tiếng Việt. “Cô ấy học qua băng video. Lúc nào cô ấy cũng học bài 1 cả”, Vũ Thiện Trí đùa.

Nhiều năm sau chuyến ra đi hớt hải ở tuổi đôi mươi, doanh nhân Vũ Thiện Trí đã có dịp trở về quê nhà Việt Nam, có lần với tư cách là thành viên đoàn doanh nhân Mỹ tới tìm kiếm cơ hội làm ăn. Anh thăm lại hàng cây, con phố, có thứ vẫn như cũ, có thứ đã đổi thay, nhưng trong anh, cái cội rễ Việt Nam vẫn còn, dòng máu Việt Nam vẫn chảy. Những lần trở về sau, anh có dịp đi nhiều nơi hơn, đến cả thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác ở miền Bắc.

“Tôi rất thích Hà Nội. Đó là một thành phố đẹp. Tôi thích nhất là ở Hà Nội người ta đã cho quy hoạch các khu phụ cận, điều này rất quan trọng trong sự phát triển tổng thể của một thành phố hiện đại”, Thiện Trí nói. Trong những lần trở về, anh đã có nhiều dịp tiếp xúc với giới kiến trúc sư trong nước, đóng vai trò kết nối các đối tác Mỹ và Việt Nam trong những dự án lớn. Anh còn viết bài cho các chuyên san kiến trúc Việt Nam, tham gia phát biểu tại hội thảo. Anh làm mọi thứ, để giữ cho sợi chỉ nối với cội nguồn Hồng Lạc ngày một chắc bền.

Buổi tối Jacksonville, sau bữa cơm đậm đà hương vị quê nhà, Vũ Thiện Trí chở những người bạn Việt Nam ra bãi biển Jacksonville. Đại dương về đêm, gió lạnh buốt, sóng vỗ ì ầm, ngoài kia những ánh đèn tàu lung linh. Ở một nơi xa kia, cũng nằm bên bờ đại dương mênh mông là quê hương Việt Nam yêu dấu. Nơi đó, anh từng có một tuổi thơ êm đềm, nơi đó anh từng hớt hải ra đi để rồi ngày sau trở về đĩnh đạc.

 

 


( theo báo xây dựng )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao