Ông Võ Quốc Thắng cho biết sẽ cương quyết cắt bỏ "sâu" (nếu có) và giám sát nhân viên chặt chẽ khi làm Chủ tịch KienLong Bank. Ảnh: P.V. |
Ông “bầu” Võ Quốc Thắng, chủ của gạch Đồng Tâm, cho biết sẽ mang triết lý đã thành công trong bóng đá vào KienLong Bank và không ngại nếu có ai bàn luận về việc kiêm nhiệm chủ tịch ngân hàng lúc này.
Có người nói ông quá “ôm đồm” khi kiêm nhiệm nhiều vị trí như là ông chủ Công ty Đồng Tâm, Chủ tịch Công ty bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rồi lại làm một ông “bầu” bóng đá và cả một “ông nghị” nữa. Ông thấy sao?
Nói tôi “ôm đồm” thì không đúng đâu. Hơn ai hết tôi hiểu nếu tham gia sâu vào nhiều thứ sẽ không còn đủ thời gian đưa ra những chiến lược lớn và hiệu quả.
Công việc tại Công ty Đồng Tâm tôi đã bàn giao bớt khi chuẩn bị là thành viên HĐQT KienLong Bank và cũng không còn kiêm nhiệm tổng giám đốc và chỉ tập trung vai trò Chủ tịch HĐQT. Như vậy tôi không trực tiếp tham gia điều hành. Tương tự với những nhiệm vụ tại Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Đó là trách nhiệm chung với nền bóng đá Việt Nam, không của riêng một đội bóng nào. Còn chuyện là một "ông nghị" thì khi hết nhiệm kỳ khóa 11 (2002-2007) tôi không ứng cử khóa tiếp nhưng vẫn là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tôi không ngại nếu có ai bàn luận gì về công việc mới tại KienLong Bank bởi đó là sự tín nhiệm của các cổ đông và thành viên HĐQT. Dù ở cương vị nào, khi đã nhận lời là tôi sẽ làm hết sức mình và cùng xây dựng chiến lược, chính sách cho ngân hàng.
Việc ông tham gia KienLong Bank cũng dấy lên những nghi vấn "một ông bầu hai đội bóng" và chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi” khi ông quản lý cả CLB Đồng Tâm Long An lẫn Kienlongbank Kiên Giang?
Khi nhận nhiệm vụ tại VPF, tôi đã không còn quyền điều hành đội bóng rồi. Hiện ông Võ Thành Nhiệm mới là Chủ tịch và đại diện pháp luật cho Công ty Thể Thao Đồng Tâm, kiêm giám đốc điều hành CLB.
Về KienLongbank Kiên Giang, tôi khẳng định KienLong Bank đến nay chưa góp một đồng vốn dưới bất kỳ hình thức nào và không có quyền điều hành đội bóng mà chỉ tham gia với tư cách tài trợ quảng cáo cho Công ty cổ phần Bóng đá Kiên Giang. Hợp đồng tài trợ trị giá 20 tỷ đồng cho đội bóng cũng đã được gửi VPF và các cơ quan chức năng xem xét.
Không ít ông bầu đã rút khỏi bóng đá khi khó khăn. Một số “đại gia” cũng thoái vốn khỏi ngân hàng vậy mà ông thậm chí còn tham gia thêm lĩnh vực này. Ông nói sao về quyết định của mình?
Thời gian vừa qua bóng đá xảy ra nhiều chuyện nên nhiều người cũng khuyên tôi sớm rời bỏ bóng đá... Ai cũng thừa nhận bóng đá bây giờ ít tiền hơn trước, nhà tài trợ ít nhưng không khí sôi động và niềm tin của người hâm mộ đã dần trở lại.
Nhận thêm một vai trò mới ở KienLongbank cũng vậy. Tôi không muốn ngồi bàn luận nhiều và không có nhiều thời gian để chạy theo dư luận lúc này. Tôi nghĩ lạc quan và cố gắng làm hết sức mình, chịu đựng thử thách thì sẽ được mọi người ủng hộ, cùng góp sức và thành công thôi.
Ông thấy quản lý một đội bóng có điểm gì giống với quản trị một ngân hàng?
Làm bóng đá cũng không khác làm doanh nghiệp bao nhiêu. Tôi khuyên cầu thủ phải xem người hâm mộ là khách hàng bởi họ là người trả tiền nuôi sống anh. Làm ngân hàng cũng vậy, phải có nhiều “người hâm mộ” hơn nữa thì mới phát triển được.
Rủi ro đạo đức của một số ngân hàng tương tự với những sai lầm của không ít cầu thủ bóng đá nên khi quản lý họ thì tôi đều phải làm chặt như nhau. Tôi nhận nhiệm vụ tại Kienlong Bank khi cái cây đã có sẵn người vun trồng nhưng ngoài chăm sóc cho cây thêm hoa, thêm trái thì chỗ nào chưa tốt, có sâu, tôi vẫn cương quyết cắt bỏ. Nguyên tắc của tôi là cứ quan tâm từng cầu thủ sẽ không có chuyện nọ chuyện kia. Ngân hàng cũng vậy, giám sát từng vị trí thì sẽ hạn chế mức thấp nhất rủi ro.
Bầu Thắng khẳng định KienLong Bank không góp vốn tại CLB Kienlongbank Kiên Giang. Ảnh: ĐH. |
Ông nghĩ sao khi có những lăn tăn về việc Võ Quốc Thắng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng - ngành đang nóng" bởi gặp nhiều khó khăn?
Quan điểm của tôi trong mọi việc từ nhỏ đến lớn là nếu không đam mê thì bỏ đi, đừng làm. Ngân hàng là lĩnh vực tôi quan tâm từ lâu nên cũng đã chuẩn bị khá kỹ. Được cái tính hay quan sát, học hỏi nên tôi nghĩ mọi thứ nằm ở bản thân mình, nếu thấy việc gì chưa hiểu, chưa rõ thì cứ hỏi những người đi trước. Sự trải nghiệm của họ là bài học quý cho mình.
Hơn nữa, làm doanh nghiệp nên tôi hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp đang nằm ở đâu nên tôi tin không khó để nhìn ra một ngân hàng cần làm gì để đáp ứng được các nhu cầu đó.
Nay làm chủ tịch một nhà băng, một lúc gánh hai vai thì ông sẽ chia sẻ với doanh nghiệp vừa và nhỏ ra sao khi ông cũng thừa hiểu vay vốn ngân hàng khó thế nào?
Cũng từng đi lên từ con số 0 nên tôi rất hiểu và quý trọng những ai làm doanh nghiệp - những người dám chấp nhận hy sinh và chịu đương đầu với tổn thất lớn khi bỏ tiền làm ăn. Hơn 20 năm làm ở Đồng Tâm cũng là thời gian tôi gắn bó với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nên tôi hiểu lắm chứ cái khó khăn chung của họ. Do đó, tôi cam kết sẽ cùng các thành viên HĐQT đưa ra những chiến lược quản trị tốt nhất nhằm tiết giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận mức lãi suất hợp lý nhất, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của các cổ đông.
Tuy nhiên, tôi nghĩ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ không chỉ cần hỗ trợ về vốn mà cũng cần ngân hàng tư vấn về cách thức làm ăn khi khó khăn, sử dụng đồng vốn cho hiệu quả. Khi làm bóng đá, người ta vẫn chê tôi là ông bầu keo kiệt rồi ky bo nọ kia nhưng nói thật, không có nhiều thì phải biết lượng sức mình. Với doanh nghiệp nhỏ tôi cũng khuyên thế, cứ tập trung làm ăn thì ắt sẽ thành công.
(Theo Thanh Thanh Lan // VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com