Không phân biệt lĩnh vực, quy mô, lập website riêng là tạo thêm một kênh kết nối doanh nghiệp với thị trường. |
Tỷ lệ doanh nghiệp có website ở mức thấp, đặt trong các mối liên hệ, được cơ quan chuyên trách nhìn nhận ở khó khăn chung trong sản xuất kinh doanh.
Trong xu thế kinh doanh hiện đại, các doanh nghiệp dù kinh doanh trong lĩnh vực nào, quy mô ra sao đều cần có trang tin điện tử (website) riêng. Đây được xem như một phần phản ánh bộ mặt, cũng như tạo thêm kênh kết nối với thị trường của doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong Báo cáo Thương mại điện tử năm 2011 do Bộ Công Thương thực hiện vừa công bố, tỷ lệ doanh nghiệp có website trong năm 2011 không thay đổi đáng kể so với năm trước sau khi đã loại trừ sai số giữa các cuộc điều tra, tiếp tục ở mức thấp. Tính chung trên cả nước mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có website.
Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp có website không tăng, thì tỷ lệ những đơn vị kinh doanh chưa có website nhưng dự kiến sẽ xây dựng lại giảm so với các năm trước. Năm 2011 tỷ lệ này là 11% so với 21% của năm 2010 và 17% năm 2009.
Với hai chỉ số cơ bản trên đều không tăng, Bộ Công Thương đánh giá có thể do hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tác động sâu sắc và toàn diện tới các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cắt giảm tới mức cao nhất chi phí kinh doanh, gồm chi phí mới cho quảng cáo và đầu tư chiều sâu, kể cả cho xây dựng website.
Bổ trợ cho nhận định trên là khi xét tại 2 đại bàn trọng điểm là Hà Nội và Tp.HCM, tương ứng chỉ có 35% và 34% số doanh nghiệp có website. Còn nhìn trong xu hướng chung của giai đoạn 2006 - 2011, ba năm đầu tỷ lệ doanh nghiệp có website tăng lên, còn nửa chu kỳ sau tỷ lệ này không thay đổi nhiều.
“Có thể có mối quan hệ giữa xu hướng này với tình hình chung của nền kinh tế vĩ mô”, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đặt ra mối liên hệ.
Báo cáo năm nay của Bộ vẫn cho cùng kết quả là nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thương mại điện tử tiếp tục tiên phong trong việc lập website với tỷ lệ 72% doanh nghiệp có website. Tỷ lệ này của năm 2010 là 63%.
Nhóm có tỷ lệ sở hữu website cao thứ hai thuộc về nhóm doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản với tỷ lệ 45%. Đây là một xu hướng rõ nét từ nhiều năm qua.
Một lĩnh vực khác có tỷ lệ website cao và ổn định là nông, lâm, thủy sản. Năm 2011, 37% nhóm doanh nghiệp này đã có website và 11% có kế hoạch xây dựng. Tỷ lệ tương ứng của năm 2010 là 32% và 21%.
Báo cáo đưa ra nhận định, suy thoái kinh tế hầu như không ảnh hưởng nhiều tới việc ứng dụng thương mại điện tử của nhóm doanh nghiệp kể trên. Điều này có thể được lý giải với tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2011 là 28% so với năm 2010. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực này có xu hướng hội nhập và xuất khẩu cao nên coi trọng việc làm website giới thiệu hình ảnh và sản phẩm của doanh nghiệp.
Kết quả điều tra trong năm 2011 cũng đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm kinh doanh thương mại, bán buôn, bán lẻ có website khá thấp, chỉ với 28%. Và khi xét qua các năm, tỷ lệ có website ở những doanh nghiệp này luôn đứng ở vị trí thấp so với các nhóm doanh nghiệp khác. Điều này có thể là một cơ sở để góp phần lý giải chi phí phân phối hàng hóa và dịch vụ còn cao trong lĩnh vực này.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com