Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên

Các loài trâu bò hoang dã ở Việt Nam có 5 loài: bò tót, bò rừng, bò xám, trâu rừng và sao la. Số lượng cá thể của các loài này trên cả nước đang bị suy giảm thấp và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng rất gần. Loài bò tót còn khoảng dưới 500 cá thể, số lượng bò rừng còn thấp hơn nhiều, khoảng dưới 100 cá thể, sao la còn khoảng 200 cá thể, trâu rừng còn khoảng 5 cá thể, và loài bò xám hầu như đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Hiện nay, tình trạng săn bắt trái phép, phá vỡ và chia cắt sinh cảnh và bệnh tật là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm các loài bò hoang dã.
 

 Quần thể bò tót ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên được đánh giá là một trong những quần thể quan trọng nhất Việt Nam, còn khoảng 120 cá thể, chiếm 1/4 số lượng cá thể bò tót của cả nước. Quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên có cấu trúc đàn ổn định, gồm con đực, con cái và con non. Chúng có sinh cảnh tốt, phù hợp ở cả 2 khu vực Nam Cát Tiên và Cát Lộc.  
 

Trong tự nhiên, bò tót thường nhút nhát và lẩn tránh con người. Vùng sống của bò tót thường là các vùng đồi núi, độ cao dưới 1.800m so với mặt nước biển, được bao bọc bằng các kiểu rừng cây gỗ thưa với các loài cây dầu, bằng lăng, hoặc rừng hỗn giao gỗ, tre nứa và các trảng cỏ. Có sẵn nguồn thức ăn, nước và các nguồn muối khoáng và đang được bảo vệ tốt. Bò tót thường kiếm ăn theo đàn. VQG Cát Tiên đã chụp và quay phim được nhiều hình ảnh về bò tót, trong đó có ảnh với hơn 20 cá thể và một đoạn phim về một đàn bò tót xếp hàng dọc đang di chuyển theo đàn. Một gia đình bò tót thường tồn tại hỗn hợp của nhiều đàn nhỏ từ 2 - 40 cá thể.


Do chúng có kích thước lớn và khỏe mạnh, bò tót có ít kẻ thù trong tự nhiên. Cá sấu, báo và bầy chó sói thường tấn công những con bò con hoặc những con bò ốm yếu, nhưng chỉ có hổ có thể giết được những con bò tót trưởng thành. Chúng cảnh giác và phát hiện kẻ thù từ xa bằng mũi rất thính. Khi trong đàn bị kẻ thù đe dọa, các con trưởng thành đứng vây quanh con non để bảo vệ. Mặc dù nếu có thể, chúng sẽ rút lui cả đàn thoát khỏi sự nguy hiểm. Chúng tử thủ bằng cách tấn công đồng loạt cả đàn, phô trương thân hình lực lưỡng và cái bướu sau lưng nhằm uy hiếp kẻ thù.
 

Bò tót là loài động vật khổng lồ, nó là loài lớn nhất trong họ trâu bò (Bovidae). Với cái đầu to lớn, thân hình đồ sộ và dáng đi cứng cáp, bò tót là hiện thân của sự cường tráng và sức mạnh. Bò tót có một cái bướu sống lưng ở vai và một cái yếm treo lòng thòng ở cổ, kéo dài từ cằm đến chân trước, đặc biệt dễ thấy ở con đực trưởng thành. Trên vai của bò tót có một cái u rắn chắc rất ấn tượng và xuôi về phía giữa lưng. Bò tót đực trưởng thành nặng từ 800 - 1.000kg và chiều cao vai từ 1,6 - 1,9m, nhưng cũng có con bò tót cao đến 2,2m và nặng 1.200kg. Con cái có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn. Lông màu nâu đậm ngắn và rậm, chân có màu trắng từ đầu gối xuống đến móng chân trông giống như cái vớ trắng. Bê con mới sinh có màu vàng nhạt nhưng vài tuần sau nhanh chóng chuyển thành màu đen hoặc nâu đỏ. Con bò tót già có màu đen nhánh, cơ thể hầu như không có lông. Trán có màu vàng sáng. Mắt có màu nâu, khi có sự phản chiếu, chúng có màu xanh. Con đực và cái đều có sừng.

Về tình trạng bảo tồn loài bò tót: Sách đỏ IUCN (2008) xếp loại VU (sẽ nguy cấp), sách đỏ Việt Nam (2007) xếp loại EN (nguy cấp), Nghị định 32 (2006) xếp vào nhóm IB, CITES xếp vào phụ lục I.

 

Ở khu Nam Cát Tiên, vào mùa khô, bãi thức ăn của bò tót chủ yếu là các trảng cỏ ven bàu. Vào mùa mưa, các loài cây thức ăn phát triển mạnh, diện tích các bãi cỏ ở Bàu Sấu và các bàu lân cận bị thu hẹp do nước bàu ngập tràn, thức ăn chủ yếu là măng tre lồ ô. Thức ăn quanh năm của bò tót chủ yếu là lá nhíp, một số loài cây bụi, măng lồ ô, cây bụi, trong đó nhiều loài cây bụi có gai. Mặc dù tuổi thọ chưa được nghiên cứu trong hoang dã, nhưng trong các sở thú, bò tót sống được khoảng 26 đến 30 năm.


Hiện nay, dự án bảo tồn bò hoang dã do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đang tài trợ cho Cát Tiên nghiên cứu và bảo tồn quần thể bò tót này trong thời hạn 3 năm, từ năm 2007 đến tháng 12-2009 nhằm tăng cường năng lực để bảo tồn quần thể bò tót ở VQG Cát Tiên, như tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ nhân viên vườn về bảo tồn các loài động vật hoang dã; tuần tra bảo vệ rừng, thực thi pháp luật trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng; đào tạo cán bộ; cung cấp trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn bò hoang dã; tuyên truyền bảo vệ bò hoang dã cho các cộng đồng dân cư vùng ven và xây dựng hàng rào ở các khu vực giáp với dân cư nhằm ngăn chặn và tránh lây lan dịch bệnh từ các loài trâu bò nuôi.
 

 Du khách đến Cát Tiên đi xem thú ban đêm dễ tận mắt chứng kiến các cá thể bò tót trong môi trường hoang dã. Tuy nhiên, tình trạng săn bắn trái phép; sự tàn phá, chia cắt sinh cảnh và lây lan bệnh tật đang là mối đe dọa cao nhất trong việc bảo tồn bò tót ở VQG này. Mặc dù lực lượng kiểm lâm Cát Tiên đang ngày đêm nỗ lực tuần tra bảo vệ nhưng thủ đoạn của bọn phá rừng, săn bắn, bẫy thú ngày càng tinh vi, liều lĩnh làm cho tình trạng bảo tồn bò hoang dã ngày càng đáng lo ngại hơn.

( Theo báo Cần Thơ)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Cao Phong mùa cam chín
  • 360 độ ẩm thực Sài Gòn
  • Con trâu trong không gian văn hoá làng Việt
  • Những làng nghề truyền thống ở Quảng Nam
  • Những chuyện quyến rũ ở chợ Tết vùng cao
  • Cuối đông ghé Xuân Đỉnh
  • Đà Nẵng hấp dẫn với thế mạnh du lịch
  • Đá Dựng - "Phong Nha giữa đồng bằng"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com