Trước đây, khi đến đèo Pha Đin (Điện Biên) tôi đã tự nhủ, đây là đoạn đèo đẹp nhất Việt Nam, đến khi đứng trên đỉnh Ô Quy Hồ - cung đường đèo có độ cao nhất nước, tôi lại thấy không đâu hùng vĩ như nơi này, và lúc dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang) tôi lại ngập tràn niềm vui nhận ra rằng, bất cứ nơi nào trên đất Việt mà tôi được đặt chân đến đều đáng yêu làm sao, nơi nào cũng tuyệt vời... nhất.
Thế rồi, cho đến một ngày khi đứng một mình trên đỉnh Fansipan lộng gió và rét mướt tôi chợt hiểu ra rằng, mỗi nơi tôi đi qua là một mảnh ghép của tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương và yêu những con người tôi gặp trong hành trình khám phá, chinh phục chính bản thân mình.
Rời Suối Giàng tôi đến với Phình Hồ, một bản người Mông thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Đó là nơi những người dân quanh năm làm bạn với gió và mây, một vùng đất có nhiều truyền thuyết thú vị và là nơi mà người ta nói là có nấc thang lên thiên đường. Nhưng lần này tôi đến Phình Hồ với mục đích chiêm ngưỡng những gốc chè cổ thụ.
Con đường lên Phình Hồ có những con dốc lên rất gắt, những khúc ngoặt cùi chỏ nguy hiểm, nhưng bù lại, khi vượt qua một khúc ngoặt bạn sẽ thích thú choáng ngợp trước không gian bao la, hùng vĩ của núi rừng mở ra trước tầm mắt. Hôm từ phố huyện Văn Chấn đi lên Suối Giàng, nhìn lên con đường lên Phình Hồ trên lưng chừng núi cao, nhiều đoạn vẫn chìm khuất trong mây mù mà thấy lòng vừa háo hức vừa lo lo.
Vạch mờ trên lưng chừng núi cao kia là con đường lên Phình Hồ. Ảnh chụp từ trên đường lên bản Suối Giàng, bên dưới là phố huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hải An |
Không khó nhận ra bản Phình Hồ khi vừa tới nơi, bởi hình ảnh rất đặc trưng, những cây chè cổ thụ mọc khắp các sườn đồi, vây quanh nhà. Đây là một vùng chè cổ thụ rất độc đáo, nhưng có lẽ chè Phình Hồ không được nhiều người biết như chè Suối Giàng bởi do nhiều yếu tố khách quan của “vùng sâu vùng xa” chứ không phải do kém ngon.
Những con đường đất nhỏ quanh co dẫn vào bản làng, leo lên những sườn núi rồi như mất hút trong mây. Những mái nhà người Mông lợp bằng gỗ pơmu đã sẫm đen, nét dung dị tạo cảm giác nhẹ nhàng, bình yên. Đang còn ngất ngây trong bức tranh thêu tuyệt mĩ của thiên nhiên và con người thì mây lại về núi. Cả một vùng mây khổng lồ nương theo gió mà ào tới chớp mắt đã che phủ cả bản làng. Nếu đến đây trong một ngày mịt mờ mây trắng hẳn có biết sau kia có những con người ở trọ trần gian.
Bao quanh bản làng Phình Hồ chập chùng những chè là chè, chè mọc đầy trên núi, hiện diện khắp mọi nơi, chè còn là cây cảnh trồng trước hiên nhà.
Bản Phình Hồ. Ảnh: Hải An |
Lang thang một chút rồi tôi hỏi người dân tìm những cây chè cổ thụ to nhất vùng. Chị Bình, giáo viên tiểu học ở bản Phình Hồ vui vẻ nhận lời dẫn tôi tìm những cây chè cổ thụ ở đây. Chị nói, mấy năm trước có hai cây to cỡ hai người ôm, nhưng đã bị chết rồi!
Chị Bình đưa tôi đến nơi một trong những cây chè cổ thụ "cao niên" nhất ở Phình Hồ. Nghe vậy thì biết vậy chứ thật đáng tiếc vì không có cách nào biết được chính xác số tuổi của các cụ chè, chỉ biết là các cụ cũng đã thăng trầm đến vài thế kỷ.
Thân cây chè thường có mốc trắng, rêu xanh, không giống các loại cây rừng khác. Ảnh: Hải An |
Một trong những đặc điểm phụ thêm để nhận diện cây chè là thân cây thường có mốc trắng khác các loại khác như dẻ, lim, táu, đỗ quyên. Lá chè cổ thụ ở Phình Hồ, lá xanh mướt và rất dày. Đi về rồi, ngẫm lại mới tiếc đã không hái một ít lá chè cổ đem về kỷ niệm. Theo lời chị Bình, ngày trước chè hoang không thuộc về ai, bây giờ thì mỗi nhà trong bản quản một ít, mà cái ngộ là có khi cây chè đứng cạnh nhà này nhưng lại thuộc "quyền quản lý" của nhà ở tít trên cao kia.
Chè ở Phình Hồ khác ở Suối Giàng là thân thường rất cao chứ không xòe nhánh. Theo một chuyên gia nghiên cứu về cây chè Việt Nam thì do người Mông thường cắt tỉa ngọn, cành khi hái chè nên qua hàng trăm năm thân cây chè ở Suối Giàng phát triển đâm nhiều nhánh ngang, còn những thân chè ít được tỉa sẽ phát triển thẳng.
Loay hoay lo chụp ảnh trời lại sắp về chiều, lại còn phải đi sang bản Mù nữa nên chúng tôi tạm biệt Phình Hồ trong nuối tiếc. Nhưng rồi kế hoạch đi bản Mù cũng bị hủy vì mới đi được một phần ba chặng đường đã phải quay về do gặp trời mưa, đường quá trơn trợt, nguy hiểm quá nên chúng tôi đành lủi thủi quay về Nghĩa Lộ.
Trên đường quay về thì chợt thấy một cung đường tuyệt diệu ở dãy núi bên kia. Đó là đường lên Tà Si Láng. Tà Si Láng và Phình Hồ như hai anh em bị chia cách bởi vực sâu. Nhìn trong tầm mắt nhưng đi phải nửa ngày đường.
Tà Si Láng thật sự là một vùng đất đầy huyền hoặc, mang trên mình những kỳ bí của những câu chuyện thần thoại, nơi đầy sơn lam chướng khí nhưng cũng sẽ làm bạn ngây ngất sững sờ. Ở nơi đó con người sẽ thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vỹ. Đó là nơi có thác nước từ trên trời cao xuyên qua làn mây trắng buông mình hàng trăm mét xuống vực sâu hun hút. Đường đi Tà Si Láng là một trong bốn cung đường nguy hiểm bậc nhất của vùng tây Yên Bái.
Chúng tôi lên đường đến bản Phình Hồ với nhiều ham muốn khám phá nhưng xem ra những gì biết được về nơi này vẫn còn ít ỏi quá. Câu chuyện kể chắp vá và dở dang có lẽ bởi sự hấp tấp vội vàng. Nhưng chắc chắn một ngày không xa chúng tôi sẽ trở lại nơi này, sẽ quây quần bên bếp lửa nhâm nhi miếng thịt heo hun khói, nhấm nháp cốc chè xanh và lắng nghe thêm những câu chuyện về vùng đất huyền thoại này.
(Còn tiếp)
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com