Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chợ sò Hà Thủy

Đất Bình Thuận xưa rày vốn có nhiều thắng cảnh. Từ thuở nao, người ta đã biết đến bãi Thương Chánh, lầu ông Hoàng, sở Muối, sông Cà Ty, bến cảng Tuy Phong, bãi biển Mũi Né, đảo Phú Quý... Ngoài ra, Bình Thuận còn có những nơi ít người chú ý nhưng có sức hấp dẫn với những tay du lịch bụi và những người say mê nhiếp ảnh. Chợ sò Hà Thủy là một ví dụ.

Những tay săn ảnh thường muốn đi vào ngõ ngách của mọi địa phương để quan sát và ghi hình cuộc sống và công việc làm ăn thường ngày của người dân tại chỗ, thể hiện sắc thái văn hóa và nét riêng của mỗi địa phương.

Chợ sò nằm trong thôn Hà Thủy 2, xã Thành Công, huyện Tuy Phong. Gọi là chợ là theo thói quen của người địa phương, chứ thực ra không có bất cứ một hoạt động mua bán gì ở đó cả. Nói đúng ra, phải gọi đó là nơi tập trung đổ sò đánh bắt từ biển khơi vào để người ta làm công đoạn tách vỏ, phân loại sản phẩm, vận chuyển ra các xe máy lạnh đậu ngoài quốc lộ, nhận hàng chở đi tiêu thụ khắp nơi hoặc vào các xưởng chế biến đông lạnh xuất khẩu.

Vị trí bãi sò này không cố định mà luân chuyển hết từ bãi này sang bãi khác. Cứ lâu ngày tích lại, vỏ sò chất thành đống, bốc mùi tanh tưởi quá thì chính quyền sở tại ra lệnh di dời sang bãi khác để làm vệ sinh bằng cách đốt đống vỏ sò. Nói chung, dù ở đâu hay dời đi đâu thì bãi đổ sò vẫn nằm ngay bên eo biển nhỏ cho tiện việc nhập hàng.

Thuyền đi lặn bắt sò về sẽ neo ngoài biển xa, ngư dân dùng loại thuyền thúng gắn động cơ di chuyển các bao sò vào bãi. Người dân đi làm sò đều mang giày bốt, các loại dép đế dầy để tránh đạp phải các cạnh sắc do đám vỏ sò ngổn ngang nằm gối nhau trên bãi.

Thường khoảng 4 giờ chiều mỗi ngày thì chợ Sò bắt đầu sinh hoạt. Người làm sò đều là cư dân trong xã, có nhà lũ lượt kéo nhau toàn bộ ra làm gia công. Phần lớn là phụ nữ cáng đáng việc tách vỏ và lấy cồi, đàn ông phụ trách việc gánh chuyển bao sò từ mực nước biển lên bãi. 

Hầu hết mọi việc ở chợ sò đều do phụ nữ trong làng nhận làm; từ khâu phân loại, cân sò và bóc vỏ sò. Ảnh: Huỳnh Nam

Nói thì nghe đơn giản, song việc làm vất vả lắm, vỏ sò nhiều nên dễ gây trặc trẹo, lại thêm nước lấp xấp xối liên tục làm bước đi từ ngấn mặt nước càng trơn trợt và khó. Mỗi thuyền thúng chở từ 8 đến 10 bao, chiếc này vừa xong thì chiếc khác đã vào, hoặc đôi khi hai ba chiếc cùng vào một lượt, người khuân phải tới tấp, thoăn thoắt mới kịp.

Công việc đâu chỉ quàng dây vào gánh là xong, các anh còn phải dùng đầu đòn chọc thủng từng bao cho nước xổ bớt ra cho nhẹ, mới lòn dây vào gánh. Lên bãi lại phải đưa cân từng bao, một người ngồi ghi chép và định phân cho nhóm nào thì lại chuyển khiêng đến tận nơi cho nhóm ấy.

Thường một nhóm hay một gia đình nhận làm chung một bao, hết lại nhận bao khác, cho đến khi nào hết việc thì thôi. Bãi sò lọt thỏm trên khoảnh đất bao quanh giữa hai vách tường nhà, còn các xe thồ, xe ôm thì đậu dài bên kia con đường hẹp chờ chuyển hàng đi.

Mọi người vừa làm vừa nói chuyện râm ran. Hàng quán bày bán la liệt các thức ăn, thức uống để phục vụ cho dân làm sò. Chả cần phải đến tận nơi gọi món, chỉ cần ngồi tại chỗ gọi ơi ới là một loáng món uống, món ăn đã được đem đến. Đại loại là mấy món bình dân như bún cá, bánh mì, nước mía, mấy loại giải khát linh tinh ... cốt no bụng hơn là ngon miệng. 

Ngoài giờ đến trường, trẻ em cũng giúp mẹ bóc vỏ sò. Ảnh: Huỳnh Nam

Bọn trẻ con, có đứa vừa đi học ca chiều về, chưa kịp thay áo đã xăng xái chạy ra bãi phụ mẹ, phụ chị làm sò. Chúng cũng thạo việc, làm thoăn thoắt không kém người lớn. Mỗi khi thấy có người đưa máy hình lên ngắm để chụp, các cháu lại tỏ ra khép nép, mắc cỡ. Một bạn nhiếp ảnh loay hoay nhắm hướng muốn chụp bằng được cái bảng hiệu tên trường trên ngực áo bé gái - ý là học sinh giúp mẹ trong giờ nghỉ - khiến đứa bé luýnh quýnh lấy bao tay làm sò che vội. Hỏi thì các cô bé lí nhí trả lời là đang học học lớp 4 trường tiểu học Hà Thủy II, có cháu mới lớp 2.

Trẻ con thì bẽn lẽn, còn người lớn rất tự nhiên và con tỏ ra hào hứng khi thấy mấy anh nhiếp ảnh xuất hiện dù ít nhiều có ảnh hưởng đến năng suất gia công hàng khoán của họ. Mấy cô, các chị cũng dấm dúi châm chọc nhau, hoặc nhắn nhủ các anh chụp người này người kia rồi cùng cười vui vẻ. Ai nấy cứ tưởng mấy ông chụp ảnh này đều là “nhà báo, nhà đài" cả, nên họ bảo nhau nhớ coi ti vi để coi hình mình lên ti vi. 

Với người dân Hà Thủy, hoạt động chợ sò không có giờ giấc nhất định. Kết thúc mỗi ngày chợ, sớm cũng phải sau 11 giờ đêm, còn gặp mùa biển rộ thì có khi đến 2 giờ sáng hôm sau vẫn chưa xong. Chợ đêm được chiếu sáng bằng những ngọn đèn phát ánh sáng vàng đậm đặc, càng làm cho chợ Sò có cái vẻ chập chờn một giấc thèm ngủ dài ngày.

Nhớ hồi vài chục năm trước có người nói đùa, hành khách đi xe đò từ Sài Gòn ra miền Trung ngồi trên xe ngủ gà ngủ gật, nhưng khi xe đến gần sông Cà Ty thì ai cũng biết vì ngửi thấy mùi ... nước mắm Phan Thiết. Chuyện nói đùa nhưng thực tế đúng vậy thật. Còn khu vực chợ Sò này thì không gian có cả một tổng hợp nhiều mùi vị: gió biển mặn, hơi nồng của những chiếc thuyền chài, mùi dầu chai trét thúng, mùi chua chua của mồ hôi, mùi tanh của đủ loại sò và nhất là mùi khét của vỏ sò đang đốt ở những bãi vỏ gần đó.

Đàn ông trong thôn, ai kêu đi chở sò thì làm, còn không mở quán ngay tại nhà bán chè, giải khát, để mấy bác xe ôm ngồi nhâm nhi chờ đến lượt, thỉnh thoảng lại có những nhóm khách ở xa tới chụp hình, quay phim chợ Sò tấp vô giải khát. Tính tình người dân vùng biển cởi mở, dễ dãi... mấy anh em chụp ảnh rất thích khi chưa kịp mở lời mà một ông chủ quan nước vùng quê này tỏ ra am hiểu và thông cảm, đã mời anh em lên tầng lầu cao nhà ông ta để chụp ảnh toàn cảnh cho đẹp.

Không phải nhà nào trong làng biển này đều được cất cao tầng như nhau. Phần lớn nhà cửa trong làng đã cũ lắm, thậm chí còn những ngôi nhà lụp xụp, cũ nát nên trông chênh lệch nhau nhiều lắm. Ngay trước mặt bãi Sò, liền bên cạnh một ngôi nhà xây hai tầng tường còn màu vôi mới thì khép nép bên dưới là ngôi nhà đá từ cách đây cả trăm năm, nhìn khum khum, lép vế bên ngôi nhà cao lớn kề bên.

Người dân địa phương cho biết, ngôi nhà đá này đã trải qua mấy đời sống trụ nơi đó và tường rào vẫn còn giữ nét rêu phong cổ kính, sạt lở nhiều chỗ. Cũng không phải tất cả cư dân thôn Hà Thủy 2 đều đổ ra bãi làm sò vì đi khắp các ngõ nghách trong làng ta cũng gặp từng nhà túm tụm nhau ngồi gỡ sò ngay trước chỗ ở hay cái ngách hẹp bên hông nhà mình.

Hàng ngày, chợ sò thường tan sau 11 giờ đêm, có khi kéo đến 2 giờ sáng hôm sau để làm hết số sò đánh bắt trong ngày. Ảnh: Hunhf Nam

Nói tóm lại, người dân có thể nhận gia công ở đâu cũng xong, nhưng trong trường hợp này thì người nhận dịch vụ phải tự lo lấy việc chuyển bao sò từ bãi về chỗ mình, chỉ khi xong thì có xe đến chở các thùng nhôm để đem đi giao.

Nếu bạn nào muốn thăm chợ Sò và chụp ảnh thì nên nhớ là sinh hoạt nơi đây chỉ nhộn nhịp trong khoảng từ 4 giờ chiều - sau khi ghe thuyền đánh bắt trở về, cho đến nửa đêm.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chè cổ trên dãy Hoàng Liên Sơn (Kỳ 3)
  • Chè cổ ở bản Phình Hồ (Kỳ 2)
  • Những vườn chè cổ thụ vùng Tây Bắc (Kỳ 1)
  • Huyền thoại Kôn Clon
  • Xanh mướt Hòn Bà
  • Độc đáo hội đánh bắt cá suối của người Mường Bi
  • Ngôi chùa và chiếc bàn xoay bí ẩn
  • Về Đồng Bằng đi chợ chiếu "âm phủ"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com