Biển bãi Dài có mực nước cạn và rất sạch. Ảnh: Khuê Việt Trường |
Đi hết đoạn đường đèo uốn lượn bám theo sườn núi sát biển từ Nha Trang vào sân bay Cam Ranh rồi rẽ trái vào con đường đất nhỏ chừng vài trăm mét sẽ gặp rất nhiều bãi giữ xe, là bạn đã tới bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đó là một bãi cát trắng mịn dài gần 9 cây số ôm vòng cung vùng biển nước nông và sạch.
Bãi Dài nhộn nhịp từ năm 2004, sau khi có con đường ven biển nối trực tiếp thành phố Nha Trang với bán đảo Cam Ranh. Cùng thời điểm ấy, tỉnh Khánh Hòa đã có đề án quy hoạch vùng khai thác du lịch trọng điểm phía nam Khánh Hòa tại bãi Dài, với tổng diện tích khoảng 200 héc ta. Theo đó, tại đây sẽ hình thành các cụm du lịch sang trọng với những khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp. Nhưng 6 năm đã trôi qua, trong khi những dự án "có cỡ" vẫn còn nằm nguyên trên giấy hoặc cày xới dở dang, thì bãi Dài đã hình thành một khu kinh doanh du lịch ven bãi biển như một cái chợ tự phát, không cần nhà đầu tư, chẳng có hệ thống quản lý. Lượng khách tới đây hàng ngày, nhất là vào dịp lễ, tết... đông đúc, nhộn nhịp hết sức. Chúng tôi đến bãi Dài lúc 12 giờ trưa vào một ngày bình thường. Con đường đất có nhiều lối rẽ vào các lều che tạm, giữ xe với giá 3.000 ngàn đồng/chiếc. Cô giữ xe cười rất tươi: “Mời anh đi xuống đường này, xuống quán em thì không tính tiền ghế ngồi (sau này mới biết là nếu khách không ăn uống gì thì quán thu 5.000 đồng cho một chiếc ghế). Lần trước tôi vào đây đến nay đã tròn một năm, hôm nay thấy bãi Dài thay đổi nhiều quá. Hơn một cây số dọc bãi cát trắng mọc lên san sát hàng trăm lều quán nối tiếp nhau như một khu chợ tạm. Những hàng quán giống nhau dựng cột bằng cây, trên phủ lá dừa và tấm nhựa chống mưa. Mỗi quán đều có một “căn nhà” nhỏ dùng làm nơi chế biến thực phẩm, đặt "quầy" tính tiền và cả cái toa lét dã chiến. Để phân định ranh giới giữa các quán, người ta giăng sợi dây hay chiếc võng giữa những cây cột. Tất cả các quán đều dùng loại ghế bố và những chiếc bàn nhựa rẻ tiền. Buổi trưa nắng gắt, có đến hàng ngàn người - có không ít người nước ngoài - ngồi trong dãy lều và nô đùa với những con sóng biển nước trong xanh ngắt. Chị Thùy, chủ quán Biển Đông, chỉ vào những chiếc thau nhốt ghẹ và các loại ốc mời chúng tôi đặt món. Các loại cá và tôm, mực thì đã được đông lạnh. Chị Thùy nói: Ghẹ và mực cùng giá mỗi ký 180 ngàn đồng. Các anh muốn ăn bao nhiêu cứ chỉ, cứ cân rồi tính tiền, quán sẽ chế biến theo yêu cầu. Giá như thế, gần bằng giá của các nhà hàng ở Nha Trang, nhưng ăn ở đây thật là vui dù rất thiếu tiện nghi. Ngồi cạnh bàn chúng tôi là bốn bạn trẻ, cho biết đây là lần thứ ba họ tới bãi Dài. Hiển, chàng thanh niên trong nhóm nói: “Tụi em từ trên Thành xuống đây, chơi ở đây vui hơn Dốc Lết nhiều, rất thoải mái”. Trong khi chờ quán làm thức ăn, tôi rảo một vòng các quán. Du khách từ xa đến đây chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại là rất nhiều người dân từ Nha Trang và các vùng lân cận tới đây vui chơi ăn uống; có cả những gia đình mua ít thức ăn của quán, tự mang theo nước uống, bánh mì, trái cây... Trẻ con mặc sức đào cát mà chơi, vì nước biển ở đây rất nông, đi xa cả trăm mét cũng chỉ lưng chừng rốn. Các quán không chỉ bán thức ăn mà còn có nhiều dịch vụ khác như cho thuê đồ tắm, cho thuê phao, tắm nước ngọt...Ngày thường vào mùa nắng nóng, bãi Dài thu hút lượng khách khá đông là người địa phương. Ảnh: KVT Trẻ con tha hồ vui chơi, nghịch cát ngay trong quán để khỏi ra nắng. Ảnh: KVT Một em gái bán ốc dạo.
Hầu hết những người kinh doanh ở đây là người ở xã Cam Hải, một số khác ở Cam Ranh ra kinh doanh theo kiểu gia đình. Một chủ quán cho biết, chị sang khoảnh đất này (khoảng 70 mét vuông) để kinh doanh hơn hai tháng nay với gía 120 triệu. "Còn tiền thuế?", tôi hỏi và chị vui vẻ nói: Địa phương thu vài trăm một tháng, nhưng khi có lệnh giải tỏa là chúng tôi phải dọn dẹp toàn bộ.
Ở bãi Dài hiện nay, hàng rong và các quán rất "thân thiện" với nhau. Anh bạn cùng đi với tôi nhận xét là họ biết "chia cơm" với nhau. Các quán không bán bánh tráng nướng mà "nhường" cho những người bán rong với giá 10 ngàn/3 cái. Hàng rong ở đây còn có chị Tâm bán ốc hút (một loại ốc nhỏ, chỉ việc cầm hút) với gía 10.000 đồng/chén; mấy cô bé bán đậu phọng luộc 5.000 đồng/lon hay một gói trứng cút luộc 10.000 đồng. Giá cả những hàng ăn vặt ấy có nhích hơn so với trong thành phố, nhưng ai cũng vui vẻ mua trong không khí rất… chợ như thế. Ở đây còn có hai gánh đậu hũ, hình ảnh ít thấy ở các đô thị ngày nay. Bà Chính, khoảng 65 tuổi, múc cho tôi chén đậu và nói vui vẻ: “Nhờ ơn trời, từ ngày khách tới đây đông, tôi kiếm cũng được 100 ngàn/ngày”. Quan sát suốt buổi, tôi thấy các quán đều dọn rác rất sạch sau khi khách rời bàn. Chị chủ quán nói: “Chỗ mình kiếm cơm, thì mình phải giữ sạch”. Tôi chợt liên tưởng đến những bãi biển khác ở Khánh Hòa, khách du lịch xả rác, nhân viên nhà hàng cứ thản nhiên như không nhìn thấy. Chỉ có điều thực sự đáng quan ngại là việc cứu hộ cho khách tắm biển và vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm gần như không được giám sát.
(Theo Khuê Việt Trường // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com