Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chùa thiêng trên đỉnh non Hồng

Với người dân xứ Nghệ và du khách thập phương, Hương Tích tự đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều linh thiêng, huyền diệu. Thiên nhiên thanh tịch nơi đất Phật như muốn gạt mọi ưu phiền của đời trần đưa ta hướng về cõi siêu linh, tịnh độ.

Đầu năm đi cầu tài, cầu lộc

Trụ trì chùa Hương Tích (Thiên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh) là Đại đức Thích Quảng Nguyên, tên huý là Lâm. Sư trụ trì quê ở Thanh Hoá, tuổi Giáp Dần, xuất gia từ năm 18 tuổi, đang theo học năm cuối Học viện Phật giáo Việt Nam. Đại đức Thích Quảng Nguyên được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân công trụ trì chùa Hương Tích từ năm 1997 lại nay.

Tôi quen biết sư trụ trì như là một cơ duyên. Hàng năm cứ vào dịp đầu năm lên Hương Tích tự chiêm bái, tôi lại có dịp hàn huyên chuyện đạo, việc đời với Đại đức Thích Quảng Nguyên. Ông cho rằng, Hương Tích tự làm say đắm lòng người ở nhiều phương diện. Chùa không nằm trên đỉnh núi mà nằm lưng chừng ngọn Hương Tích - một trong bảy ngọn núi đẹp của Hồng Lĩnh mây vờn, biểu tượng hùng vĩ của nước non xứ Nghệ. Hồng Lĩnh với 99 ngọn cao thấp gắn với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng đi tìm chốn đậu càng thêu dệt nên nhiều câu chuyện huyền bí.

Tượng Phật Bà Quan Âm cạnh miếu Cô

Phía sau chùa là những tảng đá lớn vươn ra che chở, những thân cây cổ thụ toả bóng rêu phong tạo nên vẻ u tịch, trầm tư, linh thiêng, huyền ảo. Bên cạnh điện Tam Bảo, nhà Bái Đường, giếng Trời, nhà thờ Tổ.., như thường thấy trong kiến trúc các ngôi chùa cổ, còn có nhiều hạng mục linh thiêng như am Diệu Thiện, am Bát Cảnh, thần Hổ Trắng, thác Giải oan, khe Quỷ Khốc.., gắn liền với các sự tích và truyền thuyết hoá Phật của nàng công chúa Ba. Cảnh đẹp non nước nơi đây đã được chạm khắc vào “Anh đỉnh” - một trong chín đỉnh đặt tại Thế miếu trong nội thành cố đô Huế.

Sử còn ghi, khi chúa Trịnh đến một trong bảy ngọn núi đẹp của Hồng Lĩnh, ngài đã dừng chân bên lưng chừng núi để viếng chùa Hương Tích. Vẻ hoang sơ chưa khoác bụi hồng trần của ngôi chùa cổ đã khiến nhà chúa nhớ mãi. Ông đã cho xây một ngôi chùa Hương Tích khác ở Hà Tây dựa theo ngôi chùa này.

Theo sư trụ trì, thiện nam tín nữ gần xa về chiêm bái quần thể Hương Tích muốn hiểu thấu vẻ đẹp của địa danh được ví là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” cần phải hiểu nét văn hoá độc đáo của di tích này. Theo một số ghi chép của những nhà khảo cổ thì quần thể di tích chùa Hương được xây dựng vào đời Trần ở thế kỷ 13.

Tương truyền đây là nơi mà Quan âm Diệu Thiện đã phát tâm tu hành. Tấm lòng từ bi bác ái của ngài đã làm lắng dịu tham, sân, si của người đời. Nét văn hoá độc đáo nhất của quần thể di tích này thể hiện rõ nét ở am Diệu Thiện và am Giác Phổ.

Nam mô a di đà Phật!

Từ Thượng điện chính đi về hướng Đông - Bắc khoảng 20 mét, bước qua 28 bậc đá là lên tới am Diệu Thiện. Dấu tích hoá Phật của nàng công chúa Ba, là con gái út của Sở Trang Vương đã trở thành huyền thoại tại chốn này. Những hoa văn trên thành am như minh chứng cho một quá khứ mà ở đó sự tưởng tượng của con người thăng hoa thể hiện qua cách trang trí tinh xảo. Những cánh sen tượng trưng cho vẻ đẹp thánh thiện làm chủ đạo cho những đường nét chính trên thành am. Mặc dù đã bị che mờ bởi sự vô tình của tạo hoá nhưng nó vẫn thể hiện được quan niệm nghệ thuật trong văn hoá tín ngưỡng thời xa xưa.

Dọc theo con suối Hương Tuyền từ đỉnh núi đi xuống khoảng hai cây số, chúng ta bắt gặp một vùng tĩnh mịch tách hẳn với không gian chùa Hương Tích. Tới đây, du khách có thể theo đám cỏ xanh vạch lối sẵn về hướng Tây vào thưởng ngọan am Giác Phổ, hay còn gọi là am Bát Cảnh.

Am Giác Phổ được xây vào đời vua Trần Nhân Tông, trùng hợp với sự ra đời chùa Hương Tích. Phong cảnh xung quanh am tĩnh mịch, thanh tịnh phù hợp với tính cách của những người tu hành, nho nhã. Sở dĩ có sự tách biệt này vì am Giác Phổ là nơi thờ phụng của Đạo giáo. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi cảnh sắc nơi đây được ví như tiên cảnh thì làm sao không có sự góp mặt của những nhà đạo sĩ nho giáo tao nhã, mà xứ Nghệ lại là chiếc nôi của Nho học.

Hành hương về đất Phật

Trên thành am Giác Phổ vẫn còn đó những khung gạch được đúc chữ Hán rất sắc nét. Phía Đông là 5 chữ: Hồng Lĩnh trụ kỳ hà. 5 chữ phía Tây là: Tông Truyền Tổ phiên hiệu. Lớp lớp rêu phong đã biết bao đời như cố tình che phủ, bao bọc trên đỉnh am những thành quả của người xưa. Giờ đây mặc cho sự vô tình lạnh lùng của năm tháng, am Giác Phổ vẫn uy nghi tự tại giữa đất trời.

Đã thành lệ, hàng năm cứ đến ngày công chúa Diệu Thiện hoá Phật (18/2 âm lịch), nhà chùa mở hội chính, thu hút nhiều khách phương xa vượt sông, trèo núi đến nơi đây để chiêm bái. Mấy năm gần đây, khi ngành công nghiệp không khói được chú trọng, vào đầu năm mới, Hà Tĩnh chọn chùa Hương Tích khai hội để mở đầu năm du lịch cho toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Chính - Trưởng Ban quản lý di tích chùa Hương cho biết, trung bình mỗi năm, ngành du lịch Can Lộc đón gần 18 vạn lượt du khách, trong đó có gần 50% du khách đến với khu du lịch Hương Tích.

Ngày khai hội hàng năm được tổ chức trọng thể, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức vào đêm 13 tháng Giêng, do Đại đức Thích Quảng Nguyên làm chủ lễ cầu phúc cho Quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hoà.

Ngày khai hội diễn ra sau đó một ngày, với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, huyện cùng đông đảo nhân dân địa phương và đạo hữu gần xa. Một loạt các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống cũng đã được tổ chức rầm rộ mở đầu cho năm du lịch Hà Tĩnh 2009.

Đầu năm đi cầu tài, cầu lộc nơi đất Phật, du khách sẽ cảm thấy an tâm và thoái mái hơn bởi thái độ phục vụ chu đáo của BQL khi an ninh trật tự được đảm bảo, nạn hành khất được giải quyết triệt để, các dịch vụ vận tải thuyền, bán tấu sớ, ghi công đức, đăng ký đạo hữu về lễ chùa và cử người hành lễ.., từng bước được chuyên nghiệp hoá. Một loạt các công trình dịch vụ như: hệ thống nhà nghỉ miễn phí dọc lối lên chùa, Tam quan thượng và Tam quan hạ đang được gấp rút hoàn thành đưa vào phục vụ du khách.

Hiện tại, dự án xây dựng tuyến cáp treo từ Miếu Cô lên Chùa Hương dài 900m; giữa năm khởi công xây dựng Đài tưởng niệm Trang Vương trên nền chùa cũ và phục dựng Đền Trình cạnh Miếu Cô, đang được gấp rút thực hiện.

Khai hội chùa Hương Tích - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh

Với người dân xứ Nghệ và du khách thập phương, Hương Tích tự đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều linh thiêng, huyền diệu. Trong khoảnh khắc giao thời, mỗi chúng ta hãy lắng lòng mình hướng cõi tâm linh về cửa Phật, vừa thưởng ngoạn cảnh non cao núi biếc, vừa được đắm mình trong những câu chuyện huyền sử thực mà như hư, hư mà như thực, lòng mình như được siêu thoát trong sự tĩnh tâm của đức tin để vững bước trên đường đời.

(Theo baohatinh)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Di tích Gò Thành
  • Vui thú miệt vườn Bình Thủy
  • Đền Cờn - Điểm nhấn của du lịch Nghệ An
  • Đồi Dương của một thời để nhớ
  • Lung linh chợ đêm phố cổ Hà Nội
  • Gốm Trù Sơn
  • Về linh sơn Yên Tử
  • Trà đắng Cao Bằng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com