Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đặc sản xoài cát Cao Lãnh

Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có 5.152 ha vườn cây ăn trái, trong đó có gần 2.000 ha trồng xoài, đa phần là Cát Chu và Cát Hòa Lộc, sản lượng trên 30.000 tấn. Xoài cát trồng tại Cao Lãnh ít xơ lại vừa thơm ngon và mỗi năm đem lợi nhuận cho bà con nhà vườn trong huyện hàng trăm tỉ đồng từ đặc sản này...

TỪ CÁT CHU ĐẾN HÒA LỘC...

 

 Một quầy bán xoài cát trên quốc lộ 30, huyện Cao Lãnh. Ảnh: Hà Phương

 

Xoài Cát Chu (tên khoa học là Mangifera indica) là giống xoài truyền thống của địa phương từ lâu đời. Quả xoài Cát Chu có trọng lượng trung bình 350-450g, hình thon dài, khi chín vỏ màu vàng nhạt. Thịt xoài Cát Chu ít xơ, mềm mà hơi dai, lại rất ngọt và thơm. Khi ăn miếng xoài tan nhẹ trong miệng và vị ngọt dịu vẫn còn đọng mãi trên đầu lưỡi. Xoài này giàu lượng acid amin rất cần thiết cho cơ thể.


Cây cho trái vào khoảng tháng 12 dương lịch nhưng các nhà vườn thường xiết nước cho cây ra hoa sớm hơn, trước Tết 3-4 tháng, hễ Tết Nguyên đán đến thì trái xoài vừa kịp chín để có xoài bán. Cây xoài Cát Chu có năng suất rất cao, dễ trồng, thích hợp, với nhiều loại đất, nhất là đất phù sa ven sông Cửu Long. Ngoài ra, trồng vùng đất phèn ở miền Tây Nam bộ và đất cát gò ở miền Đông cây xoài cát vẫn cho trái tốt. Mới đây, một công ty Nhật đặt mua vài trăm tấn xoài Cát Chu mỗi mùa xuất sang Nhật.


Bà Trần Thị Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết: “Nhận thấy tiềm năng kinh tế của giống xoài và sự phù hợp của đất Cao Lãnh, nên tỉnh Đồng Tháp đang giúp bà con cải tạo vườn nhà nhân rộng giống xoài cát Hòa Lộc bằng việc ghép giống xoài cao cấp trên thân xoài tạp thử nghiệm từ năm 2003 và đã thành công”. Từ kết quả này, bà con nhà vườn tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cao. Xoài cát Hòa Lộc ở Cao Lãnh không chỉ trồng tập trung thành vườn mà còn trồng rải rác theo lộ, theo sông, trên vùng đất cồn, đất bãi bồi của huyện. Trước đó, tỉnh đã đầu tư vùng cây ăn trái kiểu mẫu cho giống xoài cát và chọn huyện Cao Lãnh thực hiện với diện tích 56,2 ha.
 

Thạc sĩ Nguyễn Thành Tài, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, cho biết: Địa phương đã xây dựng mô hình xoài sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) tại ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương; hỗ trợ 5 hộ trồng 5ha xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu với 15.000 kg phân hữu cơ HVP, 60.000 bao trái xoài do Đài Loan sản xuất, tạo tán, cho các hộ thực hiện mô hình. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 47.500 bao trái xoài cho 9 hộ sản xuất 10ha ở xã Bình Hàng Tây. Ban điều hành dự án cây ăn trái huyện kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ 32.000 bao trái cho 5hộ trồng 8ha xoài ở 3 xã Mỹ Xương, Bình Hàng Tây và Bình Thạnh. Qua đó, các nhà vườn đã nhận thức được công dụng, hiệu quả của việc bao trái xoài trong mùa nghịch, biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch và bón phân hữu cơ sinh học trên cây xoài theo hướng an toàn.


Theo Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, áp dụng phương pháp mới, xoài cát cho trái mỗi năm từ 2 đến 3 vụ. Nhiều nông dân nhờ áp dụng thành công biện pháp canh tác mới đã đạt lợi nhuận từ 100-170 triệu đồng/ha trồng xoài. Gần đây, trong nhiều hội thi trái cây ngon và an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, xoài cát Cao Lãnh đã đoạt nhiều thứ hạng cao và gây ấn tượng đẹp trên thị trường.


NHỘN NHỊP CHỢ XOÀI CAO LÃNH
 

Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường tăng cao, xoài Cát Chu và xoài cát Hòa Lộc được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... và các tỉnh phía Bắc. Ngoài chợ trái cây, TP Cao Lãnh mùa nào cũng có xoài để bán, sau Tết Kỷ Sửu 2009, du khách có dịp đi dọc tuyến quốc lộ 30 từ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến 2 xã Tân Hưng, Tân Thanh, huyện Cái Bè (Tiền Giang), hương thơm bát ngát của hoa xoài, mùi thơm của những quả xoài chín ửng làm say lòng người. Việc xử lý phun xịt thuốc cho xoài ra hoa sớm, chất lượng trái vẫn đảm bảo và không làm suy kiệt cây. Giá xoài Cát Chu hiện tại lên đến 20.000-25.000 đồng/ký, tăng gấp rưỡi năm ngoái, xoài cát Hòa Lộc có giá 40.000-50.000 đồng/ký, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Sản lượng xoài ngày càng nhiều, việc đưa đi tiêu thụ cũng được huyện Cao Lãnh quan tâm. Toàn huyện có hơn 20 điểm thu mua xoài tập trung, dọc quốc lộ 30 và hợp tác xã sản xuất tiêu thụ xoài xã Mỹ Hiệp được thành lập để giúp cho nhà vườn trồng xoài ở Cao Lãnh có đầu ra.


Từ tháng Giêng đến tháng 5 âm lịch, mỗi ngày cứ từ 17 giờ đến 21 giờ không khí mua bán luôn sôi động. Tại các vựa thu mua xoài, xe tải chở những thùng xoài cát nối đuôi nhau vận chuyển đến các chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng ban quản lý Chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Vùng trồng xoài Cao Lãnh gần đây rất nhộn nhịp, thu hút hàng ngàn người ở địa phương có thêm việc làm từ việc chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, chọn lọc, phân loại xoài và đóng gói đưa đi tiêu thụ. Mỗi ngày bình quân chợ đầu mối có khoảng 100 tấn trái cây được tập kết chờ đi các nơi”.


Thạc sĩ Nguyễn Thành Tài, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, phấn khởi nói: “Chúng tôi đã lo thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xoài Cao Lãnh, chỉ vài tháng sau sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, giao cho HTX xoài Mỹ Hiệp quản lý. Bên cạnh đó, việc trồng xoài theo tiêu chuẩn GAP đang tiếp tục được tiến hành nhằm nâng cao chất lượng xoài cát Cao Lãnh, tăng sức cạnh tranh trên thương trường”.

( Theo báo Cần Thơ online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Thăm làng quê dọc sông Hồng
  • Bò tót ở Vườn quốc gia Cát Tiên
  • Cao Phong mùa cam chín
  • 360 độ ẩm thực Sài Gòn
  • Con trâu trong không gian văn hoá làng Việt
  • Những làng nghề truyền thống ở Quảng Nam
  • Những chuyện quyến rũ ở chợ Tết vùng cao
  • Cuối đông ghé Xuân Đỉnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com