Một ngôi nhà sàn giữa rừng Cúc Phương. |
Ninh Bình là một tỉnh ở cực Nam Bắc bộ, ngăn cách với Bắc Trung bộ bởi dãy núi Tam Điệp hùng vĩ. Vùng đất này có địa hình và vị trí địa lý đa dạng, độc đáo. Phía Tây Bắc là miền đồi núi, dần về phía Đông Nam có nhiều đồng bằng hẹp xen kẽ, cận Đông của Ninh Bình có bờ biển dài 18km.
Đến Ninh Bình sau khi thăm viếng những di tích lịch sử nổi tiếng của cố đô Hoa Lư (968-1009) như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành ở địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, du khách xuôi theo quốc lộ 1A về phía Nam đến với khu du lịch Tam Cốc – Bích Động thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Cách bến Tam Cốc chừng 2 km có Bích Động. Bích Động có nghĩa là “động xanh”. Tể tướng Nguyễn Nghiễm, cụ thân sinh của nhà thơ thiên tài Nguyễn Du đã đặt tên cho động năm 1773, mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam, đứng sau động Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động) ở Hương Sơn. Dòng sông Hoàng Long như dải lụa bạc uốn lượn quanh co bên sườn núi, vắt ngang trước cửa động. Bên kia sông là cánh đồng lúa thanh bình, yên ả.
Về thị xã Tam Điệp rồi theo đường 942 ngược lên mạn Tây Bắc đến huyện Nho Quan, khách sẽ đến Vườn quốc gia Cúc Phương, là một khu bảo tồn thiên nhiên, nằm trên địa phận ranh giới ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Đây cũng là vườn quốc gia được thành lập đầu tiên tại Việt Nam theo Quyết định số 72/TTg ngày 7-2-1960. Vườn quốc gia có diện tích 22.000 ha, cao từ 300m đến 600m so với mặt nước biển, có hệ động thực vật phong phú, đa dạng... đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có trong Sách Đỏ được phát hiện và bảo tồn tại đây. Vườn quốc gia Cúc Phương còn là một di chỉ khảo cổ. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện tại đây như mộ táng, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng xương thú, vỏ sò... chứng tỏ con người đã từng sinh sống tại khu vực này từ 7.000 đến 12.000 năm trước. Đến Cúc Phương, du khách sẽ đi bộ một quãng chừng 3 km để thăm Vườn thực vật Cúc Phương – nơi sưu tập, gây trồng các loài cây quý hiếm của Việt Nam, khu vực và thế giới. Sau đó khách sẽ phải leo hàng trăm bậc thang để lên Động Người Xưa, nơi có rất nhiều chứng tích của người cổ.
Cổ thụ ở rừng Cúc Phương. |
Các nhà khoa học đã thống kê được khoảng 2.000 loài thực vật thuộc hệ thực vật nguyên sinh ở Cúc Phương. Nơi đây còn có 97 loài thú, trên 300 loài chim, 36 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng. Cúc Phương là nơi sinh sống của một số quần thể thú như loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu, cùng với voọc quần đùi trắng và cầy vằn, báo hoa mai, khướu mỏ dài v.v... người ta đã xác định được 280 loài bướm, 7 loài trong số đó lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam tại Cúc Phương vào năm 1998.
Hang Con Moong nằm gần một con suối ven sông Bưởi, được người xưa chọn làm nơi cư trú. Hang rộng và dài, có 2 cửa thông nhau. Hang Con Moong có địa tầng văn hóa khá dầy, có sự đan xen kế tiếp nhau của đất sét, vỏ nhuyễn thể và các vệt tro than. Từ đây, theo một con đường mòn trong rừng già, du khách sẽ gặp cây chò ngàn năm tuổi, cao 45m, đường kính 5m, có chu vi 20 người dang tay ôm mới giáp. Những dây leo khổng lồ với đường kính gốc 0,5m, chạy dài khoảng 1km vắt ngang rừng và loài “đa bóp cổ” sẽ gây cho du khách sự ngạc nhiên, thán phục: hạt đa nảy mầm trên các hốc cây khác, khi rễ của chúng đã bám đất, chúng phát triển rất nhanh, bóp chết cây chủ. Du khách còn được chiêm ngưỡng những cây chò cao tới 70m, thân thẳng, tròn đều.
Theo đường ô tô nhỏ, qua Động Người Xưa chừng 2 km, phía bên trái là đường dẫn đến cây đăng cổ thụ. Vượt qua nhiều dốc đá, với nhiều cây cối, dây leo. Cây đăng cổ thụ là một cây gỗ cao 45m, đường kính chừng 5m có bộ rễ nổi, chạy dài trên mặt đất hơn 20m. Quanh cây đăng những cây bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa) là những dây leo thân gỗ đường kính 20-30 cm dài khoảng 100m. Trên đường tới cây đăng, du khách có thể gặp và quan sát những loài chim quý như gõ kiến đầu đỏ, gà lôi trắng hoặc thú như sóc đen, sóc bụng đỏ, voọc mông trắng...
Bản bà con dân tộc Mường cách Vườn quốc gia Cúc Phương chừng 16km, đường đến bản khá dài và phải qua nhiều đồi dốc cao. Đi thăm bản sẽ là chuyến du khảo hấp dẫn. Bên triền sông Bưởi, những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang như nét chấm phá tuyệt vời giữa một khung cảnh núi rừng hoang sơ, lãng mạn... Bà con dân tộc Mường hiền lành, vui vẻ, mến khách. Ven bờ sông Bưởi nước trắng xóa, tung bọt chảy về xuôi, bên những bến nước trong veo, lau sậy phất phơ, vài cô gái đang giặt giũ hoặc lấy nước. Du khách sẽ ngẩn ngơ khi nghe tiếng hát cao vút, trong trẻo, lắng sâu của những cô gái Mường. Nếu thích, du khách đi qua khu rừng già với nhiều dốc đá, leo lên đỉnh Mây Hạc cao 648m, cách trung tâm vườn quốc gia chừng 3km để chinh phục đỉnh núi cao nhất rừng Cúc Phương. Lên đến đỉnh núi những mệt nhọc sẽ tan biến đi. Bạn hít thở không khí trong lành và khoan thai, thong thả chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ như trong tranh vẽ của miền núi Ninh Bình.
(Theo Viễn Du // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com