Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khu rừng chè cổ Tây Bắc (Kỳ 4)

Rừng chè cổ ở Tây Bắc quanh năm chìm trong mây mù ẩm ướt rêu phong và những loại cây chùm gửi. Ảnh: Hải An

Sau một hồi đi như chui qua đoạn đường rậm rịt những cành cây đan chéo nhau, bên dưới thì đất nhão, thậm chí có cả phân trâu bò, mình mẩy chúng tôi trông bẩn kinh khủng và rã rời. "Sắp đến rồi, chừng trăm mét nữa thôi", anh Huấn, người dẫn đường lên tiếng. Câu nói ngắn ấy đủ khiến cho chúng tôi như được tiếp sức, lao phăng phăng xuống con dốc...

Vừa đến chân dốc, anh Huấn chỉ một cây dại bên đường rồi nói: "Cây chè đấy". Tôi kinh ngạc, trố mắt nhìn cái cây chút xíu, bởi hình ảnh tôi chờ đợi là những gốc chè cổ thụ "khổng lồ". Đang còn ngơ ngác thì anh Huấn cười, nói: "Cây này là cây con mới mọc thôi, đây mới bắt đầu tiến vào rừng chè cổ".

Càng đi vào sâu những cây chè dần hiện ra trước mắt. Nói là "dần hiện ra" bởi ở độ cao này mây mù vây phủ, thỉnh thoảng có gió mây tan trong chốc lát rồi lại phủ dày trắng xóa cứ như cõi bồng lai trong phim thần thoại. Những cây chè thoắt ẩn, thoắt hiện từ xa, bước đến gần thì cảm xúc và sự hồi hộp của tôi càng mạnh, thật khó diễn tả. Đối với tôi, một người lớn lên ở xứ chè Tây nguyên, mê chè, thích tìm hiểu về chè, giờ đây được nhìn tận mắt một cây chè cao hơn 15 mét, sờ tay vào thân nó mà cứ đứng tần ngần như bị thôi miên.

Những cây chè cổ thụ chắc phải có đến hàng ngàn năm tuổi (?!). Ảnh: Hải An

Những cây chè cổ thụ này quanh năm hấp thụ khí trời trong sạch, chốc chốc là cả cây cả lá lại chìm trong mây mù, dưới gốc cây phủ một lớp mùn dày đến cả mét. Lớp mùn dày cũng có cái lợi là giữ độ ẩm cho cây, nhưng còn nhớ trong một vụ cháy rừng trước đây, phần rừng thuộc địa phận Hoàng Liên Sơn là khó dập tắt nhất. Trên bề mặt có thể dập tắt rồi nhưng lửa vẫn âm ỉ cháy bên dưới lớp mùn dày, vài ngày sau có nơi lại bùng lên cháy tiếp.

Những cây chè xanh mướt, lá ướt đẫm hơi nước từ những đám mây bay qua. Tôi cố tìm dưới đất một chiếc lá chè rụng nhưng chỉ hoài công, hiếm hoi lắm thì thấy vài quả chè xanh, phần lớn là hoa chè.

Vừa đi vừa trò chuyện với anh Huấn, và sau này có dịp gặp vài người chuyên nghiên cứu về cây chè, tôi biết thêm vài thông tin thú vị. Những cây chè đến tuổi, thân cây có lõi gỗ đều xếp vào hàng cổ thụ. Những cây chè ở Suối Giàng cũng cùng họ với giống chè này, nhưng do từ hàng trăm năm trước khi chúng được người Mông khai thác, họ vừa hái lá vừa tỉa cành, ngắt đọt khiến thân cây chè không phát triển chiều cao tự nhiên mà chỉ dừng ở khoảng vài mét. Người hái chè còn leo lên đứng cành thấp để hái lá chè trên cành cao.

Ở Suối Giàng có cây chè cao chừng 7 mét được cho là đã khoảng 700 năm tuổi. Vậy thì cây chè cao hơn 20 mét ở Hoàng Liên Sơn có tuổi thọ có thể đến ngàn năm chăng?! Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở độ cao từ 2.000 đến 2.500 mét, quanh năm mây mù, giá rét đã hạn chế rất nhiều sự phát triển nên phải mất rất nhiều năm, vòng thân cây mới tăng thêm được 1mm. Vậy, những cây chè có gốc lớn, một hay hai người mới ôm kín vòng gốc cây thì có thể tin rằng tuổi thọ của chúng có thể lên đến ngàn năm.

Về nguồn gốc loại chè này, theo tư liệu của hiệp hội Chè Việt Nam thì những cây chè thân gỗ thường thuộc họ chè Shan, chè assamica (thường có nhiều ở Ấn Độ) chỉ có loại này mới đạt đến độ cao trên 15m, song loại này lại không chịu được thời tiết hạn, rét, nên chỉ mọc ở đồng bằng mà thôi. Trong khi đó chè Hoàng Liên Sơn lại ở cao độ 2000-2500, quanh năm giá rét khắc nghiệt. Vậy đây có phải một loại mới chưa từng biết đến?

Thôi thì chuyên môn không biết nên không dám lạm bàn nữa, quay trở lại với cảm xúc ở rừng chè, lúc này trời mưa lâm râm, nhìn ngút lên đọt chè cao ngất lúc mây tan những tán chè xanh mướt dần hiện ra. Chúng tôi say mê ngắm nhìn những lá chè xanh, những búp chè non. Khó diễn tả cho hết cảm giác kì lạ trong lòng. Đi vòng vòng soi thật kỹ để tìm ít quả chè đem về. Quả chè trên cây thì rất nhiều nhưng hái thì quá khó vì thân cao và trơn. Tôi có ngắt mấy lá chè non ở gần gốc đem về Sài Gòn, mãi 10 ngày sau lá vẫn xanh tươi như khi mới hái, không hề có dấu hiệu héo úa. Nhìn chung thì chè cổ thụ Hoàng Liên Sơn không khác nhiều so với chè Suối Giàng, song màu xanh mướt hơn rất nhiều và lá dày hơn.

Đối với cây chè thì nhiệt độ phù hợp nhất để sinh trưởng là 18-30 độ C, nếu nhiệt độ thấp cây có khả năng chết rét hoặc bị chậm quá trình sinh trưởng. Vậy mới thấy rằng các "cụ" chè Hoàng Liên Sơn, qua nhiều thế hệ, đã trải qua cả ngàn năm chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà vững chãi đến tận bây giờ.

Còn gì thú hơn khi được thưởng thức ngụm chè ngàn năm ngay giữa bạt ngàn Hoàng Liên Sơn, có gió, có mây, có núi rừng làm bạn. Các cụ xưa uống chè vẫn nói, để có ngụm chè ngon thì phải: "Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm". Theo các cụ, nước ngon phải là "sơn thủy thượng" tức lấy nước trên núi cao, thế thì đây là nhất rồi. Anh Huấn vui vẻ đi lấy một ấm đầy nước suối về đun những chiếc lá chè vừa ngắt xuống, sương mây còn vương trên lá.

Núi rừng ẩm ướt, nhem một bếp lửa để thưởng thức ngụm chè xanh hái tại chỗ là điều khó khăn nhưng lại càng thôi thúc sự ham muốn của người đã vất vả đặt chân vào khu rừng chè cổ đất Tây Bắc. Ảnh: Hải An

Ban đầu, dự định chừng 3 giờ chúng tôi quay về Trạm Tôn thì mới kịp thời gian; nhưng do củi quá ướt nên nhóm lửa hoài không được, ngay cả đã dùng một cây cồn khô đem theo vẫn không nhen được lửa. Nổi khùng lên, anh bạn cùng đi với tôi lấy luôn tập tài liệu thông tin chuẩn bị chuyến đi làm mồi cho lửa và sau đó thì thứ đốt được là đốt để nhen lửa nấu nước pha chè, nhưng đến thế rồi mà vẫn không có được bếp lửa như ý, đốt hết cũng không cháy.

Thật sự là lúc đó buồn muốn phát khóc. Đến đây rồi mà không uống được một ngụm trà ở đây thì sao cam tâm. Trong lúc bế tắc, tôi chợt nhớ có đem hai cái khăn trùm đầu cho khỏi lạnh, vậy là xé ra đốt luôn! Có lẽ ông trời không phụ lòng người nên sau gần một tiếng đồng hồ loay hoay kiên trì, ngọn lửa nhỏ đã bùng cháy. Cả ba chúng tôi vui mừng reo lên như trẻ con. Trong cái giá lạnh của núi rừng hoang vu, mây trắng lững lờ bao phủ, ngọn lửa nhỏ bừng cháy trong tiếng củi nổ lép bép, tiếng reo của nước sôi, thôi thúc cảm xúc mãnh liệt đến cùng cực, phút giây này thật lãng mạn biết bao.

Ngọn lửa nhỏ bừng cháy trong tiếng củi nổ lép bép. Ảnh: Hải An

Không có chén, chúng tôi uống chè xanh bằng nắp ấm. Khẽ đưa lên môi, hương chè thoảng qua mũi, nhấp một ngụm nhỏ, giữ lại trong miệng một chút rồi nuốt. Một chút chát lan trên đầu lưỡi, một chút ngọt nằm trong cuống họng và hương chè nhẹ theo hơi thở mà lan tỏa. Ngất ngây lắm, mê say lắm. Giờ khi ngồi viết lại mà hình ảnh cứ như sống lại trước mắt.

Thời gian qua rất nhanh và trong rừng trời sẽ tối rất mau nên chúng tôi vội vàng dập lửa để đi nhanh về Trạm Tôn sau khi mất gần 1 tiếng cho mấy hớp chè xanh. Cả ba im lặng cắm cổ đi, ai cũng biết là khi trời tối côn trùng và nhất là rắn sẽ ra, mà con đường này không có người đi nhiều nên rắn sẽ bò ra nằm trên đá. Người bạn cùng đi với tôi bắt đầu xuống sức rõ rệt, nhưng chắc vì sợ nên cũng ráng lết. 17giờ chúng tôi về đến lán 2200, không dám nghỉ lâu mà tiếp tục xuống núi, hết đá rồi suối rồi trèo cây... Nếu không bị áp lực thời gian thì lượt đi xuống này sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Lúc 18g11', đến khu bãi sậy mà các nhóm leo núi Fansipan thường hay nghỉ chân và chụp hình, vì chỗ này nhiều hoa mua, nên cảnh đẹp và lãng mạn. Không cần soi gương, tôi cũng biết khuôn mặt mình bơ phờ, hốc hác thế nào. Ngay cả anh Huấn - người dẫn đường cũng đuối sức rõ rệt.

Lúc này trời bắt đầu tối, không thấy đường nữa. Những chú đom đóm ra khỏi hang lập lòe chớp sáng. Ban đầu thưa thớt vài con... rồi hàng trăm đốm sáng bay thành đàn, nhào lộn lúc nhanh lúc chậm, nhìn vừa lôi cuốn, vừa huyền ảo, ma quái. Thở không ra hơi nhưng cũng thấy thích thú và sợ cũng sợ như gặp ma. Thế là cắm đầu chạy. 18g40' về đến Trạm Tôn nằm vật ra, sau một hồi mới cảm nhận được chân đã thôi chạy và hành trình kinh hoàng đã kết thúc.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chợ sò Hà Thủy
  • Chè cổ trên dãy Hoàng Liên Sơn (Kỳ 3)
  • Chè cổ ở bản Phình Hồ (Kỳ 2)
  • Những vườn chè cổ thụ vùng Tây Bắc (Kỳ 1)
  • Huyền thoại Kôn Clon
  • Xanh mướt Hòn Bà
  • Độc đáo hội đánh bắt cá suối của người Mường Bi
  • Ngôi chùa và chiếc bàn xoay bí ẩn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com