Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang, với chúng tôi câu ca dao trên luôn là nỗi ám ảnh trong suốt hành trình khám phá sông Hương…
Từ thành Huế, chúng tôi lại xuống đò dọc xuôi theo dòng sông Hương để về phá Tam Giang. Chiếc thuyền xuất phát từ bến Tượng – ngày xưa nơi đây là bến tắm voi của những đội tượng binh dưới triều Nguyễn. Xuôi theo dòng sông Đông Ba – một nhánh của sông Hương – về phía hạ nguồn. Nơi chúng tôi xuất phát cũng là đoạn dừng chân của xóm vạn đò. Theo một thống kê mới nhất, khoảng một ngàn con đò đang sống lênh đênh trên sông Hương như thế.
Chiều trên phá Tam Giang |
Chiều trên phá Tam Giang…
Trước mắt chúng tôi là ngã ba Sình – chỗ hợp lưu của sông Bồ vào sông Hương – nơi hai dòng nước trong – đục bắt đầu một cuộc giao hoan trước khi cùng nhau sánh vai trên chặng đường mới. Đến đây, con đò không đi thẳng theo sông Hương mà theo dòng sông Bồ, một phụ lưu của sông Hương. Dòng sông như ngày càng mở rộng khi trời đã về chiều, chúng tôi đã nghe hương vị mặn của biển ở đầu môi… Và phá Tam Giang đã mở ra trước mắt, một không gian thoáng rộng tít tắp tận chân trời. Phá Tam Giang dài khoảng 27km, kéo dài từ đập Cửa Lát đến cửa biển Thuận An.
Phá Tam Giang được hình thành từ khoảng hơn 2.000 năm trước do những cồn cát nổi lên, chạy dọc theo bờ biển. Con phá mênh mông nước lợ này là sự hoà lẫn từ nước ngọt đổ về từ các con sông và nước mặn lấn vào từ biển qua các cửa sông, tạo thành một vùng tiểu khí hậu, tiểu sinh thái đặc trưng, độc đáo. Theo thống kê gần đây, phá Tam Giang mang trong mình hơn 900 loài sinh vật, đặc biệt có 7 loài cỏ biển, 7 loài thực vật ngập mặn, 230 loài cá, 73 loài chim nước, 12 loài tôm, 18 loài cua có giá trị kinh tế cao… Nhiều loại nhuyễn thể khác như trìa, ngao, vẹm xanh, cùng hàng chục loài cá nước lợ rất nổi tiếng ngon mang hương vị riêng như cá đối nục, cá cặn… Phá Tam Giang là môi trường sống, là thu nhập, là cuộc sống gắn liền nhiều đời của hàng chục vạn người dân sống xung quanh.
Chiều rơi trên phá, màu xanh biếc đã dần được thay thế bằng những gam màu sẫm hơn. Nước trời cùng hoà chung một không gian huyền hoặc. Đây cũng là thời điểm diễn ra trò đùa của màu sắc trên mây nước và những tia sáng mặt trời còn sót lại. Bức tranh như được hoạ sĩ thiên nhiên pha và đổi màu liên tục… Những đàn chim tìm về tổ ấm, riêng người dân sống trên phá mới bắt đầu một vòng mưu sinh mới… Chúng tôi quyết định neo thuyền lại giữa phá. Bữa ăn tối có món tôm luộc được vớt lên từ dòng nước lợ này. Dã chiến là vậy nhưng ngon đến lạ lùng. Đêm, mưa bắt đầu nặng hạt, chúng tôi chen chúc nhau trong khoang thuyền của vợ chồng anh Huy, một ngư dân cố cựu của xóm Sáo, xã Điền Hải, huyện Phong Điền giữa trời nước mênh mông.
Chỉ mong ước mỗi ngày vài con tôm, con cá để chờ ngày đổi đời. Ảnh: Th.L |
Những dòng đời lênh đênh
Câu chuyện về phá Tam Giang trong đêm mưa thật ấn tượng. Đến đời anh Huy là đời thứ tư sống nương vào đầm phá, ước mơ truyền đời chỉ là mái nhà trên bờ, nhưng… Anh Huy kể: “Năm 1999, cả nhà mới gom đủ tiền dựng một ngôi nhà sàn trên bờ phá, chưa kịp mừng vui thì lũ lụt ập tới. Đêm đó nghe gió rít trên mặt phá đến rợn người, nước đã lên đến sàn nhà, tôi chỉ kịp bỏ mấy đứa con vào thúng đẩy vào sâu trong xóm gởi nhờ trường học, quay ra thì những con sóng cả đã ụp vào cuốn trôi cả ngôi nhà cùng với toàn bộ gia tài, tay trắng vẫn hoàn trắng tay, mãi đến năm ngoái mới đủ sức dựng lại căn nhà sàn mới…”. Đối với hầu hết cư dân nơi này, thuyền là nhà, những con người “sống vô gia cư, thác vô địa táng” cứ lênh đênh qua bao năm tháng. Phá Tam Giang luôn mang lại nguồn sống bất tận, nhưng cũng dễ dàng lấy đi tất cả. Khi mùa mưa lũ đến, cả đầm phá mênh mông dựng sóng, những con thuyền – nhà trở thành chiếc lá mỏng manh giữa dòng thác đổ. Những lúc ấy, ngư dân xóm thuyền chỉ biết bỏ của chạy trốn vào nhà dân trên đất liền. Nửa đêm về sáng, chúng tôi cùng tỉnh giấc để theo vợ chồng anh Huy bắt đầu cuộc mưu sinh trên phá. Những con cá, con tôm sao bé nhỏ được anh chị tần tảo, mò mẫm trong dòng nước lạnh buốt để khi bình minh lên hy vọng có đủ tiền đong gạo cho con lót dạ đến trường. Chúng tôi khá bất ngờ khi cuộc sống quá lam lũ, nhưng cả ba đứa con anh Huy đều đến trường, anh Huy luôn hy vọng: “Đời chúng nó không phải nhọc nhằn như cha mẹ chúng lênh đênh trên đầm phá, chúng phải đổi đời và thoát khỏi định mệnh “sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang nữa…”.
( Theo Yến Trinh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com