Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lễ hội tế thu tại Vạn An Thạnh của ngư dân Phú Quý

Truyền thuyết dân gian của người Việt và người Chăm đều cho rằng cá voi (cá Ông) không phải là một loài cá bình thường mà là một loại cá thần. Biểu hiện ở đây không phải là do có sức vóc to lớn và sức chịu đựng khác thường, mà là loài cá có suy nghĩ, có tình cảm, đặc biệt là sự cảm nhận về tâm linh như con người. Không phải ngày xưa mà ngay cả bây giờ nhiều người vẫn nghĩ thế.

Tập tục thờ cá voi vốn là một tín ngưỡng của người Chăm được người Việt tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hóa và trở thành tín ngưỡng dân gian quan trọng trong đời sống của ngư dân vùng biển đảo từ Quảng Bình trở vào. Tuy nhiên trong quá trình tiếp biến văn hóa, người Việt đã có những thay đổi, biến cải rất cơ bản, từ nghi thức tổ chức đám tang, thượng cốt cá Ông cho đến việc thờ phụng và tế lễ hàng năm. Ở đây có sự hòa đồng với một số tín ngưỡng dân gian khác của người Việt như tục thờ ông bà, tiền hiền, hậu hiền hoặc kết hợp với một số lễ nghi nông nghiệp như lễ cầu mùa, cầu an…Đặc biệt việc rước xách thì hoàn toàn theo lễ nghi của người Việt từ trang phục, cờ lọng, kiệu phướn và những động tác hành lễ. Qua khảo sát đã thống kê được trên đảo Phú Quý có 34 di tích thì đã có đến 10 ngôi lăng vạn thờ cá voi. Sống giữa một môi trường biệt lập, bốn bề là đại dương bao la, nghề nghiệp và cuộc sống luôn đối mặt với bao hiểm nguy của biển cả nên người dân Phú Quý luôn tin tưởng và cầu mong vào sự trợ giúp của cá ông. Có thể nói tập tục, tín ngưỡng thờ cúng cá ông được coi là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Phú Quý. Ở Phú Quý đến nay vẫn lưu truyền sự tích kể rằng: Trong những năm giao tranh với nghĩa quân Tây Sơn, đã có lần Nguyễn Ánh và binh lính của ông phải chạy ra đảo Phú Quý lánh nạn, nhờ có sự linh ứng trợ giúp của cá voi mà Nguyễn Ánh đã thoát nạn trước nhiều cơn giông tố nơi biển cả. Để tưởng nhớ công ơn cứu mạng, sau này các vua triều Nguyễn đã sắc phong cho cá voi tước hiệu “Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần”. Trong số 10 ngôi lăng vạn trên đảo Phú Quý, Vạn An Thạnh ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh được coi là ngôi vạn chung của người dân toàn đảo. Được tạo lập từ năm Tân Sửu (1781), Vạn An Thạnh cũng là ngôi Vạn cổ xưa nhất, có quy mô bề thế, trang nghiêm và lưu giữ nhiều bộ cốt cá ông cổ xưa nhất trên đảo. Với những giá trị tiêu biểu, nổi trội về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và văn học dân gian nên Vạn An Thạnh đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. 
 
Hàng năm, tại Vạn An Thạnh diễn ra nhiều nghi thức lễ lạc, hội hè gắn với tín ngưỡng tôn thờ ông Nam Hải. Trong đó 2 nghi lễ chính yếu nhất là tế Xuân (cầu ngư đầu mùa) diễn ra trong tháng giêng âm lịch và tế Thu (lễ kỵ cố) tổ chức vào ngày 15 – 16/10 âm lịch. Lễ hội tế Thu (kỵ cố) được coi là lễ nghi lớn và chính yếu nhất tại Vạn An Thạnh và cũng là nghi lễ cúng tế ông Nam Hải lớn nhất trên đảo. Ngư dân Phú Quý tương truyền rằng: vào ngày 15/10 năm Tân Sửu (1841) có “ngài” (cá voi) đầu tiên “lụy” (chết) trôi dạt vào bãi cát trước vạn. Bà con, ngư dân đã tổ chức an táng long trọng và tôn xưng là “vị cố”. Từ đó đến nay Vạn An Thạnh lấy ngày 15-10 âm lịch làm ngày “kỵ cố”. Đây là ngày hội chung của người dân Phú Quý. Mọi người khắp nơi trên đảo về Vạn An Thạnh để chung vui và cầu xin ông Nam Hải ban cho nhiều may mắn, phúc lộc.
 
Các nghi thức truyền thống trên lễ kỵ cố tại Vạn An Thạnh đến nay vẫn được bảo lưu đầy đủ. Long trọng và trang nghiêm nhất là nghi thức tổ chức đoàn lễ với hàng ngàn người ra bờ biển mời gọi và thỉnh rước ông Nam Hải từ biển khơi về vạn hưởng lễ. Đoàn lễ có cờ, lọng, hương án, chiêng, trống, đội chèo bả trạo…tạo nên một không khí vui tươi hồ hởi. Trong lễ kỵ cố, ông chủ lễ long trọng đọc những bài văn tế thần Nam Hải, tiền hiền, hậu hiền… để thỉnh mời họ về hưởng lễ và bảo bọc, chở che cho người dân trên đảo trong nghề nghiệp và cuộc sống. Tại Vạn An Thạnh còn lưu giữ tập văn tế dày 124 trang viết bằng chữ Hán Nôm cổ được lưu truyền từ lúc khai lập vạn đến nay. 
 
Lễ hội tế Thu (kỵ cố) tại Vạn An Thạnh cần được chú trọng nghiên cứu, bảo tồn, trước hết là để lưu giữ một loại hình tín ngưỡng dân gian mang tính nhân văn sâu sắc, sau đó là để phát huy một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng biển đảo góp phần phát triển du lịch Phú Quý trong tương lai.
 

(Theo Binhthuantoday)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Tây Bắc những điều lạ
  • Độc đáo trang phục của người Dao Tiền Bắc Kạn
  • Trang phục truyền thống của người Êđê
  • Nét đẹp trong lễ hội đua thuyền dân gian Việt Nam
  • Một số lễ hội chính của 10 tỉnh đông-bắc
  • Lễ hội chém trâu tế thần của người Chăm Lạc Tánh
  • Đặc sắc rối Tày
  • Phố cổ Hà Nội và những kiến trúc tiêu biểu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com