Nghề dệt truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu có từ lâu đời và tạo nên bản sắc văn hoá riêng hấp dẫn khách du lịch. Năm 2002, Mai Châu được dự án xây dựng cơ sở làng nghề đầu tư nhằm tạo cơ sở ban đầu cho phát triển du lịch làng nghề.
Cuối tháng 10, chúng tôi đến bản Lác, xã Chiềng Châu - Mai Châu, mặc dù đang vụ nông nhàn nhưng chẳng mấy gia đình trong bản dựng khung dệt. Khách du lịch đến bản thưa thớt. Có lẽ là sau cơn bão số 5, du khách vẫn tưởng đường lên đây còn khó khăn. Tìm mãi trong bản mới thấy một, hai người già và vài ba cô gái trẻ như còn tiếc nuối với chiếc thoi đưa.
Hà Thị Duyên năm nay vừa tròn 25 tuổi. Hôm nay, em dệt vải để mấy hôm nữa đem theo về nhà chồng. Duyên biết dệt vải từ năm 14 tuổi. Đôi bàn tay thoăn thoắt đưa thoi, Duyên tâm sự: Mấy năm trước, anh lên đây vào mùa nông nhàn thì lúc nào cũng rộn ràng tiếng thoi đưa lách cách. Ngày xưa để dệt một tấm thổ cẩm, các mế, các chị phải mất 7 tháng trồng bông, trồng dâu rồi sau nhiều công đoạn như phơi bông, nhuộm chàm mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, đồng bào hầu như không trồng bông, trồng dâu để dệt vải nữa đâu. Những tấm vải thổ cẩm truyền thống của người Thái Mai Châu được dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý mang từ dưới xuôi lên. Đó chính là nguyên nhân làm cho dệt thổ cẩm ở Mai Châu không giữ được sự tinh tuý như vốn có. Sản phẩm làm ra nhiều nhưng du khách không thích. Bên cạnh đó, công tác quản lý, bao tiêu sản phẩm chưa có, chưa tổ chức được thành nhóm, dân tự dệt, tự tiêu thụ nên sản phẩm làm ra manh mún, chưa tạo được sự liên kết trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Còn chị Lò Thị Ít cũng ở bản Lác cho biết: Một ngày dệt liên tục được 1 sải (dài 1,6m, rộng 0,7m) bán được 60.000 – 70.000 đồng, trong đó tiền mua sợi hết phân nửa. Nhưng không phải dệt ra là bán được ngay. Hết mùa du lịch bản Văn, Pom Coọng, người dân dường như hoàn toàn trở lại với công việc chính của mình là làm ruộng. Khi đó, những khung cửi được xếp vào một góc, nếu có thì cũng không thấy người dệt.
Nhìn từ góc độ văn hóa, ông Lường Song Toàn, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: Hoa văn trên nền thổ cẩm của dân tộc Thái Mai Châu đa dạng kiểu dáng, màu sắc như chim muông, hoa lá, voi, ngựa, nhà sàn...và được người dệt bài trí tùy theo công dụng của từng loại. Mỗi mặt phà, cạp váy, khăn có kiểu hoa văn khác nhau và được người dệt gửi tâm hồn, ước mơ trong đó. Cách đây vài năm, chị Hà Thị Hòa – cán bộ Đài TT – TH Mai Châu đã kết hợp với các nhà may nổi tiếng của Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh đưa lên sân khấu thời trang, tạo nên ấn tượng mới lạ, thu hút được nhiều người quan tâm, mua sản phẩm thổ cẩm của Mai Châu. Hiện nay, hoa văn trên nền thổ cẩm đang bị cách tân xem ra đơn giản nhằm để sản phẩm ra đời được nhanh hơn. Mặc dù, tại các điểm du lịch, người dân đã khéo léo gia công thành các túi, xách, ba lô, ví...song sức mua vẫn có vẻ trầm lắng.
Hiện nay, Mai Châu có nhiều bản làm du lịch, đặc biệt tại 4 bản: Lác (Chiềng Châu), Nhót (Nà Phòn), Văn, Pom Coọng (thị trấn Mai Châu) có gần 300 khung cửi nhưng hoạt động không thường xuyên, có gia đình bỏ hẳn dệt. Để các làng nghề phát triển bền vững, năm 2002, Mai Châu được Dự án xây dựng cơ sở làng nghề đầu tư nhằm tạo cơ sở ban đầu cho phát triển du lịch làng nghề. Dự án đã xây dựng được cổng trào lớn tại ngã 3 Tòng Đậu, 4 cổng chào nhỏ, 4 bãi thu gom rác thải, trên 6 km đường... tại 4 xã Chiềng Châu, Nà Phòn, Tòng Đậu và thị trấn, với kinh phí trên 5,7 tỷ đồng. Qua đó bộ mặt làng nghề có nhiều thay đổi. Năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung quy hoạch một số ngành nghề như: chế biến lương thực sản xuất rượu cần sản xuất chế biến chè... xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản mở rộng sản xuất mây tre đan khai thác vật liệu xây dựng... Bên cạnh đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khảo sát tại tỉnh về nội dung quy hoạch phát triển nghề truyền thống, trong đó 2 sản phẩm chính mang bản sắc vùng văn hoá Tây Bắc là dệt thổ cẩm và rượu cần. Sau khi khảo sát tại Mai Châu, tổ chức JICA sẽ quyết định đầu tư cho bà con trồng dâu, trồng bông làm vải thổ cẩm và vải tơ tằm.
Trên thực tế, người dân mong muốn hoạt động du lịch để dệt thổ cẩm trở thành làng nghề, nhưng trước hết phải tôn tạo bản sắc văn hoá dân tộc, đầu tư vào chất lượng vải bằng sợi bông, sợi tơ tằm do chính người dân tự trồng, tìm cơ sở nhận bao tiêu sản phẩm lâu dài, duy trì và đào tạo nghề dệt thổ cẩm, không để người dân làm tự phát. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời chú ý đến vấn đề vệ sinh môi trường, giải trí văn hoá kết hợp mở các chuyến du lịch trọn gói để du khách lưu lại lâu hơn, góp phần tạo nên một khu du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Như vậy, dệt thổ cẩm Mai Châu mới trở thành làng nghề gắn với các hoạt động du lịch sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào tình hình phát triển kinh tế của địa phương.
(Nguồn: HBO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com