Suối Pắc Bó. |
"Em về nuôi cái cùng con / Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng…". Thủa bé, khi nghe mẹ ru em như vậy, tôi nghĩ Cao Bằng phải là nơi sơn cùng thủy tận, mịt mù xa lắc và thầm nhủ “lớn lên nhất định mình phải tới đó”. Mơ ước lớn dần theo năm tháng. Tôi đã đến Cao Bằng, không phải một mà nhiều lần. Vùng đất đậm đặc văn hóa với nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp.
Đến Cao Bằng chỉ có thể đi đường bộ, nhưng có nhiều tuyến đường để lên Cao Bằng. Một là theo quốc lộ 3 lên Thái Nguyên, Bắc Kạn; hoặc theo đường 4A từ Lạng Sơn qua; hoặc theo đường 34 từ Hà Giang xuống.
Lần nào đến Cao Bằng tôi cũng nhờ nhà văn Hoàng Quảng Uyên làm hướng dẫn. Thị xã Cao Bằng khá sầm uất, là nơi gặp gỡ của ba dòng sông Bằng - Sóc - Hiến. Thị xã có pháo đài cổ, xây bằng đá hộc kiên cố, tường cao mấy mét, có hầm ngầm chứa cả trăm người cùng nhiều dấu tích khác. Pháo đài cổ giờ là doanh trại của tỉnh đội Cao Bằng. Mấy dãy nhà tập thể và những dãy nhà mới phá vỡ toàn bộ cảnh quan di tích. Nghĩ về sự lãng phí tài nguyên du lịch mà thấy tiếc và buồn.
Từ Cao Bằng theo đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh dài 52km qua Hà Quảng là đến Pắc Bó. Có dịp đến đây, bạn nên ghé đền Kỳ Sầm Đại Vương thờ Nùng Trí Cao, anh hùng bản địa từng phá Tống lừng danh vào thế kỷ XI. Hà Quảng là quê hương Kim Đồng (Nông Văn Dền), đội viên Thiếu Niên Tiền Phong đầu tiên của Việt Nam, hi sinh khi đang làm giao liên. Tại mảnh đất Kim Đồng ngã xuống, có khu di tích – mộ và tượng đài của anh khá đẹp.
Dọc đường vẫn còn những guồng lấy nước và cối giã gạo vận hành bằng nước suối, hình ảnh của một vùng quê thanh bình. Ngược dòng con suối nước trong xanh ngọc bích uốn lượn quanh những ruộng lúa, nương bắp. Đường vào hang quanh co, hết lên rồi lại xuống, len lỏi giữa rừng cây. Hang Pắc Bó (có nghĩa là miệng nguồn) nằm trong dãy đá vôi sát biên giới Việt - Trung, rộng chừng 4-5 mét và cao độ mươi mét, có nhiều ngách. Gió và nắng thông thoáng lòng hang.
Hiện nay du khách đến đây có thể chọn hình thức nghỉ lại trong nhà bà con dân tộc (homestay). Tôi đã ở chung với một gia đình Tày, rất thú vị và cũng đã nhảy xuống tắm suối Pắc Bó. Suối mát lạnh, nước trong veo cuộn chảy, xát vào người như massage. Bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến và buổi cơm trưa dân dã hôm ấy ở Pắc Bó cực ngon.
Hồ Thang Hen. |
Đến Cao Bằng, chí ít du khách cũng phải dành một ngày một đêm cho cụm danh thắng hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc. Thang Hen (có nghĩa là Đuôi Ong) là một trong 36 hồ nước ngọt trên núi Trà Lĩnh, chiều dài từ 500 – 1.000 mét, chiều rộng từ 100 – 300 mét, ở độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển, bao quanh bởi những tán rừng già và vách đá cheo leo.
Đầu nguồn Thang Hen là suối Củn có hang rộng như miệng rồng khổng lồ ngày đêm nhả nước ào ào. Không giống nhiều hồ khác, mỗi ngày Thang Hen có hai đợt thủy triều lên xuống và quanh năm nước xanh biếc. Nếu có thể, du khách nên ở lại đêm, nhất là vào mùa trăng để thưởng ngoạn cảnh quan tuyệt vời và thưởng thức các dịch vụ độc đáo ở đây.
Từ Thang Hen, chỉ di chuyển vài cây số là đến động Ngườm Ngao (có nghĩa là động Hổ, hay động Cọp). Theo khảo sát của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, động Ngườm Ngao có độ dài 2.144 mét với 3 cửa chính là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Tương truyền xưa vùng này có rất nhiều cọp, ngày chúng sống trong hang, đêm đêm ra ngoài săn mồi.
Tôi đã nhiều lần đến các hang động ở Phong Nha, Hạ Long nhưng vào Ngườm Ngao vẫn ngạc nghiên đến sững sờ. Phong Nha là động trên sông, Hạ Long là động trên biển, còn Ngườm Ngao là động trên núi. Không hoành tráng lộng lẫy kiểu xô bồ, màu mè diêm dúa như như người ta "trang điểm" cho Phong Nha và Hạ Long; Ngườm Ngao có nét đẹp kín đáo mà kiêu sa mê hoặc của sơn nữ.
Ngườm Ngao thoải mái để du khách tình tự với đá, có gió đồng mơn man hào phóng. Thiên nhiên đã kiến tạo nên những tác phẩm điêu khắc 'trên cả tuyệt vời'. Từ những thửa ruộng bậc thang kỳ lạ đến nàng tiên chải tóc bên suối. Từ hình ảnh chiếc thuyền ra khơi đến búp sen khổng lồ và Tiên ông, Phật đà. Có cả rừng đá và vườn thú sinh động, muôn hình vạn trạng… Tôi rất thích cảm giác đi bộ qua những nương bắp rẫy đậu, nghe hương đồng gió nội dạt dào trong nắng sớm. Với tôi, Ngườm Ngao là thực sự xứng danh 'Việt Nam đệ nhất động'.
Động Ngườm Ngao. |
Ra khỏi Ngườm Ngao hơn 4km là thác Bản Giốc. Cách xa nửa cây số đã nghe thác đổ ầm ì và thấy bụi nước tung trắng xóa. Bản Giốc là thác lớn thứ tư (có tài liệu ghi là thứ hai) thế giới trong số những thác nằm trên biên giới giữa các quốc gia. Thác có ba tầng rộng chừng 300 mét, gồm một thác chính và mấy thác phụ, được xem là thác đẹp nhất Việt Nam.
Cao Bằng là vùng đất lễ hội quanh năm. Nào lễ hội Mời Mẹ Trăng, Lồng Tồng, Thanh Minh, Nàng Hai, Pháo Hoa… với nhiều đặc trưng văn hóa độc đáo. Ẩm thực Cao Bằng cũng rất phong phú. Các loại đặc sản tiêu biểu như bánh khẩu Sli Nà Giàng gồm gạo, nếp, đậu phộng, đường mật… được làm rất công phu; trứng kiến Cao Bằng (còn gọi là Pẻng Rày) làm từ trứng kiến đen trộn với bột nếp và lá cây vả non. Bánh cuốn Cao Bằng, bánh Coóng Phù (bột gạo trộn đường phèn, gừng, đậu phộng…), bánh áp chảo (bột nếp nhận thịt vịt chiên dòn), bánh Khẩu Phảng (gần giống bánh tét), cháo nhộng ong, phở khô chua, lợn sữa quay…
Thác Bản Giốc. |
Dẫu đường đi còn gập ghềnh, khúc khuỷu; dịch vụ còn lắm hạn chế nhưng bù lại người Cao Bằng hiếu khách và chân chất. Dẫu đã đến nhiều lần tôi vẫn muốn trở lại Cao Bằng. Muốn được tắm suối nguồn Pắc Bó và tắm thác Bản Giốc; được ngủ lại Thang Hen và dạo chơi trên hồ núi, được tái ngộ Ngườm Ngao; được tham dự các lễ hội đặc trưng và thưởng thức nhiều món ăn đầy hương vị cao nguyên Việt Bắc mà chỉ ở Cao Bằng mới có.
(Theo Nguyễn Văn Mỹ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com