Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chụp ảnh ở bến cá Long Hải

Một góc chợ cá Long Hải. Ảnh: Minh Quang.

Nếu không được một anh bạn ở địa phương dẫn đường, chắc chắn chúng tôi không thế nào ngờ được ngay sau dãy nhà trệt sàn sàn ở thị trấn Long Hải lại có một bến cá hoạt động rộn ràng, đông đúc như vậy. Anh bạn này đã từng lăn lộn khắp các vùng biển suốt từ Nam ra Trung, chuyên việc vận chuyển, mua bán hải sản nên rất rành các bến cá và làng chài ven biển.

Chúng tôi đến Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng chiều tối, lăng quăng chạy tìm chỗ trọ. Không khó lắm, chúng tôi tìm được một khách sạn nhỏ, tuềnh toàng và đơn giản. Gọi đó là khách sạn, bởi trên tấm bảng hiệu ghi rõ tên là "Khách sạn Xanh", nhưng có lẽ lượng khách đến đây nghỉ trọ thưa thớt hoặc chỉ để phục vụ nhu cầu ngắn hạn cho người địa phương nên khi nhóm chúng tôi gồm bảy người kéo nhau vào hỏi thuê ba phòng thì rối cả lên.

Chúng tôi phải chờ để nhân viên hỏi đi hỏi lại chủ, bàn bạc mãi rồi mới thỏa thuận ngả giá. Lại phải chờ thêm quãng vài phút nữa để nhân viên lo dọn phòng, chúng tôi mới vào được đem đồ đạc vào nhận phòng. Phòng nào cũng giống nhau một điểm là thứ gì cũng... hỏng; chốt cửa cái còn cái mất, vòi nước có cái hỏng cái thông. Hệ thống nước nóng tuy có vòi mở riêng, nhưng được điều khiển từ một chỗ tập trung, mở một lúc mới có nước ấm ấm. Chúng tôi tắm gột bụi đường trường rồi kéo nhau đi ăn qua loa rồi về nghỉ.

Mấy anh em rủ nhau đi cà phê, loáng cái đã trở về, có người càm ràm là cà phê quá tệ. Nói với nhau ba hoa dăm điều rồi mạnh ai nấy ngủ. Máy điều hòa mở số lớn chạy nghe rì rì, cũng may là còn thoang thoảng mát. Mọi người bảo nhau thông cảm vì thị trấn nhỏ, có chỗ ngả lưng thế này là tốt rồi! Ba giờ sáng, anh bạn thổ công đánh thức mọi người dậy, rộn ràng chuẩn bị "tác chiến". Cả bọn lặng lẽ theo chân anh bạn dẫn đường lội bộ, từ khách sạn đến nơi chỉ khoảng dăm phút.

Ghé vào một quán nhỏ uống cà phê điểm tâm, rì rào tiếng máy xe nổ từ mấy gian nhà cạnh đó và túa ra là bóng dáng các công nhân đi làm sớm. Trong thị trấn, ai ngủ cứ ngủ, ai có việc đi cứ đi. Nhìn các chị, các cô mang ủng cao su trắng, tôi mường tượng đến một nhà máy chế biến thủy sản có qui mô lớn, là nơi tạo ra việc làm cho nhiều người dân tại chỗ.

Trời chưa hửng sáng quán xá đã đông khách. Hầu hết là các ông già khó ngủ nên ra tìm chút chất đắng thi vị. Cô chủ quán lăng xăng chạy quanh các bàn, hào phóng đem bình trà nóng hổi ra đãi anh em. Uống cho qua cơn ngái ngủ vật vờ, rồi lại kéo nhau đi, thêm một đoạn ngắn thì thấy một tấm biển xây xi măng có mấy chữ “Cảng cá Long Hải" và mũi tên chỉ vào con ngõ nhỏ.

Riêng tôi, đến phút này vẫn hình dung trong đầu một cảng cá qui mô, nghĩa là có sàn bến để tàu thuyền cặp, có hệ thống cẩu nâng để đưa hàng xuống, lên và có hàng dãy nhà kho để chứa các loại hải sản. Thế nhưng vào tận nơi mới biết mình nhầm.

Tuy được định danh là "Cảng cá" hẳn hoi, nhưng đây chỉ là một bãi cát dài làm nơi họp chợ đầu mối để phân phối hải sản khá nhộn nhịp. Ảnh: Mạnh Anh

Chả có bến có cầu cảng gì hết, chỉ là một đoạn bãi biển trống trơn. Bãi vừa chịu qua một cơn bão sóng nên nhiều nơi còn ngổn ngang những tảng đá chặn nước, hoặc bao cát giữ chân nền nhà. Suốt từ đường vào vẫn chỉ là những gian nhà nho nhỏ, kèm một số hàng quán mới mở phát sinh về sau, nhưng sinh hoạt ở đây phải nói là nhộn nhịp.

Một lô xe tải kềnh càng tấp vào các góc nhà, dây điện treo lủng lẳng đong đưa khi có ai chạm vào hay khi có gió thổi. Người ta dùng các lòng xe làm một loại nhà kho, một số nhân công đang sắp, chọn, hay phân loại các loại cá từ các xe kéo chở đến.

Giỏ cần xé kéo rột rẹt, tiếng khay nhựa va chạm lách cách, bóng dáng các anh, các chị loang loáng trên xe, dưới đất, trong nhà, ngoài đường. Trời còn tối om om mà khung cảnh đã rộn ràng. Thì ra các chị mang ủng bắt gặp khi nãy đều tập trung về làm việc tại đây. Những chiếc xe kéo bằng sức người, chất nhiều tầng khay nhựa, lết bết từ các ngõ ngách ở biển lên. Sự cần cù, nhẫn nại để mong kiếm được đồng tiền khiến ai cũng tự giác làm cật lực.

Tuy phải thức sớm, vất vả, vậy mà gặp anh em chúng tôi đeo máy ảnh, mang túi xách lỉnh kỉnh, ai cũng nở nụ cười thân thiện. Có người còn chào chúng tôi bằng những câu vui vẻ: "Mấy chú quay 'phinh' cho đài nào đó, cho bà con biết để túi lên coi cho đã". Các bạn nhóm chúng tôi túa ra tìm chọn góc chụp những cảnh sinh hoạt, lao động của bà con theo cách nhìn riêng của mỗi người. Cứ chụp được vài tấm lại chỉnh máy kiểm tra lại để chắc mình ưng bụng với những hình ảnh vừa có; nếu không thì săn tìm chụp lại.

Tiếng động cơ cành cạch, ồn ào từ những chiếc xe cải tiến - thường gọi là xe công nông - vang vọng khô khan. Người dân ở đây đã dùng những cỗ máy Kohler hay Kubota chế thành những xe tải để vận chuyển hải sản. Những cái thùng xe lắc lư khi xe trườn vào các con đường mấp mô xuống bãi.

Trời vẫn đen ngòm ngòm, nhưng khung cảnh ở bãi biển đã náo nhiệt. Chẳng có cái cầu cảng nào cả, nhưng không vì vậy mà công việc làm cá kém vẻ ganh đua, sôi động. Biển Long Hải lài lài, đi ra xa một đỗi, nước cũng chỉ đến ngang thắt lưng, hoặc có chỗ đến ngực. Ghe, thuyền neo đậu bên ngoài, người dân dùng loại xe cộ kéo, đẩy tay để chuyển hàng lên bờ. Từng nhóm dăm bảy người, vừa đun vừa đẩy, lủng mủng những sọt, những giỏ, những khay nhựa ra để đón cá lên.

Tiếng cười nói rì rào, tiếng hò nhau đẩy xe nghe lồng lộng trong bóng đêm còn ngủ vạ ngủ vật chưa chịu dậy. Thế nhưng bếp các hàng quán phục vụ cho cái dạ dày của người lao động thì đã thi nhau nổi lửa và chào mời khách. Hàng quán cũng đủ món; nào là phở, cháo, bánh mì, bún và thậm chí cả đủ loại giải khát.

Ghe, thuyền neo đậu bên ngoài, người dân dùng loại xe cộ kéo, đẩy tay để chuyển hàng lên bờ. Ảnh: Mạnh Anh

Hừng đông lóe lên, biển như trải dài, rộng ra. Cả một vùng nước ngút ngàn nhờ nhờ sóng sánh. Nhìn khắp lượt, bãi đã đông vô số. Có thể nói biển Long Hải như một cái vú sữa của bà mẹ hiền dang rộng tay ủ ấp nuôi lũ con. Cả một thị trấn đầu tư vào phục vụ cho biển và bao gia đình cũng nhờ biển để có miếng ăn hằng ngày.

Người ta vây lấy biển, người sang tay mua bán cá, kẻ phục vụ miếng ăn thức uống cho nhau, các dịch vụ cũng dàn đều ra biển để yểm trợ cho ngư nghiệp. Trong khi ở La Gi, các thuyền lớn phải neo đậu rất xa bờ và người ta phải dùng thuyền thúng đưa cá vào mới chất lên xe, ở Long Hải thuyền vào gần hơn, nhưng xem ra sức người đổ ra cũng vất vả nhiều so với những bến cá có cầu cảng cho ghe thuyền cập vào.

Các dịch vụ ở cảng cá thật muôn màu và đủ kiểu. Hàng hàng lớp lớp, những chiếc cộ chở cà ròn, cần xé (*), mọi thứ đựng hải sản, cao nghều nghệu, cung cấp cho từng chủ hàng. Các mối mua, bán lăng xăng đi lại, thử chỗ này, xem chỗ kia, ngả giá nhau từng món. Điều đáng nói là cảnh mua bán rộn ràng sôi động như thế nhưng chẳng hề thấy xảy ra cảnh tranh giành, to tiếng với nhau.

Có vẻ như mọi hoạt động đã thành nếp, được sắp đâu ra đấy, nên tăm tắp thuyền cứ vô và cá cứ lên bờ tuần tự. Cá cũng nhiều loại lớn có, nhỏ có. Con nào quăng vào khay, vào giỏ thì coi như yên, còn con nào rơi trở lại biển là coi như món "lại quả" cho biển cả.

Thế nhưng số phận của những con cá rơi vãi cũng được tính sổ bởi hai người đàn ông "mót" cá ngay vùng nước lấp xấp, chứ không đến lượt những cư dân biển cả khác đánh chén thịt dồng loại. Mỗi người một cái xiệp, họ lầm lũi đẩy tới lui, chốc chốc lại lên bờ gỡ cá bỏ vào bao ni lông, chỉ một loáng cũng được dễ đến hàng chục kí là ít. Tôi nghĩ bụng, ở đây chả phải rình lấy trộm để rồi nghe cự nự inh tai, người chịu khó thì biển chẳng hẹp hòi, bao dung nuôi nấng.

Năm ngoái, về thăm chợ nổi Phụng Hiệp, tôi đã tấm tắc nhiều về cung cách phục vụ của mọi ngành trên sông nước miền Tây. Người ta đã biến cải đò, thuyền thành hàng quán, xưởng sửa chữa cơ khí, hoặc kho xăng dầu trôi nổi trên sông. Vậy mà ở cảng cá Long Hải, tôi lại còn gặp nhiều kiểu cách phục vụ tích cực hơn nữa.

Những thùng dầu cạn được xếp lên bãi, người ta kiểm đếm, súc rửa, để rồi một xe bồn xuống tận nơi bơm đầy cho những chuyến ra khơi kế tiếp. Về khoản đá cục đem theo tàu ướp cá, tại biển Long Hải cũng không thiếu. Người ta đưa các xe tải trang bị máy bào, xay đá cây ngay tại chỗ để chuyển xuống tàu trước giờ nhổ neo ra khơi.

Các anh chạy xe thồ hai bánh cũng không mất phần. Ngoài việc chở du khách hay người địa phương đi lại, các anh còn len vào cảng để nhận chở hải sản giao hàng cho vựa. Đứng nhìn hai anh phụ nhau ràng dây thun chất một lúc sáu chiếc giỏ cần xé lên chiếc xe máy cho mỗi chuyến, tôi thực sự thán phục.

Cảnh mua bán rộn ràng sôi động như thế nhưng chẳng hề thấy xảy ra cảnh tranh giành, to tiếng với nhau. Ảnh: Mạnh Anh

Mặt trời ló ra từ những đám mây đen như còn cố tranh giành nhau giữa bóng tối và ánh sáng. Rồi nắng vượt lên trên vùng trời, biển bao la. Chung quanh tôi lúc này, tiếng tách tách từ những chiếc máy ảnh liên tục của những ngườig bạn đồng hành như vội vàng, cố thu những khoảnh khắc tuyệt vời vào bộ nhớ kỹ thuật số.

Nắng càng lên, cái nóng càng hập xuống. Cái bụng rỗng bắt đầu sôi sục, mấy anh em cùng xà vào một quán ăn lưu động ngay trên bãi biển. Những bát thức ăn bốc khói bưng ra, những đôi đũa vung lên như làm xiếc. Người ăn, người trêu chọc nhau, chủ yếu gán ghép một anh em trong bọn chúng tôi với một cô gái nào đó, rồi hồn nhiên cười ngặt nghẽo với nhau.

Chợt về trong ký ức tôi lờ mờ hình ảnh bãi biển Long Hải từ thời những năm 50 của thế kỷ trước tôi đã có lần tạt qua đây. Hồi đó Long Hải còn hoang vắng lắm, chỉ lèo tèo vài căn nhà dùng làm nơi khách nghỉ trưa. Một phần vì nhỏ bé so với Vũng Tàu, một phần quá gần Sài Gòn, ai cũng có thể đến và về trong ngày, nên Long Hải chưa được nghĩ đến việc đầu tư thu hút du khách.

Bãi còn là một vạt cát với những rặng thông xanh, nem nép có một văn phòng thương chánh (sau này gọi là quan thuế, nay là hải quan), chẳng biết dùng vào việc thu thuế gì. Hồi đó, người đến Long Hải phần đông là các lão tây thuộc địa, hoặc một số các nhà có tiền, hết đi chỗ này lại muốn biết chỗ kia. Xe đò cũng ghi rõ chuyến chạy Phước Hải, Long Hải, nhưng khách không có mấy, phải gộp chung vào chuyến Vũng Tàu.

Bây giờ trở lại Long Hải, không tìm đâu ra bóng những căn nhà cũ. Cả văn phòng thương chánh cũng không còn dấu vết. Phải chăng dãy nhà trệt trong thị trấn làm cho Long Hải biến đổi, hay chính cái khoản hiện nay lập khu resort Long Hải mới chính là địa điểm tôi biết ngày xưa. Chịu! tôi hoàn toàn không nhận ra gì hết.

Các bạn tôi băng băng lội khắp vùng, hỏi han, quan sát chung quanh để mong bấm những kiểu ảnh độc đáo của vùng biển này. Mặc cho nhóm người lạ đeo lủng lẳng những chiếc máy ảnh lùng sục, những người làm cá vẫn tập trung vào công việc của họ, không vì sự hiện diện của chúng tôi mà chậm tay việc.

Mấy giờ đồng hồ anh em săn chụp đã đời. Cảm thấy mệt, nhưng ai cũng vui vì những tấm ảnh bất ngờ chộp được. Anh khoe ảnh con tôm giống hiếm, anh kể về con cá to, anh trầm trồ tấm xiệp vung đẹp, dễ hằng trăm bức ảnh đã được thu vào. Ấy vậy mà khi về lại khách sạn Xanh, các anh chợt tiếc sao chẳng ai nghĩ ra việc lội ra ngoài khơi quay ngược vô bờ bấm một kiểu toàn cảnh sinh hoạt của cảng.

Chúng tôi quay về, lòng hẹn thầm lần sau trở lại. Có anh hí hửng vạch trong đầu kỳ vọng cả một tập ảnh tư liệu về vùng duyên hải ba miền để lại cho con cháu như của gia bảo. Và biết đâu, nếu có cơ hội sẽ làm một triển lãm cá nhân, bán được vài tấm ảnh sẽ có "sức" mà đi săn ảnh dài dài...

___________________________________________

(*) cà ròn, cần xé: Những vật dùng đựng hàng hóa khi vận chuyển. Cà ròn là túi may bàng vải dày; cần xé là giỏ lớn đan bằng mây, tre.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • “Tiểu Trường An” ngày ấy, bây giờ
  • Di tích họ Mạc ở Hà Tiên
  • ... Làng vang ta phải biết cho đủ mùi!
  • Tinh thần của lễ hội
  • Mỹ Sơn kỳ diệu
  • Đầu năm viếng chùa Tây Phương
  • Bi hài ở Núi Chúa
  • Đảo Phú Quý - hấp dẫn nhưng vẫn còn xa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com