Khu vực cửa khẩu quốc tế Việt-Lào. |
Vùng đất từ Ái Tử (dinh Cát) qua chợ phiên Cam Lộ đến dinh Ai Lao (thuộc Quảng Trị ngày nay), từ thời chúa Nguyễn được coi như một “tiểu Trường An” ở miền Trung. Trước chiến tranh, đây còn là “con đường hồ tiêu” cung cấp cho xuất cảng ở Hội An, Cửa Việt... Hành lang kinh tế Đông Tây, trong đó có khu thương mại tự do Lao Bảo, ngày nay qua con đường này vì vậy như là một tiền định của lịch sử.
Trước khi có những chuyến đi xuyên Đông Dương theo đường 9 sau chiến tranh, tôi đã nhiều lần đi từ Đông Hà đến biên giới Lao Bảo. Vùng này, nơi mà chỉ năm năm trước đó từng được những người lính Mỹ gọi là “Con đường máu” gắn liền với những trận chiến ở Khe Sanh, đường 9 Nam Lào... Mỗi lần đến đây là một lần tôi vừa kinh ngạc vì đối diện với một vùng “địa đầu” ẩn chứa trong nó bao nhiêu sự kiện lịch sử, văn hóa có ý nghĩa. Ở Quảng Trị, chỉ riêng đường 9 thôi cũng đã là một kho chuyện mà ta chưa biết tới...
Có một “tiểu Trường An”
Con đường chúng tôi đi qua cho đến khi người Pháp xây dựng nhà tù Lao Bảo nổi tiếng gần biên giới Lào hồi cuối thế kỷ 19, đã dày đặc những sự kiện lịch sử gắn liền với giao lưu kinh tế. Nằm trên đường 9 là một làng Cam Lộ cổ xưa rộng lớn đến Tân Lâm ở phía Tây và Trúc Kinh, Gia Độ ở phía Đông…
“Nước giữa đàng vừa trong vừa mát, đất Cam Lộ nhỏ cát dễ đi…”. Một cụ già cùng ngồi trong quán cà phê ở Đông Hà nói với chúng tôi: Cam Lộ đã có từ thế kỷ thứ 11 khi các triều đại phong kiến Việt Nam tiến quân vào phía Nam mở cõi. Cụ già rất hãnh diện về quê hương mình. Niềm hãnh diện ấy càng đáng trân trọng trong một buổi sáng đẹp trời không tiếng súng.
Lần giở nhiều trang sách cũ, tôi càng thấy con đường mang tên Hành lang kinh tế Đông Tây và Quảng Trị từ xưa đã có một liên quan như duyên nợ. Dương Văn An ghi chép trong Ô châu cận lục vào thế kỷ 16 rằng Cam Lộ là một trong 27 làng của tổng An Lạc, châu Võ Xương đã có nhiều dân cư, vườn tược, chợ búa và cả bộ máy chính quyền với việc cai quản và đánh thuế đã đi vào nề nếp…
Muộn hơn hai trăm năm sau, vào tháng 3 năm Bính Thân 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn trong lúc giữ chức Tham Hiệp Trấn Quân Cơ trấn Thuận Hóa đến vùng Tây Dinh Cát (Ái Tử) đã ghé Cam Lộ và ghi lại trong Phủ biên tạp lục: “...
Thấy Cam Lộ là đường núi đi sang Ai Lao, sợ giặc trốn đi đường ấy, muốn sai hai cơ quan quân phô trương thanh thế, tiếp ứng với nhau ở xa mà đón ở phía tả, tôi liền đi từ chợ Sòng về phía Tây qua các xã An Bình, An Xuân, Phú Ngạn, Cam Đường, Lâm Lang, Khang Mỹ sang sông đến Cam Lộ... đường cũng bằng phẳng, dân cư liền nhau... Xã Cam Lộ, huyện Đăng Xương ở thượng lưu sông Hiếu Giang, phía đông thông với Cửa Việt, phía tây giáp với các làng bản người đất Ai Lao, đường sá của dân Man đều quy tụ vào đây, xa thì có nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, Châu Cung Hợp...”.
Chợ phiên Cam Lộ là bằng chứng sinh động nhất trong lịch sử phát triển không chỉ của một địa phương. Theo nhà nghiên cứu Lê Văn Trạch, trước khi Lê Quý Đôn đến đây, vào năm 1622 chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) đã quyết định: “Vùng sông Hiếu xã Cam Lộ thuộc huyện Đăng Xương giáp giới với đất Ai Lao, các bộ lạc Man, Lạc Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt dinh, mộ dân chia làm sáu thuyền quân để coi giữ gọi là dinh Ai Lao”. Nửa thế kỷ sau, vào năm 1672, dinh Ai Lao đổi tên thành Trấn Sơn Phòng Cam Lộ để bảo vệ vùng biên giới phía Tây. Đến thời nhà Nguyễn, năm 1828, vua Minh Mạng ra lệnh cho xây thành Vĩnh Ninh ở đầu làng Cam Lộ. Năm 1973, Vĩnh Ninh trở thành cơ quan đón nhiều đoàn ngoại giao của chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam...
Từ rất sớm, với chính sách trọng thương, các chúa Nguyễn đã có một tầm nhìn chiến lược về kinh tế, thương nghiệp và đã cho mở một loạt chợ như chợ Kênh, chợ Cạn, chợ Ngô Xá, chợ Sải, chợ Sòng, chợ Cầu, chợ Huyện, chợ Phiên... và cảng Cửa Việt được mở để đón tàu buôn Trung Hoa, Bồ Đào Nha và Nhật vào buôn bán ở phía Bắc kinh đô Huế. Đây cũng là “chợ đầu mối” cung cấp nông sản, nhất là hạt tiêu, cho cảng thị Hội An.
Riêng chợ phiên Cam Lộ, nằm ở vị trí đặc biệt ở phía Tây, như Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã ghi lại rất chi tiết về địa thế và sự giao lưu buôn bán với hầu hết các bộ lạc: “... Người buôn các xã thường mang mắm muối, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến... đến đất người Man đổi lấy nếp gạo, gà trâu, gai, sáp, mây, dó, hồ tiêu… thuê voi chở về chợ phiên Cam Lộ để bán”, nên có thể xem đây là một thị trường sầm uất về lâm đặc sản, nông sản và súc vật. Người dân địa phương hầu như nhà nào cũng tham dự vào những hoạt động thương mại, đôi lúc chỉ vài xấp lá, nải chuối, mụt măng, gói tiêu hạt...
Việc buôn bán giữa hai xứ Lào - Việt qua chợ phiên đã tạo nên sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận sớm những văn minh tiến bộ từ các phố thị, tạo ra sự giao lưu văn hóa giữa người Việt, các dân tộc thiểu số và cả các bộ lạc Lào. Sự phồn thịnh của chợ phiên đã tạo cho Cam Lộ một diện mạo đặc biệt, bởi thế dân gian từ xưa vẫn coi Cam Lộ là “tiểu Trường An”.
Xứ sở “vàng đen”
Những lần đến Quảng Trị và đi lang thang trên quốc lộ 9 với nhà báo Hoàng Đức, đang làm việc cho tờ báo của tỉnh này, tôi đã nghe nhiều lão nông bảo con đường này từ thời xưa vẫn được gọi là “Con đường hồ tiêu”. Như ta đã từng biết đến một con đường hồ tiêu xuyên qua biển từ Ấn Độ Dương đến Trung Cận Đông và châu Âu từ thời La Mã và kéo dài cho đến khi chế độ thực dân phương Tây bị phá sản. Và “con đường hồ tiêu” ở Quảng Trị, tuy chỉ là một nhánh nhỏ nhưng cũng giúp ta hình dung ra một giai đoạn lịch sử đầy màu sắc của xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn.
Trong những tài liệu nghiên cứu từ thời thuộc Pháp, ngoài đảo Phú Quốc và các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên có diện tích trồng hồ tiêu lớn, nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị… cũng có những vùng trồng hồ tiêu khá nổi tiếng. Như nói ở trên, chợ phiên Cam Lộ được biết tới như một đầu mối mua bán hồ tiêu. Dương Văn An cũng ghi lại những khoản thuế nộp cho chúa Nguyễn bằng hồ tiêu tại các làng trong khu vực này hàng năm trong Ô châu cận lục. Tiến sĩ Trương Quốc Dụng (1792-1864) trong sách Vật loại đã kể: “Cây tiêu ở Hà Tiên hơn cả, Quảng Trị thứ hai” (theo Lê Nguyên Lưu, Trương Quốc Dụng, Danh tướng - nhà văn hóa lớn, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin). Nhà bác học Lê Quý Đôn đã tả một loại tiêu mọc hoang, hạt có ruột màu trắng, ở vùng cao tỉnh Quảng Trị: “...Mọc đầy rừng, leo vào các cây mà mọc…”.
Từ đầu thế kỷ 17, tiêu là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Đàng Trong. Giám mục Alexandre De Rhodes đặt chân đến Đàng Trong lần đầu tiên vào năm 1624 đã chép lại rằng ở xứ này có nhiều hồ tiêu thường đưa về Hội An bán cho thương lái người Trung Quốc. Ngoài việc mô tả những sản vật từ Quảng Nam đưa xuống thuyền bán ở cảng Trà Nhiêu, Lê Quý Đôn cũng ghi: “Thuyền từ Thuận Hóa vào (Hội An) thì mua được một thứ hồ tiêu…”. Giá mỗi tạ hồ tiêu vào nửa cuối thế kỷ 17 tại Hội An là mười hai quan (Phủ biên tạp lục trang 257).
Nhiều người Quảng Trị lớp trước nói về con đường từ Đông Hà qua Cam Lộ, Tân Lâm, Khe Sanh, Lao Bảo là “con đường hồ tiêu” ở miền Trung Việt Nam là có cơ sở. Dọc các địa danh trên, trong thời Pháp thuộc cũng đã có nhiều chủ đồn điền là người Pháp ở Huế ra làm chủ. Các tác giả Eugene Teston và Maurice Percheron trong cuốn L’Indochine Moderne (Librairie de France, Paris, 1931) trong chương Le tourisme au Laos đã từng mô tả có con đường ô tô chạy từ Đà Nẵng đến các địa danh Lao Bảo, Sê pôn, Savannakhet với những chuyến xe thư, hàng hóa và cả du khách đến cảng Đà Nẵng trong hành trình hai ngày (trang 572), trong đó có số lượng lớn các loại ngũ cốc, hồ tiêu…
Tuyến đường này, theo một tác giả viết về lịch sử các nhà lao thực dân ở Đông Dương giai đoạn 1862-1940 cho biết, đã được xây dựng từ năm 1896.Và “con đường hồ tiêu” ấy nay đã hồi sinh sau những năm tháng chiến tranh liên miên, tạo cho người dân Quảng Trị một nguồn thu giá trị, được ví là “vàng đen”!Bây giờ ở làng Cùa, nhà báo Hoàng Đức cũng có trang trại trên 5 héc ta trồng tiêu và cao su. Không chỉ có Đức, trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Đắc K’rông, Hướng Hóa chạy dọc đường 9 đến biên giới Lào đã có trên 1.000 trang trại lớn nhỏ, trồng các loại cây hồ tiêu, cà phê hoặc cao su tiểu điền.
Từ canh tác hồ tiêu, người dân Quảng Trị đã sáng chế ra máy tuốt hồ tiêu. Đó là anh Phan Văn Lệ ở Nam Hải, huyện Vĩnh Linh. Mới chỉ học tới lớp 7, nhưng anh đã mày mò sáng chế thành công chiếc máy tuốt hồ tiêu. “Máy tuốt hồ tiêu anh Lệ” đang là một thương hiệu rất được người trồng hồ tiêu vùng Quảng Trị, Quảng Bình đặt sản xuất, bởi năng suất gấp 20 lần (1 tấn/giờ) suốt bằng tay và còn tự động phân loại được sản phẩm... Sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Quảng Trị đang được các cơ quan chức năng phối hợp với Viện Thổ nhưỡng và Nông hóa, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thiện việc đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm được xem là vàng đen của tỉnh Quảng Trị...
Đường 9, trong chiến tranh từng được một tác giả người Mỹ, nhà văn John Prados, mô tả là “con đường máu” trong một tác phẩm của ông (The Blood Road, Nhà xuất bản John Wiley and Sons, New York, 1988). Nay với những vườn cao su, hồ tiêu trù phú dọc hành lang kinh tế Đông Tây và một khu thương mại tự do Lao Bảo kết nối hai vùng Đông - Tây dãy Trường Sơn, người dân ở đây với một truyền thống trọng thương “tiểu Trường An” trong lịch sử chắc chắn sẽ mở ra một thời kỳ phồn thịnh từng bị ngắt quãng trong một thời gian dài vì bom đạn chiến tranh...
Theo tác giả Lê Đình Dinh, kết quả điều tra đánh giá phân hạng tài nguyên đất tỉnh Quảng Trị năm 2001 của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho thấy tổng diện tích đất thích nghi phát triển cây hồ tiêu lên tới gần 50.000 héc ta. Trong đó, mức độ thích nghi nhất có gần 20.000 héc ta thuộc các vùng đất đỏ bazan ở Cồn Tiên - Dốc Miếu (thuộc huyện Gio Linh), Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), huyện Cam Lộ và huyện Vĩnh Linh. Do vậy, tiềm năng “vàng đen” hãy còn khá lớn... |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com