Trải nghiệm trồng, hái, cùng những hiểu biết về lịch sử cây càphê đất cao nguyên khiến cho hương vị càphê do khách du lịch tự pha thêm phần đậm đà.
Một ngày làm nông dân trồng càphê
Được lập từ năm 1958 do già làng Ama H’Rin lập ra, buôn Akô Dhong (còn gọi là Ama H’Rin) hiện nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Ma Thuột, có gần 100 hộ gia đình sinh sống. Vào buôn, khách ở cùng các gia đình người Ê đê, nhập vai làm nông dân. Sau những lời chào hỏi làm quen, mọi người mặc quần áo nông dân, mang giày, đội nón ra rẫy làm cỏ, tưới nước, bón phân, học cách cắt cành cho cây càphê ra tốt. Bà Xuân Lan, giám đốc công ty Vạn Phát nói, mùa này càphê mới ra hoa, khoảng vài tháng nữa, du khách sẽ được tự tay hái quả càphê. Đến bữa, khách dùng cơm gia đình với các món ăn của người Ê đê như canh cà đắng, canh bột…
Già làng Ama H’Rin vẫn giữ trong buôn Akô Dhong những nếp nhà dài truyền thống của đồng bào Ê đê, có đủ ghế kpan, chiêng ché… Dạo quanh làng, nghe giới thiệu cách dệt thổ cẩm, cách làm nhạc cụ, làm rượu cần, đặc biệt, khách cùng sàng, giã, rang hạt càphê theo cách thức thủ công, rồi tự tay pha cho mình ly càphê. Hương càphê lãng đãng bay trên câu hát trong bài M’jơr càphê: “Em dâng càphê, càphê em vừa hái từ trên rẫy, càphê em vừa sang trên đồi, càphê em giã bên cầu thang có đôi vú tròn của mẹ...”
Trải nghiệm càphê chồn
Do càphê thu lượm được từ phân của con chồn trong rừng rất hiếm, nên người nông dân Dăk Lăk đã nuôi chồn để thu hoạch loại càphê thượng hạng, gọi là Kopi Luwak. Theo những người am hiểu về càphê giải thích, dưới tác dụng lên men của các enzyme trong dạ dày chồn, mùi vị của càphê biến đổi, tạo nên thứ càphê hơi ẩm mốc, vị ngọt, vừa thơm như sôcôla... Quy trình thu hoạch, chế biến càphê chồn đến mười bước và du khách sẽ được hướng dẫn pha một tách càphê chồn đúng cách.
Công ty càphê Thắng Lợi đã tổ chức hẳn một vòng tham quan từ hồ Ea Nhái, hồ cung cấp nước tưới chính cho gần 2.000ha càphê, rồi vào vườn để khách xem thu hoạch càphê, vào nhà máy xem quy trình chế biến càphê ướt, cuối cùng mới đãi khách càphê theo phong cách Tây nguyên.
Bà Linh Nga Nie Kdam, giám đốc công ty Thảo Nguyên Xanh, nói rằng, có vội gì cũng phải dành một buổi đến bảo tàng tại làng càphê Trung Nguyên để xem gần 100 hiện vật liên quan đến càphê trong vòng một thế kỷ qua. Và tiếp tục uống càphê để cảm nhận sự khác biệt giữa càphê chè (arabica) và càphê vối (robusta). Bà nói: “Thưởng thức đủ những hương vị khác nhau của càphê ở Tây nguyên, về còn vương vấn gió thơm, tháng 3 hãy trở lại xem càphê đơm trái và chín vào mùa thu hoạch”.
(Theo Các Ngọc/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com