Ông Dương Ngọc Sang đang thử chiêng. Ảnh: Doãn Thành Trí. |
Làng Phước Kiều (nằm bên quốc lộ 1A, thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) nổi danh với nghề đúc cồng chiêng hàng trăm năm nay. Làng nghề này có một người làm công việc đặc biệt quan trọng để giữ chất lượng cho sản phẩm độc đáo của mình: nghề thẩm âm. Người đó là nghệ nhân Dương Ngọc Sang.
Thăng trầm làng đúc Phước Kiều
Trên đường thiên lý bắc nam, khi ngang qua địa phận huyện Điện Bàn, đến thị trấn Nam Phước (thuộc huyện Duy Xuyên), ta thường thấy có hơn 20 tiệm bán đồ đồng bày dọc quốc lộ. Xin nói ngay rằng những lư đồng, các thứ đồ trang trí bằng đồng có nguồn gốc từ nơi khác (Hà Nội, Sài Gòn…) được người địa phương bày bán cho thêm đa dạng mặt hàng, nó không hẳn là sản phẩm của làng đúc Phước Kiều. Sản phẩm độc nhất khẳng định tên tuổi của làng nghề có từ nhiều trăm năm nay là cồng chiêng và thanh la, thứ nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ cúng làng, các nghi lễ thiêng liêng của các dân tộc thiểu số của núi rừng Tây nguyên.
Tạo khuôn đúc là công việc đầu tiên, chuẩn bị cho công đoạn đúc đồng. Các bộ khuôn chỉ được đem ra dùng lại khi có người đặt làm hàng đúng kích cỡ của nó. Ảnh: Doãn Thành Trí |
Sử sách chép rằng, từ thời Nguyễn, Phước Kiều là một vùng đất rộng chừng 6 mẫu, dân cư sống quần tụ bằng nghề đúc đồng thủ công. Trên chiếc đại hồng chung được lưu giữ tại nhà cụ Dương Nhi ở thôn Đông Kiều có ghi năm đúc vào triều Minh Mạng năm thứ nhất (1820), ca ngợi tài nghệ đúc đồng tinh xảo của các nghệ nhân Phước Kiều. Dưới triều vua Tự Đức, nhiều thợ đúc nổi tiếng trong làng được vời ra kinh đô Huế đúc tiền đồng và những phẩm vật gia dụng, trang trí cho hoàng gia.
Trong gần 200 năm sau đó, nghề đúc ở Phước Kiều ngày càng phát triển và ổn định với sự hấp thụ tinh hoa nghề đúc từ khắp các vùng cùng sự tiến bộ không ngừng của các thế hệ thợ đúc địa phương…
Những năm 1970-1980 là những năm thịnh vượng nhất của làng đúc Phước Kiều, ngày nào cũng có hàng trăm khách thập phương đến đặt, mua, thử chiêng, thanh la, hoặc mời cho được nghệ nhân Dương Ngọc Sang thẩm âm, sửa chiêng. Thời đó, mỗi năm làng có thể cho ra đời hơn 200 tấn sản phẩm các loại.
Giờ đây, Phước Kiều không còn nhộn nhịp như xưa bởi gần như nhu cầu của nhân dân khắp nơi đã bão hòa, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và thực trạng đáng buồn là nghề không nuôi nổi thợ… chính là những nguyên nhân khiến Phước Kiều trở nên đìu hiu. Song, câu chuyện về nghệ nhân thẩm âm có một không hai dưới đây nghe như một huyền thoại.
Nghệ nhân huyền thoại của làng nghề
“Tùng, xòa… tùng, xòa…” - những thanh âm trầm trầm mang hơi thở của đại ngàn đó gần như ngày nào cũng vang lên từ nhà ông Dương Ngọc Sang, năm nay đã 74 tuổi. Nói là nghề đồng không thịnh như xưa, nhưng khách đặt ông đúc chiêng và thanh la thì không đến nỗi vắng hẳn, chưa kể ông còn được các tổ chức nhà nước hoặc cá nhân đặt đúc đại hồng chung lớn nhỏ các loại. Bên cạnh nhà ông, tổ hợp đúc đồng của nghệ nhân Dương Ngọc Truyền cũng thường xuyên đỏ lửa.
Gian bếp đặt lò đúc của ông Chín Sang (tên thường gọi của nghệ nhân Dương Ngọc Sang) hơi tối trong tiết trời lành lạnh những ngày đầu xuân. Chiếc khuôn chuẩn bị đúc chiêng có đường kính gần nửa mét được đốt bằng củi dương liễu cháy rần rật cho nóng lên. Cạnh đó, một chiếc nồi nấu đồng cỡ vừa cũng được chuẩn bị đốt lên bằng than với sự trợ giúp của chiếc quạt máy. Ông Chín Sang bê ra một chiếc mâm có vài chục lá đồng lớn nhỏ. Nhìn chiếc nồi nấu đồng đã đỏ rực lên trên than lửa, ông trút tất cả đồng vào rồi kêu người con phụ ông là Dương Ngọc Cường bật quạt máy. Khoảng hai mươi phút sau, những lá đồng tan chảy. Quan sát màu đồng, ông Chín Sang quyết định đổ vào khuôn đúc đã chuẩn bị sẵn. Nhiệt độ của đồng lúc này đạt khoảng 1.800 độ C.
Ông Chín Sang tự tay đổ đồng vào khuôn. Nhiệt độ nóng chảy khoảng 1.800 độ là có thể đổ đồng vào khuôn. Thợ đúc không đo nhiệt độ mà chỉ cần nhìn màu đồng tan chảy để quyết định thời điểm đúc. Ảnh: Doãn Thành Trí | Làm nguội sản phẩm. Ảnh: Doãn Thành Trí |
Nửa giờ sau, hai cha con ông Chín Sang tháo khuôn, một chiếc chiêng thô nhám, bề mặt sần sùi lăn ra nền nhà. Đồng nguội dần. Thường thì nó được làm nguội ngay sau đó, nhưng phải vài ngày sau mới thực hiện việc thẩm âm, bởi khi đồng chưa nguội hẳn thì việc thẩm âm không chính xác. Hầu hết quy trình đúc đều thực hiện thủ công, ngoài công đoạn mài nguội sản phẩm (chiêng hoặc thanh la). Sau mỗi lần đúc xong, những chiếc khuôn được xếp cẩn thận vào một góc bếp. Các bộ khuôn chỉ được đem ra dùng khi có người đặt làm hàng đúng kích cỡ của bộ khuôn đó.
Người địa phương thường nói về khả năng thẩm âm của ông Chín Sang như một năng lực thiên phú, nghe qua như huyền thoại. Có người quả quyết rằng nếu ghi âm ngẫu nhiên tiếng chiêng do ông đánh, khi nghe lại, Chín Sang có thể nói được thời điểm đánh tiếng chiêng ấy là buổi đêm, sáng trưa, hay chiều; thậm chí là dùi đánh chiêng làm bằng vật liệu gì!
Hơn 30 năm sống bằng nghề đúc, ngày nào ông Sang cũng nghe chiêng, nghe thanh la do chính mình đúc, làm công việc cực kỳ khó là chỉnh tiếng chiêng. Nhờ miệt mài, chăm chỉ với nghề mà ông được tiền nhân dạy cho cách pha hợp kim để chiêng có âm thanh hay, không nứt vỡ. Lại nhờ tài thẩm âm mà năm nào ông cũng được đồng bào các dân tộc miền núi ở khắp nơi - từ Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước, Lâm Đồng cho đến vùng A Lưới ở tỉnh Thừa thiên-Huế... mời đến tận buôn, làng mình để chỉnh âm cho những bộ chiêng của họ.
Buộc một sợi dây dừa thô vào chiếc thanh la, ông Chín Sang dùng dùi gõ từ nhẹ đến mạnh, lúc đầu nhịp gõ thưa rồi dần tăng nhanh đến dồn dập, gõ từ rún chiêng, đến chân rún, chống, lườn. Trên mặt chiêng có đường kính chừng 30-40 cm đó, ông Sang “nhìn thấy” được độ dày mỏng, sự biến ảo của thanh âm qua mỗi lần gõ. Nghe xong, ông mới làm công việc tiếp đến là chỉnh âm cho chiêng. Dù ai có rắp tâm học lóm nghề cũng khó mà theo được bởi cái tài hoa nằm ở đôi tai, nằm ở đôi tay biết “nghe” tiếng chiêng.
Những bộ chiêng 6, 8… đã hoàn chỉnh, chờ giao cho khách hàng đều do chính tay ông Sang và con ông, anh Dương Ngọc Cường thực hiện. Ảnh: Doãn Thành Trí |
Thi thoảng, hai cha con ông lại hào hứng song tấu một giai điệu nào đó của đồng bào Ê-đê, Ba-na, hay Cơ-tu. Am hiểu, thuộc làu các giai điệu của các tộc người cũng là biệt tài của họ. “Đồng bào vùng cao Trà My của Quảng Nam nghe tiếng chiêng “ngoa ngoa” ở phần gần cuối là chê; ngược lại đồng bào vùng Lâm Đồng, Bình Phước lại ưa. Bí quyết nằm ở chỗ pha hợp kim khi chế tác…”, nghệ nhân Dương Ngọc Sang bật mí. Ông có thể chế tác bộ chiêng 6, chiêng 8 hoặc 12 theo yêu cầu của khách, mỗi chiếc mang một thứ tự thang âm khác nhau mà khi đồng thời tấu lên sẽ trở thành một giai điệu hoàn hảo.
Biệt tài nữa mà ông Sang có thể làm ngay khi được yêu cầu là chế tác bộ chiêng đôi, khi để chúng gần nhau chừng 30 cm, chỉ cần gõ vào một chiếc, chiếc kia cũng sẽ ngân theo. Ông còn lưu giữ chiếc thanh la đổi âm, khi gõ lên, cho chúng di chuyển chầm chậm trong không gian, chiếc thanh la sẽ cho ra những tầng thanh âm khác nhau…
Nhà thờ tổ nghề đúc đồng của làng Phước Kiều, nơi đây thờ 10 tộc lớn của xã Điện Phương (Điện Bàn) nhưng hiện chỉ còn tộc Dương và tộc Nguyễn là còn giữ được nghề đúc đồng. Ảnh: Doãn Thành Trí |
Nghệ nhân Dương Ngọc Sang không nhớ đã lấy âm, chỉnh âm chuẩn cho bao nhiêu bộ chiêng, thanh la cho thiên hạ. Nhưng một điều chắc chắn là tên tuổi ông được các già làng của các buôn làng trên khắp núi rừng miền Trung - Tây nguyên nhắc đến nhiều nhất, những nơi heo hút mà ông đã đặt chân đến. Nhiều người cho rằng, Phước Kiều dần rồi sẽ thưa vắng tiếng đồng, nhưng ngay sau đời của Chín Sang e không còn ai có thể thẩm âm tài tình như ông được nữa!
(Theo Xuân Hoàng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com