Một chiều mưa tầm tã cách đây gần hai mươi năm, một chàng trai trẻ tìm đến nhà tôi khi ấy đang ở trên đường Trần Hưng Đạo. Người ấy là Nguyễn Xuân Hoàng, đang học năm thứ 4 Khoa Văn- Đại học Tổng hợp Huế. Trước đấy tôi về quê, gặp Hoàng, em nói vu vơ: “Em sẽ lên Pleiku gặp anh”. Thế mà rồi tôi lên mới chưa được một tuần, Hoàng đã xuất hiện. Tôi đưa Hoàng đi uống cà phê vỉa hè Hùng Vương, tối khuya vào quán bánh xèo ở góc đường Nguyễn Văn Trỗi- Nguyễn Thái Học bây giờ uống rượu với bánh xèo thay cơm chiều. Quán nghèo, đèn dầu và những cơn ngái ngủ. Chúng tôi đọc thơ và trầm ngâm chuyện.
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác |
Sau đấy, Hoàng về lại Huế và viết: “Những con phố nhỏ Pleiku thường rực rỡ trong ánh nắng đầu mùa. Phố vốn nhiều bụi đỏ chuyển sang màu hồng phấn và ấm lên trong sương lạnh. Những căn nhà gỗ dưới nắng như to ra và nở bung những cánh cửa nhỏ nhiều màu. Tôi vẫn thường đứng ngẩn ngơ hàng giờ dưới nắng để ngắm thứ ánh sáng đẹp như pháo hoa nở rực rỡ trên trời cao. Nắng như lửa cháy mà không phải là lửa cháy, cứ trôi dưới mây trời thành từng vạt lớn mênh mông. Nhìn những vạt nắng mà lòng thắc thỏm như chân đang đi đến chốn hẹn hò, đang chờ đợi một điều gì đó kỳ diệu sẽ hiện ra sau màu nắng mới ngọt ngào như mật ong kia”... Thì ra Hoàng đã có một thời tuổi thơ sống ở Pleiku. Bây giờ thì Hoàng đã thành người thiên cổ sau một cơn đột quỵ, đúng lúc tài hoa đang phát tiết. Sau Hoàng, tôi mới phát hiện ra rằng, Pleiku đã từng là nơi chốn đi về, lưu giữ ký ức và cả tuổi trẻ, tuổi thơ của khá nhiều tao nhân mặc khách. Ai đi khỏi đây rồi cũng đều đau đáu trở về, nhờ thế mà tôi đã có những buổi cà phê sáng sương mù ướt vai vỉa hè với nhà thơ Hoàng Trần, giờ là cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, đêm salon với bác sĩ nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc mà khi xưng tên lên chắc chắn rất nhiều người biết. Tôi cũng từng cụng ly với nhà thơ Lê Nhược Thủy- Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên, dầm dề với nhà văn Trung Trung Đỉnh- Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học và rất nhiều người tài hoa khác khi họ về với Pleiku, với một thời khốn khó họ từng trải qua ở đất này nhưng đầy lãng mạn và trong trẻo, để bây giờ họ vẫn coi những tháng ngày ấy là đẹp nhất, có ý nghĩa nhất trong đời cầm bút của họ.
Rất lạ cho cái thành phố cao nguyên này. Nó không cho con người nhiều lắm về vật chất, thế mà không hiểu sao lại quyến luyến người đi đến thế. Tôi biết có những người đã từng dứt áo ra đi, đã có các thủ tục bảo đảm, thế mà rồi giờ cuối, họ ở lại như một duyên nợ. Còn ai đã ra đi thì cứ thắc thỏm trở về. Và về thì họ hồn nhiên như con trẻ. Nhớ hôm mới đây ngồi với anh Hoàng Trần ở vỉa hè Nguyễn Trường Tộ, ríu rít điện thoại mày tao, ríu rít bắt tay vồ vập, ríu rít những ly rượu sớm, những ngắt quãng tên tuổi một thời người mất kẻ còn thuở trung học Pleiku, gần như không có dáng dấp của một ông giảng viên đại học bên một bà vợ đã lên ông lên bà. Trước ký ức, con người trẻ như chưa bao giờ trẻ, trước kỷ niệm, ai cũng trong veo cảm xúc...
Tôi muốn nhắc một người nữa, nhà báo Trương Đức Minh Tứ, giờ đang là Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị, một nhà báo có tài và tâm huyết với nghề, với Pleiku. Là lứa đàn em cùng trường sau tôi chừng chục khóa, tốt nghiệp anh đánh đường tìm lên Pleiku và tôi là người dắt anh đi xin việc. Mấy cơ quan đều... hết biên chế, cuối cùng anh dừng lại ở Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh làm phóng viên. Chúng tôi đã có những ngày sống vui vẻ trong khốn khó với nhau, chia nhau từng lon gạo, từng bó rau lang, quả su su, đã cùng co ro qua những đêm mùa khô cắt ruột hoặc chiều mưa tái lòng bên ly cà phê nghe Khánh Ly liêu trai “Ướt mi”. Ngày Bình Trị Thiên chia lại, anh khăn gói hạ sơn về nhận việc ở Báo Quảng Trị và thành danh. Bây giờ mỗi lần có dịp ghé về Pleiku, với anh là một sự kiện. Blog của anh tràn ngập ký ức về Pleiku, về quãng ngày không mấy ngọt ngào ấy, nhưng với anh bây giờ nó cứ như cõi bồng lai một thuở. Trước khi rời Pleiku, ngồi với nhau một chiều xám gió, anh ngẫu hứng tặng tôi một cái đài ghi âm to như cái cặp, dù nó là của cơ quan chứ không phải của anh, và tôi thì vô cùng mê nó để mà thỏa thích nghe nhạc Trịnh dẫu chỉ âm thanh mono. Nhưng hai ngày sau thì nhà Đài cho người xuống... đòi. Thế mà cái kỷ niệm ấy nó cứ day dứt trở đi trở lại trong các trang viết của anh, trong từng cơn nhớ Pleiku, kể cả nửa đêm nhập nhòa tin nhắn Đông Hà- Pleiku những quặn thắt nhấp nhô nhạt nhòa mưa gió...
Mà nào đã hết những thắc thỏm chia xa. Hãy đọc thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang, giờ là Đại tá, Phó Tổng Biên tập Báo Công an Nhân Dân: Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn/Nhớ thị xã ôi nhiều vô chừng dốc/Quãng đời vang tiếng cười, quãng đời đầy nước mắt/ Anh làm sao sống được đến hai lần.../Rát mặt đường gió rít bước long đong/Tiếng gì thế theo anh da diết đuổi/Thời trai trẻ hay lời em khản gọi/Mà càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn...
Thì đã bảo là lạ lắm, không hiểu nổi, cứ thắt ruột mà thương mà nhớ mà về...
Pleiku là thế...
(Theo Hoàng Hương Giang/GLO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com