Theo nghề câu kiều hơn 40 năm nay, ông Hùng bị không biết bao nhiêu lần lưỡi câu quấn vào người. Ngư dân ở cù lao Chàm gọi ông Hùng là “đệ nhứt câu kiều”. Ảnh: Xuân Hoàng |
Bữa nọ, anh bạn khi đang ngồi chuyện phiếm bảo: “Ở bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp (cù lao Chàm, Hội An, Quảng Nam) có một ngư dân câu cá mà không cần dùng mồi. Hỏi, ổng gọi là “câu kiều” và ở cù lao Chàm chỉ độc có mình ổng câu được kiểu này”.
Quái lạ! Câu cá mà không dùng mồi sao cá mắc câu?! Tôi không tin, cãi lại... Sau một hồi nói chuyện theo đúng kiểu "Quảng Nam... hay cãi", anh bạn đành phải bỏ một ngày dẫn tôi đến tận nhà ông Nguyễn Mạnh Hùng. Đó là một ngư dân ngoài 50, sóng gió nhuộm người ông thành một khối màu đồng, hỏi câu nào nói câu đó, nhưng hôm đó ông cực kỳ hứng thú khi nói về kiểu câu kiều. Hôm đó trời gió, ông Hùng ở nhà dũa lại mấy lưỡi câu: “Làm thứ ni phải mài bén ngay từ đầu, chứ mài lưỡi đã uốn cong như ri kỳ công lắm, giàn ni khai thác lâu quá rồi, phải mài lại, con nào mắc vào là hết cựa”.
- “Ở đây có ai đi theo nghề câu kiều như chú không?”. - “Chỉ mình tui”. Tôi hỏi và nhận được câu trả lời gọn đanh, chắc nịch của ông Hùng.
- “Đi câu mà không dùng chút mồi nào, coi bộ chú tính toán quá hè”, tôi đùa.
Ông Hùng cười vang: “Cũng có mấy người tính toán như tui mà không xong đó. Nhà tui sống bằng nghề ni ba đời rồi. Nói đúng ra, đây là một kiểu bẫy cá, dùng mưu chứ không dùng mồi. Với lại tui thấy đi câu, hay đi lưới theo kiểu thông thường thì ai cũng làm được, mà phải sắm đồ nghề tốn bộn tiền, tui làm theo kiểu của ông nội tui”.
Ông Hùng minh họa cảnh con cá sắp mắc câu. Ảnh: Xuân Hoàng |
Vừa nói, ông Hùng lôi trong thúng đồ nghề ra một kẹp tre dài gần một mét mắc dày lưỡi câu, thả dần từng đoạn, mỗi lưỡi câu cách nhau chừng gang tay, giăng ngang trông như một bức rèm. Ông giải thích, “Thứ này chỉ thả ở tầng đáy, mấy “anh” đi lọ mọ kiếm mồi đụng phải giàn câu thì hết số, không có đường thoát”.
Ông biểu tôi cầm một đầu dây, lại nhắc tôi canh giàn câu lưng chừng để khỏi chạm đất. Một tay ông Hùng giả làm con cá chui xuống tầng đáy, bơi luồn qua giàn lưỡi cây dày đặc. “Coi lọt nè”, ông Hùng kêu tôi chú ý vào bàn tay của ông giả làm con cá, ông đang ví dụ con cá không mắc giàn câu mà chui lọt qua thiệt… Đột nhiên giàn câu oằn nhẹ trên tay tôi, ba bốn lưỡi câu kế tiếp khực lên như giật mình lập tức bám lấy bàn tay ông Hùng, sém chút là găm vào thịt… Ông Hùng khoái chí: “Anh coi, con nào chui qua giàn câu của tui mà thoát được là tui nghỉ nghề liền à!”. Đến đây thì tôi hiểu vì sao ông Hùng lại có vẻ thích thú và tự hào về cái nghề câu độc đáo của mình, sẵn sàng trình diễn cho thiên hạ coi mà không mảy may sợ ai ăn cắp nghề. Quan sát kỹ, nhưng tôi vẫn chưa hiểu cái khoảnh khắc “giật mình” lạ lùng của giàn câu dưới tay tôi để rồi không có con cá nào thoát khỏi. Ông Hùng cười hà hà: “Có chi bí mật đâu, anh giật mình vì sợ mấy cái lưỡi câu bén quá, dễ lấy thịt như chơi… Còn con cá con tôm đi săn mồi thường hay tạo ra những con sóng ngầm nho nhỏ, mấy lưỡi câu của tôi nhạy lắm, chỉ cần chừng đó lực là động đậy liền. Tui chỉ việc chờ tới giờ là thu dây, gỡ cá…”.Bộ đồ nghề chế tạo lưỡi câu của ông Hùng. Có hàng vạn chiếc lưỡi câu được ông làm bằng tay giống nhau như đúc. Ảnh: Xuân Hoàng
Kiểu đi câu như giỡn của ông Hùng tùy sóng, tùy gió mà có lúc thu về tiền triệu, tiền trăm những cũng có lúc về không. Các loại thủy sản ăn chìm gần như đều bị giàn câu này “tóm cổ” hết. Có lần ông bẫy được một con đuối mà lá gan nó mổ ra cân nặng đến 16kg. Cũng có bữa ông trúng đậm khi có tôm hùm bò qua lưới...
Hỏi về bí quyết nghề câu kiều, vì sao nhiều người muốn làm nhưng không được, ông Hùng cười nói: “Chẳng có bí quyết chi hết mà phải có tính kiên nhẫn, người có tính nóng nảy không làm nghề ni được”. Ông Hùng giải thích: nó khó, không ai theo bởi vì nó đòi mình phải tỉ mỉ, kiên nhẫn đến khó chịu. "Nghề câu thông thường thì người ta đi mua lưỡi câu chứ chẳng ai ngồi dũa, uốn éo từng đoạn thép như tui. Còng lưng cả buổi chỉ xong vài chục lưỡi, giàn câu cả mấy chục ngàn lưỡi thì có mà làm… đến già. Vậy mà tui làm được". Kế đến là đoạn chuẩn bị, anh làm vội cho nhanh là lưỡi câu nó “khợp”, thấy máu me liền. Khi thu câu cũng nhẫn nại gom lại từng tay, từng đoạn, nó rối lên thì gỡ cả tháng không xong. Thả câu xong, thường phải chờ tới 12 tiếng đồng hồ mới thu câu. Hồi giờ, hàng ngày mấy anh có làm việc chi mà phải ngồi chờ lâu vậy không (?) chưa nói, có khi thu giàn câu lên thấy… trống trơn, không dính lấy cọng rong "làm phép", anh coi có dễ nổi sùng không? Nhưng kinh nhứt là đoạn lỡ dính lưỡi câu, hễ một lưỡi móc vô người mình được thì kéo theo cả dề, nếu giật mình thì đúng là tai họa… Nên tui luôn lận lưng con dao nhíp thiệt bén, có sự cố là “phựt”, đừng tiếc mà mang họa. Ông Hùng kể chuyện nghề thiệt hấp dẫn, nét mặt linh hoạt biến hóa đủ sắc thái như đang kể chuyện kinh dị. Chợt ông Hùng nói: “Có chuyện ni tui không hiểu vì sao, chỗ nào anh câu trúng bữa trước, bữa sau đừng có mơ mà quay lại đó kiếm chút cháo, cua cá đi tiệt không dính một mống nào mà phải chờ năm bữa, nửa tháng... quay lại mới có cá". Nghe chuyện, bọn dân cạn chúng tôi chẳng có kinh nghiệm gì nhưng cũng bàn vô tán ra miết rồi cũng tạm đồng ý với cách giải thích là bọn cá nó sợ nên tạm thời trốn biệt chỗ đó. Những con cá lỡ mắc câu, vùng vẫy kêu la cả chục tiếng đồng hồ, càng cố thoát càng dính nên bọn cá may mắn chưa dính bẫy hoảng sợ kéo nhau đi chỗ khác kiếm mồi! Khi tôi thắc mắc, hỏi ông Hùng vì sao nghề câu này gọi là “câu kiều” thì ông lắc đầu, chịu không giải thích được. Ông nói vui: “Chắc ông nội và ba tui kêu đại như rứa, vì kiểu câu ni không giống ai hết”.Một nẹp câu kiều như thế này có khoảng 350 – 400 lưỡi câu, khi giăng ra dài đến vài chục mét. Ảnh: Xuân Hoàng
(Theo Xuân Hoàng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com