Thác Yang Bay |
Theo tiếng đồng bào dân tộc Raglay, Yang Bay có nghĩa là Thác Trời. Dù chỉ cao khoảng 80 m (?) so với đất liền, nhưng đối với đồng bào dân tộc địa phương nó rất chớn chở và cao chót vót tới tận đỉnh trời. Dòng nước từ đỉnh ngọn núi cao chừng 600 m ào ạt đổ tràn xuống những tảng đá nối hàng ngang chừng vài trăm mét rồi buông mình xuống triền đá bên dưới thành ngọn thác khá hùng vĩ. Dòng suối này len lỏi qua rừng sâu núi cạn, tuôn ra đồng bằng, tạo thành con sông Cả trước khi đổ vào đại dương.
Để đến Yang Bay (buôn Y Bay, Phước Thượng, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), từ thành phố Nha Trang vượt qua thành cổ Diên Khánh khoảng 40 km, xuyên qua những xóm làng thưa thớt, cùng những ngôi nhà thấp, nhỏ, tường không tô hoặc tường đất sườn tre buồn hiu trong những khu vườn cây um tùm; hoặc vượt qua những khe suối, những thung lũng của những ngọn núi hầu như điệp trùng bao phủ xung quanh. Tiếc là con đường đến đây có quá nhiều ngã ba, ngã tư mà chỉ có duy nhất một tấm bảng chỉ đường đi Yang Bay, nên phải dừng xe nhiều lần hỏi thăm người dân.
Công viên du lịch Yang Bay tọa lạc trên diện tích 570 ha vốn là rừng nguyên sinh, có đến 3 thác: Yang Bay, Yang Khang và Ho Cho. Tại cổng có bãi đậu xe rộng. Vé vào cổng 30.000 đ/người lớn, trẻ em 30.000 đ/2 em. Sao lại thế? Lỡ chỉ có 1 em thì sao? Nếu cần hướng dẫn viên du lịch, bạn sẽ được đáp ứng ngay: hướng dẫn viên tiếng Anh 100.000 đ/giờ, hướng dẫn viên tiếng Việt 50.000 đ/giờ. Nếu muốn đi bộ, khách cứ thoải mái, còn không thì đi xe điện khứ hồi chỉ có 10.000 đ vào thác chính, vào thác Ho Cho cũng ngần ấy giá. Xe điện chầm chậm chạy trên con đường nhựa rộng 10 m, hai bên đường có nhiều vòm mái nghỉ chân được trồng các loại dây leo như: cát đằng, huỳnh anh, bông tỏi, kim ngân... Chỉ 800 m là đã tới đường xuống thác. Triền dốc thoai thoải, đi dọc triền thác trên những tảng đá to, những bậc cấp có tay vịn vì nước rịn từ sườn núi có thể làm trơn bậc đá, chẳng mấy chốc là tới thác chính Yang Bay. Rất cẩn thận, một vệ sĩ luôn đi theo bên bạn, đề phòng bất trắc cũng như nhắc nhở khách không được tựa người vào hàng dây giăng triền thác. Nước từ thác Yang Bay ầm ào đổ xuống nhiều hồ nhỏ, trong đó có hồ Voi Đầm sâu 16 m, là nơi giăng dây bảo hiểm.
Cắt ngang con suối là đập tràn được thiết kế bằng xi măng và những hòn đá tảng tự nhiên nối liền hai bờ thác. Nước tràn qua đập chỉ ngập mắt cá chân, nhưng khi đặt bước xuống, bạn sẽ giật nẩy cả người vì nước lạnh cóng, như thoát thai từ đỉnh ngọn tuyết sơn. Cảm giác thật sảng khoái khi đi qua con đập dài 30 m. Qua đập, lên bờ là nhà hàng Yang Khang, bán nhiều mồi màng, thức uống có cồn hoặc không. Bàn sắp dài một triền thác, trong bóng mát của những cây rừng cổ thụ chằng chịt dây leo. Mỗi chiếc bàn có bốn ghế bố để khách vừa nằm nghỉ ngắm cảnh vừa thưởng thức “sơn hào hải vị” cùng những ly rượu tình thân anh em. Giá thức ăn ngang bằng các hàng quán khác, có điều ai cũng ngán vì ngồi ghế bố mất 10.000 đ/người. Như sợ điều gì đó, nhà hàng cho vẽ sơn to tướng dòng chữ số “10.000 đ/ghế”. Để tránh sự “phản cảm” này, nhiều người mang đồ ăn thức uống vào (dù ngoài cổng có bảng cảnh báo “mang thức ăn thức uống vào, phạt 50.000 đ/bịch (thùng)”, bày trên tảng đá quây quần chén chú chén anh. Cạnh nhà hàng là thác Yang Khang. Tuy nhỏ nhưng Yang Khang có hồ không sâu, là nơi khách tha hồ đắm mình trong làn nước lạnh hoặc nhờ dòng thác “massage” cho cơ thể đỡ mệt mỏi sau cuộc hành trình. Để tắm, khách thuê phao 5.000 đ, quần tắm nam 60.000 đ, đồ tắm nữ 70.000 đ.
Để có bữa cơm ấm áp, no bụng trước khi khám phá tiếp Yang Bay, có nhà hàng Yang Bay kiến trúc theo kiểu đồng bào dân tộc Tây Nguyên pha nét hiện đại. Nhà hàng có sức chứa hơn 500 người. Gần đó có Nhà biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Buổi trưa chủ nhật, nhà biểu diễn đóng kín cửa, có lẽ phục vụ theo nhu cầu khách đoàn hoặc vào buổi tối các ngày lễ?
Từ nơi này, nhìn sang bên kia ngã ba đường là mảnh vườn rộng trồng toàn mai anh đào. Mùa này cây lá xanh mướt, nhưng đẹp nhất có lẽ vào mùa xuân, khi hoa nở thắm cả một vùng. Từ ngã ba, tiến vào khoảng trăm thước sẽ bắt gặp khá nhiều chú ngựa bạch nội địa đang thẩn thơ gặm cỏ bên đường. Và có vài chiếc xe ngựa kiểu dáng khá đẹp nằm gác càng gần đó. Có lẽ đây là phương tiện di chuyển dành cho khách với giá 200.000 đ/45 phút và 60.000 đ/30 phút, như quảng cáo, nhưng chắc không thực hiện. Rẽ vào vườn hoa lan rộng 2.000 m2, toàn lan ngoại (Dendro, Vanda, hồ điệp,...) cấy mô, giá từ 10.000 - 250.000 đ/giờ, được khá nhiều người mua vừa chơi vừa làm kỷ niệm. Tới chừng trăm mét là một hồ rộng nghe nói dành nuôi cá sấu nước ngọt. Thế nhưng chẳng thấy con nào. Gần đó là vòng thành cao như ngọn đồi, có bậc thang lên quan sát gấu. Lòng thành hoang dại cây cỏ. Có 20 con gấu nhốt trong những chiếc lồng chật bó trong vòng thành, cựa quậy, kêu la thảm thiết! Thêm vài trăm thước là tới khu vực thác Ho Cho. Khu vực này đang xây dựng để đưa vào hoạt động chính thức trong nay mai. Đi quá một chút là thác Ho Cho. Sách báo nói thác nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh, nhưng thật ra chỉ ở ven rừng. Chẳng thấy thác đâu, chỉ nghe tiếng suối đổ nhè nhẹ xuôi dòng trên những triền đá thấp. Hoang sơ thì có, nhưng hấp dẫn chắc không. Nghe đâu thác này có hai dòng nước khoáng nóng lạnh song hành.
Trở ra cổng, tham quan quầy hàng lưu niệm. Vẫn là một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ như các điểm du lịch khác. Nhưng điều đáng quan tâm là da voi. Da voi cắt miếng cỡ bao diêm, giá 100.000 đ/miếng; dây nịt da voi 110.000 đ/chiếc; bóp da voi 120.000 đ/chiếc. Ngoại trừ da voi có màu sậm, còn lại có màu vàng nghệ, khó tin.
(Theo PHƯƠNG KIỀU // Báo Hậu Giang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com