Trở lại 14 năm trước, khi ba bên gồm: Cty dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu (VTS); TCty thép VN (VCS) và Kyoei Steel Ltd (Nhật Bản) thành lập Cty TNHH cảng quốc tế Thị vải nhằm xây dựng và kinh doanh một cảng biển tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, phục vụ tàu chở hàng bách hóa tổng hợp và container. Tổng mức đầu tư 56 triệu USD. Vốn pháp định của liên doanh đăng ký 18 triệu USD. Quá trình đầu tư chia làm hai giai đoạn trong đó giai đoạn, I tổng mức đầu tư là 12 triệu USD, gồm: Cty dịch vụ vận tải biển góp 4.612.500 USD bằng giá trị quyền sử dụng đất; TCty thép VN 1.147.500 USD; Kyoei Steel 6.240.000 USD. Thời hạn góp vốn giai đoạn I được phiên họp đầu tiên của Hội đồng quản trị Cty thống nhất là phải hoàn tất trước khi khởi công giai đoạn I.
Một điển hình lãng phí
Kế hoạch là vậy nhưng ngay bước đầu của quá trình đầu tư, liên doanh này đã nảy sinh bất đồng, không thống nhất với nhau về quan điểm phát triển dự án nên việc góp vốn để thực hiện giai đoạn I không được thực hiện. Đến năm 2002, khi hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng, việc thực hiện góp vốn pháp định của các bên mới đạt 7 triệu USD/kế hoạch góp vốn là 12 triệu USD, đạt 18,05% vốn phải góp. Trong đó Cty dịch vụ vận tải biển hoàn thành 100% vốn góp là 4.612.500 USD (giá trị quyền sử dụng đất); TCty thép góp 697.500 USD, đạt 17,32% vốn phải góp; Kyoei Steel góp 1.690.000 USD, đạt 18,05% vốn phải góp. Sau nhiều giằng co, mâu thuẫn ngày càng đẩy các đối tác ra xa nhau hơn và đến nay đã hơn 14 năm trôi qua, dự án vẫn nằm trên giấy, gây tổn thất nhiều mặt... Năm 2005 - 2006, Bộ KHĐT đã liên tục có văn bản đốc thúc liên doanh lên kế hoạch chi tiết triển khai dự án, kèm theo đó là tiến độ cụ thể về việc góp vốn pháp định, đồng thời cũng nhắc nhở tỉnh BR-VT thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện dự án cảng quốc tế Thị Vải để có hướng xử lý. Nếu các bên liên doanh không thống nhất được việc triển khai dự án thì bộ sẽ phối hợp với tỉnh BR-VT xem xét rút giấy phép, giao đất cho đối tác khác thực hiện. Lần gia hạn cuối cùng của bộ là vào hồi tháng 8/2006. Mặc dầu vậy, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.
Nỗ lực hàn gắn liên doanh
Nếu chiếu theo đúng quy định thì dự án đã buộc phải rút giấy phép từ lâu. Tuy nhiên, xét trên nhiều bình diện, phía địa phương BR-VT đã nỗ lực hàn gắn liên doanh này, đồng thời cũng đã xin Bộ KHĐT tiếp tục gia hạn để tỉnh làm trung gian giúp các bên giải quyết mâu thuẫn, khởi động lại dự án.
Từ khi nhận đất sạch (tháng 3/2002) đến cuối nay, các phần việc liên doanh này thực hiện mới dừng lại ở : ký hợp đồng với tư vấn để lập thiết kế kỹ thuật cho cầu cảng và các công trình xây dựng trên bờ; Đánh giá các thiết kế kỹ thuật; Soạn thảo hồ sơ mời thầu các hạng mục công trình; San lấp và xử lý nền đất yếu, hoàn tất thiết kế thi công công trình trên bờ. |
Mới đây, sau nhiều buổi làm việc với ba bên liên doanh, UBND tỉnh cũng đã giúp các bên tìm được tiếng nói chung, và nhất trí khởi động lại dự án trên tinh thần hợp tác cùng có lợi. Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đóng vai trò “trọng tài” kịp thời hỗ trợ liên doanh về mọi mặt để thúc đẩy tiến độ dự án. Tháng 6/2011 vừa qua, liên doanh này đã được cấp phép đầu tư lại theo luật DN mới của VN và thực sự khởi sắc trong quan hệ cũng như trong việc hoạch định hướng đi mới.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com