Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bắt sếp Tập đoàn Thiên Thanh, dự án tỉ đô ra sao?

Thông tin cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố vụ án và bắt tạm giam hàng loạt cán bộ chủ chốt của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (gọi tắt là Tập đoàn Thiên Thanh) làm dư luận TP Đà Nẵng rúng động. Nhiều người bàn tán, lo lắng cho tương lai của sân vận động Chi Lăng và siêu dự án gần 1 tỉ USD của tập đoàn này tại TP Đà Nẵng vốn là dự án liên quan đến sân vận động nổi tiếng một thời của đất Quảng Nam-Đà Nẵng.

Dự án gần 1 tỉ đô “trùm mền”

Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho Tập đoàn Thiên Thanh triển khai dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế trên toàn bộ khu vực sân vận động Chi Lăng. Theo tập đoàn này thì dự án gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm khu trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và cung hội nghị; giai đoạn 2 gồm khu bệnh viện và trường học quốc tế; giai đoạn 3 gồm các block căn hộ cao cấp. Tổng kinh phí thực hiện dự án vào năm 2010 là gần 1 tỉ USD, được xem là dự án “siêu khủng” của TP vào thời điểm bấy giờ. Để có được khu đất sân vận động Chi Lăng, Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp cho TP Đà Nẵng 100 tỉ đồng.

Trong thời gian chờ giao đất và Tập đoàn Thiên Thanh triển khai dự án, UBND TP Đà Nẵng đã đầu tư khoảng 100 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng sân vận động phục vụ cho đội bóng SHB Đà Nẵng thi đấu. Tháng 2-2011, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho 70 hộ dân sinh sống tại khu vực sân vận động Chi Lăng để bố trí tái định cư đi nơi khác. Tổng diện tích của khu đất “vàng” bốn mặt tiền gồm đường Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương - Chi Lăng là hơn 6 ha. Tổng kinh phí bồi thường gần 200 tỉ đồng.

Sân vận động Chi Lăng theo kế hoạch sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Thiên Thanh trong tháng 8-2014

Sân vận động Chi Lăng theo kế hoạch sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Thiên Thanh trong tháng 8-2014. Hiện sân đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: LÊ PHI

 

Tuy nhiên, việc giải tỏa và bố trí tái định cư cho người dân từ khu vực sân vận động Chi Lăng đi nơi khác đã khiến một số hộ khiếu kiện kéo dài. Khi được bố trí tái định cư tại địa điểm khác thì đất không sinh lời, người dân không thể làm ăn như tại khu vực sân vận động trước đây. Vụ việc chỉ được giải quyết khi vừa qua Thanh tra Chính phủ trực tiếp vào làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng để đối thoại với các hộ dân liên quan.

Ngoài ra, để thực hiện dự án gần 1 tỉ USD của Tập đoàn Thiên Thanh, TP Đà Nẵng đã giải tỏa trắng Công ty Cấp nước, xé đất Trường THPT Phan Châu Trinh để bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa tại sân vận động Chi Lăng. Thế nhưng đến nay dự án tỉ đô rầm rộ ngày nào của Tập đoàn Thiên Thanh giờ vẫn “trùm mền”. Sân vận động Chi Lăng cũng dần hoang phế, xuống cấp trầm trọng.

Trong khi chờ Tập đoàn Thiên Thanh động thổ, UBND TP Đà Nẵng đã phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng sân vận động mới tại khu vực phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Đến giờ sân vận động mới ở Hòa Xuân vẫn chưa thể hoàn thành, chậm tiến độ vì thiếu vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng. Đội bóng SHB Đà Nẵng của huấn luyện viên trưởng Lê Huỳnh Đức đành phải đá tạm bợ ở sân vận động Chi Lăng của Tập đoàn Thiên Thanh đang ngày càng xuống cấp.

Một nguồn tin cho biết Tập đoàn Thiên Thanh cũng đã từng có ý định trả lại dự án và sân vận động Chi Lăng cho TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, vì TP đang trong giai đoạn khó khăn, bất động sản đóng băng, không có nhà đầu tư mới nên TP cũng không có tiền trả lại cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Theo tìm hiểu của PV thì cuối tháng 8 này, sân vận động Chi Lăng chính thức được bàn giao lại cho Tập đoàn Thiên Thanh. Đội bóng nổi tiếng SHB Đà Nẵng sau thời gian “đá trọ” sẽ đi về đâu khi sân cũ thì bị lấy mà sân mới chưa hoàn thành?

Chưa rõ có giấy chứng nhận đầu tư chưa?

 Để tìm lời giải cho tương lai của dự án tỉ đô trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Năm 2010, ông Thơ là Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng.

. Thưa ông, sau khi lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt, TP có xem xét tới tính khả thi của dự án này không?

+ Cái này thì phải do lãnh đạo TP họp rồi mới hay. Hồi tôi làm giám đốc Sở KH&ĐT thì hình như dự án này chưa làm giấy chứng nhận đầu tư. Vì trước đây toàn bộ các dự án TP cũng làm rút gọn giấy tờ thủ tục, quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư nên bây giờ không rõ dự án đã làm giấy chứng nhận đầu tư hay chưa. Cái này phải coi lại tất cả hồ sơ mới biết được. Còn vụ việc Thiên Thanh thì giờ đã bắt mấy ông kia nhưng công ty của họ sẽ có ông khác thay thế. Ông này nghỉ thì có ông khác lo. Chuyện này cũng bình thường thôi, cái quan trọng là họ có đủ lực để triển khai dự án không. Còn trong các cuộc họp thì tôi nghe nói còn có một số hộ dân chưa giải tỏa nên chưa bàn giao mặt bằng được cho Thiên Thanh. Trong một số lý do không triển khai được thì có lý do đó.

. Vậy khi bàn giao lại toàn bộ sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh vào tháng 8 này thì đội bóng SHB Đà Nẵng sẽ tập luyện, thi đấu ở đâu khi chưa có sân mới mà sân cũ lại bị thu hồi?

+ TP cũng tiến hành xây dựng sân vận động ở Hòa Xuân rồi nhưng do tiến độ mình làm cũng chậm. Nhưng chậm cũng phải làm cho xong chứ không thể để dự án kéo dài từ năm này sang năm khác được. Còn trong lúc họ (Tập đoàn Thiên Thanh) chưa làm được cái gì thì đội bóng vẫn tập luyện thi đấu tại sân vận động Chi Lăng. Ngoài ra, bây giờ trên địa bàn TP cũng có một số sân cỏ khá tốt ở các quận để tập luyện. Nhưng khi thi đấu thì chắc sẽ vẫn đá ở sân Chi Lăng vì Thiên Thanh vẫn chưa làm gì cả.

LÊ PHI//PLO

“Điểm danh” những dự án nổi bật của Tập đoàn Thiên Thanh

Với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Thiên Thanh Group có hàng chục đơn vị trực thuộc và nhiều dự án lớn từ Bắc chí Nam.

 

Thông tin trên website thể hiện sự có mặt của Thiên Thanh ở nhiều nơi và nhiều ngành nghề
Thông tin trên website thể hiện sự có mặt của Thiên Thanh ở nhiều nơi và nhiều ngành nghề
Sau thông tin 3 lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh là Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án “Cố ý làm trái...”, dư luận đặc biệt quan tâm đến Tập đoàn này.

Thực tế, chỉ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và không “nổi” trên thị trường như một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động theo mô hình tập đoàn khác, nhưng Thiên Thanh tham gia rất nhiều ngành nghề kinh doanh và có nhiều dự án lớn.

Tập đoàn Thiên Thanh có tiền thân là Hãng Gạch bông Hương Sơn được thành lập từ năm 1964 và hoạt động tại Quảng Ngãi. Đến nay, ngoài Trụ sở chính và các đơn vị tại TP.HCM, Tập đoàn đã có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc tại các tỉnh thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương,... với nhiều dự án quy mô lớn.

Thiên Thanh hoạt động đa ngành, chủ yếu là bất động sản với hàng loạt công ty con: Kinh doanh vật liệu xây dựng, Ôtô - Dịch vụ Ôtô, Bất động sản - Dự án, Tư vấn - Đầu tư Tài chính, Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn...

Tập đoàn này có hàng chục đơn vị trực thuộc, ngoài Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh còn có Công ty TNHH Quốc tế Thiên Thanh, Công ty TNHH MTV Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ - Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Khách sạn Green Plaza Đà Nẵng, Salon Auto Thiên Thanh, Trung tâm Kinh doanh VLXD - TTBNT Thiên Thanh, Trung tâm Kinh doanh - Dịch vụ Ôtô Thiên Thanh, Siêu thị Ôtô Thiên Thanh - Bình Dương, Trung tâm Tư vấn Đầu tư Tài chính, Trung tâm Giao dịch Bất động sản, Tổ hợp TM-DV-KS Thiên Thanh Quảng Ngãi, Nhà hàng Thiên Thanh (27 Tú Xương, Phường 6, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh), Chi nhánh Hà Nội, Chi nhánh Đà Nẵng, Chi nhánh Quảng Ngãi…

Theo các thông tin đã công bố của Tập đoàn Thiên Thanh, năm 2011 doanh thu của Thiên Thanh đạt 2.025 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng. Tổng tài sản 3.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 1.218 tỷ đồng.

Thiên Thanh hiện đang có một dự án lớn tại Đà Nẵng là Khu phức hợp Thiên Thanh Chi Lăng Plaza – Đà Nẵng có tổng kinh phí đầu tư xây dựng 750 triệu USD.

Khởi công xây dựng năm 2011 và dự kiến đưa phân khu đầu tiên đi vào hoạt động từ giữa 2012, khu phức hợp sẽ có 6 phân khu thương mại dịch vụ, bệnh viện, trường học, sân vận động tiêu chuẩn quốc tế, các trung tâm hội nghị, văn phòng làm việc, nhà ở cao cấp… với tổng diện tích sàn hơn 1 triệu m2. Tiến độ xây dựng khu phức hợp sẽ kéo dài theo từng giai đoạn và hoàn tất trong năm 2016.

Ngoài ra, Tập đoàn này còn đầu tư vào các dự án lớn như khu cao ốc Khách sạn - văn phòng Green Plaza Đà Nẵng (mua lại từ Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam vào đầu năm 2009 với giá khoảng 350 tỷ đồng), Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ (Quảng Nam), Khu Dân cư -Văn phòng Tây Thạnh (TPHCM)...
 
Theo Bích Diệp (Dân Trí)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!