Lãi suất và rủi ro pháp lý
(Tác giả: THUẬN HẢI // Theo Tuanvietnam)
Quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho vay lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn và thu thêm phí đối với các khoản vay ngắn hạn đang gây phản ứng trái nhiều từ các góc nhìn quan sát.
Với chủ các ngân hàng và doanh nghiệp, đây là quyết định không thể không hợp thức hóa hoạt động thực tiễn lâu nay của họ, giúp khơi thông nguồn vốn đã có dấu hiệu tồn đọng và phát sinh những khoản chi phí khi giao dịch mà không thể đưa vào sổ sách kế toán. Với một số ý kiến chuyên gia nhìn bằng lăng kính pháp lý hiện hành và những doanh nghiệp đang họat động chủ yếu bằng nguồn vốn vay, mà không thể huy động vốn bằng các nguồn khác, thì mức lãi suất mà họ có thể thỏa thuận hiện nay chắc chắn sẽ phạm Luật dân sự vì đã phải chấp thuận mức lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản (8%/năm) mà Ngân hàng Nhà nước công bố.
Giữa những luồng ý kiến băn khoăn ấy, những thông tin về các vụ giật hụi, chủ nợ cho vay nặng lãi, doanh nghiệp đút lót cả chục tỷ đồng cho quan chức Ngân hàng để nhận được khoăn vay theo lãi suất quy định của pháp luật vẫn rộn ràng khắp nơi.
Ngoài vụ bị bắt quả tang như ở BIDV, dường như các vụ tranh chấp vay nợ theo lãi suất thỏa thuận nặng lãi bên ngoài không có dấu hiệu sẽ được giải quyết bằng thủ tục pháp lý bởi các cơ quan công quyền với lý do con nợ và chủ nợ tự thỏa thuận cách giải quyết với lý do "hành vi thỏa thuận nợ không được chính quyền công nhận, bất hợp pháp ngay từ khi nó phát sinh".
Hơn nữa, cần tách bạch hợp đồng tín dụng của các pháp nhân là ngân hàng thương mại với những thỏa thuận dân sự giữa các thể nhân là công dân có năng lực pháp lý và khả năng chịu trách nhiệm pháp luật về hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Có như vậy, việc lãi suất ngân hàng vượt ngưỡng 150% lãi suất cơ bản có được coi là hoạt động vi phạm pháp pháp luật hay không hay cơ chế nào để giải quyết những vụ trốn nợ, giật hụi đang xảy ra ngày càng phổ biến.
Hoạt động ngân hàng là hợp đồng kinh tế, dược đỉều chỉnh bằng các văn bản pháp lý Luật kinh tế, được phán xử tại Tòa kinh tế. Hoặc hành vi bằng các thủ đọan không trung thực để lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng bức để bắt một người phải nhận nợ với lãi suất cao; hoặc một người đưa ra cam kết trả lãi suất cao mà không có bằng chứng cho thấy họ có năng lực và khả năng nâng cao giá trị khỏan vay để lấy tiền của người cho vay, là những dấu hiệu vi phạm đạo đức và pháp luật ngay khi bắt đầu thực hiện hành vi bởi động cơ không trung thực. Hành vi đó không thuộc hình thức hợp đồng kinh tế mà phải được coi là dấu hiệu của tội lừa đảo và phải được điều chỉnh bởi luật Dân sự, Luật hình sự.
Ngân hàng như một Nhà máy mà "đầu vào" cũng như "đầu ra" đều là giá trị tiền. Hoạt động ngân hàng không đơn thuần là nhận tiền gửi rồi lại mang số lượng tiền ấy cho vay để nghiễm nhiên hưởng chênh lệch lãi suất.
Thực tế, có hẳn một Học viện Ngân hàng, nhiều thạc sỹ và tiến sỹ về họat đông ngân hàng trong và ngòai nước đang làm việc trong các tổ chức tín dụng này. Vậy thì, giữa đồng tiền "vào" và đồng tiền "ra" qua cửa ngân hàng chắc hẳn nó phải được xử lý, nó phải được phân tích để ra kết quả về mức lãi suất "vào" và khả năng rủi ro khi cho nó "ra". Nhân lực ngân hàng phải xử lý các đầu đề bài toán đó và cho ra kết quả tối ưu bảo đảm lãi suất đủ thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội và dòng tiền ra phát huy hiệu quả cho chủ đầu tư và có tỷ suất cao quay trở lại khi đến hạn. Một hoạt động có kết tinh chất xám như thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các đối thủ không chỉ trong nước mà trong tương lai gần cả với các ngân hàng nước ngoài thì không thể quan niệm và kết luận rằng hoạt động ấy đơn thuần chỉ mang tính cơ học.
Đặc biệt, việc đánh giá rủi ro khi quyết định cho vay của Ngân hàng thực sự là một khoa học đòi hỏi các nhân viên có đạo đức nghề nghiệm vững, trình độ học vấn cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú...
Mọi đánh giá sai đều dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho nguồn vốn của chủ ngân hàng và đánh đổi bằng hiệu quả của rất nhiều dự án khác mới bù đắp được. "Mười đấm có lãi không bằng một cú đạp nợ khó đòi" - đó là câu dằn lòng của các cán bộ tín dụng.
Ngân hàng không thể tự ý áp đặt lãi suất cả đầu ra lẫn đầu vào vì còn các đối thủ cùng ngành trong và ngoài nước cạnh tranh. Người vay cũng không buộc phải chấp thuận bất cứ lãi suất nào nếu như chi phí vốn không bù đắp được sự sụt giảm doanh thu và không có lãi, họ còn có quyền chọn ngân hàng để vay và cả cơ chế thỏa thuận trực tiếp bằng uy tín thương hiệu và độ tín nhiệm với ngân hàng.
Khi hoạt động của nền kinh tế phải chịu mức chi phí vốn đầu vào cao hơn mặt bằng trước đó thì cũng là động lực buộc các chủ đầu tư và doanh nghiệp vay vốn phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay bằng áp dụng công nghệ tiên tiến, bằng cải tiến quản lý nâng cao năng suất và bằng các biện pháp tổng hợp khác để tồn tại và phát triển.
Ngược lại, hoạt động cho vay nặng lãi hầu như là các hoạt động giữa các cá nhân, không được pháp luật công nhận và bảo vệ khi có tranh chấp. Dó đó, cả hai phía: bên cho vay và bên nhận nợ đều vi phạm Luật dân sự và Luật hình sự ngay từ khi phát sinh giao dịch. Và hầu như, các thể nhân tham gia giao dịch trong hoạt động này không đủ kiến thức đánh giá, nghiên cứu nhu cầu và khả năng hòan trả vốn trong các giao dịch này - ít nhất là từ phía người nhận nợ.
Vì thế, nên coi hoạt động ngân hàng là việc thực hiện các hợp đồng kinh tế và được điều chỉnh bằng các văn bản pháp quy về Kinh tế. Lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước không phải chỉ đóng vai trò là khống chế trần lãi vay như quan niệm phổ biến mà còn đóng vai trò trong việc bày tỏ thái độ của Nhà nước về cung tiền, xu hướng điều chỉnh chính sách vĩ mô, quy định lãi suất của các nghiệp vụ tài chính khác: lãi suất tái cấp vốn, vay qua đêm, trái phiếu...
Đừng vì cách hiểu cứng nhắc và không đầy đủ về lãi suẩt cơ bản để làm ách tắc luồng lưu chuyển của tiền tệ trong nền kinh tế. Cơ thể của nền kinh tế sẽ yếu và đột tử nếu như dòng huyết mạch của nó là luồng tiền bị nghẽn mạch.
“Luật” mới cho lãi suất huy động?
(Theo Vietnamnet// VnEconomy)
Sau khi kéo thẳng 10,49% ở hầu hết các kỳ hạn từ cuối năm 2009, lãi suất huy động VND đang chờ điều chỉnh để có “trật tự” mới.
Lúc này, nhiều con mắt đang nhìn về Ngân hàng Nhà nước chờ đợi. Thị trường cũng đang có những chuyển động ủng hộ cho sự chờ đợi này.
Vẫn còn trần lãi suất huy động
Cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có cuộc họp với đại diện các ngân hàng hội viên trong Nam, ngoài Bắc. Nội dung cuộc họp này chưa thông tin cụ thể và rộng rãi, nhưng giới thạo tin đề cập đến khả năng có thống nhất kiến nghị từ các hội viên tới Ngân hàng Nhà nước về việc bỏ trần lãi suất huy động hiện nay.
Ngày 2/12/2009, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 9484/NHNN-VP với nội dung chính: Để tạo sự ổn định mặt bằng lãi suất chung, các ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất huy động VND cao nhất dưới 10,5%/năm.
Những trường hợp tăng lãi suất huy động từ mức 10,5%/năm trở lên, phá vỡ mặt bằng huy động trên thị trường, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành xem xét toàn diện hoạt động của tổ chức tín dụng đó.
Sau văn bản trên, một số ngân hàng thương mại vừa mới áp lãi suất huy động 10,5%/năm ở một số kỳ hạn vội vàng rút về mốc 10,49%/năm. Vô hình trung, mốc 10,5% đó trở thành trần lãi suất huy động VND. Từ đó đến nay, đa số các thành viên vẫn đang kéo thẳng mức 10,49% cho hầu hết các kỳ hạn, không phân biệt ngắn, trung hay dài hạn.
Định hướng trên của Ngân hàng Nhà nước không mới. Trong quá khứ, ngày 26/2/2008, cơ quan này cũng từng có Công điện số 02 yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động VND ở mức hợp lý, phù hợp với nguyên tắc không để lãi suất âm nhưng không vượt quá 12%/năm.
Có thể hiểu định hướng của Ngân hàng Nhà nước là sự linh hoạt trong từng thời kỳ nhằm ổn định thị trường và hoạt động của hệ thống.
Và nay, khi cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn đã được mở, thanh khoản hệ thống đã được cải thiện, mức trần 10,5%/năm nói trên có thể được xem xét để gỡ bỏ. Bởi theo ý kiến của lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, khi đầu ra đã mở, đầu vào cũng cần có cơ chế “thoáng” để tạo sự chủ động cân đối các nguồn vốn.
Ngược lại, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ định hướng lãi suất huy động VND nói trên, có thể hiểu đó là việc duy trì một chốt chặn tránh những biến động trên thị trường. Mức lãi suất huy động tối đa 10,5%/năm sẽ là một cơ sở để các nhà băng xác định lãi suất cho vay và duy trì một tỷ lệ lãi biên hợp lý.
Lãi suất huy động chờ điều chỉnh
Theo những thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện, vốn khả dụng dư thừa tương đối. Lãi suất huy động một số thành viên lớn cũng đã được cơ cấu lại, không còn áp đồng loạt 10,49% để gọi vốn bằng được ở các kỳ hạn.
Dữ liệu giao dịch trên thị trường mở cũng cho thấy những thông tin đáng chú ý. Trước Tết Nguyên đán, lượng vốn Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ qua thị trường này có từ 12–15 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Tuần qua, lượng vốn bơm qua thị trường này đã giảm rõ rệt; nếu ngày 3/3 là 10 nghìn tỷ đồng thì ngày 4/3 chỉ 3,2 nghìn tỷ đồng, ngày 5/3 là 3,13 nghìn tỷ đồng. Phiên thứ 83 ngày 8/3 cũng chỉ có 2.308 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần qua cũng đã có sự sụt giảm rõ rệt so với tuần trước đối với tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,04% đến 3,34%/năm. Trong đó lãi suất bình quân đối với các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần) có mức sụt giảm mạnh, lần lượt là 3,64% và 2,08%/năm.
Thanh khoản hệ thống đã được cải thiện. Thông tin từ cuộc họp của VNBA với các hội viên cho thấy, một vấn đề đặt ra là các ngân hàng không quyết liệt gọi vốn khi kéo thẳng lãi suất 10,49% ở hầu hết các kỳ hạn. Thay vào đó, cơ cấu giữa các kỳ hạn đang chờ để thay đổi, đường cong lãi suất chờ một “trật tự” mới thay vì hầu như không phân biệt như hiện nay.
Giả thiết đặt ra, nếu trần 10,5% được bỏ, lãi suất huy động có thể sẽ tăng nhưng ở những kỳ hạn theo cơ cấu và nhu cầu vốn của mỗi ngân hàng.
Một diễn biến đã định hình là một số thành viên đã có điều chỉnh theo hướng từ thấp đến cao theo kỳ hạn ngắn đến dài, như tại Ngân hàng Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Đông Á (DongA Bank).
Một số trường hợp như Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng không áp đồng loạt 10,49% như nhiều thành viên khác hiện nay, mà chỉ tập trung ở một số kỳ hạn tập trung gọi vốn…
Nhưng lo ngại đặt ra là liệu khi bỏ trần 10,5%, lãi suất huy động có biến động mạnh, leo thang? Ngân hàng Nhà nước vẫn có sự chủ động trong điều tiết thông qua các công cụ chính sách, thậm chí có thể là một “cơ chế” trần linh hoạt.
Lãi suất cho vay đã quá sức chịu đựng doanh nghiệp?
(Tác giả: Hồng Sương// Báo Sài Gòn Tiếp Thị )
Lãi suất thoả thuận đối với các khoản cho vay trung dài hạn của doanh nghiệp có nơi lên đến 18%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, mức này đã đến giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp.
Nếu lãi suất cao hơn nữa, doanh nghiệp sẽ... gửi tiết kiệm thay vì kinh doanh. Tốc độ huy động vốn của các ngân hàng từ đầu năm đến nay rất chậm. Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, dư nợ huy động hai tháng đầu năm ở ACB chỉ tăng nhẹ, nhưng không đều đặn và ổn định, tốc độ chỉ bằng khoảng 50% thời điểm giữa năm 2009.
Bao nhiêu là quá sức?
Đồng thời, như nhiều ngân hàng khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở ACB cũng chậm chạp và hầu như đứng im. Ngoài việc tăng trưởng cho vay khó đạt cao vì ngân hàng đang gặp khó khăn thanh khoản, ông Lý Xuân Hải cho rằng, đối với nhiều doanh nghiệp, vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn, thì lãi suất dần gia tăng đến ngưỡng doanh nghiệp khó thể gánh chịu, và cũng là lý do khiến tốc độ tín dụng chậm lại.
Ở mức lãi suất thoả thuận 17 – 18%/năm phổ biến trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp có dự án khả thi và mức lợi nhuận cao thì mới tìm đến ngân hàng. “Mức lãi suất cho vay 17 – 18% hãy còn trong giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp, nhưng nếu vượt cao hơn, tôi cho rằng họ khó có thể chịu đựng hơn”, ông Hải nói.
Theo ông, qua theo dõi các năm 2002 – 2007, thời điểm nền kinh tế ổn định và các doanh nghiệp kinh doanh tương đối tốt, các doanh nghiệp Việt Nam thường có 1 đồng thì đi vay 2 đồng (tỷ lệ vay/vốn khoảng 2 lần). Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong khoảng 25 – 30%. Lãi suất vay tổ chức tín dụng vào thời kỳ đó từ 12 – 14%/năm. Như vậy, nếu lãi suất vay tăng 5 – 6% lên 18 – 19% sẽ làm ROE giảm xuống còn khoảng 15 – 18%, tương đương lãi suất huy động. Điều này làm tăng rủi ro hoạt động, ảnh hưởng đến lợi nhuận, các doanh nghiệp không còn hứng thú đầu tư mở rộng mới. Thay vào đó, họ có tiền sẽ đem gửi tiết kiệm, vì hiệu quả như nhau mà rủi ro thấp hơn nhiều.
Theo ThS Đào Trung Kiên, giảng viên khoa ngân hàng đại học Kinh tế TP.HCM, với mức lãi suất đi vay 18%/năm, nhìn chung các doanh nghiệp phải có tỷ suất lợi nhuận khoảng 25% mới bù đắp được chi phí sử dụng vốn. Giả sử lãi suất cao hơn mức trên, doanh nghiệp sẽ lại lao đao như hồi năm 2008, ông nói.
Lãi suất cho vay sẽ giảm
Theo báo cáo chiến lược đầu năm nay của công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), năm 2010 các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lãi vay cao hơn 63% so với chi phí lãi vay của 273,16 ngàn tỉ đồng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất mà các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân được hưởng trong năm 2009. Với mức hỗ trợ lãi suất bình quân là 4%, với số dư nợ này, các doanh nghiệp phải trả lãi khoảng 21,8 ngàn tỉ đồng/năm (lãi suất 8%). Trái lại, với mức lãi suất thị trường hiện tại là 13%/năm thì các doanh nghiệp sẽ phải trả lãi 35,5 ngàn tỉ đồng (ở mức lãi suất cho vay thương mại thông thường). Và nếu lãi suất cơ bản tăng lên 9% vào cuối quý 1 thì chi phí lãi vay sẽ là 38,2 ngàn tỉ đồng.
Điều đáng mừng là thanh khoản đã được cải thiện. Theo ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng vào tuần trước bình quân ở mức 7,44%/năm, giảm mạnh so với mức 10,69% ở tuần gần cuối tháng 12.2009, và so với mức 9,37% tuần đầu tháng 2. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, lãi suất cho vay thoả thuận cách đây một tuần khoảng 12 – 14%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 15 – 17%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là tác động tích cực. Theo ông Lý Xuân Hải, chi phí vay vốn của doanh nghiệp hiện nay không tăng mà có xu hướng giảm đi so với ba – bốn tháng trước, lúc thị trường thiếu hụt thanh khoản hơn hiện nay. “Bây giờ, ACB có thể cho vay doanh nghiệp ở mức 15 – 16%/năm, chứ lúc trước khó có thể ở mức này”, ông nói.
Dù vậy, ngân hàng vẫn khó tăng cho vay ra nếu không huy động được như các số liệu công bố gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngân hàng Nhà nước sắp tới dỡ bỏ quy định trần lãi suất huy động, thì lãi suất huy động sẽ tăng lên, nhưng lãi suất cho vay có thể sẽ giảm xuống, chênh lệch cho vay và huy động khoảng 3,5 – 4% là mức đảm bảo ngân hàng kinh doanh có lời. Nhiều người trông đợi vào cuộc họp mới đây giữa hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với đại diện các ngân hàng, mà theo giới thạo tin, sau cuộc họp này, họ sẽ có kiến nghị bỏ lãi suất huy động trần hiện nay.
Mở rộng đối tượng áp dụng lãi suất thỏa thuận: Trần lãi suất ở đâu?
(Theo Đức Anh // Hanoimoi Online)
Giữ nguyên lãi suất cơ bản 8%/năm từ ngày 1-3, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung, dài hạn để sản xuất, kinh doanh (SXKD), dịch vụ và đầu tư phát triển (trước đây chỉ áp dụng cho các khoản vay tiêu dùng). Động thái này của NHNN nhằm khơi thông "dòng chảy" nguồn vốn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây có thể cũng sẽ là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất tăng "nóng" trong thời gian tới…
Biện pháp khơi thông nguồn vốn
Mở rộng áp dụng lãi suất thỏa thuận có thể khiến lãi suất tăng nóng. Ảnh: Linh Tâm
Theo các chuyên gia, việc NHNN cho phép các TCTD áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung, dài hạn để SXKD, dịch vụ và đầu tư phát triển là biện pháp nhằm khơi thông dòng vốn và doanh nghiệp (DN) sẽ phải cân nhắc kỹ khi vay tiền của NH, lựa chọn những dự án thực sự khả thi. Ngoài ra, DN có thể tìm cách khác để huy động vốn thay vì đi vay như phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, với mức lãi suất đã đạt sát mức trần theo quy định, các NH khó có thể hút vốn từ người gửi. Vì thế, NHNN nới lỏng nút thắt lãi suất cho vay là điều dễ hiểu. Khi được phép mở rộng lãi suất cho vay, TCTD có thể cải thiện tính thanh khoản, đồng thời kinh doanh có lãi. Các chuyên gia cũng khẳng định, thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận cũng là bước để giúp cho nền kinh tế tiến dần tới tự do hóa lãi suất, giúp dòng vốn được vận hành thuận lợi, phù hợp với thị trường.
Ngân hàng cũng "lách" luật?
Với lãi suất cơ bản 8%/năm, trước đây các NH chỉ được áp dụng lãi suất cho vay là 12%/năm dành cho khách hàng. Với những khoản cho vay tiêu dùng chủ yếu dành cho khách hàng cá nhân như cho vay tín chấp, vay mua nhà, ô tô… được áp dụng lãi suất thỏa thuận tùy thuộc vào cung - cầu của NH và đối tượng khách hàng vay. Trên thực tế, lãi suất thỏa thuận với loại hình cho vay này đã lên tới 17-18%/năm, thậm chí hơn 19%/năm. Còn với DN, với những khoản vay cho SXKD trước đây phải áp dụng lãi suất cơ bản, tức là lãi suất cho vay tối đa là 12%/năm, trong khi lãi suất huy động được NH đồng loạt đẩy lên 10,499%/năm (theo quy định của NHNN, lãi suất huy động không được vượt quá 10,5%/năm) trước nhu cầu vốn quá cao vào thời điểm cuối năm và đầu năm. Song hầu như chẳng có NH nào thực hiện đúng quy định này, bởi nếu thực hiện đúng, NH khó có thể duy trì hoạt động có lãi. Do vậy, NH tìm cách "lách" luật, hợp thức hóa khoản thu không đúng theo quy định. Thay vì chỉ yêu cầu DN ký vào bản hợp đồng vay vốn, NH đề nghị DN phải chấp thuận mức lãi suất cộng thêm tối thiểu là 3%/năm, nhưng không có trên hợp đồng, với lý do là chi phí dịch vụ. Như vậy, lãi suất cho vay lên tới 15-16%, thậm chí có nơi đẩy lên 17-18%/năm. Theo một DN chuyên nhập khẩu thiết bị công nghiệp, vì không chấp nhận lãi suất quá cao, lại không được ghi vào hợp đồng, DN đã tìm cách huy động tiền từ CBCNV. Một DN dệt may cũng cho biết đã phải "gõ cửa" nhiều NH để tìm nguồn vốn, nhưng hầu hết NH đều có những điều khoản rất ngặt nghèo, cộng với lãi suất rất cao.
Tuy nhiên, khi NHNN ban hành thông tư mở rộng đối tượng áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản vay trung, dài hạn cho SXKD… đồng nghĩa với việc các khoản vay này không còn phải chịu trần lãi suất cơ bản. Điều này cũng có nghĩa những khoản lãi suất không đúng quy định đã được hợp thức hóa và NH không còn phải tìm cách "lách" trần lãi suất cơ bản như trước. Không ít DN lo lắng, thời gian tới lãi suất cho vay sẽ tăng vọt. Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc đua về lãi suất, kể cả huy động lẫn cho vay sẽ "nóng" trong những ngày tới. Với quyết định mở rộng đối tượng cho vay thỏa thuận của NHNN, có thể lãi suất huy động sẽ không chỉ dừng lại ở 10,499%/năm như đang áp dụng, mà sẽ lên cao và lãi suất cho vay chưa biết sẽ đạt mức đỉnh nào?! Lãi suất tăng cao khiến "đầu vào" của DN sản xuất bị đẩy lên, hàng hóa sẽ bị "đội giá"… Đây là nỗi lo chung của xã hội, mong ngành chức năng cần sớm vào cuộc để kiểm soát có hiệu quả giá các mặt hàng, không để diễn ra tình trạng lợi dụng tăng giá vô tội vạ.
( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com