'Bỏ trần lãi suất huy động, thị trường tiền tệ có thể rối loạn'
(PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân//Lệ Chi ghi//Theo vnexpress)
Thị trường ngân hàng đang chờ đợi quyết định cuối cùng về khả năng dỡ trần lãi suất huy động để tăng cường khả năng hút vốn, tuy nhiên Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp.
Dưới đây là bài viết của PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM.
Trong tình hình hiện nay, cơ chế lãi suất trần không còn phù hợp với thực tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải thay đổi cơ chế cũ bằng một cơ chế mới, nếu không sẽ gây ra sự đè nén, kiềm chế sự phát triển kinh tế cũng như làm cho sự lưu thông tiền tệ có những tắc nghẽn và biến tướng khó kiểm soát.
Một trong những thay đổi cần thiết tại thời điểm này là cơ chế điều hành. Thứ nhất về cơ chế cho vay, Ngân hàng Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc cho vay thỏa thuận đối với trung và dài hạn mà phải mở nút thắt cho vay ngắn hạn. Điều này sẽ hạn chế tối đa những biến tướng như việc ngân hàng tìm cách lách luật chuyển đổi những hợp đồng cho vay ngắn hạn thành cho vay dài hạn, làm cho thị trường bị méo mó, khó kiểm soát.
Trong thời gian tới, nếu Ngân hàng Nhà nước mở hoàn toàn cơ chế cho vay ngắn hạn sẽ giúp hài hòa lợi ích cả người vay lẫn ngân hàng. Các ngân hàng cũng sẽ không dám cạnh tranh đẩy lãi suất cho vay lên cao vì chẳng đơn vị nào muốn mất hết khách hàng. Việc thực hiện lãi suất cho vay theo thỏa thuận sẽ góp phần tạo ra một cơ chế lãi suất thích hợp với bối cảnh thực tế hiện nay, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, đồng thời ngân hàng cũng có lãi.
Riêng với lãi suất huy động, tuyệt đối không được bỏ trần trong thời gian này. Bởi tình hình thị trường tiền tệ của Việt Nam hiện nay chưa thực sự ổn định. Một số ngân hàng thương mại nhỏ vẫn sẵn sàng vi phạm các định chế pháp luật.
Mặt khác, còn rất nhiều nhà băng nhỏ đang thiếu thanh khoản, đang tìm cách lách luật trong việc sử dụng nguồn vốn huy động bổ sung vào vốn điều lệ để đáp ứng con số 3.000 tỷ đồng theo quy định của Nhà nước... Không chỉ thế, những ngân hàng nhỏ một mặt huy động vốn với lãi suất cao, tìm cách bổ sung vào vốn điều lệ, mặt khác để duy trì lợi nhuận buộc họ phải đẩy mạnh cho vay những dự án phiêu lưu mạo hiểm như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... với lãi suất cao 19%, thậm chí 20%. Rủi ro mất trắng rất cao và nguy cơ phá sản sẽ khó tránh khỏi.
Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, vốn hiện nay hoàn toàn không thiếu mà thị trường chỉ thực sự khát vốn lãi suất thấp. Với các nguồn vốn vay lãi suất cao 17-18% thì doanh nghiệp cần bao nhiêu cũng có.
Chính sách tiền tệ phải phụ thuộc rất lớn vào thể trạng của từng hệ thống ngân hàng thương mại. Ngay cả ngân hàng Trung Quốc, đến nay họ vẫn duy trì trần lãi suất huy động để tránh tình trạng cạnh tranh vô tội vạ muốn hút vốn của các ngân hàng với nhau.
Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước dỡ trần lãi suất huy động trong thời điểm này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ chạy đua lãi suất huy động, có thể lên tới 14 - 15%..., khiến các "ông lớn" lớn đang duy trì lãi suất tiền gửi ổn định vì không muốn mất khách hàng sẽ lao vào cuộc đua. Ngược lại, nếu không đua sẽ bị khan vốn và buộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm vốn vào. Như vậy, vô hình trung sẽ thổi bùng ngọn lửa lạm phát và gây ra sự hỗn loạn cho hệ thống tiền tệ. Và kịch bản tồi tệ của năm 2008 có thể lặp lại, khi đó lãi suất cho vay bị đẩy lên cao kỷ lục 21-22% một năm khiến doanh nghiệp điêu đứng và trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trên diễn đàn Quốc hội.
Tất cả những vấn đề trên bắt buộc Ngân hàng Nhà nước không thể bỏ trần lãi suất huy động ngay thời gian này. Tuy nhiên, cũng không thể duy trì mức trần lãi suất thấp 10,5 % như hiện nay sẽ không phù hợp với mặt bằng giá cả, không phù hợp với tình hình về lạm phát và thực tế tiền tệ của Việt Nam.
Do vậy, việc nới biên độ trần lãi suất phải được điều chỉnh ngay. Mức trần được coi là hợp lý nhất hiện nay sẽ là 12%. Với mức này, các ngân hàng không chỉ đảm bảo huy động được nguồn vốn mà cho vay với mức hợp lý 15 - 16% vẫn có lãi, trong khi doanh nghiệp cũng có thể chấp nhận được. Đây chính là bài toán dung hòa lợi ích của người gửi tiền, người vay tiền cũng như trung gian cho vay tài chính
Một khi trần huy động được nâng lên 12% một năm, điều này có nghĩa "nhà băng mẹ" sẵn sàng bơm vốn cho các ngân hàng thương mại ở mức này nếu bị thiếu thanh khoản, Vậy thì các nhà băng cũng không dại gì phải đẩy vốn huy động vượt quá mức đó. Lúc này, trần huy động còn có vai trò giúp các ngân hàng xây dựng mức lãi suất hợp lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mức lãi suất cao là vì nhu cầu của thị trường cao. Hơn nữa, việc xác lập mặt bằng lãi suất cao sẽ giúp loại bỏ những dự án vay không hiệu quả, đồng thời tăng nguồn vốn cho những dự án kinh doanh sản xuất hiệu quả. Điều này khó xảy ra. Một ví dụ cụ thể, nếu một dự án được cho là hiệu quả nhưng mức sinh lời chỉ 18%, doanh nghiệp chỉ có thể chấp nhận mức lãi suất dưới 18%, trong khi dự án khác sinh lời 20% (nhưng độ rủi ro cao hơn) thì mức lãi suất họ chịu đựng được có thể là 18%, 19%. Tất nhiên ngân hàng sẽ cho vay đối với dự án chịu lãi suất cao hơn.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương cần tiếp tục điều chỉnh mức trần này theo tín hiệu của thị trường và mức độ kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Cần lưu ý là trần huy động sẽ không duy trì mãi mà sẽ được dỡ bỏ khi các ngân hàng thương mại đã được cũng cố, có dấu hiệu hoạt động lành mạnh, cạnh tranh công bằng, đúng theo quy định của pháp luật. Các ngân hàng đã đáp ứng đúng nguồn vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng. Và như vậy, ít nhất phải 3 tháng nữa mới có thể sắp xếp lại trật tự của hệ thống ngân hàng. Sau đó, tùy vào dấu hiệu ổn định của thị trường và quyết định dở trần lãi suất huy động cũng chưa muộn.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng nên nhanh chóng thay đổi cơ chế lãi suất phù hợp với cả hai luật: Ngân hàng và Dân sự chứ không phải chờ đợi sửa đổi một trong hai luật trên. Đồng thời phải tiến hành thanh tra, giám sát, đưa ra kế hoạch sát nhập các các ngân hàng không đủ vốn điều lệ theo pháp định, ổn định chính sách tỷ giá để tạo niềm tin vào giá trị đồng tiền...
'Chống cho vay nặng lãi là cần thiết'
( Tác giả: Hồ Sỹ Thụy // vnexpress )
"Nếu dỡ bỏ trần, lãi suất ngân hàng cũng chỉ dâng cao tới một mức nào đó rồi dừng lại và đi xuống. Nhưng để đến lúc đó, nền kinh tế đã lĩnh đủ hậu quả mà lãi suất cao gây ra".
Quan điểm trên được chuyên gia tài chính ngân hàng Hồ Sỹ Thụy nêu trong bài viết gửi tới VnExpress. Dưới đây là nội dung bài viết của ông.
Ngân hàng và người vay vốn đang chờ đợi bước đi tiếp theo trong điều hành chính sách lãi suất, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng cơ chế lãi suất thỏa thuận với khoản vay trung dài hạn.
Theo quy định tại điều 476 Bộ Luật Dân sự, lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Quy định này thực ra không nhằm áp đặt chế độ trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng, mà đưa ra mốc lãi suất để chống cho vay nặng lãi. Nghị quyết số 23 do Quốc hội ban hành 6/11/2008 mở ra cơ chế cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với một số dự án sản suất - kinh doanh hiệu quả cao. Phần lớn các khoản vay khác vẫn phải chấp hành chế độ trần lãi suất.
Chế độ trần lãi suất đã có tác dụng tích cực đối với kinh tế-xã hội thời gian qua. Vấn đề hiện nay là có cần thiết phải tiếp tục khống chế lãi suất cho vay của các ngân hàng bằng chế độ trần lãi suất, hay thay bằng việc mở rộng hơn nữa phạm vi cho vay vượt trần lãi suất rồi trở lại tự do hoá hoàn toàn lãi suất?
Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành không ràng buộc tỷ lệ giữa lãi suất cho vay của ngân hàng và lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng quan tâm nhiều hơn tới việc điều hành các công cụ như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc... Vì vậy, để có chế độ tự do hoá trên thực tế (mặc dù về hình thức vẫn còn chế độ trần) đối với lãi suất của các tổ chức tín dụng, không cần sửa đổi điều 476 nêu trên cũng như Luật Ngân hàng Nhà nước về lãi suất cơ bản.
Ngân hàng Nhà nước chỉ cần ấn định lãi suất suất cơ bản ở mức đủ lớn, có thể là tương đương mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến của các mức lãi suất cho vay ở kỳ trước của hệ thống ngân hàng. Làm như vậy, ngoài việc tạo ra (trên thực tế) chế tự do lãi suất đối với các tổ chức tín dụng, còn làm cho lãi suất cơ bản vừa là cái mốc chống cho vay nặng lãi vừa có ý nghĩa thống kê, phản ánh cung cầu vốn trên thị trường.
Lãi suất thỏa thuận tiện cho ngân hàng, song có thể đẩy khách hàng vào thế khó. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Tất nhiên, nếu không còn mức trần, lãi suất cho vay cũng chỉ cao đến mức nào đó thì dừng, rồi sau đó tự động hạ xuống. Song đến khi đó nền kinh tế đã lĩnh đủ hậu quả mà lãi suất cao gây ra.
Theo báo cáo về tình hình lãi suất tuần 5–11/3 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trung, dài hạn theo cơ chế thỏa thuận khoảng 14-15%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 15-17%/năm đối với nhóm cổ phần, cá biệt một số ngân hàng quy mô nhỏ cho vay với lãi suất khá cao khoảng 18-20%/năm. So với báo cáo tuần trước đó, lãi suất cho vay thỏa thuận vẫn đang có chiều hướng tăng chứ chưa phải đã dừng lại.
Nếu tự do hoá hoàn toàn lãi suất lúc này, vấn đề không phải chỉ ở chỗ lãi suất cho vay dừng lại hay không, mà còn e ngại rằng mức 18-20% sẽ trở thành lãi suất phổ biến của các tổ chức tín dụng. Và nếu các tổ chức tín dụng thả phanh nâng lãi suất tiền gửi thì chỉ người gửi tiền là có lợi, nhưng doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ chịu thiệt. Bản thân các tổ chức tín dụng chưa hẳn đã thu nhiều mà có thể phải đối mặt với rủi ro lớn hơn.
Nếu các điều kiện khác không đổi, mỗi đơn vị phần trăm cộng vào hay trừ đi trong lãi suất vốn vay sẽ làm trừ đi hay cộng vào trong tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (hay của dự án đầu tư) một con số phần trăm bằng tỷ lệ giữa vốn vay so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (hay của dự án đầu tư). Chẳng hạn, nếu tỷ lệ vốn vay tổ chức tín dụng trên vốn chủ sở hữu là 3/1, thay vì vay với lãi suất trần 12%/năm, các doanh nghiệp, dự án đầu tư phải vay với lãi suất thoả thuận 18% sẽ làm mất đi một tỷ suất lợi nhuận = [(18%-12%) x 3/1] và nếu phải vay với lãi suất thoả thuận 20%/năm sẽ mất đi một tỷ suất lợi nhuận là 24% mỗi năm.
Bởi vậy, có thể đang từ việc đạt được mức tỷ suất lợi nhuận trung bình, doanh nghiệp, dự án đầu tư trở thành lỗ. Có nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư có tỷ lệ vốn vay tổ chức tín dụng trên vốn chủ sở hữu lớn.
Việc song hành hai chế độ lãi suất cho vay theo trần và vượt trần, thực tế đã chứng tỏ mặt trái của nó, đó là các hành vi lách luật hay các hành vi tiêu cực cùng với mức lãi suất cho vay có khi cao tới 18%-20%, thậm chí có thể còn hơn. Khi phạm vi được phép cho vay vượt trần còn hẹp, các hành vi lách luật hay tiêu cực cũng ở phạm vi hẹp, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế còn ít, nhưng sẽ tăng lên theo sự mở rộng phạm vi được phép cho vay vượt trần lãi suất. Hiện nay, thị phần được phép cho vay vượt trần lãi suất chỉ chiếm khoảng 40%, bao gồm phần cho vay phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng, cho vay trung-dài hạn sản xuất-kinh doanh.
Nếu tiếp tục mở rộng thêm phạm vi được phép cho vay vượt trần lãi suất ra các khoản cho vay ngắn hạn sản xuất-kinh doanh có hiệu quả thì coi như lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã được tự do hoá. Trong đó, cho vay ngắn hạn sản xuất -kinh doanh không có hiệu quả, do chỉ còn mình nó là vẫn thực hiện chế độ trần lãi suất, trở thành như cho vay “đối tượng chính sách”. Điều này khó tránh khỏi phát sinh các tiêu cực mới.
Lãi suất cho vay ở đầu ra của các tổ chức tín dụng được tự do vượt trần, còn lãi suất tiền gửi ở đầu vào bị khống chế thì trước hết làm lợi cho các tổ chức tín dụng. Vì là hoạt động kinh doanh với mục đích lợi nhuận, các ngân hàng thương mại dễ theo đuổi việc tối đa hoá tỷ suất lợi nhuận. Nếu Ngân hàng Nhà nước khống chế lãi suất tiền gửi một cách hiệu quả bằng biện pháp hành chính thì tại sao Ngân hàng Nhà nước không thể kiểm soát đối với cả lãi suất cho vay?
Tất nhiên, giải pháp nào cũng có mặt trái, chỉ ít hay nhiều, đánh đổi được hay không đánh đổi được. Tiếp tục thực hiện kiểm soát bằng biện pháp hành chính hay thực hiện tự do hoá đối với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đang là sự lựa chọn mà Quốc hội đã trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước. Chắc sớm muộn sẽ rõ. Song nếu không đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2010 và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo thì không thể nói đến sự thành công trong điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng và doanh nghiệp đều kêu 'khó'... vốn:
Tiền đổ vào đâu?
(Khánh Huyền // Theo Tiền Phong )
Dù lãi suất huy động thực ghi trên sổ tiết kiệm đều là 10,495%/năm và tính cả thưởng lãi suất đã lên tới 13 - 14%/năm nhưng dòng vốn vẫn chưa chảy mạnh. Tiền đang đổ vào đâu?
Tiền trong dân: Còn nhiều?
Ngày 16-3, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc ACB cho rằng: nguồn tiền gửi trong dân hiện còn rất nhiều. “Theo phán đoán của chúng tôi, trước những biến động kinh tế thế giới, tác động lạm phát, có thể người ta đang “thế thủ”, cũng có thể họ để bằng vàng, USD hay tiền mặt và đang chờ nghe ngóng xem nên chọn hướng đầu tư nào”- Ông Toại nói.
Tiền gửi của các tổ chức thì sao? Một đại diện Bộ Tài chính từng phụ trách theo dõi lĩnh vực ngân hàng nhận xét: thông thường, hoạt động tiền gửi của các tổ chức ở mỗi giai đoạn có một tỷ lệ khác nhau và có đặc điểm thay đổi theo từng thời kỳ.
Ví như nếu chưa đến thời kỳ giải ngân, họ có thể gửi dài hạn nhưng đến thời kỳ giải ngân, mà thường các doanh nghiệp tập trung tăng đầu tư từ đầu năm, họ sẽ “đảo” sang ngắn hạn. Cho nên, hiện tại khó có thể trông chờ hoàn toàn vào luồng tiền này.
Cùng ngày, trao đổi với Tiền Phong, TS Tô Kim Ngọc - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận xét: Luồng vốn đổ vào ngân hàng hiện không còn dễ như trước đây bởi đã bị chia sẻ thị phần (vàng, chứng khoán, USD, bất động sản).
Phải làm gì để dòng tiền chảy vào ngân hàng? TS Tô Kim Ngọc phân tích: “Lãi suất hiện nay lên tới sát 10,5% nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) điều chỉnh lại tỷ trọng, lạm phát có thể cao hơn. Hiện có một thực tế là mặt bằng lãi suất nội tệ đang đứng trước sức ép phải tăng lên nữa (không chỉ từ CPI mà còn cả tác động từ lãi suất thỏa thuận, tỷ giá..). Như vậy, hiển nhiên lãi suất huy động sẽ phải tăng lên mới có thể thuyết phục người dân có tiền đem vào gửi.
Cơ hội “thanh lọc” doanh nghiệp yếu?
Tại cuộc gặp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày 10-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ sao cho tỷ giá ổn định và mặt bằng lãi suất giảm; đáp ứng cả mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 dưới 7%.
Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Cty TNHH Thép Bắc Việt nhận xét: đây là tin vui với doanh nghiệp nhưng hiện tại, lãi suất chưa nhìn thấy cơ hội giảm.
Với hạn mức tín dụng của Cty lên tới 600 tỷ đồng/năm và bình quân luôn phải lo khoảng 20 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu thép, theo ông Vương, năm nay khoản lãi tiền vay của Cty chắc chắn sẽ chiếm một tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm và “ăn” vào lợi nhuận.
Trước việc nhiều doanh nghiệp đang kêu lãi cao, khó vay với lãi suất cho vay thỏa thuận hiện xấp xỉ 18-19%/năm, lãnh đạo các ngân hàng phân trần: trong kinh doanh tín dụng, lãi suất đầu ra phải bằng trừ lãi suất đầu vào, cộng các chi phí khác và một tỷ lệ lợi nhuận.
Theo Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh một NHTMCP, không phải bất cứ doanh nghiệp nào chấp nhận lãi cao đều được vay. “Khách mà đã vay bằng mọi giá tức là có thể họ đang gặp vấn đề về quản trị cũng như khả năng trả nợ”- Ông bật mí.
Về quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng trong thời điểm hiện tại, TS Tô Kim Ngọc cho rằng: “Tình trạng phụ thuộc vào vốn vay (doanh nghiệp) và vốn huy động (ngân hàng) ở nước ta khá phổ biến. Thế nên khi mặt bằng lãi suất biến động, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều dễ tổn thương. Nhưng như thế, các ngân hàng sẽ phân loại doanh nghiệp hơn. Và chỉ những doanh nghiệp lành mạnh, có hướng kinh doanh tốt trong điều kiện này mới vay được.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng sau hậu khủng hoảng kinh tế thế giới, trong năm 2010 này, chắc chắn sẽ có một bộ phận doanh nghiệp tiếp tục bị thanh lọc và thường là các doanh nghiệp yếu.
( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn )
Bài thuộc chuyên đề: Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam ?
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com