Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?

Cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung
( Tác giả: Nguyễn Vạn Phú // theo blog Nguyenvanphu )

Trước những tranh cãi chung quanh việc Mỹ muốn Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ, người ta tự hỏi vì sao một nước có thể can thiệp vào việc định giá đồng tiền của một nước khác hay làm như thế nào để định giá đồng tiền của nước mình sao cho có lợi nhất cho nền kinh tế.

Lập luận của Mỹ

Trong giao dịch ngoại thương, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chưa hẳn phản ánh chính xác sức mua của chúng. Lấy ví dụ chuyện hớt tóc, giá một lần hớt tóc ở Việt Nam chỉ vào khoảng 20.000 đồng trong khi ở Mỹ mất khoảng 10 đô-la. Nếu giả dụ toàn bộ giao thương giữa Mỹ và Việt Nam chỉ xoay quanh chuyện hớt tóc và giả dụ người ta có quyền chọn lựa bất kỳ nơi nào để hớt tóc mà không phải lo các chi phí khác, chắn chắn dân Mỹ sẽ đổ sang Việt Nam, lấy chừng hơn 1 đô-la, đổi sang tiền Việt để được hớt tóc với giá quá hời. Cũng chắc chắn trong tình hình đó, giới hớt tóc ở Mỹ sẽ phản đối dữ dội, đòi đồng nghiệp ở Việt Nam nâng giá hớt tóc lên 200.000 đồng hay nếu không, đòi Việt Nam phải nâng giá tiền đồng lên để đạt tỷ giá chừng 20.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ.

Trong quá khứ chuyện tương tự đã từng xảy ra. Năm 1985, năm nước Pháp, Đức, Nhật, Anh, Mỹ đồng ý định giá lại đồng đô-la Mỹ trong tương quan với đồng yên Nhật và đồng mark Đức vì lúc đó hàng hóa của Nhật đang tràn ngập thị trường nhờ giá rẻ và Mỹ đang chịu cảnh thâm hụt mậu dịch lớn với nước này. Ngay lập tức đồng yên lên giá mạnh, từ 239 yên/1 đô-la vào năm 1985 lên 128 yên/1 đô-la vào năm 1988, một mức tăng gần gấp đôi.

Lịch sử đang được lập lại với Trung Quốc. Kể từ khi trở thành công xưởng của thế giới, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã đem về cho nước này những khoản thặng dư mậu dịch khổng lồ. Bán hàng, lấy tiền đô-la về, lẽ ra nước này phải để cho giá trị đồng nội tệ tăng lên dần dần, theo quy luật của một cơ chế tỷ giá thả nổi nhưng họ lại neo chặt tỷ giá với đồng đô-la. Để làm được việc này, Trung Quốc phải mua vào ngày càng nhiều những khoản đô-la do ngoại thương đem về (làm sao họ làm được chuyện đó mà không gây ra lạm phát là một chuyện khác) và xem như gián tiếp phá giá đồng tiền của họ. Trong ngoại thương, ai cũng biết bên cạnh quy luật cung cầu, nếu hàng nước nào rẻ hơn sẽ bán chạy hơn. Rẻ hơn ở đây chính là việc định giá đồng tiền sao cho thấp hơn của đối thủ cạnh tranh.

Thật ra, vấn đề này đã được nêu lên từ lâu và trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra, Trung Quốc đã từng chịu nhiều áp lực từ Mỹ và một số nước khác phải để cho đồng nhân dân tệ lên giá. Năm 2005 Trung Quốc chính thức gỡ bỏ việc neo đồng nội tệ với đồng đô-la, để cho đồng tiền nước mình lên giá dần dần từ mốc 8,35 lên 6,8 nhân dân tệ ăn 1 đô-la vào tháng 7-2008. Khủng hoảng tài chính xảy ra, Trung Quốc ngưng việc định giá lại đồng tiền và các nước khác cũng ngưng gây sức ép.

Nay, những nhà kinh tế nổi tiếng như Paul Krugman lại chỉ trích chính sách theo đuổi một đồng tiền yếu của Trung Quốc. Theo tính toán của ông, chính sách này đang làm cho 1,4 triệu người Mỹ thất nghiệp vì công nghiệp sản xuất ở Mỹ không cạnh tranh nổi hàng hóa nhập từ Trung Quốc và làm cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu bị chậm lại đáng kể. Nhìn rộng ra, khoản ngoại tệ khổng lồ chừng 2.400 tỷ đô-la mà Trung Quốc đang nắm giữ làm méo mó lãi suất ở những nước như Mỹ, có khả năng tạo ra những bong bóng tài sản mới, là nguyên nhân của chính cuộc khủng hoảng vừa qua. Nếu không giải quyết sự mất cân đối đó thì chính sách đồng nhân dân tệ yếu có thể khơi ngòi cho một cuộc khủng hoảng khác. Hiện nay mỗi tháng Trung Quốc tích lũy thêm được 30 tỷ đô-la vào dự trữ ngoại tệ của mình còn IMF dự báo thặng dư thương mại nước này trong năm 2010 sẽ lên đến 450 tỷ đô-la, gấp 10 lần năm 2003.

Lập luận của Trung Quốc

Dĩ nhiên Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc cho rằng chính sách tiền tệ của họ đang gây khó khăn cho kinh tế thế giới. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định đồng nhân dân tệ không được định giá thấp và phản đối chuyện một nước lại dùng những biện pháp ép buộc nước khác nâng giá đồng tiền. Mặt khác, ông Ôn Gia Bảo cũng cho rằng việc cải cách chế độ tỷ giá của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục, cho thấy Trung Quốc cũng đang chịu sức ép phải lường trước để tránh những biện pháp bảo hộ của các nước đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Lý lẽ của Trung Quốc đưa ra còn bao gồm số liệu cho thấy đến 60% hàng xuất khẩu từ nước này là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải của doanh nghiệp Trung Quốc – nâng giá nhân dân tệ, làm hàng hóa xuất từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, sẽ có hại trước tiên cho chính các doanh nghiệp này.

Có lẽ Trung Quốc nhìn vào bài học Nhật Bản ngày xưa – ngay sau khi nâng giá đồng yên, giá bất động sản và chứng khoán nước này tăng vọt. Đồng yên càng lên giá, việc đầu cơ vào các sản phẩm tài chính càng có lãi lớn. Tất cả dẫn đến hiện tượng bong bóng tài sản ở Nhật mà sau khi vỡ tung đã gây trì trệ cho nền kinh tế nước này cho tận đến hôm nay.

Ngày 15-4 sắp tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải đưa ra tuyên bố xem hay không xem Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”. Dưới sức ép của dư luận trong nước, nếu Mỹ đưa ra một phán quyết như thế - khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước sẽ cao hơn và có hại cho cả đôi bên. Xem ra, đây sẽ là giai đoạn “đấu võ bằng miệng” ồn ào nhất giữa hai nước – với Trung Quốc luôn luôn cho rằng Mỹ “chính trị hóa” chuyện tỷ giá. Còn các nghị sĩ Mỹ thì đã đưa ra dự luật chuẩn bị cho việc trừng phạt hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.

Có hay không một giải pháp dung hòa?

Khi bàn đến giải pháp, Paul Krugman đưa ra những biện pháp cứng rắn nhất. Ông đề nghị ngày 15-4 sắp tới, Bộ Tài chính Mỹ phải tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá nhằm tìm lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao thương quốc tế. Sau đó, chính phủ Mỹ sẽ phải có biện pháp mạnh. Năm 1971, Mỹ đã có lúc đánh 10% thuế phụ thu lên hàng nhập khẩu, mấy tháng sau mới bỏ khi các nước như Đức và Nhật phải nâng giá đồng tiền của họ lên. Lần này Krugman đòi áp dụng biện pháp tương tự nhưng với mức thuế cao hơn, đến 25%!

Ở đây cần lưu ý rất nhiều ý kiến đồng tình đồng nhân dân tệ đang bị định giá thấp hơn thực tế từ 20%-40%, kể cả IMF hay WB nhưng giải pháp đưa ra thì khác nhau xa. Thầy cũ của Krugman, GS Jagdish Bhagwati cho rằng tỷ giá như các cây kim trên chiếc đồng hồ, ý nói vấn đề nằm ở cơ chế bên dưới chứ không phải biểu hiện bên ngoài. Giả thử không tồn tại hàng hóa của Trung Quốc thì hàng hóa của Nhật, Ấn Độ, Brazil… sẽ tràn vào thị trường Mỹ và lúc đó Mỹ cũng sẽ có vấn đề tỷ giá với các nước này. Ông cho rằng không sớm thì muộn, không cần ai ép, Trung Quốc cũng sẽ phải chi tiêu thặng dư mậu dịch vào các công trình hạ tầng trong nước để nâng cao mức sống cho người dân.

Ông Romano Prodi, cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu có vẻ hiểu tâm lý Trung Quốc hơn cả khi cho rằng phương Tây không nên “dạy” Trung Quốc phải làm gì với đồng tiền nước họ vì họ sẽ tự ái mà không làm theo. Tờ the Economist cũng có nhận định tương tự khi đưa ra lời khuyên cứ để tự Trung Quốc nhận ra nhu cầu của chính họ phải nâng giá đồng tiền. Mặc dù các quan chức Trung Quốc luôn nói nâng giá đồng tiền nước họ sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phá sản (biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp này chỉ còn dưới 2%), bản thân họ cũng hiểu nâng giá đồng tiền sẽ trực tiếp nâng sức mua của người dân. Về lâu về dài, Trung Quốc phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu để tránh những cơn biến động từ bên ngoài. Nâng giá đồng tiền là cột trụ của việc tái cơ cấu này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quá trình phát triển của Trung Quốc về thực chất là quá trình tận dụng lao động giá rẻ trong nước để ôm vào một lượng đô-la khổng lồ và trở thành con tin của sự lên xuống thất thường của đồng đô-la. Nay để cho đồng tiền lên giá, tức là gián tiếp cải thiện sức mua của giới công nhân, sẽ là biện pháp “kích cầu” đúng nghĩa và dài hạn nhất. Một đồng nhân dân tệ mạnh hơn sẽ giúp kiểm soát lạm phát, giảm bớt đầu tư lãng phí.

Bởi vậy có thể dự đoán Trung Quốc sẽ quay trở lại chính sách nâng giá đồng nhân dân tệ, không phải ngay bây giờ nhưng theo một lộ trình dần dần như những năm trước. Từ năm 2005 đến 2008, đồng nhân dân tệ đã lên giá đến 21%. Vấn đề là làm sao để Trung Quốc thấy chuyện đồng nhân dân tệ của họ là chuyện của thế giới chứ không phải là sự đối đầu chỉ riêng giữa Mỹ và Trung Quốc. Và quan trọng hơn hết, làm sao để Trung Quốc không bị “mất mặt” trước áp lực khá lộ liễu của Mỹ.


Bản chất cuộc chiến tỷ giá Mỹ - Trung?
( Tác giả: Bình Nguyên - Lê Dũng // Theo Khoa học Đời sống )

Trong chuyến công du sắp tới tại Indonesia, Tổng thống Obama sẽ đẩy mạnh việc xây dựng một khu vực tự do mậu dịch khu vực Thái Bình Dương để cạnh tranh, ảnh hưởng với Hiệp định mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và ASEAN…

Dù áp lực tăng giá đồng NDT ngày càng lớn, nhưng Bắc Kinh vẫn cân nhắc trong việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ. Không chỉ liên quan tới yếu tố kinh tế, đồng NDT được định hướng sử dụng như một vũ khí trên nhiều lĩnh vực.

 
 Cuộc chiến tỷ giá Mỹ - Trung Quốc (ảnh minh hoạ CAND).

Ngày càng nhiều sức ép

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, cùng với sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc, đồng NDT luôn chịu sức ép phải tăng giá từ Mỹ và phương Tây. Để dung hòa lợi ích, ngày 21/7/2005, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) từ mức 1: 8,2765 USD/NDT (1 USD ăn 8,2765 NDT) lên mức 1: 8,11 (USD/NDT).

Đồng thời, Trung Quốc cũng tuyên bố chấm dứt gần 1 thập kỷ cố định tỷ giá đồng NDT vào đồng đôla Mỹ trong một khung dao động rất hẹp là 1: 8,26-8,28 USD/NDT (kể từ năm 1996) để chuyển sang cơ chế tỷ giá mới linh hoạt hơn, quản lý tỷ giá đồng tiền dựa trên sự biến động của một rổ các đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính của Trung Quốc.

Từ đó đến nay, đồng tiền này vẫn chịu sức ép tăng giá và sức ép đó gia tăng tùy vào từng thời điểm cụ thể. Giai đoạn 2008 – 2009,  khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, sức ép này tạm thời lắng dịu. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại thì cuộc chiến tỷ giá giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại.

Ngày 17/3/2010, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã lên tiếng ủng hộ Mỹ trong việc kêu gọi Trung Quốc xem xét nâng giá trị NDT. Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nói trước Nghị viện châu Âu tại Brussels: “Trong vài trường hợp, không thể tránh khỏi việc thay đổi tỷ giá. NDT của Trung Quốc hiện ở mức quá thấp vì thế cần định giá lại để giúp cân bằng cán cân thanh toán”. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thúc giục Trung Quốc nâng giá trị NDT để giảm lạm phát và giảm sức nóng của nền kinh tế mà tổ chức này dự báo năm nay sẽ đạt mức 9,5%.

Trong phiên điều trần tại Hạ viện ngày 24/3/2010 vừa qua, nhiều nhà lập pháp và chuyên gia Mỹ đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Barack Obama tiến hành các biện pháp đa phương để chống lại chính sách tiền tệ bị cho là không linh hoạt của Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng Washington cần đưa vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ ra các diễn đàn quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), hay nhóm G-20 để tận dụng sự hỗ trợ của các nước châu Âu và châu Á cũng quan ngại về đồng NDT.

Tại sao Mỹ lại gia tăng sức ép với Trung Quốc?

Thứ nhất, Mỹ cho rằng Trung Quốc luôn cố tình định giá đồng NDT thấp hơn so với giá trị thực của nó để hưởng lợi trong xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Quốc hội Mỹ dưới thời Tổng thống Bush cũng đã từng yêu cầu Bắc Kinh tăng tỉ giá đồng NDT. Từ tháng 7/2005 đến đầu năm 2008, Trung Quốc cũng đã có điều chỉnh tỉ giá đồng tiền của mình và tổng cộng lên được 20% so với đồng USD.

Nhưng đồng USD lại mất giá và cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 đã khiến Bắc Kinh neo đồng NDT vào đồng tiền Mỹ với tỉ giá thấp để dùng xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Và nay vấn đề này lại gây khó khăn cho một nước Mỹ đang cần đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu. Mỹ hiện bị nhập siêu hơn 800 tỉ USD và nặng nhất với Trung Quốc. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức rất cao: 9,7%.

Trong thông điệp Liên bang đầu năm 2010, Tổng thống Obama thông báo kế hoạch tăng xuất khẩu gấp đôi từ nay cho đến 2015, nhằm tạo thêm 2 triệu việc làm cho người dân Mỹ. Như vậy từ nay, xuất khẩu sẽ trở thành một mục tiêu nữa của chính trị và ngoại giao Mỹ.

Thứ hai, Mỹ cần gia tăng sức ép để các chính khách Mỹ tranh thủ lá phiếu cử tri vào tháng 11 tới. 2010 là năm nước Mỹ có kỳ bầu cử nên các nghị sĩ phải chứng tỏ rằng họ quan tâm tới việc làm của người dân và quyền lợi doanh nghiệp.

Cho nên, cả hành pháp và lập pháp Mỹ đều muốn nâng sức cạnh tranh của Mỹ và ngăn ngừa khả năng cạnh tranh của Trung Quốc bằng hối suất thấp. Điều này càng được thúc đẩy bởi Đảng Dân chủ luôn có chủ trương bảo hộ mậu dịch do sức ép của các nghiệp đoàn đồng thời trong lúc đang bị thất thế, họ cũng cần phải tranh thủ từng lá phiếu.

Thứ ba, Mỹ muốn gây áp lực mạnh hơn đối với đồng NDT kết hợp cùng một loạt các chính sách ngoại giao khác để tăng cường ảnh hưởng Đông Nam Á, kiềm chế Trung Quốc. Trong chuyến công du sắp tới tại Indonesia, Tổng thống Obama sẽ đẩy mạnh việc xây dựng một khu vực tự do mậu dịch khu vực Thái Bình Dương để cạnh tranh, ảnh hưởng với Hiệp định mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và ASEAN.

Tận dụng thời cơ, Mỹ nêu lý do xuất khẩu để mở ra chiến lược bao vây Trung Quốc với hàng loạt quyết định gần đây như Mỹ tranh thủ các nước Đông Nam Á và 4 nước trong lưu vực sông Mekong hay bán vũ khí cho Đài Loan... thì điều này sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc.

Phản ứng của Trung Quốc

Kết thúc phiên họp Quốc hội kỳ 3 khóa 11 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định “ý chí sắt thép” của Trung Quốc về các vấn đề Tây Tạng, Đài Loan và cho rằng chính Mỹ mới phải bày tỏ thiện chí thay vì gây mâu thuẫn về mậu dịch và tỉ giá đồng NDT. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ vừa qua là do chính họ gây ra vì thiếu khả năng quản lý nền kinh tế.

Việc kinh tế thế giới và Mỹ thoát khỏi báo động đỏ là nhờ vào Trung Quốc, do mức tăng trưởng cao của nước này trong năm 2009. Thâm hụt thương mại của Mỹ hiện nay với Trung Quốc bắt nguồn từ sự toàn cầu hóa: 60% lượng hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là của các công ty nước ngoài có cơ xưởng tại Trung Quốc... Thủ tướng Trung Quốc kết luận: sẽ không có lý do nào để đánh giá lại đồng NDT. Và theo ông việc chỉ tập trung vào đồng NDT sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp thương mại.

Tiếp đó, ngày 24/3, tại một hoạt động diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ) do giới công thương Mỹ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tuyên bố: “Tăng giá đồng NDT không phải là phương thuốc hữu hiệu để có thể giải quyết tình trạng mất cân bằng trong quan hệ thương mại Trung-Mỹ”.

Vai trò quốc tế của đồng NDT liên tục nâng cao có một hậu quả nghịch lý, nó đẩy đồng NDT lên cao, và đồng USD do ít người mua đã bị hạ xuống. Đồng NDT càng tăng giá, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc càng phải mua thêm công trái phiếu của Mỹ để tránh phải định giá lại đồng tiền quốc gia. Như vậy, theo đúng lý thuyết, Bắc Kinh phải chấp nhận tăng giá đồng NDT và cuối cùng chấp nhận đồng tiền này có khả năng chuyển đổi.

Trong khi các lý do kinh tế cho thấy sự điều chỉnh đồng tiền nước này ngày gần hơn thì các lý do chính trị lại không cho phép, đặc biệt trong quan hệ với Mỹ. Những bất đồng mới nảy sinh gần đây lại làm bang giao hai nước tiếp tục nóng lên. Với vị thế hiện có, lãnh đạo Bắc Kinh không muốn Mỹ gây ra sức ép khiến Trung Quốc phải nhượng bộ, đặc biệt trong vấn đề nhạy cảm liên quan tới Đài Loan và Tây Tạng.

Do đó, nếu có sự thay đổi đồng NDT thì có lẽ không phải một sớm một chiều. Hay nói cách khác, Bắc Kinh sẽ tìm cách đi ngược lại những gì chính phủ Mỹ yêu cầu, ít nhất cho đến khi những căng thẳng ngoài vấn đề kinh tế được giải quyết.

Theo một số nhà phân tích, vào quý II tới đây, Trung Quốc có thể định lại dần tỷ giá đồng NDT. Điều này tác động tiêu cực trên sức cạnh tranh của Trung Quốc nhưng bù lại có thể giúp Bắc Kinh tạo thêm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Tăng mạnh và nhanh tỷ giá đồng nội tệ sẽ làm giảm khối dự trữ ngoại tệ bằng USD của Trung Quốc.

Cuộc chiến sẽ đi về đâu?

Sức ép nội tại của cả Trung Quốc và Mỹ đã đẩy hai cường quốc thế giới tiến tới bờ vực của một cuộc chiến thương mại quy mô lớn khó tránh khỏi trong thời gian tới. Trong cuộc chiến ấy, Mỹ đã bắt đầu nhận được sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu cũng như các tổ chức tài chính hàng đầu của thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Cuộc chiến này rồi sẽ đi về đâu?

Theo các nhà bình luận, nếu Trung Quốc không tăng giá đồng NDT, Mỹ sẽ đơn phương áp các biện pháp trừng phạt với hàng nhập khẩu của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cũng sẽ trả đũa như vụ lốp xe hơi hồi năm ngoái và như vậy cả hai bên đều bị thiệt. Còn nếu Mỹ nhờ IMF, WB hay WTO can thiệp thì xem ra giải pháp này rất khó khả thi vì cơ chế của các tổ chức này.

Mặt khác, khi lấy lòng các nghiệp đoàn hòng nhận được sự ủng hộ đối với các chính sách trong nước, ông Obama lại làm mất lòng Bắc Kinh trong khi Mỹ đang cần Trung Quốc giúp đỡ về những vấn đề như thay đổi khí hậu, thương thuyết về vũ khí hạt nhân với CHDCND Triều Tiên và Iran và vấn đề kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, điều mà nhiều nhà kinh tế Mỹ băn khoăn nhất hiện nay chính là Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Với lợi thế nắm giữ hơn 1.000 tỷ trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc có lợi thế trong các cuộc đàm phán về kinh tế với Mỹ. Nhiều nhà phân tích của Mỹ còn lo ngại khả năng từ chỗ lệ thuộc vào chủ nợ Trung Quốc, Mỹ sẽ lệ thuộc vào nhiều vấn đề khác, kể cả an ninh.

Trong vụ Mỹ bán vũ khí cho lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vừa qua, nhiều tiếng nói từ Trung Quốc kêu gọi trả đũa bằng cách bán phá giá trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ do Trung Quốc nắm giữ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải tính toán nếu bán phá giá cổ phiếu của Mỹ như vậy, số tiền thu về của họ cũng sẽ bị giảm mạnh, điều mà bất cứ chủ nợ nào cũng không muốn.

Ở khía cạnh nào đó, việc cung cấp tài chính của Trung Quốc cho Mỹ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ đã tạo thuận lợi cho chính sách phục hồi kinh tế và giải quyết các vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt. Tuy nhiên, chính việc cung cấp tài chính này cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa và dịch vụ nội địa và về lâu dài sẽ làm suy yếu vai trò toàn cầu của Mỹ.

Như vậy, khả năng của Chính phủ Mỹ đưa ra các quyết định liên quan đến thương mại và tài chính quốc tế thời gian tới sẽ bị hạn chế bởi sự phụ thuộc về tài chính từ Trung Quốc.

Nhưng vấn đề mấu chốt không phải là do Mỹ thiếu sức mạnh để đối phó, mà là điều ràng buộc giữa hai nền kinh tế này là quá lớn: Mỹ cần tiền của Trung Quốc còn Trung Quốc lại cần thị trường của Mỹ. Cuộc chiến sắp tới sẽ phức tạp nhưng cuối cùng nó cũng “bất phân thắng bại” vì cả hai bên đều cần duy trì quan hệ đôi bên cùng có lợi.


Đồng Amero - đòn "chém gió" của Mỹ?
( Tác giả: Tiến Đề (tổng hợp và bình luận) //  Trích đăng một phần từ Tuanvietnam )

Liệu sắp tới đồng Amero có được tung ra như một cứu cánh giúp Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay hay chỉ là đòn "chém gió" của gã khổng lồ. Tuần Việt Nam xin gửi tới độc giả bài tổng hợp nhằm cung cấp thêm một góc nhìn về những thông tin đang gây tranh cãi này.

Những thông tin dồn dập về đồng tiền mới mang tên Amero xuất hiện nhiều trên các trang mạng nổi tiếng thế giới và trong nước những năm gần đây. Có thông tin cho rằng: "Năm 2006, cả 3 nước Mỹ - Canada và Mehico đã đạt được một thỏa thuận bí mật về một đồng tiền Amero chung với tư cách là một đơn vị tiền tệ mới. Thỏa thuận này đánh dấu những bước chuẩn bị cho việc thay thế đồng USD. Nằm trong kế hoạch hợp tác có tên "Liên minh Bắc Mỹ" (NAU)". Điều này đã tạo nên những cơn sóng ngầm trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới trong bối cảnh của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.

Theo giới phân tích đây có thể là một phần của âm mưu toàn cầu nhằm thiết lập trật tự thế giới mới. Mặc dù ý tưởng về liên minh cũng được đề xuất trong giới học giả nhưng các quan chức tại cả ba nước trên đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch thành lập liên minh trên.

Mục đích của Amero là gì?

 
 Ảnh minh họa: Tuanvietnam

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện này xét về bản chất là cuộc khủng hoảng của hệ thống tài chính tiền tệ. Xuất phát chính từ sự lũng đoạn và thao túng của một số nền kinh tế lớn mà đại diện là các nhà tài phiệt sừng xỏ. Với số nợ quá lớn hiện nay, chính phủ Mỹ đã gia tăng áp lực bằng mọi cách buộc Trung quốc phải "thả lỏng" đồng nhân dân tệ và thực tế Mỹ đang tăng sức ép với Trung Quốc trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao - kinh tế - quân sự.v.v và cùng những thông tin bên lề về sự xuất hiện của đồng Amero được coi như một giải pháp cuối cùng sẽ được thực thi khi tất cả các giải pháp trên không thành công.

Năm 1999, lần đầu tiên nhà kinh tế người Canada Herbert Grubel - sáng lập viên Viện Khoa học kinh tế Fraser, đã đưa ra đề xuất này với sự hỗ trợ của Viện C.D Howe và Trung tâm nghiên cứu phát triển A.C của Mêhicô (CIDAC). Tháng 3/2005, các Tổng thống George Bush (Mỹ) và Vicente Fox (Mêhicô) cùng Thủ tướng Canada Paul Martin đã gặp nhau tại Trường đại học Baylor, bang Texas (Mỹ) để thống nhất kế hoạch thực hiện đồng tiền này. Các nhà phân tích, chuyên gia gọi kế hoạch này là Hiệp định Mậu dịch tự do tột đỉnh (TLC-Ultra) hoặc Siêu khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Super-Nafta). Ba nước tận dụng bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay để tạo cớ lôgic phát hành và đưa vào sử dụng đồng Amero trong một tương lai gần.

Về cơ cấu hoạt động, đồng Amero sẽ ấn định một tỷ giá hối đoái không làm xáo trộn thu nhập, tài sản và khả năng cạnh tranh quốc tế của mỗi nước, vào thời điểm chuyển đổi. Ngân hàng trung ương Bắc Mỹ, với ban Thống đốc gồm đại diện do chính phủ các nước thành viên chỉ định, sẽ hoạt động giống như Ngân hàng trung ương châu Âu. Các Ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên sẽ trở thành chi nhánh của Ngân hàng trung ương Bắc Mỹ.

Đưa đồng Amero vào lưu hành sẽ làm cho các nước thành viên khác lệ thuộc hơn vào Mỹ, sẽ củng cố hơn các công ty xuyên quốc gia và sẽ là rào cản ngoại cảnh cho các nước chậm phát triển. Đồng Amero nếu được lưu hành như dự định sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho Mỹ và Canada còn Mêhicô cũng như các nước sau này có gia nhập thì sẽ theo sau để chờ hứng cái gọi là "hiệu ứng thấm tràn" của thuyết chữ U lộn ngược của nhà kinh tế Mỹ gốc Nga Simon Kuznets (giải Nobel kinh tế năm 1971).

Một trong những lý do mà Mỹ muốn đưa ra lưu hành đồng Amero là cuộc khủng hoảng của đồng USD hiện nay đang biến Mỹ thành con nợ lớn. Hiện giờ, tổng số nợ đã chiếm trên 65,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và Nhật Bản có một lượng lớn trái phiếu của ngân khố Mỹ.  Và trên thực tế hiện nay là một số nước sản xuất dầu mỏ đã chuyển phần lớn dự trữ ngoại tệ sang các đồng tiền khác và giao dịch chủ yếu bằng các đồng tiền đó.

Trước khi phát hành đồng Amero, sẽ phải làm cho đồng USD sụp đổ, và có nhiều phân tích và dự đoán hình như chiến lược này đang được triển khai. Thậm chí một số người còn cho rằng cuộc khủng hoảng thị trường cũng góp phần đẩy nhanh quá trình suy yếu của đồng USD và như thế tất sẽ dẫn đến kịch bản của Kế hoạch cho ra đời đồng tiền mới, đồng Amero. Nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không công bố thông tin M34, tức là không muốn cho biết "khối lượng tiền thực" đang bơm vào thị trường trong cơn suy thoái hiện nay.

Thêm nữa xét trên các vấn đề chính trị và an ninh bối cảnh nước Mỹ và trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức đã cho thế giới thấy rằng. Ngày nay là xu thế phát triển đa cực, Mỹ không thể làm mưa làm gió như trước được nữa. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến nhiều nước bất ngờ. Nếu Trung Quốc vẫn duy trì mức độ tăng trưởng trên 10% như hiện nay, chỉ sau 10 - 15 năm nữa có khả năng Trung Quốc mua đứt nước Mỹ nếu xét vào số nợ.  Và hoàn cảnh hiện nay khiến Mỹ đau đầu là phải chi một chiến phí rất lớn ở Apghanisan và Irad. Cuộc Khủng hoảng tín dụng - tiền tệ không thể tránh được nếu không thuyết phục được Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ và thực tế việc thuyết phục ấy đã không thành công.

Vậy Mỹ sẽ phải đối phó với cuộc khủng hoảng này như thế nào? Các câu hỏi và giả thuyết được đưa ra: "Mỹ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ nhưng điều này sẽ biến Mỹ trở thành con nợ lớn hơn. In thêm tiền, phương án này sẽ thúc đẩy lạm phát, khiến nguy cơ vỡ nợ càng lớn hơn. Mỹ tung dự trữ vàng ra để cứu nguy nền kinh tế? Như vậy sẽ làm suy yếu đồng đôla, gián tiếp làm lợi cho các nước xuất khẩu và khiến thâm hụt thương mại thêm trầm trọng. Bởi nhập siêu là tự sát".

Dựa trên những phân tích, nhận định trên, khi mà các giải pháp cứu nguy không đem lại hiệu quả như mong đợi thì kế hoạch cuối cùng là cho ra đời đồng Amero và đây sẽ là khởi đầu mới cho một nước Mỹ không nợ nần. Điều này có nghĩa là một kế hoạch "xù nợ" sẽ được thực thi. Và các ông chủ nợ của Mỹ hiện nay sẽ lãnh hậu quả.

Lịch sử đã chứng minh như thế nào?

Bối cảnh và tình hình kinh tế thế giới hiện nay, thực sự đã khác xa so với những biến động trong quá khứ, thế nhưng xét về bản chất của những biến động đó thì đều xuất phát từ việc các hệ thống tài chính tiền tệ trở thành công cụ của một số quốc gia và các nhà tài phiệt. Nó trở thành con bài chủ chốt để có thể xâm nhập và kiểm soát  khuynh đảo bất kỳ quốc gia nào đó để hở và không kiểm soát chặt các hệ thống tài chính của mình.

Và những biến động trong quá khứ vừa qua đã chứng minh rõ điều này. Xin được điểm qua sơ lược một vài ví dụ để chúng ta thấy được sức mạnh khủng khiếp khi các hệ thống, công cụ tài chính được sử dụng và trở thành con bài chi phối các nền kinh tế.

"Trong thập kỉ 70-80 của thế kỉ 20, Nhật đã mua và đầu tư rất nhiều ở Mỹ, kể cả trái phiếu chính phủ vì thế Nhật có thặng dư mậu dịch lớn với Mỹ giống như Trung Quốc bây giờ. Do kinh tế phát triển cao trong hai thập kỷ 1970-1980, giá tài sản Nhật lên như bong bóng, đặc biệt là từ năm 1985 trở đi, khi đồng Yen tăng giá, Nhật thừa tiền do việc dư thừa cán cân thương mại, đã ồ ạt mua tài sản nước ngoài, kể cả Trung tâm Rockefeller ở thành phố New York, một biểu tượng của tư bản Mỹ".

Sự uy hiếp này đã buộc Mỹ và các đồng minh phải ép Nhật bằng thỏa thuận Plaza Accord.

"Tháng 9/1985, các nhà tài phiệt ngân hàng cuối cùng cũng ra tay: "Thỏa thuận Plaza" đã được bộ trưởng tài chính của năm nước là Mỹ. Anh, Nhật, Đức, Pháp kí tại Plaza hotel với mục đích để cho đồng đô la mất giá một cách "có kiểm soát" so với các loại tiền chủ yếu khác. Dưới áp lực của Beck - Bộ trưởng bộ tài chính Mỹ, ngân hàng Nhật Bản buộc phải đồng ý nâng giá đồng Yên. Chỉ trong vòng mấy tháng sau khi thỏa thuận Plaza được kí kết, tỉ giá đồng Yên Nhật từ 250 Yên đổi 1 Đô la Mỹ đã tăng lên mức 149 Yên ăn 1 Đô la Mỹ"

Đòn đánh chí mạng này khiến cho tất cả các khoản đầu tư trước đây của Nhật vào Mỹ bị mất giá hơn một nửa, cũng có nghĩa là Mỹ đã "bóc lột" Nhật một cách trắng trợn bằng cách "quịt" 50% số nợ với Nhật. Đến năm 1995, mười năm sau đồng Yen lên giá đỉnh điểm là một USD bằng 80 Yen. Với giá đồng Yen cao lên, Nhật mất dần khả năng cạnh tranh nếu chỉ sản xuất ở trong nước để xuất khẩu. Và buộc phải chuyển hướng đầu tư sang các khu vực khác để tránh thiệt hại.

Hơn 20 năm sau, Trung Quốc đã thế chân Nhật trở thành "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ. "Có điều những nỗ lực của Mỹ trong suốt giai đoạn 2000 - 2006 không làm Trung Quốc nhượng bộ và đồng NDT chỉ được thả lỏng một phần và cho lên giá từ từ so với USD trong 2 năm gần đây. Điều đáng nói là dù đồng NDT đã bắt đầu lên giá, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc với Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng và những số liệu gần đây cho thấy gần như toàn bộ thâm hụt ngân sách của Mỹ đều được tài trợ từ nguồn này". Hiện tại dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã đạt trên hai ngàn tỷ USD. Thử tưởng tượng nếu Mỹ thành công trong việc làm đồng USD mất giá khoảng 50% so với đồng NDT như đã làm với Nhật năm 1985, số tiền Trung Quốc bị "quịt" sẽ là bao nhiêu?

Đối với Thái Lan- quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng năm 1997, đã khiến cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra phải thốt lên  "Chúng ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh lạnh. Từ giờ trở đi, thế giới phải đối mặt với một cuộc chiến tranh khác cũng không kém phần khốc liệt. Cuộc chiến tranh trên lĩnh vực kinh tế - trong quá khứ phương tiện chiến tranh là Quân đội và Pháo hạm. Giờ đây phương tiện chiến tranh đã thay đổi vũ khí hiện đại chính là các luồng vốn luân chuyển... để tăng cường sức cạnh tranh kinh tế. Trước kia, các quốc gia thua trận bị tước đoạt quyền kiểm soát lãnh thổ, ngày nay họ bị tước đoạt quyền kiểm soát kinh tế".

Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997, đã dạy cho các nền kinh tế một bài học sâu sắc rằng hệ thống tài chính sẽ trở thành vũ khí lợi hại mà các nhà tài phiệt sử dụng để đối phó với bất kì nền kinh tế nào không có khả năng tự chủ và thiếu kiểm soát hệ thống tài chính của mình.

 

 

 

( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn )

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Lãi suất - Giảm cách nào?
  • Rốt ráo tất toán tài khoản vàng
  • Kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả
  • Nỗi lo chứng khoán
  • Hướng đi của vàng 2010
  • Vốn đầu tư xã hội : Làm gì để khơi thông ?
  • “Khiêm tốn” thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM
  • Thị trường chứng khoán: Tiền mới?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!