Điều chỉnh tỉ giá: Linh hoạt nhưng đừng gây sốc
(Tác giả: HẠNH BÌNH // Theo TuanVietNam)
Những thay đổi chính sách tỷ giá vừa qua, có thể đem lại những tác dụng tức thời nhằm khơi thông nguồn cung cầu trên thị trường ngọai tệ, nhưng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường bằng quyết định hành chính sẽ để lại cho xã hội tâm lý bất an khi sở hữu đồng nội tệ.
Trong một thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục có 2 lần thay đổi mạnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ. Lần thay đổi thứ nhất vào ngày 26/11/2009, tỷ lệ phá giá là 5,44%, đồng thời NHNN thu hẹp biên độ biên độ giao động của tỷ giá từ 5% xuống 3%. Lần thay đổi thứ hai, chỉ cách lần thứ nhất chưa đầy 2 tháng, vào ngày 11/2/2010 tỷ giá VND/USD tăng thêm 3,36%. Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có thêm một đợt thứ ba trong năm nay, nhưng chưa biết khi nào - có thể vào quý III ?
Thực tế lạm phát của Việt Nam trong 3 năm 2007-2009 là trên 40%, trong khi lạm phát của Mỹ, cùng thời kỳ, chỉ khoảng trên dưới 20%. Nhưng cùng thời gian đó, tỷ giá chính thức USD/VND dường như thay đổi không đáng kể, khiến VND bị định giá cao ngay trong tương quan tỷ giá với USD. Vì vậy, sự điều chỉnh tỷ giá vừa qua là cần thiết, bất chấp động thái này có vẻ như ngược lại với xu hướng mất giá chung của USD trên thị trường thế giới. Linh hoạt tỷ giá, ngày càng trở thành phương châm hành xử phổ biến trong chính sách tỷ giá của hơn ¾ số nước trên thế giới hiện nay.
|
Việc NHNN liên tục nới rộng tỷ giá VND/USD có những tác động đa chiều đến các chủ thể kinh tế và các biến số kinh tế vĩ mô.
Thâm hụt thương mại không chỉ phụ thuộc tỷ giá:
Trước khi NHNN nới rộng tỷ giá, có nhiều quan điểm cho rằng đồng Việt Nam hiện đang được định giá cao hơn so với đồng USD sẽ làm cho hàng hoá của Việt Nam kém cạnh tranh hơn với hàng nhập khẩu, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nhập siêu.
Tuy nhiên, bên cạnh tỷ giá, vấn đề cán cân thương mại còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố như: khả năng tăng lượng hàng xuất khẩu theo nhu cầu thị trường, kim ngạch xuất khẩu, tâm lý tiêu dùng, hàng thay thế và hàng bổ sung, hàng thông thường và hàng cao cấp, các nguyên vật liệu và máy móc đặc chủng trong nước chưa sản xuất được, thói quen và mục tiêu sử dụng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp FDI...
Thông tin mới nhất cho biết: Hai sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Việt Nam là lúa gạo và cà phê, trong 2 tháng đầu năm 2010, đều đang trong xu hướng giá giảm; nhưng thép, phân bón lại đang tăng do phải nhập khẩu nguyên liệu.
Như vậy, giữa điều kiện và khả năng cũng như cơ hội để Việt nam thu hẹp khoảng cách cán cân thương mại không hòan tòan phụ thuộc vào tỷ giá. Vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở tiềm lực của các nhà sản xuất, cơ cấu hàng xuất; nhập khẩu, hiệu lực định hướng của Nhà nước trong thị hiếu tiêu dùng ... hiện nay và trong tương lai.
|
Về mặt lý thuyết, việc phá giá đồng nội tệ sẽ giúp cho hàng hoá nước đó có sức cạnh tranh tốt hơn hàng của nước ngoài, điều này sẽ hỗ trợ kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu bằng việc sử dụng hàng nội địa có giá thấp hơn. Mặc dù vậy, đối với lợi thế có được từ sự can thiệp của Nhà nước này cần hết sức lưu ý đến Luật chống bán phá giá tại các nước sở tại.
Thời gian gần đây, các vụ kiện chống bán phá giá hàng Việt Nam trên một số thị trường xuất khẩu chủ yếu đang rộ lên và việc điều chỉnh tỷ giá (chỉ nâng mà không giảm) liên tục sẽ có khả năng tạo "cớ" cho các đối thủ cạnh tranh vận động hành lang cho các vụ kiện, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang có xu hướng bảo vệ kinh tế và việc làm nội địa bằng các chính sách bảo hộ phi thuế quan khác nhau.
Trong tháng 1-2/2010 tình hình nhập siêu đã khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2009, tuy nhiên đây có phải là do tác động của việc thay đổi tỷ giá hay do nhu cầu nhập khẩu giảm do các nhà sản xuất và thương mại đã nhập khá nhiều trước đó ? Mặc dù vậy, sự kỳ vọng vào những tác động của chính sách tỷ giá đến vấn đề hạn chế nhập siêu đang hiện hữu và sẽ thể hiện rõ hơn vào những tháng tiếp theo.
Nợ nước ngoài: Gánh nặng thuộc về doanh nghiệp
Thời điểm thay đổi tỷ giá, có khá nhiều quan điểm lo ngại về vấn đề các khoản nợ nước ngoài tính bằng đồng ngoại tệ, việc thay đổi tỷ giá sẽ làm gia tăng gánh nặng đối với các khoản nợ này. Tuy nhiên, có một quan điểm hết sức thú vị khi cho rằng việc thay đổi này không làm gia tăng áp lực đối với các khoản nợ nước ngoài của chính phủ vì việc tăng tỷ giá kích thích xuất khẩu, từ đó làm gia tăng nguồn ngọai hối thu về để thanh toán nợ.
Quan điểm này về mặt vĩ mô, đối với các khoản nợ của Chính phủ thì đúng, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thì chưa hoàn toàn đúng. Đặc biệt ở các doanh nghiệp vay ngoại tệ để xây dựng nhà máy, triển khai dự án, nhưng sản phẩm của dự án lại được tiêu thụ chủ yếu trong nước, được định giá bằng đồng Việt Nam.
Việc nới lỏng tỷ giá vừa qua cũng đã khiến cho các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí có nhiều doanh nghiệp lợi nhuận làm ra cả năm không đủ bù đắp khoản chênh lệch tỷ giá đối với khoản vay ngoại tệ của mình, mà đôi khi, vấn đề này còn phụ thuộc vào chế độ hạch toán kế toán. Tiêu biểu cho trường hợp này là Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại trong năm 2008-2009: Công ty đã phải trích lập quỹ dự phòng do trượt tỷ giá giữa đồng Yên (Nhật Bản) với Đồng Việt Nam với giá trị vượt 30% so với lợi nhuận sản xuất kinh doanh cả năm 2008.
Tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do
Nhìn vào khoảng thời gian qua, dường như chính sách tỷ giá của NHNN chỉ nhằm rút ngắn khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do, thu hút lượng ngọai hối về ngân hàng để phục vụ mục tiêu điều hành của Chính phủ.
Lần điều chỉnh đầu tiên tạo khoảng cách chênh lệch là 1.000 VND/USD. Cũng trong thời điểm này, có nhiều đánh giá cho thấy lượng tiền USD của các tổ chức, cá nhân gửi tại Ngân hàng lên tới 20 tỷ USD, tuy nhiên sau khi rà soát lại thì lượng tiền của các Tập đoàn kinh tế quốc doanh chỉ có 1,9 tỷ USD gửi các kỳ hạn tại Ngân hàng. Khi cung cầu ngọai tệ căng thẳng, Thủ tướng đã quyết định bắt buộc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước bán ngoại tệ hiện có của mình cho Ngân hàng để bình ổn cung cầu. Tuy nhiên điều này không được thực hiện một cách triệt để.
Vậy có phải do việc thay đổi tỷ giá của NHNN chưa đáp ứng được kỳ vọng của người cầm tiền? Hay nói cách khác, người cầm USD tin rằng sẽ phải có thêm sự điều chỉnh (tăng) nữa ?
Việc tiếp tục nới lỏng tỷ giá VND/USD lần thứ hai cho thấy kỳ vọng của người cầm tiền đã đúng, củng cố tâm lý tiếp tục găm giữ ngọai tệ và thị trường lại khan hiếm dòng vốn ngọai tệ luân chuyển, ngân hàng tiếp tục nâng tỷ giá và ....khép kín một vòng tròn luẩn quẩn.
Dù thế nào thì việc tỷ giá niêm yết biến động mạnh với tần suất cao, không có tín hiệu cho trước để "đuổi theo" tỷ giá tự do cũng sẽ là một trong những hệ quả xấu của chính sách. Mặt khác, quyết định hành chính này cũng đẩy mạnh kỳ vọng của người cầm tiền USD vào những biến động trong tương lai của tỷ giá.
Những thay đổi chính sách tỷ giá vừa qua, có thể đem lại những tác dụng tức thời nhằm khơi thông nguồn cung cầu trên thị trường ngọai tệ, nhưng sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường bằng quyết định hành chính sẽ để lại cho xã hội tâm lý bất an khi sở hữu đồng nội tệ. Những người làm chính sách cần phải có xem xét toàn diện hơn khi triển khai những quyết định thay đổi tỷ giá bất ngờ, không thể ra quyết định chỉ phục vụ giải quyết tình huống mà quên đi những tác động có tính dài hạn hơn.
Bất cập chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối
(Tác giả: Vũ Hạnh // Theo VOVNews )
Theo các chuyên gia kinh tế, cách điều hành tỷ giá, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước hơi bảo thủ, cứng nhắc; việc minh bạch thông tin cũng không được thực hiện tốt…
Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có các biện pháp điểu chỉnh tỷ giá hối đoái để rút ngắn khoảng cách thị trường tự do và thị trường chính thức. Thế nhưng, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng vọt, lên đến gần 19.000 đồng/USD. Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế này phản ánh cung cầu về ngoại hối gặp vấn đề, xuất phát từ cán cân thanh toán chung.
Cách điều hành bảo thủ
TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chính sách điều hành tỷ giá của NHNN từ xưa đến nay hơi bảo thủ. Điều này có lợi cho đầu những năm 2000 vì mình neo vào đồng USD, mà USD mất giá nên tốt cho thị trường không gây lạm phát, ổn định cho xuất khẩu. Nhưng bảo thủ ấy làm cho điều hành hơi cứng nhắc, đáng lẽ năm nay điều chỉnh tỷ giá mạnh mẽ hơn, tốt hơn là vào tháng 3, còn bây giờ thì hơi muộn.
Theo quan sát của TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), công cụ duy nhất để điều hoà thị trường ngoại tệ là tung ngoại hối ra và nới lỏng biên độ hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật về tiền tệ.
Ông Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, cho rằng, dù có những ý kiến khác nhau nhưng có thể nói, điều hành tỷ giá trong 10 tháng qua của NHNN rất thành công, đảm bảo sự ổn định thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, vẫn có một số thời điểm chúng ta gặp áp lực, cung cầu ngoại tệ gặp khó khăn. Vì cán cân thanh toán 10 tháng qua và của cả năm 2009 có chiều hướng xấu đi, luồng vốn vào có sự sụt giảm so với năm 2008, đặc biệt là FDI và xuất khẩu có sự sụt giảm khoảng 10%, khiến nguồn cung ngoại tệ giảm.
Mặt khác, theo ông Nghĩa, căng thẳng trên thị trường ngoại tệ một phần do tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Người dân, DN có ngoại tệ chỉ nắm giữ, hoặc gửi NH nhưng không bán cho NH, nên NH thừa ngoại tệ để cho vay nhưng thiếu ngoại tệ để bán cho đối tượng có nhu cầu. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro dẫn đến quản lý thị trường ngoại hối cũng có những hạn chế nhất định trong việc chuyển đổi tiền tệ, kiểm soát chênh lệch kỳ hạn.
Cùng chung nhận định của các chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành thẳng thắn khẳng định: “Chế độ tỷ giá của Việt Nam có vấn đề và thị trường Việt Nam đầu cơ quá phân khúc” (tiền của dân gửi mà không thể trực tiếp cho vay hay bán được,…)”.
Theo lý giải của ông Thành, nguyên nhân đầu tiên khiến việc điều hành tỷ giá “méo mó” như thời gian qua là do sự cam kết của NHNN. Ngân hàng càng cam kết thì thị trường càng không tin, đầu tiên là hệ thống NHTM. “Cái dở là cam kết nhưng lại thiếu minh bạch thông tin (dự trữ, cán cân thanh toán quốc tế… người dân, doanh nghiệp cần những thông tin này nhưng mỗi ông nói một câu, ông thì đưa ra thông tin lượng kiều hối giảm, ông thì đưa ra FDI giảm… mà không có thông tin tổng thể). Sau một lần duy nhất NHNN công bố thông tin dự trữ ngoại tệ thì nay không thấy công bố nữa” – ông Thành nói.
Phá giá đồng Việt Nam?
Về chính sách tỷ giá cho thúc đẩy xuất khẩu, có một số ý kiến đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phá giá đồng tiền Việt Nam; hoặc đề nghị nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá, nên về bản chất chỉ khác là “phá giá có giới hạn”. Cả hai giải pháp này nhìn bề ngoài thì có thể kỳ vọng tác động phần nào đến xuất khẩu nhưng phân tích bản chất thì tăng trưởng xuất khẩu bền vững không thể trông chờ vào yếu tố tỷ giá được. Hơn nữa, việc phá giá đồng tiền Việt Nam sẽ có tác động nhiều chiều, có khi tác động ngược lại còn lớn hơn là mặt tích cực.
“Nếu phá giá đồng Việt Nam, dù chỉ là mức 4-5% thôi sẽ tạo nên một mặt bằng giá mới thị trường trong nước, tác động lên tăng chỉ số CPI. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2009 rõ ràng khó có thể đạt được” – TS Nguyễn Ngọc Thao - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia nói.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu như đồng Việt Nam mất giá 5% thôi thì mỗi năm Ngân sách Nhà nước sẽ chi thêm 26.000 tỷ đồng để trả nợ nước ngoài, các doanh nghiệp cũng phải trả nợ thêm 13.000 tỷ đồng. Một tính toán khác đã được công bố cho hay, chỉ tính riêng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại số nợ nước ngoài phải trả tính ra nội tệ đã tăng thêm tới 800 tỷ đồng. Nói cách khác, phá giá đồng Việt Nam, hay để ngoại tệ tăng giá so với VND thì sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp.
Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Thao, một tác động đặc biệt quan trọng khác là tạo tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và chuyển đổi từ VND sang USD, làm gia tăng thêm tình trạng đô la hoá nền kinh tế.
Thực tế, từ đầu năm tới nay tuy không tuyên bố phá giá đồng nội tệ nhưng tỷ giá diễn biến trên thị trường cũng theo hướng tăng. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng của năm 2009, tỷ giá VND/USD tăng 9,08% so với cùng kỳ năm 2008.
Cùng bày tỏ sự không đồng tình với việc phá giá đồng Việt Nam, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu chúng ta phá giá VND để đối phó khủng hoảng, đặc biệt là kích thích xuất khẩu,thì sẽ bất lợi sẽ nhiều hơn.
Nên theo hướng nào?
Phân tích rõ hơn về nền kinh tế Việt Nam để có hướng đi hiệu quả hơn trong điều hành tỷ giá, TS Võ Trí Thành nói: “Cái khác của Việt Nam là tiết kiệm thấp hơn đầu tư, thâm hụt ngân sách triền miên ở mức 5%, cán cân thương mại, cán cân vãng lai thường thâm hụt rất cao. Thị trường nội địa Việt Nam chưa đủ lớn để có thể thay thế được đầu tư bên ngoài”.
Chúng ta đang phát động “người Việt, hàng Việt, thị trường nội địa”. Nhưng TS Võ Trí Thành đặt giả sử bây giờ tất cả hàng hoá sản xuất ra đều bán ở Việt Nam thì chúng ta lại gặp vấn đề khác lớn hơn là cán cân vãng lai lại tăng (70% nhập khẩu nếu không xuất khẩu thì lấy gì bù vào đấy).
Ông Thành cũng cho rằng, rủi ro lớn nhất với Việt Nam hiện nay là cán cân thanh toán quốc tế chứ không phải là lạm phát. Bởi áp lực lên tỷ giá của chúng ta thực sự là một câu chuyện. Đây lại là nghịch cảnh trong bối cảnh đồng USD yếu, các nước khác phải ra sức bảo vệ mình bằng việc mua vào USD.
Theo TS Vũ Đình Ánh, thị trường ngoại tệ “ngầm” không chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại ảnh hưởng đến chính sách, là tham số trong hoạch định chính sách. “Dài hạn hơn, chúng ta phải quay lại mục tiêu chuyển đổi VND và thực hiện nguyên tắc thu hẹp tới mức thấp nhất thị trường ngoại tệ tự do khi kinh tế phát triển đến độ nhất định. Tăng lãi suất huy động là mục tiêu hút ngoại tệ trôi nổi, đảm bảo khả năng thanh toán nội tệ cho ngân hàng. Nhưng chúng ta đang kết hợp chính sách hỗ trợ lãi suất nội tệ nên có thể tạo ra sự không phù hợp”-TS Ánh nói.
Ông Ánh cũng đưa ra thực tế, doanh nghiệp khi vay nội tệ thì được hỗ trợ nhưng khi quay ra mua ngoại tệ lại tạo áp lực trên thị trường tự do và áp lực với ngân hàng (dư ngoại tệ trong hệ thống nhưng không bán được).
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Xuân Nghĩa nói: “Nếu thị trường ngoại hối phái sinh phát triển tốt, cơ chế chính sách thông thoáng để cho phép NHTM định giá đồng tiền một cách hợp lý thì cơ hội cho NHTM nhiều hơn trong việc phòng ngừa, kiểm soát rủi ro đồng tiền”.
Biên độ và tỷ giá tham chiếu quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định hàng đầu trong điều hành tỷ giá. Quan trọng nhất phải là phương thức điều hành. “Rất tiếc trong cách điều hành tỷ giá từ xưa tới nay, chính sách tỷ giá của NHNN hơi bảo thủ, cứng nhắc” – ông Thành bày tỏ./.
Nếu lạm phát không giảm, cần điều chỉnh lãi suất
(Theo Lê Hường // Vneconomy)
Chưa thể khẳng định chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VND và USD để thu hút thêm tiền tiết kiệm bằng VND khi lạm phát trong tháng Giêng và tháng Hai của Việt Nam ở mức khá cao. |
( Tinkinhte.com tổng hợp từ nhiều nguồn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com