Chiêu kiếm lợi khủng khiếp của ngân hàng ngoại tại Việt Nam
( Nguồn gốc: TBKTSG//Theo VietnamNet)
Các ngân hàng ngoại kiếm lãi gấp hơn 8 lần so với những ngân hàng nội phần nhiều là nhờ chiêu thức mua bán ngoại tệ lòng vòng, lách luật.
Gần đây những chiếc máy rút tiền tự động ATM của các ngân hàng ngoại như ANZ, HSBC xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực trung tâm TPHCM. Không giống như trước, máy ATM của ngân hàng ngoại chỉ được đặt ở cạnh hội sở chính, bây giờ họ có thể đặt ở nhiều nơi.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài dần lấn lướt các đồng nghiệp nội địa, đặc biệt trong tăng trưởng lợi nhuận, họ đang để sau lưng một khoảng cách khá xa với các ngân hàng cổ phần.
Năm ngoái, theo thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TPHCM, các ngân hàng nước ngoài trên địa bàn có mức tăng trưởng lợi nhuận tới 168,3% so với năm 2008, với con số tuyệt đối 3.517 tỉ đồng (1.311 tỉ đồng năm 2008). Trong khi đó tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cổ phần chỉ có 20,3%, từ 4.988 tỉ đồng năm 2008 lên 5.999 tỉ đồng năm 2009.
Các ngân hàng cổ phần hối hả cho vay, hối hả nâng lãi suất huy động để cạnh tranh lẫn nhau và hối hả phát triển tín dụng. So với cuối năm 2008, năm vừa qua tăng trưởng tín dụng của khối cổ phần nhảy lên 59,9%, mức tăng mạnh nhất trong số các ngân hàng. Còn các ngân hàng nước ngoài vẫn “bình chân như vại” trong mảng tín dụng. Họ dường như không quan tâm lắm đến nâng dư nợ cho vay. Kết quả là tăng trưởng tín dụng của họ năm ngoái âm - 0,66%.
Ảnh minh họa: sưu tầm trên Internet |
Vậy điều gì đã tạo nên sự bứt phá lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài? Ở một ngân hàng nước ngoài lớn, trong cơ cấu lợi nhuận 40% là kinh doanh ngoại hối và trái phiếu; thu phí thanh toán xuất nhập khẩu và các phí khác của khách hàng doanh nghiệp chiếm 20%; cho vay tiêu dùng cá nhân cộng dịch vụ 20%, dịch vụ khác chiếm tỷ trọng còn lại. Ở một số ngân hàng nước ngoài khác, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ và ngân quỹ cũng chiếm 40% lợi nhuận.
Rõ ràng, dịch vụ ngoại hối và phí mới là nguồn lợi nhuận chính của ngân hàng nước ngoài. Khi mà ngân hàng nội địa bị ràng buộc bởi hàng loạt các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, không thể lách luật, thì ngân hàng nước ngoài tỏ ra linh hoạt.
Suốt một thời gian dài họ mua bán đô la Mỹ với doanh nghiệp thông qua một ngoại tệ thứ ba để đạt được tỷ giá mong muốn và khi NHNN cấm nghiệp vụ này, họ vẫn sử dụng ngoại tệ thứ ba thông qua một ngân hàng thứ ba.
Thí dụ doanh nghiệp XYZ muốn mua đô la Mỹ của họ, thì đầu tiên doanh nghiệp đó phải mua euro của ngân hàng nội địa XYZ với một tỷ giá thỏa thuận. Họ bán euro cho ngân hàng XYZ để XYZ bán cho doanh nghiệp. Có euro rồi, doanh nghiệp bán lại cho họ cũng theo giá thỏa thuận vào ngày hôm sau, làm sao tương ứng với sự chênh lệch của đô la Mỹ (giữa giá niêm yết của ngân hàng và giá thị trường tự do) mà họ bán cho doanh nghiệp. Trên hợp đồng, giá mua bán đô la vẫn tuân thủ quy định của NHNN, nhưng trên thực tế, sau một sự lòng vòng, giá thực mua - bán đã khác nhiều.
Ngoài ra một số ngân hàng nước ngoài áp dụng phí ngoại tệ linh hoạt (flexible fees) khi doanh nghiệp chuyển khoản ra nước ngoài, mở L/C, bảo lãnh… Với các công ty đa quốc gia, việc đưa ra các mức phí càng thuận lợi hơn, nhất là khi các công ty này nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu, triển khai dự án đầu tư. Không phải ngẫu nhiên, các công ty của nước nào thì thường giao dịch với ngân hàng của nước ấy mở ở Việt Nam. Chẳng hạn các công ty Hàn Quốc giao dịch với ngân hàng Hàn Quốc, Đài Loan với Đài Loan, Pháp với Pháp, Úc với Úc…Ngân hàng trong nước không thể “bắt chước” cách kinh doanh ấy của ngân hàng nước ngoài vì nếu làm vậy có thể bị thanh tra, kiểm tra liên tục.
Tuân thủ đúng quy định, ngân hàng nội khó tìm lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối. Một khi giá mua bán đô la Mỹ chuyển khoản và tiền mặt luôn kịch trần và bằng nhau, các ngân hàng cổ phần chỉ còn cách giới thiệu các doanh nghiệp với nhau để tự thương lượng. Hậu quả là doanh thu kinh doanh ngoại tệ năm 2009 của nhiều ngân hàng cổ phần sụt giảm mạnh, có ngân hàng thậm chí lỗ ở mảng này.
Lợi nhuận từ dịch vụ thấp, ngân hàng cổ phần lao vào tín dụng. Cho vay chỉ cung cấp 20% cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài, nhưng lại chiếm đến 75-80% lợi nhuận của ngân hàng nội. Sự lệch pha đó dẫn đến sự lệch pha về chất lượng tín dụng của hai khối. Năm 2009 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nước ngoài ở TPHCM chỉ chiếm 0,63% tổng dư nợ. Tuy nhiên với ngân hàng cổ phần, tỷ lệ này là 1,39%, gấp hơn hai lần tỷ lệ của ngân hàng nước ngoài. Còn so với ngân hàng quốc doanh, nơi nợ xấu chiếm 2,02% tổng dư nợ, thì tỷ lệ nợ xấu của nước ngoài chỉ bằng một phần ba.
Cùng một môi trường kinh doanh như nhau, cùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô như nhau, vì sao ngân hàng ngoại lãi nhiều, ngân hàng nội lãi ít? Phải chăng sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấy chỉ thuần túy do ngân hàng nước ngoài nhiều kinh nghiệm, công nghệ cao hay đằng sau đó còn là sự quản lý ở mức độ khác nhau đối với tổ chức tín dụng nội và ngoại của NHNN?
Tại sao ngân hàng nước ngoài ít gặp khó khăn thanh khoản?
(Theo VnEconomy)
Sự khác biệt đầu tiên nằm ở chính sách khách hàng của các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài...
Từ đầu năm 2008, khi những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế bắt đầu xuất hiện như lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán và bất động sản đi xuống, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam rơi vào khó khăn về mặt thanh khoản.
Nếu không có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng này còn có thể rơi vào tình trạng xấu hơn. Điều đáng nói là tình trạng này chủ yếu xảy ra đối với các ngân hàng trong nước, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần mới thành lập, trong khi các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hầu như không bị tác động bởi sự khó khăn này.
Trước hết, hệ thống ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng thương mại cổ phần, đã đầu tư quá nhiều vào chứng khoán và bất động sản - hai lĩnh vực được coi là nhạy cảm nhất trước các biến động của nền kinh tế. Hai thị trường này gần như mất tính thanh khoản kể từ đầu năm 2008, vì vậy ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các khách hàng.
Thứ hai, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá từ đầu năm làm giảm đáng kể lượng cung tiền trong nền kinh tế, trong khi nhu cầu về vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh đã được duyệt từ trước, vẫn đang rất lớn. Thứ ba, việc có nhiều ngân hàng ra đời trong thời gian gần đây làm cho nhu cầu về vốn tăng cao, trong lúc trình độ và kinh nghiệm kinh doanh ngân hàng còn yếu, cộng với nguồn vốn huy động từ dân cư và các tổ chức ít, đành phải vay mượn từ thị trường liên ngân hàng (inter-bank).
Lãi suất trên thị trường này có lúc lên trên 40%/năm là dẫn chứng cho tình trạng này. Nguyên nhân thứ tư là từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc, phải đặt một lượng tiền bằng vốn điều lệ vào Ngân hàng Nhà nước nhưng cho đến nay mới chỉ có hai ngân hàng được cấp phép thành lập và đi vào hoạt động.
Điều này có nghĩa là một lượng tiền lớn đã được rút ra khỏi nền kinh tế. Một lý do khác là việc điều chuyển khoảng 52.000 tỷ đồng của ngân sách nhà nước tại các ngân hàng thương mại quốc doanh về Ngân hàng Nhà nước cũng góp phần làm cho tình hình thêm khó khăn. Tất cả các nguyên nhân nói trên đều dẫn đến tình trạng căng thẳng về mặt thanh khoản của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua.
Hậu quả của tình trạng này có thể rất lâu dài, khi mà các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí vốn vay cao, khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu đi, nợ xấu gia tăng. Trong hoàn cảnh các ngân hàng thương mại cổ phần phải “chạy ăn từng bữa” như vậy thì các chi nhánh ngân hàng nước ngoài vẫn khá "ung dung", và thậm chí còn có vốn để cho vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao.
Sự khác biệt đầu tiên, theo người viết, nằm ở chính sách khách hàng của các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài. Để có thanh khoản tốt và nguồn vốn bền vững thì các ngân hàng trước hết phải dựa vào nguồn vốn huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các khách hàng có dòng lưu chuyển tiền (cash flow) lớn như xăng dầu, điện, thương mại, … thay vì dựa vào nguồn vốn thị trường liên ngân hàng.
Vì vậy, chính sách khách hàng phải hướng về phát triển nguồn vốn. Từ trước tới nay, đối với các ngân hàng trong nước, chính sách ưu đãi thường dành cho các khách hàng có dư nợ tín dụng cao và vay trả thường xuyên. Xét cho cùng, chiến lược này không sai, vì đối với một nền kinh tế đang phát triển nhanh, nhu cầu về vốn lớn như nước ta thì tín dụng luôn là mảnh đất màu mỡ để các ngân hàng “quảng canh, thâm canh”.
Nhưng khi say sưa mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản hoá các thủ tục cho vay, các ngân hàng trong nước đôi lúc quên mất rằng rủi ro tín dụng (credit risk) và rủi ro thị trường (market risk) là rất lớn, và luôn tiềm ẩn sau các hồ sơ vay vốn đẹp đẽ. Cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất (subprime crisis) ở Mỹ, bong bóng bất động sản và chứng khoán ở nước ta từ đầu năm đến nay là những ví dụ tiêu biểu cho các rủi ro này.
Ngược lại, đối với các ngân hàng nước ngoài, phát triển nguồn vốn, chứ không phải tín dụng, mới là chính sách được ưu tiên hàng đầu của họ. Các ngân hàng nước ngoài luôn huy động được một lượng vốn nhàn rỗi rất lớn với chi phí thấp từ khách hàng của họ. Điều này giúp họ có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giải ngân cho chính khách hàng của họ.
Ngoài ra, điều này cũng giúp họ có vốn để cung cấp cho thị trường liên ngân hàng với lãi suất rất cao như thời gian qua. Chính sách này có thể không mang lại lợi nhuận lớn như các ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng nó luôn bảo đảm sự phát triển ổn định và thoả mãn được nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Để có nguồn vốn lớn và ổn định, các ngân hàng nước ngoài đã xây dựng cho mình một chính sách phát triển hợp lý trên cơ sở cân đối giữa dư nợ và nguồn vốn theo những tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, họ xây dựng một đội ngũ nhân viên giỏi về hoạt động maketing và thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Những nhân viên này luôn chủ động liên hệ với khách hàng để biết được kế hoạch kinh doanh sắp tới của khách hàng như kế hoạch vay vốn, trả nợ, thanh toán tiền hàng, mua bán ngoại tệ.
Điều này đã giúp ngân hàng chủ động về mặt nguồn vốn trước khi giao dịch xảy ra, tránh được tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Các nhân viên này cũng được tiếp cận nhiều nguồn thông tin, giúp họ có khả năng dự báo được xu hướng thị trường. Một yếu tố nữa giúp các ngân hàng nước ngoài giảm được rủi ro thanh khoản là nợ quá hạn, nợ xấu của họ thường rất thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, các khoản nợ thường được thanh toán đúng hạn. Có được điều đó là do các khoản vay của họ thường được lựa chọn kỹ càng, được quyết định trên cơ sở các tiêu chí của thị trường, và ít khi bị chi phối bởi các ý muốn chủ quan của cán bộ tín dụng.
Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam vẫn có lãi
(Theo Anh Quân // Vietnam+)
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, hoạt động kinh doanh của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vẫn đạt kết quả tốt với mức thu nhập trước thuế đạt 2.612 tỷ đồng. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2004 đã cho phép thêm một hình thức hiện diện thương mại mới, đó là ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Sự xuất hiện thêm loại hình ngân hàng mới này đã làm tăng tính hấp dẫn và phong phú cho thị trường tài chính Việt Nam, nhưng cũng thêm một thách thức đối với các ngân hàng thương mại trong nước. Tính đến nay, có 45 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số ngân hàng nước ngoài có 2 chi nhánh độc lập, 5 ngân hàng liên doanh với hơn 20 chi nhánh phụ thuộc. Ngoài ra, thực hiện các cam kết với WTO, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, đó là Ngân hàng HSBC, Standard Chartered, ANZ, Shinhan và Hong Leong. Hầu hết, các ngân hàng nước ngoài đều mở chi nhánh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn có trên 50 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhìn chung, các ngân hàng nước ngoài và văn phòng đại diện NHNNg đang hoạt động tại Việt Nam đóng vai trò là cầu nối thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong năm 2009, cũng như các ngân hàng mẹ ở nước ngoài, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các TCTD nước ngoài tại Việt Nam vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả và làm tốt vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2009, nguồn vốn huy động của các TCTD nước ngoài tại Việt Nam tăng 17,8%, tổng dư nợ tín dụng tăng 14%, tổng tài sản có tăng 14,9% so với cuối năm 2008; tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 1% trong tổng dư nợ. Về cơ bản, các TCTD nước ngoài luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định, có ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam. Hầu hết các TCTD nước ngoài đều hoạt động có lãi (chênh lệch thu chi lũy kế của các ngân hàng nước ngoài đến cuối tháng 10/2009 đạt 2.947,5 tỷ đồng). Do hoạt động của các chi nhánh NHNNg thuần tuý là vì mục tiêu lợi nhuận, không phải thực hiện việc cho vay chính sách nên nợ quá hạn rất thấp, dư nợ tăng trưởng lành mạnh. Bên cạnh đó, các chi nhánh NHNNg còn được ngân hàng mẹ hỗ trợ nhiều mặt nên càng có điều kiện để mở rộng cho vay Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng trưởng 2 con số Trong năm 2009, hoạt động kinh doanh của một số chi nhánh NHNNg cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thu nhập trước thuế của các ngân hàng này vẫn đạt 2.612 tỷ VND; nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng trưởng khá (tăng 17,8% và 10,8% so với cuối năm 2008); tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,6% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ của cuối năm 2008 (0,47%), nhưng vẫn ở mức thấp so với các nhóm ngân hàng khác; tổng tài sản có tăng 14% so với cuối năm 2008. Về dịch vụ thanh toán, các chi nhánh NHNNg thường đến từ những nước phát triển, nơi mà hệ thống ngân hàng tài chính cũng đạt đến trình độ phát triển tương đối cao nên hoạt động của các chi nhánh này tại Việt Nam cũng được thừa hưởng những ưu thế đó. Điều này được thể hiện rõ qua các loại hình dịch vụ cung cấp cho khách hàng, chất lượng dịch vụ cũng như thái độ phục vụ khách hàng. Các chi nhánh NHNNg thường tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới. Do vậy, có thể nói các chi nhánh NHNNg thường chiếm ưu thế trong các dịch vụ thanh toán và hoạt động phi tín dụng. Về khả năng sinh lợi của các chi nhánh NHNNg, nhìn chung, cao hơn so với các ngân hàng trong nước do các ngân hàng này sử dụng vốn được cấp và vốn vay tương đối hiệu quả, mức rủi ro thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng này còn có nguồn thu đáng kể từ các hoạt động phi tín dụng, mảng hoạt động còn yếu của các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Cầu nối hút vốn đầu tư nước ngoài Về hoạt động của các văn phòng đại diện NNHNg tại Việt Nam, trong thời gian qua, các văn phòng này đã đóng vai trò là cầu nối quan trọng cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ khách hàng của ngân hàng mẹ trong việc nghiên cứu thị trường nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thiết lập quan hệ với các chủ thể kinh tế Việt Nam. Các văn phòng đại diện này cũng có những hỗ trợ đáng kể đối với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp Việt Nam như đào tạo cán bộ, tổ chức hội thảo, cung cấp một số luật nước ngoài liên quan để Ngân hàng Nhà nước tham khảo trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, giới thiệu các kỹ năng ngân hàng hiện đại, cải thiện quan hệ ngân hàng đại lý với các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhìn chung, các văn phòng đại diện NHNNg đều nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam và các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các ngân hàng liên doanh, hoạt động của nhóm ngân hàng này tăng trưởng khá ổn định, trong đó nguồn vốn huy động tăng 18,2%, dư nợ tín dụng tăng 34,3% so với cuối năm 2008, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,8% tổng dư nợ, tổng tài sản có tăng 18,3%, thu nhập trước thuế đạt 477 tỷ VND. Mạng lưới hoạt động của các ngân hàng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, sản phẩm và dịch vụ tập trung chủ yếu vào các sản phẩm truyền thống. Có thể nói các NHNNg đang có một môi trường hoạt động tương đối thuận lợi và có nhiều triển vọng, sẽ đầu tư và tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua các sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại với những thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần xây dựng một nền tài chính - ngân hàng phát triển toàn diện, vững mạnh tại Việt Nam.
Nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng 17,8% và 10,8%; tổng tài sản có tăng 14% so với cuối năm 2008.
Hoạt động của các ngân hàng liên doanh tăng trưởng khá ổn định, thu nhập trước thuế đạt 477 tỷ VND; huy động vốn tăng 18,2%, dư nợ tín dụng tăng 34,3%, tổng tài sản có tăng 18,3% so với cuối năm 2008.
Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng có mức huy động động vốn trong 10 tháng đầu năm tăng 17,5%, dư nợ tín dụng tăng 41,8%, tổng tài sản có tăng 40,5% so với cuối năm 2008.
Phát biểu tại buổi gặp mặt thân mật với đại diện các tổ chức tín dụng nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam ngày 15/12 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Các tổ chức tín dụng nước ngoài đã làm tốt vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, các tổ chức này đều hoạt động an toàn, hiệu quả, tuân thủ các quy định về đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, khối các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam bao gồm 45 chi nhánh của 33 ngân hàng nước ngoài, 05 ngân hàng liên doanh với hơn 20 chi nhánh phụ thuộc; 05 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 08 tổ chức tín dụng phi ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và 56 văn phòng đại diện./.
Năm 2009: Năm thuận lợi của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam
(Theo Xuân Thanh // chinhphu)
Kể từ khi Việt Nam mở cửa trong lĩnh vực ngân hàng đến nay, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam luôn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990, sau khi hệ thống ngân hàng Việt Nam được phân thành hai cấp, với hai loại hình: Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com