Bộ trưởng kinh tế của 16 nước, bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ, đã nhất trí về một kế hoạch trị giá 25.000 tỉ yen (295,5 tỉ USD) để phát triển hạ tầng ở riêng khu vực ASEAN. Báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết thỏa thuận sơ bộ đã đạt được vào ngày 28-8
Theo đó, kế hoạch chính thức đã được thông qua trong cuộc gặp mặt cấp bộ trưởng ASEAN+6 tại Đà Nẵng (Việt Nam) và bắt đầu đi vào giai đoạn thực thi từ tháng 10.
Chương trình giải ngân dự kiến bắt đầu từ tháng 12 cho 717 công trình bao gồm đường sá, cầu, cảng biển, sân bay, khu phức hợp công nghiệp và nhà máy điện dự kiến hoàn tất từ nay tới năm 2020.
Các dự án trọng tâm sẽ là kế hoạch phát triển kết nối lưu vực Mekong; khu vực phát triển chung Đông Á - Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines; tam giác phát triển Indonesia - Malaysia - Thái Lan.
Cụ thể sẽ xây mới một đường cao tốc xuyên bán đảo Đông Dương, các cảng biển và cải tạo các cảng hiện nay ở Việt Nam và Myanmar, kết nối các cảng này với đường cao tốc cũng như nâng cấp cảng biển Chennai tại Ấn Độ, hình thành hành lang kinh tế Ấn Độ - ASEAN với điểm đầu là cảng Chennai và điểm cuối là TP.HCM (Việt Nam).
Các dự án được ưu tiên trước mắt, theo Japan Times, sẽ là xây dựng sân bay ở miền Nam Việt Nam, nhà máy điện địa nhiệt tại Indonesia và mở rộng cảng biển ở Ấn Độ.
Japan Times cho biết toàn bộ kế hoạch khổng lồ này đã được Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á quy hoạch. Đây là một viện nghiên cứu do Nhật Bản tài trợ, đóng trụ sở tại Jakarta, Indonesia.
Các chuyên gia của viện này ước tính kế hoạch hạ tầng nói trên sẽ giúp nâng GDP của các quốc gia tham gia dự án thêm 55%, đồng thời kích thích phát triển kinh tế cho cả châu Á.
Báo Yomiuri cho rằng đây sẽ là cơ hội lớn cho các công ty hạ tầng hùng mạnh của Nhật Bản giành được những hợp đồng ở nước ngoài, trong chính sách tăng trưởng mới của chính quyền Tokyo.
Chính quyền Tokyo đã chuẩn bị sẵn sàng sự ủng hộ về tài chính cho những công ty nội địa tham gia dự án này, thông qua các quỹ hỗ trợ phát triển và những khoản cho vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
“Các dự án này sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế ở châu Á. Tôi cũng hi vọng kế hoạch sẽ giúp gia tăng xuất khẩu công nghệ xây dựng hạ tầng của Nhật Bản” - Bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Masayuki Naoshima nói với Japan Times.
Theo bộ này, ngoài tiền đầu tư từ các chính quyền, việc huy động vốn từ lĩnh vực tư nhân sẽ là yếu tố then chốt để hoàn thành kế hoạch đầy tham vọng này. Yomiuri cho biết các công ty Nhật đã ngay lập tức bắt tay vào việc giành các hợp đồng cho các dự án hạ tầng này.
Hồi tháng 6, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Hãng Hitachi đã thành lập một liên doanh với mục tiêu nhắm vào các công trình đường sắt ở hải ngoại. Gaku Suzuki, phó chủ tịch Hitachi, nói với Yomiuri rằng ông hi vọng công ty của mình có thể tham gia “càng nhiều càng tốt” vào các dự án hạ tầng ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những công ty hạ tầng có năng lực cạnh tranh rất tốt từ Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước phương Tây.
(Tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com