Nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh khác sẽ qua đi trong khi số vốn lớn lại bị "chôn" trong những dự án treo |
Sau gần 1 năm đình trệ, mới có 33/256 dự án cao ốc ở Hà Nội được “thông quan”.
Dù Thủ tướng đã chỉ đạo hướng xử lý hơn 200 dự án nhà cao tầng ở nội thành Hà Nội từ tháng 7/2010 nhưng tới nay, theo chỉ đạo mới nhất của UBND TP Hà Nội, mới có 33 dự án nhà cao tầng thuộc 4 quận nội thành Hà Nội (cũ) được tiếp tục triển khai ngay. Số còn lại sẽ phải tiếp tục xếp hàng chờ xét duyệt.
Từ cuối năm 2009, thực hiện Thông báo số 348/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, tại khu vực trung tâm Hà Nội, TP Hà Nội đã yêu cần tạm dừng triển khai hơn 200 dự án nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên). Trước những vướng mắc khi triển khai trên thực tế, TP Hà Nội và một số tổ chức, doanh nghiệp đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án xử lý các dự án này tại Thông báo số 202/TB-VPCP. Sau đó, giữa tháng 7/2010, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý hơn 200 dự án nhà cao tầng ở khu vực trung tâm Hà Nội (4 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã giao các cơ quan chuyên môn đề xuất phương án triển khai. Theo đề xuất mới đây của Sở QH - KT Hà Nội, Hà Nội sẽ tiến hành phân vùng để kiểm soát các dự án cao tầng. Thêm vào đó, quan điểm chung của thành phố là các dự án phải phù hợp với Định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH - KT), Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc định hướng giảm dân số khu vực trung tâm từ khoảng 1,2 triệu dân hiện nay xuống 0,8 triệu dân.
Xu hướng này đồng nghĩa với việc phải hạn chế tăng dân số cơ học, giảm mật độ xây dựng công trình và khuyến khích chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các nhu cầu cộng đồng như công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật, xã hội nhằm giảm ách tắc giao thông và nâng cấp chất lượng sống đô thị. Cùng với đó, Hà Nội cũng phải tính toán để giảm thiểu các rủi ro về tài chính và thúc đẩy triển khai các dự án xây dựng đã và đang hoàn tất các thủ tục theo quy định và tạo điều kiện phát triển, hoàn thiện bộ mặt đô thị thông qua các không gian cao tầng... Cũng theo kiến nghị của Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Văn Hải, các dự án không được phép xâm phạm hoặc làm ảnh hưởng xấu tới các di sản, di tích, cảnh quan thiên nhiên và phải tuân thủ các quy chuẩn, quy định hiện hành.
223 dự án “nằm thở"
Sau gần 3 tháng chờ đợi, số dự án “lọt” qua cửa các cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ chiếm hơn 10% tổng số dự án đang mắc kẹt. |
Rà soát mới nhất của cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội cho biết, số dự án cao tầng tại 4 quận nội thành hiện là 256 dự án (nhiều hơn con số đã công bố trước đó 33 dự án). Thành phố phân 256 dự án này thành 3 loại riêng biệt. Trong đó, 37 dự án loại I là các dự án đã được cấp phép xây dựng trước thời điểm UBND TP ban hành văn bản yêu cầu dừng các dự án cao tầng ở trung tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát của liên ngành thành phố do Sở QH - KT chủ trì cho biết, trong số 37 dự án này, có 4 dự án cần xem xét thêm để phù hợp với nguyên tắc và đề xuất phân vùng kiểm soát mà thành phố đã đề ra.
Số dự án còn lại bao gồm 219 dự án cao tầng đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định. Trong đó, có 132 dự án được xếp loại II gồm các dự án công trình cao tầng đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009. Các dự án này được đưa ra xem xét dựa trên đánh giá theo tiến độ thực hiện đầu tư, có tính bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong số này, có 90 dự án phù hợp với nguyên tắc xét duyệt và phân vùng kiểm soát cao tầng. 42 dự án còn lại cần phải được xem xét thêm. Cuối cùng, 87 dự án được xếp hạng III, đều là các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch sau ngày 9/12/2009.
Từ những phân tích nêu trên, Sở QH - KT Hà Nội kiến nghị thành phố cho phép triển khai 33 dự án loại I đã phù hợp phân vùng kiểm soát. Sở QH - KT cũng kiến nghị thành phố cho phép triển khai trước ngày 20/10/2010 với 90 dự án loại II đã phù hợp với định hướng và nguyên tắc kiểm soát. Với 46 dự án cần xem xét thêm, Sở QH - KT đề nghị thành phố giao Sở này nghiên cứu vị trí, đặc điểm, tiến độ thực hiện đầu tư của từng dự án cụ thể để đề xuất giải pháp thực hiện, phương án giảm thiểu thiệt hại cho chủ đầu tư (nếu có), trình UBND TP xem xét, phê duyệt. Riêng 87 dự án còn lại, sẽ được xem xét ở giai đoạn sau.
Sau khi xem xét, UBND TP Hà Nội cơ bản thống nhất về mặt nguyên tắc đối với các nội dung đề xuất của Sở QH - KT. Đồng thời, giao Sở QH - KT cũng các sở, ngành liên quan và UBND 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện theo hướng, cho phép 33 dự án loại I triển khai ngay. Đa phần các dự án loại này đều đang trong quá trình thi công. Cá biệt một vài dự án đã cơ bản hoàn thành phần thô, chỉ còn chờ hoàn thiện! Với các dự án còn lại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, ông Phí Thái Bình yêu cầu, các sở ngành xem xét, báo cáo phương án xử lý về UBND TP trước ngày 30/11/2010.
Thất vọng
223 là số dự án phải xếp hàng chờ được xem xét ở những đợt sau. |
Phản ứng với động thái xử lý mới của thành phố Hà Nội, một số doanh nghiệp tỏ ra khá thất vọng. Bởi họ luôn nghĩ, sau khi được Chính phủ định hướng, Hà Nội sẽ nhanh chóng "cởi trói" để các dự án được nhanh chóng tái triển khai, bù lại thời gian đình trệ kéo dài hơn 10 tháng qua. Song, trên thực tế, sau gần 3 tháng chờ đợi, số dự án "lọt" qua cửa các cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ chiếm hơn 10% tổng số dự án đang mắc kẹt. Với cung cách xét duyệt kiểu "nâng lên, rồi lại đặt xuống" như các cơ quan liên quan của Hà Nội đang làm, các doanh nghiệp dự báo, tới thời hạn 30-11-2011, rất khó có được bức tranh rõ ràng về hướng xử lý tất cả dự án. Có tới 100% khả năng, khi đó, sẽ chỉ có một số ít dự án được "thả" và số còn lại tiếp tục phải... xếp gạch, chờ tới lượt được "mổ xẻ".
Tuy thế, một doanh nghiệp đề nghị không nêu tên cho rằng, thà phải điều chỉnh dự án hay dừng hẳn nhưng được biết sớm còn hơn chỉ biết ngồi "ôm cây đợi thỏ". Bởi cứ mỗi ngày chờ đợi, chi phí đầu tư của doanh nghiệp cho dự án sẽ ngày một cao lên. Tai hại hơn, nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh khác sẽ qua đi trong khi số vốn lớn lại bị "chôn" trong những dự án treo lơ lửng kia.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com