"Đây là sự kiện được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, bởi Quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ giúp giới đầu tư nhận diện được các cơ hội tham gia dự án phát triển cảng trung chuyển hàng không có quy mô lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á này", Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đánh giá.
Cần phải nói thêm rằng, vị trí và quy mô Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được quy hoạch từ năm 2005. Theo đó, Cảng sẽ nằm trên địa phận các xã Long Phước, Bàu Cạn, Long An, Bình Sơn, Suối Trầu và Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích chiếm đất 5.000 ha. Sân bay Long Thành cách Sân bay Biên Hòa 32 km, cách Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 43 km, có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; đón nhận được loại máy bay A380-800 và tương đương.
Theo đề xuất của SAC, để tránh tình trạng "tắc đường hàng không" tại khu vực TP.HCM, cần đưa vào khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I trước năm 2020, do Sân bay Tân Sơn Nhất mãn tải trong khoảng 2015 - 2020.
Tính toán của SAC cho thấy, đến năm 2020, sẽ có khoảng khoảng 25 triệu lượt khách và 639.000 tấn hàng hóa thông qua các sân bay tại khu vực TP.HCM bằng đường hàng không. Con số này sẽ tăng lên 44,5 triệu lượt khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa vào năm 2030.
"Trong trường hợp Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác năm 2020, Cảng sẽ đảm nhận 90% chuyến bay quốc tế và 20% chuyến bay quốc nội đi/đến TP.HCM. Còn Sân bay Tân Sơn Nhất về cơ bản được duy trì để phục vụ các đường bay trong nước", SAC đề xuất.
"Việc phân chia công năng này vừa giúp Sân bay Tân Sơn Nhất giữ được khả năng hoàn vốn, vừa giải quyết được bài toán giao thông tổng thể cho TP.HCM", Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Phạm Quý Tiêu bình luận.
Cũng phải nói thêm rằng, trước năm 2020, hệ thống giao thông tiếp cận Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã rất thuận lợi, với 2 tuyến đường kết nối là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Do quy mô công trình rất lớn, SAC đề xuất phân chia lộ trình xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I (2018 - 2020) sẽ xây dựng cặp đường hạ cất cánh song song theo cấu hình đóng ở phía Bắc; xây dựng nhà ga phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; bước đầu xây dựng thành phố sân bay, với khu công nghiệp hàng không và học viện hàng không.
Dự kiến, chi phí xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (chưa bao gồm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng) sẽ lên tới 6,05 tỷ USD. Trong tổng chi phí xây dựng trị giá 4,34 tỷ USD, đáng kể nhất là các khoản chi phí: 1,277 tỷ USD xây dựng hạ tầng sân bay; 1,4 tỷ USD xây dựng nhà ga hành khách; 0,23 tỷ USD xây dựng khu hàng hóa; 0,6 tỷ USD xây dựng khu phụ trợ của hãng hàng không; 37 triệu USD xây dựng bãi đậu xe, 67 triệu USD xây dựng các khu cung cấp dịch vụ tiện ích.
"Kết quả phân tích cho thấy, tỷ suất hoàn vốn nội tại về tài chính (FIRR) chỉ đạt khoảng 4,1%, thấp hơn lãi suất trái phiếu kho bạc, nên để tạo sức hấp dẫn cho Dự án, cần có sự tham gia đáng kể của thành phần kinh tế công và vốn vay với lãi suất thấp", đại diện SAC khuyến nghị.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, Chính phủ Việt Nam nên bỏ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách cho các hạng mục hạ tầng sân bay, khu vực hành chính và một số hạng mục không sinh lợi khác (khoảng 60% tổng chi phí xây dựng). Các hạng mục có khả năng sinh lời như nhà ga hành khách, khu xử lý hàng hóa, khu bảo trì máy bay, tiện ích sân bay nên "mở cửa" cho các hãng hàng không và thành phần kinh tế tư nhân tham gia dưới hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) hoặc hợp tác công - tư (PPP).
"Việc mở cửa cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia Dự án, đặc biệt là các hoạt động phi hàng không, sẽ giúp cho FIRR của dự án này tăng lên khoảng 12% - một tỷ lệ có tính khả thi nhìn từ góc độ kinh tế Việt Nam", đại diện SAC nhấn mạnh.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com