Quảng Ninh hiện có 103 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 3,7 tỷ USD của 14 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư.
Trong số đó,
Hoa Kỳ đang giữ vị trí đứng đầu với số vốn đăng ký 2,39 tỷ USD, chiếm gần 64% tổng vốn đầu tư; tiếp đó là Trung Quốc, Singapore, Đài Loan.
Ngoài ra, tỉnh có bảy văn phòng đại diện và ba chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kèm dự án đầu tư.
Sức hút đầu tư tại Quảng Ninh chuyển biến rõ nét trong thời gian qua là nhờ bộ phận "một cửa liên thông" tiếp tục hoạt động có hiệu quả, tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đầu tư của tỉnh, được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao.
Tỉnh cũng tập trung vào các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển công nghiệp, du lịch chất lượng cao, công nghệ cao, có thể kéo được nhiều dự án vệ tinh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động; thực hiện tốt công tác vận động xúc tiến đầu tư vươn rộng ra các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hơn chín tháng qua, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đã có khoảng 30 lượt các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Thái Lan, Ấn Độ, Nga…; giải quyết việc làm cho khoảng 16.000 lao động.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài ở Quảng Ninh quy mô còn nhỏ, chất lượng chưa cao, hàm lượng khoa học kỹ thuật còn thấp. Nguyên nhân là do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hệ thống cảng biển, cảng sông chưa hoàn thiện, luồng lạch chưa được nạo vét, mở rộng.
Dịch vụ cung cấp điện, nước cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Thêm vào đó là tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, san nền, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiêp và đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp chậm so với nhu cầu phát triển chung của tỉnh cũng như của các doanh nghiệp.
Mặt khác, cơ chế quản lý và phân cấp quản lý giữa các cơ quan chức năng tại các khu công nghiệp cũng đang là rào cản đối với thu hút đầu tư.
Hiện các doanh nghiệp khi đăng ký vào khu công nghiệp sẽ phải chịu sự quản lý của các Bộ gồm Kế hoạch và Đầu tư quản lý khu công nghiệp, Công Thương quản lý doanh nghiệp, Tài nguyên và Môi trường quản lý môi trường và chính quyền địa phương quản lý đất đai.
Quảng Ninh hiện có 11 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục phát triển các khu công nghiệp Việt Nam./.