Với việc được Chính phủ hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng cảng, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có kinh phí đầu tư hơn 1,5 tỷ USD đã trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Xứng danh cảng cửa ngõ quốc tếĐúng như tên gọi, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Trước hết, đây là cảng tổng hợp đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là Vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và nhu cầu hàng hoá quá cảnh của các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Trong tương lai, Cảng Lạch Huyện có thêm chức năng trung chuyển container cho khu vực phía Bắc và khu vực Đông Nam Á. Theo Quyết định 501/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), để có thể đáp ứng lượng hàng 35 triệu tấn/năm, chiếm 40% lượng hàng thông qua các cảng biển khu vực Đông Bắc vào năm 2020, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng cần số vốn đầu tư lên tới hơn 1,5 tỷ USD.
Đây là khoản kinh phí tối thiểu để xây dựng 4 bến container, 2 bến hàng rời, 5 bến hàng bách hóa có tổng chiều dài 2.700 m, kết cấu hạ tầng sau cảng và trang thiết bị xếp dỡ đồng bộ, hiện đại, đáp ứng lượng hàng thông qua khoảng 26 triệu tấn/năm; các bến nhập/xuất hàng lỏng (9 triệu tấn/năm); luồng cho tàu 50.000 – 80.000 DWT; các công trình bảo vệ cảng; hệ thống giao thông tiếp cận cảng.
Trong giai đoạn khởi động (2010 - 2015), Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có quy mô bằng 1/4 lần so với giai đoạn hoàn chỉnh, nhưng vẫn sẽ là cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc. Với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động sẽ xây dựng bến container (8 triệu tấn/năm); các bến xuất/nhập hàng lỏng (2 triệu tấn/năm); luồng tàu cho tàu 50.000 DWT; công trình bảo vệ cảng; hệ thống giao thông tiếp cận cảng.
Các chuyên gia của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông – vận tải (TEDI) khẳng định, vị trí xây dựng cảng cửa ngõ khu vực phía Bắc tại Lạch Huyện là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, bởi nơi đây tụ hội đủ các yếu tố về địa lý, khí hậu, địa chất thuận lợi cho việc xây dựng bến cảng và các hạng mục hậu phương, đồng thời khá thuận lợi cho việc tập kết và rút hàng khỏi cảng đi các địa phương phía Bắc, cũng như Hành lang kinh tế quốc tế Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Bắc Lào vào thời gian tới.
Nhẹ gánh cho nhà đầu tư
Trước đây, theo đề xuất của Bộ GTVT, việc đầu tư Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng thực hiện theo nguyên tắc: đầu tư thành một tổ hợp hệ thống từ bến cảng đến hạ tầng phụ trợ. Bộ sẽ chỉ đạo việc hình thành một công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án do TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chủ trì, cùng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước khác tham gia.
Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cảng rất lớn, trong khi nguồn thu phí đảm bảo hàng hải thậm chí không đủ cho công tác nạo vét duy tu luồng, khả năng hoàn vốn theo phương án này là không thể. Chính vì vậy, việc Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây đã đồng ý dùng vốn ODA để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động gồm: luồng tàu, đê chắn sóng, đê ngăn cát với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.700 tỷ đồng, thay vì để Vinalines – đơn vị được giao là chủ đầu tư Dự án giai đoạn khởi động, tự huy động vốn đầu tư toàn bộ. Việc thành lập CTCP Đầu tư và Khai thác Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng chỉ để thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng các bến cảng giai đoạn tiếp theo, sau giai đoạn khởi động.
Như vậy, thay vì bỏ ra khoảng 7.700 tỷ đồng tổng mức đầu tư toàn Dự án, Vinalines sẽ chỉ phải huy động khoảng 3.000 tỷ đồng dưới hình thức công ty cổ phần để đầu tư hạng mục bến, bãi và thiết bị xếp dỡ. “Việc chuyển hình thức đầu tư từ BOT sang PPP, trong đó ngân sách nhà nước gánh khoản đầu tư các hạng mục có tính chất hạ tầng sẽ làm giảm gánh nặng cho nhà đầu tư, đồng thời làm tăng tính khả thi cho phương án tài chính của Dự án. Vinalines đang tính đến phương án kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia dưới hình thức góp vốn thành lập công ty cổ phần”, ông Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines khẳng định.
Theo Bộ GTVT, hiện Hàn Quốc và Nhật Bản về cơ bản đã đồng ý tài trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng Cảng Lạch Huyện. Trước mắt, Nhật Bản sẽ cho vay 8 triệu USD để tiến hành rà soát dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật cho các hạng mục: đường ngoài cảng, nạo vét luồng, đê chắn cát; Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD rà soát quy hoạch và thiết kế đê chắn sóng.
( Cổng thông tin kinh tế )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com