Cán bộ ngành môi trường quan trắc nước |
Dự án Nâng cao năng lực quản lý đất đai và môi trường do Thụy Điển tài trợ (dự án SEMLA) được triển khai trên địa bàn tỉnh được 2 năm, đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Vũ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án SEMLA về vấn đề này.
* PV: Xin ông cho biết những kết quả chính của dự án SEMLA trong năm 2008?
- Ông Phạm Hữu Vũ: Trong năm 2008, chúng tôi đã triển khai các hoạt động đồng bộ, tập trung vào những lĩnh vực chính như phòng chống, kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường; xây dựng chương trình quan trắc môi trường để thành lập cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường. Đặc biệt, dự án đã hỗ trợ ngành chức năng thực hiện quan trắc nước mặt, nước ngầm và môi trường nền. Theo đó, đã thực hiện 43 giếng quan trắc tại TX. Bà Rịa và huyện Côn Đảo. Qua việc quan trắc này đã đánh giá chất lượng nước biển, vấn đề xâm nhập mặn của mạch nước ngầm. Chương trình SEMLA cũng đã tổ chức điều tra về xả thải vào nguồn nước, phân vùng xả thải môi trường nước, không khí. Không những làm tốt công tác điều tra, dự án còn đầu tư trang thiết bị máy móc về quan trắc môi trường, nâng cao kiến thức cho cán bộ chuyên ngành môi trường. Đặc biệt, trong tình hình ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra đã đến mức báo động như hiện nay, dự án SEMLA đã góp phần cùng địa phương thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm, cụ thể đã tư vấn cho 23 cơ sở ở làng cá Tân Hải, huyện Tân Thành áp dụng quy trình sản xuất sạch.
Trên lĩnh vực đất đai, dự án đã xây dựng nền tảng quản lý đất đai, trong đó triển khai và hoàn thiện bộ hồ sơ địa chính số, bản đồ địa chính số. Việc áp dụng các phần mềm quản lý đất đai đã tiết kiệm được thời gian cho người dân và cán bộ quản lý; làm tăng khả năng trao đổi thông tin về địa chính giữa các xã, phường với Sở Tài nguyên và Môi trường. Cán bộ địa chính của 82 xã, phường trong tỉnh cũng đã được đào tạo nâng cao về chuyên môn. Xây dựng quy ước bảo vệ môi trường ở khu đông dân cư và gần biển, thường xuyên tuyên truyền nâng cao kiến thức và ý thức về công tác bảo vệ môi trường và đất đai cho người dân các địa phương.
* Được biết, dự án SEMLA sẽ kết thúc vào tháng 6-2009, ông có thể cho biết trọng tâm của chương trình trong 6 tháng cuối?
- Về môi trường, dự án sẽ tiếp tục hoàn tất những chương trình đã đến giai đoạn cuối và tiếp nối những chương trình còn dở dang như: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về điều tra xả thải vào nguồn nước để làm cơ sở cấp phép xả thải vào nguồn nước; Xây dựng chương trình kiểm tra ô nhiễm môi trường (quan trắc, kiểm tra ô nhiễm, xả thải); Đào tạo nâng cao nghiệp vụ trong công tác đánh giá báo cáo, cam kết bảo vệ môi trường. Về công tác đất đai, hoàn thành bộ hồ sơ địa chính số như đã nói ở phần trên. Tiếp tục tổ chức các lớp học, tập huấn, tuyên truyền để nâng cao năng lực của cán bộ phụ trách chuyên môn về đất đai và môi trường cũng như nâng cao sự hiểu biết của người dân. Các chương trình sẽ được hoàn thiện, “đóng gói” để trở thành sản phẩm phục vụ cho công tác quản lý đất đai và môi trường về lâu dài.
* Sau khi dự án kết thúc, các hoạt động của dự án SEMLA đã làm có được duy trì và phát động tiếp không?
- Tính bền vững của dự án luôn được đơn vị tài trợ – Đại sứ quán Thụy Điển coi trọng từ đầu. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, dự án mang lại nhiều lợi ích như tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát ô nhiễm. Dự án đã để lại cơ sở dữ liệu quý giá cho công tác quản lý nhà nước về môi trường và nhiều mô hình để các cơ sở sản xuất áp dụng trong sản xuất sạch. Riêng bộ hồ sơ địa chính số sẽ giúp hoàn thiện về công tác quản lý đất đai, mang lại lợi ích lớn cho cán bộ và người dân.
Có thể nói, các sản phẩm mà dự án SEMLA tạo ra sẽ tồn tại lâu dài, bền vững và ngày càng hoàn thiện về chất lượng.
* Xin cảm ơn ông!
( Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com