Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thiếu trách nhiệm trong quản lý các dự án

Hàng loạt những công trình dang dở, bỏ hoang trên khắp cả nước đang là kết quả của sự yếu kém trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

“Khổ lắm, nói mãi”!

Mặc dù “căn bệnh” thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công đã trở thành “mãn tính”, nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có một liều thuốc nào để điều trị dứt hẳn. Một điều đáng lo ngại, tổng mức đầu tư các dự án (DA) như trên thường chỉ tốn vài tỉ đến vài chục tỉ đồng nên trong ý nghĩ nhiều người nó chẳng “bõ bèn” gì so với “cục nợ” gần trăm nghìn tỉ đồng của một tập đoàn. Tuy nhiên, với tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí diễn ra trên khắp cả nước những năm qua, nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) thất thoát đến nay không phải là ít. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tới 70% nguồn vốn bị thất thoát, lãng phí trong sử dụng NSNN.

Để xảy ra tình trạng trên, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nổi bật là do năng lực yếu kém của các chủ đầu tư, thiếu tầm nhìn trong quy hoạch. “Làm một cái chợ đâu phải chỉ nghĩ đến việc ai mua, ai bán mà phải xem người ta đi bằng gì đến chợ đó, có thuận tiện hay không”, ông nói. Ông Liêm cho biết, hiện tại trong xây dựng cơ bản, khâu thẩm định và phê duyệt DA, các nhà quản lý chỉ chăm chăm nhìn vào cái trước mắt, không nghĩ đến việc DA để hoàn thành phải như thế nào nên đã gây lãng phí lớn.

Nguyên nhân thứ hai, do các DA bị xé lẻ, và sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, ông Liêm dẫn chứng: Làm một cái cầu phải có đường hai bên, nhưng cầu thì bộ làm, đường địa phương làm. Hai “anh” này không phối hợp với nhau, mỗi “anh” một DA, nên đến khi cầu làm xong, mãi mà vẫn chưa thấy đường đâu...

Theo ông Bùi Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH-ĐT, khi quyết định đầu tư DA, có thể nhiều người góp ý, nhưng đôi khi vì lợi ích riêng nên chủ đầu tư vẫn cứ quyết định làm. Ngoài ra, theo TS Liêm, nhiều địa phương do mắc bệnh thành tích, đến ngày kỷ niệm, ngày lễ phải hoàn thành DA cho bằng được, còn sử dụng hay không để tính sau.

Ai làm sai người đó chịu?

Những DA bị bỏ hoang đã ngốn hàng nghìn tỉ đồng từ NSNN mỗi năm, và người ta đang đặt câu hỏi trách nhiệm này thuộc về ai? Theo ông Tăng Ngọc Tráng, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH-ĐT), Nghị định 113/2009/NĐ-CP, cũng như Luật NSNN... đã phân cấp rõ ràng khi sử dụng NSNN, địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm với nguồn vốn đã được phân bổ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng do quản lý, giám sát lỏng lẻo nên các chủ đầu tư khi triển khai DA mới thiếu trách nhiệm, làm ăn bừa bãi. Ông Nguyễn Đức Chung, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, thẳng thắn cho biết Sở KH-ĐT làm cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giám sát các công trình, nhưng khâu giám sát vẫn còn yếu do không theo một DA cụ thể, mà chỉ làm trên tổng thể. Trong khi đó, mặc dù ở dưới cấp xã hoàn toàn có thể thành lập Ban giám sát cộng đồng nhưng ban này hoạt động không hiệu quả, và nhiều nơi không thành lập.

Cũng theo TS Phạm Sỹ Liêm, chính sự phân công, phân cấp nhưng không quản lý, giám sát chặt đã dẫn tới tình trạng trên, nên nếu cấp dưới làm sai cấp dưới chịu, còn cấp trên coi như “vô tội” dẫn tới việc quản lý các DA thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, trong quá trình phân cấp lại quên rằng liệu bên được phân cấp có đủ năng lực hay không.

Chủ đầu tư - UBND phải chịu trách nhiệm

* Trong vai trò của mình, Vụ Đầu tư chỉ thực hiện việc giải ngân vốn theo phân bổ dự toán chi đầu tư NSNN hằng năm của Bộ KH-ĐT. Về trách nhiệm trong thẩm định, giám sát sử dụng vốn các DA này, Bộ Tài chính chỉ là một trong những bên liên quan, chỉ “phối hợp” với Bộ KH-ĐT, khi nào Bộ này lên tiếng mời cùng đi kiểm tra mới tham gia. (Ông Phạm Đình Hồng, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính)

* Các địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với các DA mình triển khai. Theo Nghị định 113, đầu mối giám sát ở các tỉnh là Sở KH-ĐT, trách nhiệm phải là Sở và cao hơn là UBND tỉnh đối với các DA cấp tỉnh quản lý. Với các DA nhỏ hơn thuộc cấp huyện, cấp xã thì UBND các cấp này phải chịu trách nhiệm. (Ông Tăng Ngọc Tráng, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ KH-ĐT).

Ý kiến đại biểu QH

*Ông Vũ Quang Hải, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên (Ủy ban Pháp luật của QH):

“Nhiều lãnh đạo rất duy ý chí trong việc quyết định đầu tư các công trình, gây thiệt hại rất lớn. Một quyết định của lãnh đạo càng to bao nhiêu, DA càng lớn bấy nhiêu thì thiệt hại cũng theo đó mà nhân lên. Trong khi đó, việc thanh kiểm tra DA, rồi kiểm toán nguồn vốn ngân sách tuy hoạt động tích cực nhưng chế tài không đủ mạnh, không đảm bảo được sự răn đe. Một số kết luận, kiến nghị của kiểm toán chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp hành nghiêm túc nên chưa siết chặt được kỷ cương trong đầu tư công.

Để chấn chỉnh tình trạng này, trước khi xác định đầu tư xây dựng công trình nào, phải bắt đầu từ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa ở địa phương. Từ quy hoạch ấy mới quy hoạch chi tiết, rồi xác định các công trình triển khai xây dựng.

QH cũng nên có chương trình giám sát tổng thể các dự án sử dụng nguồn ngân sách lớn, đồng thời, giao cho HĐND địa phương giám sát các DA ở mức vừa phải tại các địa phương đó để có một cuộc tổng giám sát những công trình xây dựng cơ bản, những hạng mục công trình đầu tư, đưa ra con số về lãng phí, đầu tư kém hiệu quả, tìm giải pháp chấn chỉnh”.

*Trần Thị Quốc Khánh, ĐBQH Hà Nội, (Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH):

“Ngoài lỗ hổng về mặt quy định, luật pháp thì để xảy ra thất thoát, lãng phí từ các công trình, DA có phần nguyên nhân ở cái tâm của người lãnh đạo. Đây là vấn đề trách nhiệm cá nhân cần phải được xem xét, xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, cần công khai hiệu quả đầu tư, sử dụng công trình, DA đó cho người dân biết”

(Thanh niên)

  • Ông Nguyễn Thanh Nghị: “Đề án đặc khu sẽ là bước ngoặt cho Phú Quốc”
  • Xuất ngoại tìm vốn cho dự án cao tốc
  • Siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Thủ tướng đã đồng ý
  • Hơn nửa dự án BT tại Hà Nội chưa có nhà đầu tư
  • Chuyên gia: Nên đầu tư "xe buýt nhanh" trước khi có metro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!