Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

10 giải pháp xử lý nhanh 50% nợ xấu ngân hàng?

picture
Theo VAFI, chính sách lương - thưởng cần xét lại, như là cách thức để giảm chi phí một cách hợp lý nhằm hỗ trợ cho việc tăng mức trích lập dự phòng nợ xấu.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có bản đề xuất 10 giải pháp xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo VAFI, 10 giải pháp cơ bản này “nhằm giảm nhanh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại (giảm ít nhất 50% nợ xấu) mà không tốn kém nhiều tiền của nhà nước (thông qua hình thành công ty AMC quốc gia); không những làm lành mạnh hệ thống ngân hàng thương mại mà còn giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và phát triển”.

10 giải pháp mà VAFI đề xuất như sau:

Một là, chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu , chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ.

Việc tăng trích lập dự phòng sẽ giúp ngân hàng thuơng mại nhanh chóng bù đắp tổn thất, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể giảm quỹ lương nhưng làm tăng khả năng tài chính nội tại của ngân hàng thương mại.

Hai là, cần có chính sách tiền lương, tiền thưởng hợp lý trong giai đoạn khó khăn hiện nay - đây cũng là cách thức để giảm chi phí một cách hợp lý nhằm hỗ trợ cho việc tăng mức trích lập dự phòng tỷ lệ nợ xấu.

Ba là, chứng khoán hóa các khoản nợ khó đòi, theo các phương pháp cụ thể.

Với tình huống doanh nghiệp có lịch sử quản trị kinh doanh tốt, đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc do tình hình kinh tế khó khăn, do các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động… thì có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển.

Chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn, cổ đông nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển.

Theo VAFI, đây là cách thức xử lý khá phổ biến theo thông lệ thế giới. Đối với Việt Nam, từ trước tới nay đã có rất nhiều trường hợp thành công, thể hiện không những cứu được doanh nghiệp khỏi nguy cơ giải thể phá sản mà còn  bảo toàn được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại.

Với cách làm này, sau khi chuyển đổi, các ngân hàng thương mại rất dễ dàng tìm được người mua là các nhà đầu tư chiến lược. Khi các ngân hàng thương mại chào bán các khoản nợ xấu, các nhà đầu tư chiến lược rất ngần ngại mua để trở thành chủ nợ mới vì sau khi mua họ khó có khả năng kiểm soát doanh nghiệp, nhưng nếu nắm cổ phần đa số họ sẽ dễ dàng thực hiện được các phương án tái cấu trúc cũng như thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp.

Các điều kiện cơ bản để tiến trình chứng khoán hóa được thành công, theo VAFI là: Trong vai trò đồng chủ nợ (các khoản nợ xấu) tại một doanh nghiệp nào đó, các ngân hàng thương mại cần tích cực nâng cao tính cộng đồng hơn nữa, phối hợp cùng nhau để xử lý nợ xấu; các ngân hàng thương mại cần tích cực sử dụng các công ty con của mình như công ty quản lý mua bán nợ, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tham gia chủ động tích cực vào tiến trình chứng khoán hóa.

Bốn là, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng lên 40%, đồng thời cũng cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lên mức 25% hoặc 30%/vốn điều lệ.

Cách đây vài tháng, đại diện Ngân hàng Nhà nước từng phát biểu sẽ xem xét tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng, VAFI tán thành ý kiến này, tuy nhiên cần triển khai nhanh giải pháp này, chứ đừng để “nghiên cứu lâu”, hiệp hội này nêu quan điểm.

Theo đó, việc triển khai nhanh sẽ có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay vì tăng sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và nhất là đối với các nhà đầu tư chiến lược; nếu giải pháp này ra đời sớm thì trong vòng 3 năm hệ thống ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm vài tỷ USD.

Năm là, cho phép một số ngân hàng nước ngoài có tiểm lực tài chính mạnh, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những ngân hàng yếu kém. Những ngân hàng yếu kém là những ngân hàng có quản trị kinh doanh yếu kém, có tỷ lệ nợ xấu rất cao.

“Với những đối tượng này nếu có hỗ trợ vốn hay xóa nợ xấu thì cũng khó trở thành ngân hàng mạnh được vì nền tảng cơ bản là cổ đông lớn yếu kém cả về quản trị doanh nghiệp lẫn khả năng tài chính. Tiếp tục cho tồn tại những ngân hàng yếu kém sẽ là gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, làm ảnh hưởng đến việc quản trị của hệ thống ngân hàng thương mại”, VAFI nhìn nhận.

Trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã được Chính phủ thông qua cũng có chủ trương cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém với tỷ lệ sở hữu cao, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước chưa chỉ rõ địa chỉ liên hệ cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tỷ lệ sở hữu?

VAFI cho rằng giải pháp như trên rất phổ biến đối với thông lệ thế giới. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1996 - 2001, nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia… đã sử dụng thành công giải pháp này để giúp cho hệ thống ngân hàng nhanh chóng hồi phục.

Còn nếu Ngân hàng Nhà nước còn băn khoăn với giải pháp trên thì cũng nên nhanh chóng thực hiện thí điểm với vài trường hợp để rút kinh nghiệm, VAFI khuyến nghị.

Sáu là, khuyến khích các ngân hàng thật sự mạnh mua lại những ngân hàng yếu kém.

Ở giải pháp này, nếu như chỉ định các ngân hàng mạnh, ngân hàng thương mại cổ phần có cổ phần đa số của nhà nước mua lại những ngân hàng ốm yếu mà không có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước thì e rằng các ngân hàng mạnh sẽ không tham gia. Các ngân hàng chỉ tự nguyện tham gia khi họ thấy có lợi vì họ phải có trách nhiệm với các cổ đông của họ.

Vì vậy cần cơ chế hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ ở đây không phải cho ngân hàng mạnh mà là vì mục tiêu xử lý nợ xấu, vì mục tiêu làm cho hệ thống ngân hàng thương mại mạnh lên.

Bảy là, miễn các loại thuế cho các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ.

Tám là, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nghiệp vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo VAFI, trong ba năm qua và nhất là giai đoạn hiện nay, số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công là không nhiều, do đó tiền thuế thu được không đáng kể. Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong nghiệp vụ phát hành trái phiếu sẽ có nhiều ý nghĩa: giảm lãi suất huy động, giúp cho hệ thống ngân hàng thương mại có điều kiện huy động vốn dài hạn, thay vì ngắn hạn như hiện nay; thúc đẩy tiến trình chứng khoán hóa các khoản nợ; giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, tăng tính ổn định trong việc huy động vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Chín là, nhanh chóng có nhiều giải pháp hữu hiệu để phá băng thị trường bất động sản.

Trong giai đoạn hiện nay vẫn còn hàng triệu người chưa có khả năng mua nhà, nếu giá nhà chỉ ở mức vài trăm triệu đồng/căn thì nhu cầu thực tế là rất lớn. Nếu nhà nước và doanh nghiệp bất động sản đáp ứng được nhu cầu trên thì chẳng những giải quyết được vấn đề an sinh xã hội mà còn đạt được mục tiêu là phá băng thị trường bất động sản và khi đó nợ xấu trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản… sẽ giảm nhanh chóng đồng thời giúp cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

VAFI đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề trên là nhanh chóng biến sáng kiến căn hộ nhỏ tối thiểu 25 m2 thành hiện thực; đẩy nhanh thủ tục hành chính trong việc cấp phép, sửa đổi giấy phép xây dựng nhà ở để làm sao giảm 70% thời gian duyệt cấp phép như hiện tại; nên giảm 50% thuế giá trị gia tăng trong các ngành kinh tế đang gặp khó khăn như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, sửa chữa tàu biền, vận tải biển nội địa, cơ khí; giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho các ngành bất động sản và vật liệu xây dựng cũng giúp cho việc giảm giá thành xây dựng nhà ở sẽ kích thích doanh số của các ngành này tăng nhanh và có lẽ chưa chắc tiền thuế giảm mà ngược lại.

Mười là, nên cơ cấu lại phân bổ ngân sách cho năm 2013 theo hướng tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Không đặt mục tiêu tăng thâm hụt ngân sách mà tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở giảm chi ở các ngành lĩnh vực chưa cấp thiết; tăng chi ngân sách cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng sẽ kích thích nhiều ngành kinh tế phát triển, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu để giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại.

(Theo Vneconomy)

  • 200 ngàn tỷ đồng nợ xấu: “Không AMC, không xử lý được!”
  • Ông lớn' ngân hàng sẵn sàng 'xả' tiền lãi 11%
  • Thế chấp hàng tồn: Ngân hàng khó mở hầu bao
  • Phía sau loạt “ra quân” giảm lãi suất về tối đa 15%
  • Từ 01/09: Hết thời "ăn đong" liên ngân hàng
  • Nói và làm: Xử nợ xấu có cần 'siêu công ty'?
  • Ngân hàng ngập ngừng báo lãi 6 tháng 2012
  • “Bức tranh” ngân hàng Việt Nam qua các con số
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!