Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bảo hiểm nông nghiệp “vườn không nhà trống”

Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nông dân nghèo hoặc cận nghèo đóng phí bảo hiểm
Hơn 10 năm trước, tại Việt Nam có hai doanh nghiệp bảo hiểm "nhảy" vào lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn giậm chân tại chỗ.

Tiên phong và… nản

Theo lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, ngoài quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì đa số nông dân Việt Nam vẫn chỉ dựa vào "ông trời" là lý do chính khiến BHNN không thể phát triển.

Những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực BHNN đành "bó tay", còn các nhà tái bảo hiểm không ai dám nhận tái bảo hiểm trong lĩnh vực này.

Mặc dù Bảo Việt rất quyết tâm và coi đây là mặt trận hàng đầu khi triển khai thí điểm BHNN từ năm 1982; đến năm 1993, triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa tại 16 tỉnh trên phạm vi cả nước và triển khai các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác như bảo hiểm chăn nuôi, bảo hiểm cây công nghiệp..., nhưng sau đó doanh nghiệp này không thể mở rộng được loại hình bảo hiểm này.

Những khó khăn, vướng mắc sau khi triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa khiến Bảo Việt nhận thấy rằng, BHNN không phải là nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần, mà mang tính xã hội rất cao, khó có thể thực hiện thành công nếu như Nhà nước chưa xây dựng một chính sách về BHNN.

Năm 2001, Groupama Việt Nam triển khai dịch vụ BHNN tại Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ Bảo Việt, doanh nghiệp này có những quy định chặt chẽ với sản phẩm được bảo hiểm…

Sau gần 5 năm triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Groupama Việt Nam đã ký được nhiều hợp đồng. Tuy nhiên, sau đó cũng không thể phát triển hơn. Sau thất bại của Bảo Việt và Groupama Việt Nam, đến nay chưa có thêm một hãng bảo hiểm nào "dấn thân" vào thị trường BHNN.

Theo một chuyên gia trong ngành, nếu chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp bảo hiểm nào mặn mà với BHNN, do đây là loại hình kinh doanh có nguy cơ thua lỗ cao, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn và thường xuyên. Sự thiếu kinh nghiệm và đội ngũ thực hiện BHNN còn yếu cũng là một khó khăn khiến loại hình dịch vụ này chưa phát triển. Trong khi đó, người dân chưa có thói quen và chưa hiểu biết nhiều về BHNN.

Đề án thí điểm BHNN đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu để trình Chính phủ trong năm 2009. Tuy nhiên, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tuy chủ trương đã có, nhưng làm thế nào và bắt đầu từ đâu vẫn là bài toán khó. "Đề án nếu có hoàn thành sớm thì cũng phải mất một thời gian thống nhất thí điểm triển khai nên cũng phải mất một thời gian nữa", ông Lộc nói.

Cần chiến lược dài hơi

Trao đổi với ĐTCK về chiến lược phát triển sang mảng BHNN, giám đốc một công ty bảo hiểm trong nước nói rằng, dù nhu cầu bảo hiểm cho tài sản mùa màng ngày một trở nên bức thiết, trong kinh tế thị trường, có cầu sẽ có cung, nhưng riêng lĩnh vực BHNN thì cung sẽ chậm hơn.

Vì để triển khai các sản phẩm BHNN, doanh nghiệp bảo hiểm cần có chiến lược dài hạn, vốn lớn, có đội ngũ chuyên gia nông học, có số liệu thống kê chi tiết nhiều năm về thiệt hại theo các loại dịch bệnh, thiên tai và từng địa phương, có hệ thống mạng lưới rộng khắp và đội ngũ cán bộ chuyên môn nhiệt tình…

"Phát triển BHNN có yêu cầu rất cao về nhân lực, vật lực nên ít nhất 5 năm nữa chúng tôi mới tính đến việc triển khai các sản phẩm này", ông này nói.

Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nước ngoài chia sẻ, khi phát triển bảo hiểm ở khu vực nông thôn, công ty buộc phải có hệ thống về phục vụ hành chính và các dịch vụ kinh doanh đi kèm khác biệt hơn so với hệ thống truyền thống đang tổ chức ở các thành phố lớn.

Theo các chuyên gia, để BHNN phát triển, nên gắn các chính sách về BHNN với chính sách tài chính đối với nông nghiệp, nông thôn để tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, thu hút doanh nghiệp bảo hiểm cũng như khuyến khích người dân tham gia…

Ông Lộc cho rằng, cũng cần có một công ty nhận tái BHNN làm nhiệm vụ nhận tái bảo hiểm cho những tổn thất vượt mức 50% để các DNBH yên tâm, ổn định tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán cho những thiệt hại xảy ra dưới mức 50%...

Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ một phần chi phí quản lý do DNBH khi triển khai BHNN, vì phát sinh thêm nhân viên hoặc đại lý bảo hiểm bám sát địa bàn để xử lý rủi ro, giám định tổn thất thiệt hại, giải quyết bồi thường. Thậm chí, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nông dân nghèo hoặc cận nghèo đóng phí bảo hiểm tương tự như sự hỗ trợ trong bảo hiểm y tế.

(Theo Ngọc Lan // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!