Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bảo hiểm phi nhân thọ nhắm tới dòng vốn ngoại

Để tăng năng lực tài chính của công ty cho phù hợp với yêu cầu mới, đồng thời thực hiện chiến lược phát triển, các công ty bảo hiểm đã chủ trương lựa chọn đối tác chiến lược và năm 2011 là một năm đánh dấu bước chuyển mình của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khi các doanh nhiệp này liên tục công bố đối tác chiến lược cũng như kế hoạch lên sàn chứng khoán.

Công ty bảo hiểm Toàn cầu GIC là một trong số đó. GIC đã tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng thông qua việc phát hành 25% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn bảo hiểm ERGO.

Ngày 2/3 vừa qua, cổ phiếu của Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chính thức giao dịch trên sàn HNX với mã cổ phiếu là PTI, số vốn niêm yết là 450 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) thứ 4 thực hiện niêm yết trên HNX. Sau khi niêm yết, tìm cổ đông chiến lược nước ngoài cũng là một trong những định hướng đến năm 2015 của PTI.

Tháng 12/2010, BIC đã được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận bảo lưu mã chứng khoán BIC và hiện nay, Tổng công ty đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan để thực hiện niêm yết cổ phiếu vào cuối tháng 3/2011.

Một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhận định, với áp lực huy động vốn để mở rộng kinh doanh và chuyên nghiệp hóa hoạt động, thời gian tới sẽ còn nhiều doanh nghiệp bảo hiểm PNT tìm sự hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài. Hiện tại, gần 50% doanh nghiệp bảo hiểm PNT của Việt Nam đã có sự tham gia đầu tư của nước ngoài với các loại hình đa dạng: 100% vốn, liên doanh, cổ đông chiến lược. Ngoài cổ đông chiến lược, các doanh nghiệp đã niêm yết còn có sự tham gia đầu tư của nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp.

Sự tương đồng trong lĩnh vực hoạt động và khả năng hỗ trợ công nghệ, quản trị điều hành theo chuẩn mực quốc tế và mở rộng thị trường là những yếu tố mà các doanh nghiệp bảo hiểm PNT rất cần từ các đối tác chiến lược nước ngoài. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đã có những thay đổi về hoạt động quản trị kinh doanh cũng như công nghệ sau khi hợp tác với các tập đoàn nước ngoài và các công ty bảo hiểm này đều đã đạt được kết quả khả quan.

Ông Hồ Nam Thắng, Chủ tịch HĐQT GIC cho biết, GIC xây dựng được mạng lưới 7.500 đại lý, chủ yếu tập trung ở vùng Tây Bắc và phía Bắc nói chung. Thủ tục giải quyết được xử lý ngay tại các đại lý chứ không cần chờ chuyển hồ sơ lên Công ty. Tuy vậy, trình độ công nghệ thông tin (CNTT) tại các đại lý của GIC vẫn chưa theo kịp và vẫn đang trong quá trình nâng cấp. Do đó, GIC hi vọng được tiếp thu hệ thống CNTT và hệ thống sản phẩm hoàn chỉnh từ ERGO - Tập đoàn đã có rất nhiều kinh nghiệm tại thị trường bảo hiểm ô tô và xe 2 bánh tại Ấn Độ.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với ERGO thiết kế lại sản phẩm, kết hợp với hệ thống CNTT để tăng thị phần của GIC trên thị trường. Đặc biệt, nếu đưa được công nghệ quản lý bằng CNTT vào, thì việc trục lợi cá nhân sẽ giảm", ông Thắng chia sẻ.

Còn theo ông Jochen Messemer, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn ERGO, Tập đoàn cũng sẽ bổ nhiệm một giám đốc về khai thác bảo hiểm ở Việt Nam. Ngoài ra,  ERGO cũng sẽ hỗ trợ GIC phát triển hệ thống IT và quản lý rủi ro.

Trong định hướng phát triển BIDV trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam, bảo hiểm được xác định là một trong những trụ cột hoạt động chính. Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng cho biết: tỷ lệ góp vốn đầu tư của BIDV tại BIC sẽ giảm dần thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, cán bộ nhân viên để tăng tính đại chúng, minh bạch, công khai trong hoạt động của BIC.

Ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIC, cũng cho biết, trong năm nay, BIC sẽ tập trung cho việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài, thực hiện định hạng tín nhiệm doanh nghiệp.

Gọi vốn ngoại cũng là mục tiêu của khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác trong nước. Dù khó, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn rất tự tin vào giải pháp thu hút dòng vốn ngoại kèm theo các cam kết hỗ trợ này. Thực tế, với sức ép cạnh tranh và nhu cầu phát triển bền vững và hiệu quả, sẽ có những doanh nghiệp bứt phá và thu hút dòng vốn đầu tư bằng sự năng động và tiềm năng phát triển.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!