Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các ngân hàng đang gặp những khó khăn gì?

picture
VNBA kiến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa tổng hợp ý kiến của các ngân hàng thương mại, gửi tới Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) theo yêu cầu báo cáo tình hình tổ chức hội viên về việc rà soát thực trạng hoạt động doanh nghiệp trong Hiệp hội.

Theo bản tổng hợp này, các ngân hàng thương mại đang đối mặt với những khó khăn trong huy động và cho vay, dẫn đến khó đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và dẫn đến những hạn chế nội tại.

VNBA cho biết, về huy động vốn, với trên 90% tỷ trọng vốn của ngân hàng hiện nay là nguồn vốn ngắn hạn, gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc quản trị nguồn vốn, khó bảo đảm cân đối kỳ hạn. Kỳ hạn huy động vốn bình quân có xu hướng rút ngắn trong khi kỳ hạn cho vay bình quân dài, tạo nguy cơ rủi ro kỳ hạn và lãi suất.

Hơn nữa, sự mất cân đối kỳ hạn vốn của ngân hàng hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do các doanh nghiệp này chủ yếu vay vốn trung và dài hạn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Về tăng trưởng tín dụng, trên cơ sở ý kiến của các hội viên, VNBA cho rằng, do hàng tồn kho lớn, sản xuất của các khách hàng đang suy giảm nghiêm trọng, các ngân hàng khó khăn trong thu nợ (gốc, lãi), nợ xấu có xu hướng tăng cao.

Một số lĩnh vực cho vay cần ưu tiên như cho vay nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn do khách hàng vay không đủ điều kiện để ngân hàng xem xét cho vay (không có phương án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả không có hoặc không đủ tài sản bảo đảm, tình hình tài chính không minh bạch, nợ xấu phát sinh do không tiêu thụ được sản phẩm...).

Cụ thể hơn, ở tình hình huy động vốn, những tháng đầu năm lạm phát tăng cao, các ngân hàng gặp khó khăn, nguồn vốn huy động toàn hệ thống có xu hướng giảm. Tuy nhiên, sau khi có Chỉ thỉ 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, với việc xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm trần lãi suất huy động vốn, VNBA nhìn nhận rằng hầu hết các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc thực hiện trần lãi suất; hiện tượng chạy đua lãi suất, khách hàng mặc cả lãi suất với ngân hàng trước đây, đến nay nhìn chung đã giảm đáng kể. Đến 23/3/2012, mặc dù trần lãi suất huy động đã giảm 1% nhưng tổng nguồn vốn huy động của hệ thống đã tăng 1,5% so với cuối năm 2011.

Qua thực tế tình hình huy động vốn, theo VNBA, một số ngân hàng thương mại có lợi thế về mạng lưới, thương hiệu, nguồn vốn huy động tăng mạnh; một số ngân hàng quy mô nhỏ huy động vốn trên thị trường 1 gặp khó khăn, một số khác quản trị rủi ro thanh khoản yếu, vốn huy động phụ thuộc lớn vào thị trường 2, nắm giữ ít giấy tờ có giá, thực hiện cạnh tranh lách huy động vốn với lãi suất cao đã ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khác và gây mất ổn định thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước có biện pháp xử lý kịp thời thông qua tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở và các biện pháp khác, nên về cơ bản thanh khoản VND toàn hệ thống hiện vẫn đảm bảo.

Về tín dụng, báo cáo của VNBA tổng hợp rằng các tổ chức hội viên đã điều chỉnh lãi suất cho vay VND theo xu hướng giảm dần, phù hợp với xu hướng giảm của lãi suất huy động. Và mặc dù, các ngân hàng đã “giảm mạnh” mức lãi suất cho vay, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành cuối năm 2011 chỉ đạt 12%, còn trong những tháng đầu năm 2012, dư nợ cho vay nền kinh tế giảm mạnh, đến 23/3/2012 giảm khoảng 2% so với cuối năm 2011.

Về chất lượng tín dụng và tỷ lệ nợ xấu, trong bối cảnh lãi suất vẫn còn cao, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiềm ẩn rủi ro, các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, làm dư nợ quá hạn và nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng đến 29/2/2012 là 3,42%.

Cũng theo VNBA, thu nhập của ngân hàng đến chủ yếu từ hoạt động cho vay, nhưng năm qua với điều kiện kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng, nguồn thu từ hoạt động tín dụng của hầu hết các ngân hàng bị ảnh hưởng, dẫn đến hiệu quả hoạt động của hầu hết ngân hàng bị giảm sút đáng kể. Biên độ lợi nhuận bị thu hẹp so với năm 2010, tỷ lệ ROA, ROE có xu hướng giảm; đến tháng 10/2011, tỷ lệ ROA toàn hệ thống đạt 1,02%, ROE đạt 10,4%.

Với những khó khăn và thực tế trên, đầu mối đại diện tiếng nói cho các ngân hàng thương mại kiến nghị Chính phủ với một số giải pháp cơ bản.

Cụ thể, VNBA cho rằng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xử lý khối lượng hàng tồn kho lớn, đặc biệt có các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, giải tỏa vốn vay ngân hàng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thông qua chính sách hoãn, giãn thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên hoặc bảo lãnh của nhà nước khi vay vốn.

Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho các khách hàng lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, với thời gian phù hợp.

Cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mua bán nợ, mua bán tài sản đảm bảo, giải thể, sáp nhập, mua bán các công ty, doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại cho vay.

Chính phủ cần có chính sách kích cầu tiêu dùng để khuyến khích người dân dùng hàng nội trên cơ sở thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, thu hồi được vốn tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh…

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!