Trong khi đó, mặc dù có lợi nhuận cao hơn (đạt trên 8.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), nhưng năm 2011, cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) có thu nhập trung bình 20,97 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức bình quân của Vietcombank gần 1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Theo lý giải của những người có trách nhiệm của các ngân hàng trên, đó là mức thu nhập bình quân, bao gồm tất cả các khoản khác như tiền làm ngoài giờ, thưởng…, chứ không phải tiền lương. Dù vậy, đó cũng đã là mức thu nhập khiến không ít người thèm muốn, ngay cả trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố vừa qua cho thấy, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm vẫn giữ ngôi quán quân trong năm 2011, nhưng trung bình cũng chỉ ở mức 5,61 triệu đồng/tháng. Các tiêu chí thống kê có thể có những điểm còn khác nhau, nhưng con số chênh lệch đó cũng cho thấy, nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn và thu nhập của lao động ngành này cao hơn nhiều mặt bằng chung.
Trong khi đó, đã có ngân hàng đầu tiên công bố lỗ trong quý IV/2011, đó là Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank), thông báo lỗ hơn 41 tỷ đồng trong quý IV/2011, do chi phí hoạt động tăng mạnh cùng với trích lập dự phòng hơn 132 tỷ đồng. Cụ thể, Habubank có thu nhập lãi thuần đạt hơn 283 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2011. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 18,6 tỷ đồng trong quý. Các chỉ tiêu khác như lợi nhuận dịch vụ, đầu tư chứng khoán, hoạt động khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2011. Trước đó, quý III/2011, cũng có một số ngân hàng báo lỗ, như Ngân hàng Tiên Phong lỗ hơn 50,6 tỷ đồng. Đến nay, chưa có thông tin về mức thu nhập bình quân cũng như mức lương của các ngân hàng này.
Trong bối cảnh DNđang khó khăn vì lãi suất cao, khó vay vốn, thì lợi nhuận của các nhà băng và thu nhập của cán bộ ngành ngân hàng cho đang nhận được những ý kiến khác nhau. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, các ngân hàng cũng là DN, nên kết quả kinh doanh tốt của ngân hàng là đáng mừng, điều quan trọng là ngân hàng làm ăn đúng đắn.
Lý giải về các trường hợp ngân hàng báo lỗ, ông Hiếu cho rằng, do trước kia, các ngân hàng đã không đưa đầy đủ nợ xấu vào bảng hạch toán, nay phải trích lập dự phòng, hoặc không thu hồi được nợ, phải thể hiện vào sổ sách, tất yếu sẽ báo lỗ. Với xu hướng này, đặc biệt là thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc, giảm lượng vốn lớn ở đó, thì số lượng ngân hàng báo lỗ có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đánh giá lợi nhuận ngân hàng cần khách quan, trên cơ sở các số liệu chính xác. Nếu ngân hàng có lợi nhuận cao, đồng thời nợ xấu ít và chất lượng dịch vụ tốt thì rất đáng hoan nghênh, nhưng nếu lợi nhuận cao chỉ do chênh lệch tiền vay với tiền gửi thì không ổn.
------------
Tác giả: Bá Thư // Nguồn: Báo Đầu Tư