Đẩy lãi suất huy động cao là dấu hiệu mất tính thanh khoản. Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại hiện nay so với thế giới là quá cao.
Thế nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn cứ phải vay, nếu không vay thì không có vốn để sản xuất kinh doanh. Để gỡ bài toán này, sáng 31-3 tại UBMTTQ Việt Nam TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, chia sẻ: “Nếu chúng ta quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11, chúng ta sẽ kiềm chế được lạm phát và lãi suất không phải là 14% mà có thể giảm xuống 12%”.
Mạnh tay cắt giảm chi tiêu công để giảm lãi suất
Theo ông Ngân, hiện nay các ngân hàng thương mại đang cạnh tranh rất khốc liệt với nhau nên lãi suất bị đẩy lên từng ngày. Khách hàng gửi không thời hạn lấy ra bất kỳ lúc nào cũng 14%. Điều này có lợi cho người dân nhưng lại rất nguy hiểm cho ngân hàng. Nếu ngân hàng cứ đổ dồn hết vào lãi suất cho vay thì không ổn. Đặc biệt là những ngân hàng nào mạnh tay cho vay bất động sản thì bây giờ càng nguy hiểm.
Theo ông Ngân, phải nhanh chóng hạ mặt bằng lãi suất. Để làm được điều này, ông Ngân đề nghị Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu công mạnh hơn nữa. “Theo tôi, cắt giảm chi tiêu công ở mức như hiện nay là chưa đủ. Kết quả rà soát cắt giảm các dự án trong kế hoạch năm 2011 mà Chính phủ vừa công bố cho thấy đã cắt giảm được 1.387 dự án với tổng số vốn gần 3.400 tỉ đồng. Con số này chỉ chiếm chưa tới 1% chi tiêu công. Tôi mong muốn phải cắt giảm ít nhất 10%. Ở đây cần hiểu cắt giảm không có nghĩa là chỗ nào cũng cắt mà chúng ta phải chọn cắt ở những lĩnh vực đầu tư không hiệu quả, đặc biệt là những công trình làm đẹp. Còn chín tháng tiếp theo của năm 2011, cần phải tiếp tục cắt giảm để lấy tiền đó hỗ trợ cho DN, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Ngân nói.
Khoanh vùng những ngân hàng yếu thanh khoản
Theo ông Ngân, hiện nay đã có một số ngân hàng bị mất tính thanh khoản. Việc các ngân hàng này đẩy lãi suất huy động cao là dấu hiệu đang mất tính thanh khoản. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải khoanh vùng những ngân hàng này để có biện pháp hỗ trợ, tránh để tình trạng này lây lan qua các ngân hàng khác.
Một trong những giải pháp để củng cố tính thanh khoản cho ngân hàng, theo ông Ngân là phải đẩy lãi suất đầu ra, hạn chế lãi suất đầu vào. Các ngân hàng phải nhanh chóng cắt giảm chi phí. Đặc biệt Hiệp hội ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc để thiết lập một trật tự mới về lãi suất.
Ông Ngân cho biết trên thế giới, chuyện ngân hàng phá sản không phải là điều hiếm. Còn mười mấy năm qua ở Việt Nam các ngân hàng thương mại hoạt động rất êm ả vì được Ngân hàng Nhà nước bảo bọc. Điều này vô hình trung đã tạo nên tính ỷ lại cho các ngân hàng thương mại. Vì vậy, muốn các ngân hàng mạnh lên, Ngân hàng Nhà nước cũng cần giảm bớt những chuyện bảo bọc không cần thiết. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tính thanh khoản nhưng không nên cho vay. Như vậy mình sẽ chặn đứng được tình trạng lãi suất bát nháo như hiện nay.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com