Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cân nhắc khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Gần đây, thị trường tài chính xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dự định tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) để kiềm chế lạm phát.
 
Trước đó, NHNN đã phát tín hiệu điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể xảy ra nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng đứng trước nguy cơ vượt mục tiêu đề ra cho cả năm là dưới 20%.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 của ngành Ngân hàng ngày 3/3 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu có nhấn mạnh: “Tín dụng 2 tháng đầu năm nay tăng 3,61%. Con số này phù hợp với mục tiêu đặt ra cho cả năm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Chính vì vậy, NHNN chưa sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc. Nếu đến cuối tháng 3 này mà tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt trên 5%, tháng 6 tăng trưởng tín dụng trên 9-10%, tháng 9 trên 15% so với cuối năm ngoái thì chắc chắn NHNN sẽ sử dụng công cụ này. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, NHNN phát tín hiệu điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể xảy ra nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng đứng trước nguy cơ vượt mục tiêu đề ra cho cả năm”.

Đến cuối tháng 3 này mới có công bố của NHNN về tăng trưởng tín dụng tháng 3 nhưng trong báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương ngày 18/3 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 10/3, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% và tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7% so với 31/12/2010.

Với tốc độ tính đến ngày 10/3 nói trên, báo cáo cho rằng "với tiến độ này có thể kiểm soát tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán đã được đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP". Trong Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ còn dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.

Hơn nữa, trong Chỉ thị 01/CT-NHNN của NHNN có nói sẽ tăng dự trữ bắt buộc đối với những tổ chức tín dụng nào không thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực sản xuất từ 18,7% xuống còn 16% đến cuối năm 2011 trong toàn hệ thống ngân hàng. Mục tiêu của việc làm này là nhằm giảm tỷ trọng cho vay các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và cho vay tiêu dùng để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh. Theo đó, ngân hàng bị phạt sẽ phải chịu mức dự trữ bắt buộc gấp đôi so với ngân hàng khác trong 6 tháng cuối năm 2011 và cả năm 2012, ngân hàng bị phạt buộc phải giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống theo quy định. Như vậy, việc tăng dự trữ bắt buộc chỉ xảy ra đối với những ngân hàng nào không thực hiện nghiêm túc giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất vào cuối năm 2011.

Ngoài ra, an toàn hệ thống vẫn là mục tiêu hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và vấn đề lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là thanh khoản, việc tăng dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát như một số quan điểm đưa ra gần đây được nhận định là chưa phù hợp. Theo NHNN, vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng Việt Nam cần được xét đến đầu tiên nếu tăng dự trữ bắt buộc.

Một lãnh đạo NHNN cho biết, từ tháng 10/2007 đến nay, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng luôn hụt hơi, cao lắm là cân bằng. Thanh khoản ngân hàng chỉ tràn trề vào giai đoạn 2006 và 3 quý đầu năm 2007 do nền kinh tế chưa hội nhập sâu rộng. Còn sau khi gia nhập WTO, thanh khoản của ngân hàng chỉ cầm cự được sau hơn hai tháng do độ mở của nền kinh tế rộng hơn.
 
Cũng theo NHNN, lâu nay trong điều kiện bình thường thanh khoản mỗi ngày chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng là đảm bảo nhưng chỉ cần giảm 5.000 tỷ đồng là toàn hệ thống đã có vấn đề.

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, nếu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các ngân hàng sẽ chạy đua lãi suất huy động vốn nhằm cân bằng thanh khoản, bù đắp cho phần thiếu hụt do phải nộp cho dự trữ bắt buộc tăng thêm. Hơn nữa, việc tăng dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với việc tăng giá thành trên một đồng vốn. Khi giá vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại bị đội lên sẽ đẩy lãi suất cho vay cao, do vậy lộ trình giảm lãi suất của Chính phủ sẽ khó thực hiện. Không phải doanh nghiệp nào cũng “kham” được mức lãi suất cao và như vậy doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu hàng hóa, nhu cầu USD cao, tạo áp lực lên tỷ giá. Do đó, NHNN cần cân nhắc kỹ trước khi tăng dự trữ bắt buộc.

(Dân Trí)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!