Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CBA nói gì về chiến lược thận trọng của VIB?

picture
Thận trọng là sự chủ động cần thiết để VIB vững vàng lúc này và mạnh hơn trong tương lai khi môi trường kinh doanh tốt lên, thị trường xuất hiện cơ hội phục hồi.

Có một nét tương đồng giữa VIB với cổ đông chiến lược nước ngoài CBA đang thể hiện: thận trọng và tăng cường phòng thủ trước biến động bất lợi của nền kinh tế.
    
Với khoản đầu tư tương đương 200 triệu USD, ứng với tỷ lệ sở hữu 20%, và với vai trò cổ đông chiến lược nước ngoài, Commonwealth Bank of Australia (CBA) có nhiều lý do để theo sát mỗi bước đi của Ngân hàng Quốc Tế (VIB), ở hầu hết các khía cạnh hoạt động.

CBA nói gì khi VIB có sự giảm tốc về tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là tín dụng và lợi nhuận, đồng thời mạnh dạn trong trích lập dự phòng rủi ro?

Năm 2011, kết quả kinh doanh của VIB thu hút sự chú ý của thị trường khi con số trích lập dự phòng rủi ro lên tới 974 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2012, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục ghi nhận 618 tỷ đồng. Rõ ràng lợi nhuận bị chia sẻ và lợi ích trước mắt của cổ đông bị ảnh hưởng.

Trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo VIB vừa qua, ông Simon Blair, Giám đốc Dịch vụ đầu tư tài chính quốc tế CBA, cũng đề cập cụ thể đến nội dung này và đưa ra quan điểm.

“Việc VIB trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như năm vừa qua là việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này cũng thể hiện quan điểm thận trọng của lãnh đạo ngân hàng trong việc lựa chọn cho mình chiến lược phát triển một cách bền vững trong môi trường kinh doanh đầy thách thức”, ông Simon Blair nói.

“CBA là một trong 20 ngân hàng an toàn nhất thế giới và chúng tôi cũng duy trì một chính sách dự phòng rất thận trọng. Do vậy, chúng tôi đánh giá cao đối tác của mình trong việc xác định quan điểm và chiến lược phát triển tương đồng như vậy”, ông Simon Blair cho biết thêm. Ông cũng khẳng định VIB là một trong những đối tác đầu tư tốt nhất của mình.

Sự thận trọng này không chỉ là sự tương đồng giữa VIB và CBA, mà còn là quan điểm chung về yêu cầu nâng cao khả năng phòng thủ rủi ro trước môi trường kinh doanh nhiều biến động bất lợi của nhiều tổ chức đầu tư quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà trong bản góp ý xây dựng cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro trước đây, nhóm công tác ngân hàng nước ngoài đều thống nhất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng tỷ lệ trích lập dự phòng hiện tại, hoặc quy định đó chỉ là những mức tối thiểu.

Ở một khía cạnh khác, vị lãnh đạo nói trên của CBA cho rằng, việc tăng cường dự phòng rủi ro ở đây không chỉ thể hiện quan điểm thận trọng về đánh giá mức độ rủi ro của môi trường hoạt động, mà còn gia tăng khả năng tài chính trong việc xử lý, các tình huống xấu hơn của thị trường, và thể hiện sự minh bạch trong hoạt động.

Cùng quan điểm trên, phát biểu tại hội nghị ngành ngân hàng ngày 7/7 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB, ông Hàn Ngọc Vũ đề nghị rằng, có thể xem xét thay đổi phương thức quản trị đối với ngưỡng nợ xấu 3% hiện nay để các ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn nữa trong trích lập dự phòng, minh bạch hơn nữa trong thông tin ra thị trường.

Với thực tế tại ngân hàng mình, ông Hàn Ngọc Vũ giải thích: thứ nhất, việc tăng cường trích lập dự phòng là phản ánh quy định của pháp luật; thể hiện xác xuất xảy ra tổn thất đối với loại rủi ro mà ngân hàng đang kinh doanh; thứ hai, rất quan trọng là nó thể hiện khẩu vị, thái độ của người quản lý ngân hàng đối với những rủi ro đang xảy ra trên thị trường.

Sự liệu tính đó thực tế đang thể hiện ở xu hướng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao từ đầu năm đến nay; nền kinh tế gặp nhiều khó khăn với hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, co cụm trong sản xuất kinh doanh… Và theo dự tính của ông Vũ, thị trường còn tiếp tục có nhiều biến động tiêu cực, ảnh hướng xấu cho hoạt động kinh doanh; theo đó, VIB thận trọng ở mức độ cao trong đánh giá môi trường kinh doanh thời gian qua và hiện nay.

“Tuy nhiên, trích lập dự phòng không nhất thiết phải là con số đã mất đi trong hoạt động kinh doanh, mà thể hiện ước đoán của người làm kinh doanh với môi trường kinh doanh như vậy thì khả năng xảy ra rủi ro tối đa đối là như thế nào. Khi trích lập như vậy chúng tôi không cho rằng mình đã mất đi con số đó mà đó là khả năng có thể xảy ra nếu tình hình tiếp tục xấu đi hơn nữa”, ông Vũ giải thích thêm.

Đó là sự chủ động, mà Chủ tịch VIB cho là cần thiết để ngân hàng vững vàng lúc này và mạnh hơn trong tương lai khi môi trường kinh doanh tốt lên, thị trường xuất hiện cơ hội phục hồi.

Tại buổi làm việc nói trên, ông Simon Blair, Giám đốc Dịch vụ đầu tư tài chính quốc tế CBA, cũng nhấn mạnh quan điểm: “Với kinh nghiệm đầu tư thành công của CBA tại nhiều thị trường, chúng tôi đánh giá các số liệu về lợi nhuận hay chỉ số sinh lời của một ngân hàng thường không thể hiện hết giá trị của ngân hàng đó, tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng mới là điều quan trọng. Sau gần 3 năm trở thành cổ đông chiến lược của VIB, chúng tôi vẫn đánh giá tiềm năng tăng trưởng tốt của VIB và thị trường Việt Nam”.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!